Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Chuyện kể về chúa tiên Nguyễn Hoàng

Chia sẻ
Chúa tiên Nguyễn Hoàng

-Mai, chúng ta thu xếp rồi lên đường ngay.

-Đi đâu vậy anh?

-Thuận Hóa.

Nguyễn Hoàng đáp nhanh trong khi bận rộn cất những đồ quý giá vào rương. Bà Nguyễn Thị Mai há hốc miệng, không tin những gì chồng vừa trả lời. Thuận Hóa? Tại sao lại là xứ Ô châu ác địa đó? Nguyễn Hoàng nói:

-Anh sẽ giải thích sau. Nhanh, chúng ta không phải đi du lịch đâu. Em muốn đem theo những gì thì đóng thùng hết trong hôm nay. Lát anh sẽ chuyển tất cả lên tàu vào nam.

Ông sai gia nhân khệ nệ vác rương ra ngoài. Nguyễn Hoàng quẹt mồ hôi, xắn tay áo lên thu dọn tiếp. Bà Mai cũng tất tả phụ chồng. Thì ra ông đang chuẩn bị chạy nạn. Hoàng vốn là con trai thứ của danh tướng Nguyễn Kim. Năm 1527, xảy ra sự biến Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, lúc ấy Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi. Cha ông đã phải tránh sang Lào, xây dựng lực lượng để tìm cách khôi phục nhà Lê. Nguyễn Hoàng được chú ruột Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng trong khi cha đi “công tác xa”.

-Nhà mình không đi ngay bây giờ thì chết không có chỗ chôn đâu Mai. Trịnh Kiểm...

Nguyễn Hoàng ngừng lại để quan sát xem có ai nghe lén không, rồi nói khẽ:

-...đang có âm mưu giết anh.

Như mình đã viết ở bài trước, Trịnh Kiểm giúp Nguyễn Kim đánh Mạc, cứu sống ông nên được Kim gả con gái cưng cho. Về sau Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc. Việc Dương Chấp Nhất xin hàng chỉ là kế "trá hàng" vì ông ta vốn là một tay mưu sĩ nhà Mạc. Khi thấy chủ của mình là Mạc Đăng Doanh luôn đau đầu với nhà Lê, Dương Chấp Nhất đã tìm cách xâm nhập vào nội bộ đối phương để phá hoại và đích thân mình thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Nhưng điều ấy vô nghĩa vì mọi quyền lực của Nguyễn Kim sau đó lại được trao cho ông con rể quý hóa cũng hùng tài không kém. Tội Dương Chấp Nhất vãi, lao tâm khổ tứ mà chẳng được gì. =))

Trịnh Kiểm suy nghĩ:

-Hoàng là một thằng giỏi mà dũng cảm, thật là hổ phụ sinh hổ tử. Tự nó chém được tướng Trịnh Chí của quân Mạc. Lúc này thì chưa sao, nhưng nếu không sớm trừ khử thì cơ đồ của họ Trịnh mà ta ấp ủ về sau có nguy cơ mất trắng. Một rừng không thể có nhiều hổ, có ta thì không có mấy thằng con ông Kim.

Một hôm, Nguyễn Uông dù không đau ốm gì tự nhiên lăn đùng ra đột tử. Cái chết oan nghiệt và mờ ám này đã làm cho cậu em Nguyễn Hoàng vô cùng lo ngại, ông cảm thấy rằng bản thân mình sẽ là đối tượng của một âm mưu ám sát. Nguyễn Hoàng vốn là người thông minh nên cũng đoán ra ai là thủ phạm, nhưng vì lúc này thật sự quyền lực nhà Lê nằm hết trong tay Trịnh Kiểm rồi, có muốn bật lại cũng không đủ lực. Một người khác còn lo lắng hơn đó là Ngọc Bảo, bà rất sợ cho tính mạng của đứa em út của mình. Hai chị em bàn tính với nhau:

-Chị nói giùm anh Kiểm cho em vào miền nam trấn thủ.

-Trong đó khắc nghiệt lắm Hoàng, nghĩ kỹ chưa em? 

-Khổ mấy cũng được!

Bà Ngọc Bảo gật đầu nhận lời em. Đêm về khi Trịnh Kiểm tháo giày chuẩn bị lên giường thì bà nhẹ nhàng ôm chồng thủ thỉ:

-Thằng em trai em muốn xin vào trấn nhậm mặt phía nam, anh thấy được không?

Là vợ chồng nên Ngọc Bảo hiểu rõ ông xã của mình đang rất khó xử về việc không biết phải giải quyết làm sao với cậu em út của vợ. Để Nguyễn Hoàng ở trong triều thì nhiều lời bàn tán, nhất là sau cái chết đầy bí ẩn của Nguyễn Uông. Trịnh Kiểm đưa mắt nhìn vợ rồi nói:

-Ờ vậy à, để anh tính…

Khi đã buông màn, Trịnh Kiểm vắt tay lên trán nghĩ:

-Đất Thuận Hóa ở phía bên đèo Ngang ấy chỉ có thằng điên mới muốn đến, vừa khô cháy, vừa cằn cỗi. Chưa kể bọn hải tặc hung dữ xuất hiện rất nhiều. Lực lượng của chúng lại vô cùng hùng hậu, có nhiều chiến thuyền cỡ lớn, binh sĩ lại giỏi nghề biển, súng ống tối tân, quân đội của ta đã nhiều phen ra sức tiễu trừ nhưng vẫn không tiêu diệt được. Giờ ta giết thằng Hoàng thì cũng mang tiếng, nó tự nguyện dẫn xác vào Ô châu ác địa thì còn gì bằng. Vùng đó cũng nghèo nàn, nó cũng chẳng cách nào để xây dựng lực lượng đánh lại ta được.

Thế là ông đồng ý và hôm sau ra lệnh cho Hoàng phải đi ngay lên đường. Nguyễn Hoàng đưa gia quyến theo đường biển dong buồm vào nam. Đây là dựa vào kế của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi Nguyễn Hoàng tới hỏi. Cụ Khiêm chỉ vào một hòn non bộ và phán:

-Một dải Hoành Sơn có thể dung thân được.

Đoàn thuyền của Hoàng vượt qua dãy Hoành Sơn, tiến vào địa phận Thuận Hóa (nay thuộc Quảng Bình - Quảng Trị - Huế). Hoàng mỉm cười:

-Đến rồi!

Thuyền cập bến Cửa Việt, cả một vùng mênh mông cát trắng xóa. Trong khi gia nô và thuộc tướng đang bốc dỡ hành lý thì Nguyễn Hoàng kéo khăn trùm đầu của áo khoác lữ hành lên rồi đi quan sát thực địa. Ông nheo mắt khi một luồng gió khô khốc thổi tới:

-Nóng như thế này thì làm sao phải mặc?

Mùa hè mảnh đất Quảng Trị gió Lào thổi ù ù làm cát bụi dọc đường thiên lý bay mịt mờ như ai ném cát lên không trung. Còn về mùa mưa, nhất là mưa mấy tháng đông kéo dài thì buồn lắm. Tuy không đến nỗi Hà Nội mùa này phố cũng như sông, cái rét đầu đông em tôi bơi từng chiều trên phố, nhưng quả thật đây là vùng đất khắc nghiệt chưa từng thấy. Nguyễn Hoàng khát cháy cả cổ, mồ hôi đầm đìa, ông lấy túi da ra đưa lên miệng hớp một ngụm nước lớn. Chú ruột Nguyễn Ư Dĩ than:

-Ông cụ Khiêm bày dại ghê, chỗ này sao mà ở được? Có khác quái gì hỏa diệm sơn trong tây du ký đâu?

-Trước mắt thoát được Trịnh Kiểm là tốt rồi, từ từ cháu sẽ lo liệu mọi thứ chu đáo. Yên tâm đi.

Nguyễn Hoàng động viên chú mình. Ông cho đóng trại ở Ái Tử để ổn định cuộc sống. Đây là một địa danh có cái tên hết sức dễ thương, vì Ái Tử nghĩa là Yêu Con:

"Mẹ thương con ra cầu Ái tử,
Vợ trông chồng lên núi Vọng phu."

Quan trấn thủ Thuận Hóa nghe Nguyễn Hoàng đến liền phi ngay tới chỗ ông để dâng bản đồ, sổ sách trong xứ. Hoàng hỏi:

-Ở đây sống sướng không?

Quan thiệt thà:

-Sướng con mắt ông chứ sướng. Cực thấy mẹ luôn. Thôi tui bàn giao hết rồi đó, gánh giùm nha. =))

Người dân địa phương hết sức vui mừng khi biết triều đình đã cử một vị quan cực lớn vào trấn nhậm xứ sở của mình. Họ đã đón tiếp vô cùng trọng thể, linh đình chẳng kém tiếp đón nguyên thủ quốc gia xuống sân bay Nội Bài, đồng thời gọi Nguyễn Hoàng là Chúa. Những bô lão trong xứ đã mang đến dâng lên Chúa Hoàng 7 vò nước tinh khiết. Ông Nguyễn Ư Dĩ bèn cười: 

-Cháu mới đến trấn nhậm đất này mà được người dân tặng nước cho, ấy là điềm sẽ có được nước vậy.

Hoàng phấn khởi, cho rằng đó là điều cực kỳ may mắn. Ông đọc lại câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

-Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân!

Mình xét về địa lý thì nước ta về phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào, phía đông giáp Biển Đông, nam giáp Chăm. Trong các hướng đó, đâu là nơi có thể mở mang bờ cõi?

Lên phía bắc thì không thể vì thằng Tàu nó đánh cho ba má không nhận ra. Với cả tư tưởng của nước Việt thời phong kiến luôn xem Tàu là thiên triều, mỗi triều đại của ta sau khi thành lập đều phải được sự thừa nhận của thiên triều mới là chính thống, còn lại là ngụy triều hết. Do vậy trừ Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ thì hầu như chưa có ai nghĩ đến việc gây sự với Tàu.

Dãy Trường Sơn hùng vĩ như vạn lý trường thành. Bên kia biên giới là lãnh địa của các bộ tộc Lào, cũng là đàn em của thiên triều. Nếu mở rộng qua phía tây thì mình phải đục nhau với hai thằng Miến Điện và Thái Lan nữa, rất phiền. Thôi bỏ đi.

Biển Đông thì hẳn nhiên là của mình rồi, Hoàng Sa và Trường Sa do nước mình tìm thấy, thành thử hàng năm các chúa Nguyễn đều "đông tiến" để khai thác sản vật và liên tục xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Tuy nhiên nó là biển nên cũng không thể xây dựng gì được. Vậy chỉ còn phía nam.

Phía nam là đất Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam), giáp giữa Việt Nam và Chăm Pa. Chỗ này thảm hại quá nên luôn được coi như đất biên viễn xa xôi, chuyên dùng để đày phạm nhân và tù binh. Kinh tế siêu bèo nhèo nhưng bù lại được cái đất đai rộng rãi, tiềm năng khai thác bao la. Với cả biên giới chỗ này thay đổi liên tục, lúc thì của Việt, lúc thì của Chăm. Nhưng sau khi Chăm ăn no hành của vua Lê Thánh Tông thì việc cai trị vùng đất này cũng lỏng lẻo hơn. Thế nên, cỗ đã dọn ra mà Nguyễn Hoàng không ăn thì có lỗi với tổ quốc. Từ đây thì sau này các đời chúa kéo dài mãi tuốt luốt xuống dưới Hà Tiên, tạo nên chữ S cho Việt Nam có cái tự hào. :))

Quay lại, để đối phó lâu dài với họ Trịnh, Nguyễn Hoàng cần phải có chỗ dựa vững chắc nên những người thân thuộc, trung thành là sự lựa chọn đầu tiên của ông trong bước đường "nam tiến". Nguyễn Hoàng tự xây dựng cơ ngơi cho mình. Ông nói với vợ:

-Người dân nơi đây thích anh lắm, nên anh sẽ bằng mọi giá để biến vùng đất nghèo nàn khắc khổ này thành một vùng giàu có. Một xứ sở thần tiên cho người Việt. Làm nơi dung thân cho gia đình mình và con cháu về sau. 

Ông trăn trở:

-Tuy nhiên bước đầu anh gặp nhiều khó khăn quá. Thuận Hóa phong thủy không tốt, nhiều chướng khí. Chưa kể bọn nhà Mạc, Chăm, Chân Lạp liên tục đánh phá. Cộng thêm lũ thổ phỉ, hải tặc hoành hành. Bất cứ tàu nước nào xuôi ngược vùng này cũng phải đóng tiền mãi lộ cho chúng mới được yên thân. Đoàn hải hành nào dù có đông đảo đến đâu, khi nghe đến tên cướp Lâm Phượng cũng đều kinh hồn bạt vía…

Có thể nói rằng, đất Thuận Hóa thời Nguyễn Hoàng mới đến là một mảnh đất dữ dội, nguy hiểm, lại rộng lớn bao la, hầu như chưa có bàn tay của con người đến khai phá, tha hồ để ông trổ tài như chơi SimCity (dĩ nhiên là ở chế độ SIÊU KHÓ). Mọi người thấy cuộc sống ở đây khổ quá nên chẳng thèm khai hoang, chỉ lập làng xóm ở chỗ nào mát mẻ gần sông suối để trồng lương thực ăn qua ngày. Nguyễn Hoàng ra sắc lệnh:

-Bà con cứ tự do khai hoang thả cửa đi nha. Ai khai hoang được bao nhiêu thì cho làm chủ đất đó luôn.

Chính vì thế mà lãnh thổ ngày một phình to ra. Mà chỗ nào càng trù phú thì dân kéo về càng đông, mà dân đông thì sẽ có chợ búa buôn bán. Chưa hết, họ còn hăng hái đào kênh mương để tưới tiêu. Chẳng mấy chốc, vùng đất vốn được xem là "khỉ ho cò gáy" nay đã là một miền đất hứa cho dân chúng khắp nơi vào định cư. Bên cạnh việc lo cho dân có một đời sống sung túc, ông còn cùng với những cận thần của mình tổ chức nên một lực lượng quân đội hùng mạnh để đương đầu với các thế lực thù địch tại vùng đất dữ này.

Nguyễn Hoàng tuy một mặt vẫn ngầm xây dựng triều đại của riêng mình, nhưng mặt khác ông vẫn giả vờ thuần phục Trịnh Kiểm. Phải vậy thôi, giờ mà ổng làm phản lộ quá là Trịnh Kiểm xách quân nam tiến hốt xác luôn chứ đùa. Nguyễn Hoàng đi thuyền ra bắc gặp anh rể nói:

-Em khai hoang được ít lúa gạo, dâng cho anh để đánh nhà Mạc.

Trịnh Kiểm thấy thằng em biết điều thì hài lòng lắm, cho trấn thủ thêm đất Quảng Nam nữa. Thời chúa Nguyễn Hoàng nhân gian hết sức thái bình. Chợ không nói thách, đêm dân ngủ yên giấc, nhà không đóng cửa, nạn trộm cắp chưa bao giờ xảy ra, sản vật dồi dào. Trước hết là chúa khoan hòa, sử dụng người tài, thực bụng chiêu hiền đãi sĩ… Ông thậm chí còn gửi thư kết giao với mạc phủ Tokugawa Ieyashu lừng danh của Nhật Bản. Dân mến công đức gọi ông là Chúa Tiên. Anh hùng giữ nước thì có nhiều, nhưng anh hùng dựng nước có mấy ai được như Nguyễn Hoàng?

---

Rồi một ngày Trịnh Kiểm cũng qua đời. Ông ta có hai người con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng. Binh quyền được giao hết cho Trịnh Cối, nhưng ông này là một đệ tử lưu linh chính hiệu, say xỉn tối ngày và mê gái. Thành ra mọi người xúi em ông là Trịnh Tùng lên thay. 

Mạc Kính Điển nghe tin thì cười:

-Anh em nó ghét nhau, thật là có lợi cho nhà Mạc ta.

Rồi nhà Mạc kéo 100 nghìn quân quyết làm gỏi nhà Lê. Trịnh Cối đánh không nổi liền sợ hãi, dắt vợ con ra đầu hàng quân Mạc. Trịnh Tùng chửi:

-Thằng anh ăn hại chó má!

Toàn bộ binh quyền nhà Lê lúc bấy giờ chuyển thẳng qua Trịnh Tùng. Ông phò tá vua Lê Anh Tông nhưng do quân yếu hơn nên buộc phải lui để thủ. Mạc Kính Điển đánh mãi không ăn được Trịnh Tùng thì mới nhìn về phía nam của Nguyễn Hoàng, nói:

-Thằng trẻ trâu Tùng này nó lì quá, còn ông Hoàng già rồi, quất đi!

Liền sai tướng Lập Bạo đem 60 chiến thuyền đánh vào Thuận Hóa. Đươc tin, chúa Nguyễn Hoàng nghĩ ra Mỹ nhân kế để giết Lập Bạo. Chúa nhờ một cô gái xinh đẹp tên Ngô Thị Ngọc Lâm mở một quán nước để Lập Bạo vào uống nước tán tỉnh. Chúa dặn người con gái ấy rằng:

-Cô gái, ban đêm nếu Lập Bạo lẻn vào nhà thì hãy để hắn ngủ thật say, sau đó cột tóc hắn vào góc giường rồi dùng dao chém. Thành công ta sẽ ban thưởng.

Nhưng Lập Bạo là kẻ thông minh nên đã đề cao cảnh giác. Khi cô gái vừa đưa dao lên chém. Hắn vụt vùng dậy giật lấy cây dao, cắt phăng lọn tóc rồi chạy thẳng ra khỏi nhà, nhảy xuống sông và lặn sâu dưới nước.

Như vậy kế hoạch ám sát Lập Bạo đổ bể. Sáng hôm sau có một con chim bay tới, bay lui trên mặt sông và kêu Trảo Trảo. Nguyễn Hoàng sinh nghi:

-Coi chừng Lập Bạo nó trốn dưới đó.

Nên sai quân lính đem thuyền bè và lưới ra giăng bắt, quả thật Lập Bạo bơi tới đâu thì chim bay tới đó, và kết cục thế nào thì các bạn tự hiểu. Để tỏ lòng nhớ ơn thần điêu đại hiệp, chúa Nguyễn Hoàng cho lập một miếu thờ có tên Trảo Trảo bên bờ sông.

---

Lại nói về Trịnh Tùng, quả thật ông Kiểm giỏi thì ông con cũng giỏi không kém. Tùng rất mưu trí, dần dần đã khẳng định được rằng ai mới làm chủ đất bắc. Quân Mạc bị thua trận, tổn hại rất nhiều. Năm 1592, Trịnh Tùng quyết định đánh những trận cuối cùng với với quy mô lớn:

-Mọi người cứ thoải mái ăn Tết. Ta sẽ làm lễ tế cáo trời đất và tiên đế nhà Lê, sau đó tất cả chúng ta cùng kéo về kinh thành Thăng Long!

Quân đi đến đâu, nhân dân tranh nhau đem rượu và trâu bò đến đón. Vua Mạc Mậu Hợp thất thủ, bỏ Thăng Long mà chạy. Họ Trịnh và họ Mạc sau đó đại chiến với nhau dữ dội thêm mấy lần nữa. Dân chúng chạy trốn lưu li, ngoài đường vang đầy tiếng khóc. Cuối cùng Trịnh Tùng bắt được Mạc Mậu Hợp, đem bêu ba ngày rồi chém đầu, đóng đinh vào hai mắt, bày ra ở chợ. Sau đó Tùng truy sát những người còn lại của nhà Mạc rồi đem chém hết. Nhà Mạc kể từ Thái Tổ Mạc Đăng Dung đến đây thì tan rã sau 67 năm.

-Đừng có nhờn với sếp Tùng. Anh mà đã đánh là nhà Mạc chỉ có thành nhà Mạt.

Tùng đắc thắng phủi tay, rồi cưỡi ngựa vào Thăng Long, ông đã trung hưng thành công vương triều Lê. Nhà Lê kể từ khi mất ngôi đến bây giờ được trở về chốn xưa nhưng vị thế đã không còn được như trước nữa. Quyền uy ngày một cao, Tùng muốn được phong tước Vương bèn sai người vào xin với vua Lê. Vua bất đắc dĩ phải đồng ý. Tùng được mở phủ chúa và lập bộ máy quan lại riêng. Từ đấy chính sự trong nước do sếp Trịnh Tùng MTP quyết định. Tùng liên tục phát hành các bản hit “Lê của ngày hôm qua”, “Ngôi báu xa dần”, “Âm thầm bên vua”... 

Nói chung hết thảy công việc quốc gia đại sự đều do phủ chúa định đoạt. Nhà vua chỉ còn mặc áo long bào, cầm hốt ngọc để nhận lễ triều yết. Nói chung là vua Lê chả phải làm gì, chỉ có đuổi hoa bắt bướm cho qua ngày tháng, mọi chuyện trong nước lớn nhỏ đã có chúa Trịnh lo tất tần tật =)). 

Uy danh của Trịnh Tùng càng trở nên lừng lẫy. Thậm chí Tùng còn trừ khử Lê Anh Tông, lập Lê Thế Tông. Vua Thế Tông trẻ tuổi và lắm bệnh tật nên bị coi thường. Thỉnh thoảng Trịnh Tùng chỉ hỏi qua loa đôi việc cho có lệ mà thôi. Nhưng dẫu sao thì địa vị của vua Lê cũng không đến nỗi quả kém cỏi. Các vua nối tiếp nhau tuy bị chúa Trịnh ra sức lấn át, thậm chí là bị giết nhưng tiếng nói của hoàng đế vẫn còn có người nghe và về hình thức chính quyền vẫn là một mối, đứng đầu là vua Lê.

Cầm quyền trong thời loạn, Trịnh Tùng luôn phải đối phó với nhiều lực lượng: tranh chấp quyền hành giữa anh em, vua Lê đòi lấy lại thực quyền, chiến tranh với nhà Mạc ở phía bắc, chúa Nguyễn Hoàng chống đối ngầm ở phía nam. Vị trí "dưới một người trên vạn người" của Trịnh Tùng khiến ông trở thành tiêu điểm cho sự tấn công của các lực lượng này. Trong hoàn cảnh đó, muốn giữ vững ngôi vị thì ngoài tài năng cầm quân và cai trị, Trịnh Tùng buộc phải trở thành người cứng rắn, quyết đoán và đôi khi trở nên tàn nhẫn. Có sử gia nhận xét:

-Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm, đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần như Vương Mãng và Tào Tháo. Dựa vào công lao trước của cha, Trịnh Tùng có công rất to, mà mang tội cũng nặng lắm. Không làm như vậy thì không đủ để diệt nhà Mạc mà phù Lê được. Mạc tuy bị diệt rồi, nhưng Trịnh lại lù lù ở đó thì cũng lại là một Mạc thứ hai mà thôi! 

Tùng tuy gian tà nhưng vẫn không dám cướp ngôi, là vì e rằng nếu thoán đoạt thì giang hồ sẽ nổi lên lấy cớ phù Lê diệt Trịnh, rồi mình lại mất công đi đánh, mệt lắm. Thôi thì làm chúa cũng vui mà, hihi. Từ đó sự nghiệp của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chính thức bắt đầu.

Nhưng mối lo ngại lớn nhất của Trịnh Tùng vẫn là người cậu Nguyễn Hoàng. Tùng gửi thư vào Thuận Hóa:

-Cậu, hỗ trợ cháu đánh dẹp tàn dư họ Mạc với. Bọn nó vẫn đang trốn ở Cao Bằng đấy.

Nguyễn Hoàng đưa quân ra bắc giúp Trịnh Tùng trong 8 năm trời. Tùng sau đó tiếp tục giữ Hoàng ở lại để giám sát, không cho về Thuận Hóa. Hoàng khổ tâm:

-Làm sao về nhà được đây? Thằng cháu nó giam lỏng ta rồi.

Bỗng dịp trời cho đến, có kẻ làm phản Trịnh Tùng. Hoàng chộp lấy cơ hội xin đi đánh dẹp, rồi lén trở lại miền nam. Tùng bất ngờ lắm, bèn viết thư dọa:

-Ủa sao cậu bảo giúp cháu dẹp loạn nay lại bỏ về? Do bọn chúng xúi giục hay là do cậu tự ý? Cậu coi thường cháu vậy à? Suy nghĩ kỹ lại hành động của mình đi, đừng để sau này hối hận không kịp!

Để làm dịu tình hình, Nguyễn Hoàng đã viết thư:

-Cậu xin lỗi, dưới Thuận Quảng đang có việc gấp cần cậu, không về không được. Để cậu tạ tội nhé Tùng.

Rồi Hoàng lấy thóc lúa vàng bạc cống nộp cho Trịnh Tùng, đồng thời gả con gái cho Trịnh Tráng để kết nghĩa thông gia. Từ đó, Nguyễn Hoàng không ra Thăng Long nữa, quyết 'rạch đôi sơn hà', lo cấp tốc xây dựng xứ Đàng Trong cho thật mạnh vì Hoàng biết rằng một ngày nào đó gia tộc họ Trịnh ở Đàng Ngoài sẽ trở thành kẻ thù của mình.

Và đúng là như thế, hai vị chúa Trịnh Tráng (con Trịnh Tùng) và Nguyễn Phúc Nguyên (con Nguyễn Hoàng) về sau trở thành địch thủ truyền kiếp. Đến nỗi “Khổng Minh” Đào Duy Từ phải cho đắp Lũy Thầy chia cắt nam bắc để ngăn hai bên phang nhau sống mái. Nhưng như vậy vẫn là không đủ để ngăn cuộc chiến 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh trở thành hiện thực.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc