Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Những mặt tối của nhà Tây Sơn

Chia sẻ
tây sơn thảm sát

Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc, Tây Sơn là một cuộc khởi nghĩa cần thiết, điều đó không ai có thể phủ nhận, kể cả mình. Thế nhưng lịch sử là một bức tranh nhiều mặt, mà nếu bạn chỉ nhìn vào mặt đẹp đẽ của nó mà bỏ qua góc khuất thì bạn sẽ không biết được toàn diện về nó. Nếu bạn không ngại thì hôm nay mình sẽ kể cho bạn nghe về mặt tối của nhà Tây Sơn.

Sẵn sàng chưa? Còn nếu bạn là fan của Tây Sơn và muốn giữ hình tượng trong lòng thì hãy bật qua trang khác.

---

Thảm sát Cù Lao Phố.

Cù Lao Phố nằm gần thành phố Biên Hòa ngày nay. Trước đây nó chả có cái quái gì hết, toàn là rừng rú thôi. Ngày xưa nước Tàu bị nhà Thanh xâm chiếm nên người Hoa qua tị nạn bên Việt Nam đông lắm, chủ yếu ở miền nam. Rồi một nhóm người thấy Cù Lao Phố dễ ở nên dọn về đó sống. Người Hoa vốn rất có tài buôn bán, thành ra thương nghiệp phát triển, và từ đó rất nhiều ngành nghề khác mọc lên ăn theo. Từ một chỗ hoang vu trở thành trung tâm thương mại quốc tế, Cù Lao Phố vụt lên tỏa sáng, giống giống Đà Nẵng ngày nay. Đường rộng bằng phẳng, lót đá đẹp đẽ, người buôn bán tụ tập đông đúc, tàu ghe đến đậu chen lấn nhau, rất nhiều đại gia chọn đây làm nơi sinh sống. Cù Lao Phố khi ấy là nơi vui tươi và đáng sống nhất miền nam.

Cho đến một ngày bi kịch năm 1776, quân Tây Sơn đánh chúa Nguyễn, và Cù Lao Phố là địa điểm đầu tiên. Dân chúng bị tàn sát thê thảm, nhà bị đốt phá, cái gì đem về được Quy Nhơn thì họ dỡ đi. Do người Hoa thích chôn vàng bạc nên quân Tây Sơn xới tung cả đường lên để tìm. Các ngành nghề thủ công tan tành chẳng còn gì. Xác chết lấp hết dòng sông quanh cù lao, nước đỏ ngầu vì máu, kinh khủng còn hơn thảm sát Paris. Đến cả tháng sau những người sống sót vẫn không ai dám dùng nước ở sông đó. Cả một vùng thương cảng sầm uất đã biến thành bãi tha ma. Những người còn sống sót đã dắt díu nhau lánh nạn về Bến Nghé và thành lập vùng Chợ Lớn, vẫn còn ở Sài Gòn tới ngày nay. Mãi sau này người ta mới trở về, nhưng dân số còn không bằng 1% lúc trước. 

---

Hủy diệt Mỹ Tho.

Mỹ Tho thì vẫn còn ở Tiền Giang, là cái thành phố Mỹ Tho bây giờ đấy. Hồi xưa khai khẩn miền nam thì chúa Nguyễn có cho người Hoa về đây, sau có người Kinh và Miên tới ở nữa, lập thành phố xá. Chỗ này cũng hoành tráng không kém Cù Lao Phố, một trong hai trung tâm thương mại xịn của miền nam bấy giờ. Nhà ngói cột chàm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo.

Nhưng Tây Sơn đã làm gỏi Cù Lao Phố thì chẳng lẽ họ tha cho Mỹ Tho? Ngày Tây Sơn đến mọi người nhốn nháo đem của cải đi chôn hết. Quân Tây Sơn đốt phá sạch sẽ. Và cũng như Cù Lao Phố, về sau dân Mỹ Tho cũng trở về những chẳng được một nửa ngày xưa.

---

Tàn sát Chợ Lớn.

Nguyễn Lữ đánh vào Sài Gòn, cướp lúa gạo chở trên 200 thuyền về Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc bị phục kích, ông nhận ra mặt một số người Hoa đã giúp Nguyễn Ánh. Thế là Nhạc giận cá chém thớt. Ra lệnh thảm sát người Hoa, ước tính 10000 người thiệt mạng. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Người ta không còn dám ăn cá tôm dưới sông. Còn ai có đồ người Hoa trong nhà cũng đem vứt hết vì sợ chết lây, nhưng cũng chẳng ai dám nhặt. Vật giá leo thang chóng mặt, đến cả cây kim cũng đắt, nhân dân cực kỳ khổ sở.

---

Tại sao Tây Sơn thất bại?

Bài viết có tham khảo tư liệu của trang lichsuvietnam, thì gồm có 3 nguyên nhân chính:

1. Anh em bất hòa, các tướng không hòa thuận.
2. Đánh giá thấp sức chịu đựng của Nguyễn Ánh.
3. Chế độ bắt lính và lao động tàn nhẫn.

Trong bài viết ‘Rethinking the Tây Sơn Era’ (Nghĩ lại về thời Tây Sơn), giáo sư George Dutton có nói phong trào Tây Sơn tàn nhẫn không kém gì nhà Trịnh hay Nguyễn trong việc cưỡng bức nông dân phục vụ cho các chiến dịch quân sự và các công trình xây cất. Ban đầu, họ nổi tiếng là nhóm khởi nghĩa có tài đốt phá dinh thự, nhà cửa của quan lại và chia của cho dân. Dân chúng ở những vùng chưa biết đến họ đã mơ ước được giải phóng. Chỉ có điều những người giải phóng này sau đó đã áp đặt một chế độ cưỡng bức quân dịch và lao động công ích không kém tàn khốc so với những lãnh chúa phong kiến khác.

Theo George Dutton, cuộc sống của nông dân Việt Nam ở những nơi ba anh em Tây Sơn làm chủ hay chiếm đóng còn cực khổ hơn dưới ách chúa Trịnh hay chúa Nguyễn vì quân Tây Sơn liên tục tiến hành chiến tranh. Quân Tây Sơn cũng nổi tiếng ưa đốt phá, cướp bóc và thường họ đến đâu chỉ một thời gian ngắn là dân chúng tìm cách trốn khỏi vùng họ kiểm soát, để tránh không bị cưỡng bức vào quân đội hay chế độ lao dịch. Đây là một trong những lý do khiến triều đại này sụp đổ nhanh chóng.

Để có quân lính phục vụ các chiến dịch, nhà Tây Sơn đã áp dụng chính sách cưỡng bức nông dân vào lính một cách tàn khốc. Sử gia George Dutton nói dù ban đầu có những nông dân hăng hái xung vào đội quân Tây Sơn, nhưng càng về sau này, hàng ngũ của họ không còn những người ‘nhiệt tình’ nữa, mà chỉ là lính quân dịch. Người nông dân phải liên tục ra trận và thường bị các cấp chỉ huy đối xử tàn bạo. Nhà Tây Sơn thẳng tay bắt lính và trừng trị nặng nề những ai không muốn theo họ.

Dân chúng ở những vùng Tây Sơn làm chủ phải chịu chế độ lao động rất hà khắc. Họ bị buộc phải tham gia xây dựng cách công trình quân sự và dinh thự. Nguyễn Nhạc bắt dân xây thành ở Quy Nhơn để làm kinh đô cho ông. Trong đợt tấn công ra Bắc, Nguyễn Huệ cũng bắt dân đi lao công, gây ra phản ứng xấu trong dân chúng.

Sau khi chiếm được Huế, Nguyễn Huệ cho lính vây bắt dân chúng, buộc họ làm việc ngày đêm để củng cố lại thành quách làm chỗ cho ông cố thủ. Chỉ vài năm sau, Nguyễn Huệ lại bắt dân xây Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, một công trình có tầm vóc rất lớn. Dân địa phương phản đối và mạnh ai người nấy trốn.

Quân Tây Sơn còn hà khắc hơn các chúa Trịnh và Nguyễn trong việc áp dụng chế độ lao dịch. Dưới quyền của họ, quân lính bắt cả các nhà sư, phụ nữ và trẻ em đi phu. Chỉ có những bà mẹ đang cho con bú là được miễn.

Theo George Dutton, một trong những lý do khiến các công việc xây cất có nhiều dưới triều Tây Sơn là quân Tây Sơn hay đốt phá các công trình của đối thủ và cả các chùa chiền. Việc dùng lửa như một cách tiến hành chiến tranh cũng góp phần tàn phá nhà cửa. Và sau khi chiếm được một đô thị, họ lại có nhu cầu phòng thủ và xây cất dinh thự cho các tướng lĩnh. 

Nhìn chung, nhà Tây Sơn cũng chẳng khác gì các triều khác, thậm chí còn có phần tàn khốc hơn. Theo phân tích của George Dutton thì sau khi triều Nguyễn thống nhất đất nước, hình ảnh oai hùng của Tây Sơn phần nào đọng lại trong ký ức dân gian vì sự căm ghét đối với triều Nguyễn, chứ không hoàn toàn là sự thực.

Thế nhưng cá nhân mình thì Tây Sơn vẫn cần, và vai trò của họ là dọn sẵn một con đường quang đãng để từ đó Nguyễn Ánh thống nhất đất nước.

Thông tin về giáo sư George Dutton cho bạn nào cần tra cứu: http://www.alc.ucla.edu/person/george-e-dutton/

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc