Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Đinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Đinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Thăm cố đô Hoa Lư

hoa lư

Tôi đến thăm Đại Thắng Minh Hoàng Đế vào một chiều cuối thu. Nơi đây ngày còn bé vua từng dạo chơi cùng bọn trẻ trong xóm, có cả Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú. Năm đứa nhỏ về sau lớn lên sáng lập ra triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam.

Cố đô Hoa Lư không bị con người động chạm quá nhiều nên vẫn còn giữ phong cảnh của thiên niên kỷ trước. Phóng tầm mắt ra xa tôi thấy núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng chọn để dựng đô được.

Mộ vua nằm lặng lẽ trên đỉnh núi Mã Yên, quanh năm hương khói đầy đủ. Khi đứng thắp nhang cho hoàng thượng tôi cảm thấy rất xúc động, vì trước mặt mình là di cốt của một anh hùng vĩ đại, mà nếu một nghìn năm trước có lẽ tôi cũng không có cơ hội đứng gần ông như vậy. Dân gian nói "Các vua Hùng mở ra đất nước, Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước". Ngày trước đọc Tam Quốc tôi cũng từng có cảm giác tương tự khi muốn ghé thăm Quan Vân Trường.

Bà cụ quét lăng bảo ai thành tâm lặn lội đến thăm thì ngài sẽ cảm động lắm và sẽ ban phúc cho. Khi xuống núi tôi thấy một cơn mưa nhỏ, lắc rắc trong một phút rồi tạnh. Bạn tôi bảo đấy là dấu hiệu của may mắn. Tôi không phải người mê tín dị đoan, nhưng quả thật sau đó tôi nhận được tin nhắn của mẹ:

"2 tháng nữa có người quen của mẹ ra bắc, con giữ gìn sức khỏe để đi tiếp lên cực Tây A Pa Chải và đỉnh Phansipan."

Chi tiết

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Đinh Tiên Hoàng và lịch sử nhà Đinh (Phần 2)

lê hoàn
-Đỗ Thích giết vua, bắt nó!

Quan nội thị Đỗ Thích giật mình, trước mặt ông là thi hài hai cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn. Quân binh bắt đầu ập tới. Ông hoảng sợ bỏ chạy, chạy rất nhanh. Đêm tối mùa đông tịch mịch, Đỗ Thích dễ dàng trèo qua tường. Ông chui vào máng nước lẩn trốn. Đỗ Thích nằm im thin thít trong đó khi quân lính sục sạo ầm ĩ khắp kinh thành Hoa Lư. Ông bật khóc, trời ơi, tôi chỉ vô tình đi ngang đó thôi mà. Thưở loạn 12 sứ quân, khi Ngô Xương Văn đuổi giết, tôi đã cõng vua Đinh Tiên Hoàng chạy trốn. Về sau tôi lại trở thành cận vệ gần gũi của vua. Tình nghĩa như thế làm sao tôi nỡ giết vua được chứ?...

Nấp trên đó ba ngày thì cơn khát cồn cào dày vò Đỗ Thích. Con người ta có thể sống ba ngày mà không cần thức ăn, nhưng không thể không uống nước. Bỗng dưng lúc đó có cơn mưa rào, Đỗ Thích khát quá chịu không nổi, cắn răng đưa tay ra hứng nước mưa. Bỗng…

-Nó trốn ở đây!

Có tiếng cung nữ la lên the thé. Ngay sau đó là tiếng quát của Định quốc công Nguyễn Bặc. Đỗ Thích rụng rời hồn vía. Quân binh mau chóng trèo lên kéo ông xuống.

-Đồ chó! Mày có biết giết vua thì kết cục ra sao không?

-Oan quá Định quốc công ơi! Tôi không giết hoàng thượng!

Đỗ Thích bị trói cứng, ấn đầu quỳ xuống, nước mắt chảy đầy hai má. Nỗi oan này làm sao giải đây? Nguyễn Bặc mặt đỏ gay, cơn thịnh nộ lên đến đỉnh điểm. Ông xử Đỗ Thích tội chém. Đỗ Thích gào khóc không ngớt trên đường giải ra pháp trường, luôn miệng kêu oan quá oan quá. Nhưng chẳng thay đổi được gì. Xác Đỗ Thích bị băm vằm, Nguyễn Bặc đem thịt đó đem phát bắt nhân dân phải ăn để răn đe.

---

Nguyễn Bặc trở về phủ. Ông ngồi trong phòng thẫn thờ nhìn ra bầu trời mùa đông xám xịt. Anh em ta đã đi được đến đây rồi, sao anh lại nỡ bỏ chúng tôi mà đi trước vậy anh Lĩnh? Ông đưa tay ôm mặt, những hình ảnh ngày xưa hiện về. Cánh đồng cỏ bao la bát ngát, ở đó năm thằng Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ ngồi trên lưng trâu. Bộ Lĩnh nói:

-Anh em mình sống chết vì nhau. Một người vì năm người, năm người vì một người. Quyết không hai lòng.

Bốn đứa kia cũng đồng thanh:

-Quyết không hai lòng!

Bộ Lĩnh đưa cây lau lên múa một đường rồi nói:

-Cây lau này về sau sẽ là cây kiếm. Con trâu này về sau sẽ là chiến mã. Cánh đồng này về sau sẽ là thiên hạ. Còn năm đứa mình…

Bộ Lĩnh nói tiếp:

-Sẽ cùng làm chủ thiên hạ.

Nguyễn Bặc lấy tay quẹt nước mắt, Bộ Lĩnh quả là người sống ân tình. Lên ngôi chúa tể vẫn không quên lời thề xưa, không bỏ rơi huynh đệ thưở hàn vi, trên đời có mấy ông vua được như vậy? Quan hệ giữa Đinh Tiên Hoàng với bốn người bạn là sự gắn bó đẹp đẽ, bền chặt như kim cương, không gì phá vỡ nổi.

Bỗng có tiếng bước chân, những hình ảnh ngày xưa tan biến, Nguyễn Bặc bừng tỉnh, thì ra là ba người kia đang đi vào. Cả Lưu Cơ, Trịnh Tú, Đinh Điền đều không giấu nổi vẻ buồn bã. Nguyễn Bặc đứng dậy lấy chén và rượu ra, mọi người hôm nay họp nhau để tưởng nhớ đại ca đã khuất của họ.

-Mời! Chén này cho đại ca Đinh Bộ Lĩnh, anh em của chúng ta, vua của chúng ta.

Bốn người cùng nâng chén, không ai nói gì, uống cạn. Im lặng hồi lâu, rồi Đinh Điền mở lời:

-Không biết các ông có nghĩ giống tôi không, nhưng tôi thấy có gì đó không đúng trong vụ Đỗ Thích.

Lưu Cơ nói:

-Lúc ấy anh Bặc giận quá, tôi chưa kịp tra hỏi thì Đỗ Thích đã bị lôi đi rồi.

-Có lẽ hắn oan thật. Tôi thấy vẻ mặt hoảng sợ của hắn, rất giống một người bị bức cung nhận tội.

Trịnh Tú góp lời. Nguyễn Bặc nín thinh không nói gì. Rồi ông hỏi:

-Vậy mấy ông cho là tôi giết lầm người?

Lưu Cơ lắc đầu:

-Cái đó thì tôi không chắc. Nhưng tôi thấy Đỗ Thích không có động cơ gì để giết anh Lĩnh cả.

Trịnh Tú rót thêm rượu, nói:

-Thông thường nếu giết vua, ấy là có âm mưu thoán đoạt. Nhưng một viên quan nhỏ như Đỗ Thích không có vây cánh, không có công to, lên làm vua ai mà phục? Huống gì vẫn còn hoàng tử Đinh Toàn, lại thêm bốn chúng ta là tứ trụ triều đình, trung thành tuyệt đối. Hắn có bị điên mới nghĩ sẽ lên làm vua dễ dàng được.

Nguyễn Bặc cứng họng, ông cảm thấy có lý, có thể vô tình Đỗ Thích chỉ đi tuần ngang qua hôm ấy thôi, hắn vốn là quan nội thị mà, ngày nào chả lượn vòng vòng trong cung. Đinh Điền lên tiếng:

-Cho nên muốn giết vua cướp ngôi thì phải là một thế lực cực lớn. Không những quyền lực, mà còn phải có tài, rất có tài, vây cánh cũng phải nhiều. Vậy theo các ông, trong triều đình hiện nay ai là người hội tụ đầy đủ những điều đó?

Bốn người đưa mắt nhìn nhau hồi lâu, rồi không hẹn mà cùng nói:

-Lê Hoàn.

---

Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Điện tiền chỉ huy sứ, người nắm quyền cao nhất của quân đội Hoa Lư. Một đạo quân của nhà Đinh là một trăm nghìn người, mười đạo quân là một triệu người. Ở tuổi 27, trong khi thanh niên chúng ta còn đang chập chững vào đời với bao lo toan cơm áo gạo tiền thì anh ấy đã là thống soái quân đội cả nước, hô một tiếng là triệu người hưởng ứng.

Sau khi Đinh Tiên Hoàng chết, Nguyễn Bặc cùng mấy anh em tôn hoàng tử bé Đinh Toàn lên làm vua. Thái hậu Dương Vân Nga vợ Đinh Bộ Lĩnh, tôn Lê Hoàn lên làm phó vương. À xin nói thêm về Dương Vân Nga, bà thái hậu này có dính líu tới tận ba triều đại là Ngô, Đinh, và Lê. Cỡ Võ Tắc Thiên cũng phải gọi là chị hai.

Lê Hoàn lên làm phó vương rồi càng lúc càng chuyên quyền, ra vào cung tự do. Nghi ngờ của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ và Trịnh Tú dần dần có cơ sở. Nguyễn Bặc nói:

-Lê Hoàn lộng hành. Ta không giết đi thì triều đại của Đinh ca và chúng ta dựng nên sẽ sụp đổ mất. Chúng ta có ân tình với anh ấy thì giờ phải dốc hết sức. Một người vì năm người, năm người vì một người!

Thế là Nguyễn Bặc và Đinh Điền khởi binh từ Thanh Hóa kéo về Hoa Lư để tiêu diệt Lê Hoàn. Thế nhưng họ đâu ngờ Lê Hoàn là bậc thiên tài quân sự. Giao tranh được vài trận, ông ta dùng mưu phóng hỏa đốt hết chiến thuyền của họ.

-Đinh Điền!!!

Nguyễn Bặc gào lên khi thấy bạn thân của mình chìm xuống đáy sông trong chiếc thuyền lửa cháy ngùn ngụt. Quân binh của Lê Hoàn nhanh chóng ập đến vật Nguyễn Bặc xuống, bắt sống giải về Hoa Lư. Lê Hoàn trừng mắt:

-Hoàng thượng vừa băng hà mà mày đã muốn làm phản à?

Nguyễn Bặc chửi:

-Giết tao đi, đừng nhiều lời. Sử sách đời sau sẽ không tha cho mày đâu Hoàn tặc! Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, chờ tôi!

Lê Hoàn giận tím mặt, ra lệnh chém chết Nguyễn Bặc. Người bạn trung thành của Đinh Bộ Lĩnh từ thưở thả trâu ra đồng, giờ đoàn tụ với vua. Sinh cùng năm, chết cùng năm.

Lại nói về Lưu Cơ và Trịnh Tú, hai ông cũng chiến đấu kịch liệt với quân Lê Hoàn nhưng sau đó gặp phục kích ở Bãi Vàng. Hai ông chống cự quyết liệt, giết được bốn tướng của Lê Hoàn. Trịnh Tú khi ấy đã trọng thương, thều thào:

-Lưu Cơ… tôi đi trước… đừng bỏ cuộc…

Lưu Cơ áo đầm đìa máu, nước mắt ầng ậng nhìn Trịnh Tú đổ gục xuống. Ông gầm lên rồi vung kiếm tả xung hữu đột để trả thù cho bạn, nhưng quân Lê Hoàn quá đông. Sức tàn lực kiệt, Lưu Cơ nhìn lên trời cao mỉm cười lần cuối, rồi tự đâm vào bụng mà chết. Dân chúng vô cùng thương cảm bốn anh hùng trung liệt này nên đã có câu ca dao:

Bặc, Điền, Cơ, Tú hiên ngang
Trịnh, Lưu sau lại Bãi Vàng hy sinh.
Hai người đi trước quang vinh
Hai người sau sáng lung linh cõi bờ.
Điền quân sự tham mưu Ngoại Giáp,
Bặc đứng đầu đền đáp nghĩa ân,
Lưu Cơ Độ Hộ sức thần,
Trịnh Tú ứng đối xa gần mến danh.

Tứ trụ triều đình đã chết, chẳng còn ai ngăn cản nữa. Năm 980, Dương Vân Nga trao long bào cho Lê Hoàn, ông chính thức lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Lê Đại Hành, nhà Đinh chấm dứt.

---

Mặc dù dân gian có nhiều đồn đoán, và thậm chí ngày tôi đến Hoa Lư thăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng thì cũng thấy rõ một điều là mộ vua Đinh nhang khói đầy đủ, quét dọn sạch sẽ, còn mộ vua Lê thì lạnh lẽo đìu hiu. Nhưng không thể phủ nhận được Lê Đại Hành là một ông vua yêu nước và có tài.

Nói sơ qua thì ngày đó cả Tàu và Việt đều đại loạn. Cả hai nước đều bị cắt xẻ thành nhiều phần. Tàu thì có Ngũ Đại Thập Quốc, còn Việt thì có Loạn 12 Sứ Quân. Coi như Triệu Khuông Dẫn và Đinh Bộ Lĩnh đang tham gia gameshow thống nhất đất nước, xem ai nhanh hơn. Thì nước mình nhỏ hơn nên xong trước. Cái năm Đinh Bộ Lĩnh chết cũng chính là năm nhà Tống hoàn toàn làm chủ Trung Hoa.

Nhà Tống đã thu phục toàn bộ, nhưng còn mỗi Giao Châu mất từ thời Ngô Quyền là nó chưa đòi lại được. Đó là lý do ngay khi nhà Đinh lục đục là nó cho quân đánh nước ta ngay. Lê Hoàn đã chờ sẵn, ông trổ thần uy diệt gọn quân Tống ở cả Bạch Đằng và Chi Lăng. Trước tới nay chỉ có Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn là làm được điều này.

Lê Hoàn có tàn nhẫn hay không thì chưa biết, nhưng ông là người có lòng tự tôn dân tộc rất cao. Sứ thần nhà Tống có thái độ khinh mình thì vua cũng coi thường họ ra mặt. Khi sứ giả nhà Tống mang thư đến, Lê Đại Hành kiên quyết không lạy, ông lấy cớ là vừa đánh nhau với quân Mán, ngã ngựa đau chân.

Vua Lê Đại Hành nghiêm khắc đưa ra đối sách mới rất hổ báo là không cho sứ nhà Tống vào triều mà chỉ dừng lại ở biên giới. Vua Lê nói thẳng với sứ rằng:

-Đường sá xa xôi nên sau này có tin tức gì thì cứ đứng ở biên giới nói, không phiền đến sứ thần.

Hành động này nghiêm trọng không kém gì chuyện đuổi thẳng cổ sứ giả về nước và hạ quan hệ ngoại giao đến mức thấp nhất, cùi nhất. Vua nước bé mà hỗn láo với thiên triều như thế không khác nào vả vào mặt, nhưng có lẽ quá kiêng nể vua Lê Đại Hành nên khi sứ về tâu thì vua Tống cũng đành chịu.

Chưa hết, Lê Đại Hành còn dần cho Champa một trận te tua nữa, mở đầu cho quá trình nam tiến về sau của Việt Nam. Điểm hay của Lê Đại Hành là xuất thân võ tướng nên luôn tự mình xung phong ra trận. Nói chung vua Lê về mặt ngoại giao đã nâng cao được địa vị nước ta, bên trong thì an ninh ổn định, bên ngoài biết dùng sức mạnh để làm Trung Quốc và Champa phải kiêng nể.

Vua Lê Đại Hành cũng rất giỏi trong việc trị vì, đặt ra nhiều luật lệ mới được người dân ngưỡng mộ và thêu dệt thành huyền thoại. Đó là lý do vì sao cuộc đời ông tuy có rất nhiều mây đen nghi án phủ kín nhưng Lê Đại Hành vẫn là một hoàng đế tuyệt vời và vẫn được xem là anh hùng dân tộc.
Chi tiết

Đinh Tiên Hoàng và lịch sử nhà Đinh (Phần 1)


dinh bo linh



-Lưu Cơ, bọn nó đánh tao!

Trịnh Tú ôm con mắt bầm tím chạy về xóm. Lưu Cơ đang chuẩn bị dắt trâu ra đồng thì thấy thằng bạn thân bị “trọng thương”.

-Thằng nào đánh mày?

-Hai thằng trẻ trâu không biết ở đâu tới. Cánh đồng bọn mình vẫn hay dẫn trâu ra ăn bọn nó chiếm mẹ rồi.

Lưu Cơ thắc mắc:

-Ủa có gì đâu mà nó đập mày?

-Khổ quá, khi tao dùng tính từ trẻ trâu thì mày phải hiểu bọn này nó mất dạy thế nào. Nó đuổi trâu tao đi, tao ra nói chuyện nó múc tao luôn.

Lưu Cơ bức xúc:

-Giờ tao ra với mày, xem bọn nó làm gì được.

Trịnh Tú cay đắng:

-Thôi đi ba, hai thằng nó bự gấp rưỡi tao với mày. Đến để nó phang chết cả đôi à? Thôi, anh em mình kiếm bãi khác thả trâu vậy.

-Mày đừng lo, tao có thằng bạn mới quen, nó cũng không phải dạng vừa đâu. Đứng đợi tao tí.

Nói rồi Lưu Cơ chạy ù đi, rẽ phải mất hút sau hàng tre. Lát sau nó quay lại cùng một thằng khác. Trịnh Tú cũng phải công nhận rằng Lưu Cơ biết chọn bạn mà chơi, thằng này đô con như Phù Đổng Thiên Vương. Rồi ba thằng cùng kéo nhau ra đồng.

-Bọn nó kìa.

Trịnh Tú chỉ về phía hai thằng nhóc đang nằm vắt vẻo trên lưng trâu. Lưu Cơ thấy Trịnh Tú bầm mặt là đúng, tụi này to cũng một chính một mười với thằng bạn nó là ít.

-Ê, giải quyết hộ tôi nhé. Xong việc tôi ra sông Giao Thủy bắt cá cho ông ăn.

Lưu Cơ năn nỉ, thằng bạn to con cười:

-Thôi đền đáp cái gì. Hôm tôi dọn đến làng này bỡ ngỡ ông chẳng giúp tôi còn gì.

Nói rồi nó vỗ vai Lưu Cơ rồi đi phăm phăm ra. Ông nhóc trên lưng trâu thấy tự nhiên có thằng nào hùng hổ tiến về phía mình thì hỏi lớn:

-Ê mày là thằng nào? Tụi tao chiếm chỗ này rồi nha.

-Nãy mày đánh bạn tao phải không?

-Ờ tao đánh đó rồi sao? Nguyễn Bặc tao thích đánh đứa nào là tao đánh.

Thằng nhóc cưỡi trâu Nguyễn Bặc hất hàm thách thức. Thằng còn lại phụ họa:

-Bọn mày ở làng này chắc chưa nghe danh Đinh Điền với Nguyễn Bặc rồi. Làng bên không ai dám đụng tới tụi tao. Giờ tụi tao chính thức sở hữu đồng cỏ này, đừng có bén mảng tới.

Thằng bé đô con cười nhạt:

-Giờ tao cho tụi mày hai lựa chọn. Một là cút ngay bây giờ, hai là lát nữa cút khỏi đây trong nước mắt.

Nguyễn Bặc với Đinh Điền nhìn nhau rồi hai thằng cùng nhảy xuống lưng trâu, bẻ khớp ngón tay răng rắc.

-Thằng này chắc thấy cuộc đời hết đẹp rồi. Cho nó nhừ đòn để hai thằng còi khiêng về.

Thằng bé kia vẫn ung dung:

-Chỉ sợ lát nữa hai đứa bay phải tự lết về thôn.

Nguyễn Bặc nạt:

-Xưng tên đi, rồi ăn hành.

Thằng bé kia mỉm cười, toàn thân xuống tấn, sẵn sàng tiếp chiêu của đối phương:

-Tao họ Đinh, tên Bộ Lĩnh.

---
Hôm sau.

Trịnh Tú tạt sang nhà Lưu Cơ, gọi:

-Ê mày, ra đồng thôi.

-Đợi chút, tao kêu Bộ Lĩnh đi chung.

-Công nhận Đinh Bộ Lĩnh khỏe thật đấy. Một mình nó cân hai mà đánh cho hai thằng sửu nhi lên bờ xuống ruộng.

Lưu Cơ cười:

-Không biết bọn nó te tua như vậy thì còn dám đến nữa không.

Hôm ấy trời nắng đẹp, ba thằng nhỏ dẫn ba con trâu ra đồng. Trịnh Tú khen:

-Nhìn thằng Bặc với thằng Điền bị ông lên gối mà tôi thấy tội tụi nó luôn ông Lĩnh. Rảnh bày tôi ngón đó nhé.

Đinh Bộ Lĩnh không nói chỉ cười. Nhà cậu vừa dọn về thôn này được một tuần, chẳng có bạn bè gì. Lưu Cơ và Trịnh Tú chính là những người bạn đầu tiên.

-Ê bọn nó chưa chừa kìa.

Lưu Cơ chỉ tay, hóa ra Đinh Điền và Nguyễn Bặc vẫn cho trâu quay lại bất chấp đã no đòn hôm qua. Nguyễn Bặc đi đến, mở lời:

-Hôm nay tôi không đến gây sự. Chỉ muốn xin lỗi vì mình đã cư xử quá đáng với mấy ông.

Đinh Bộ Lĩnh hơi bất ngờ:

-Ơ không có gì, không đánh nhau không nhận ra anh em.

Nguyễn Bặc cười rồi đưa tay ra:

-Thôi làm hòa đi.

-Được thôi.

Đinh Bộ Lĩnh cũng bắt lấy như một cử chỉ thân thiện. Đinh Điền nói, giơ xâu ếch mập ù ra:

-Tôi vừa mới câu sớm nay. Mấy ông chưa ăn sáng thì ra ăn với bọn tôi.

Quả thật Lưu Cơ, Trịnh Tú, Bộ Lĩnh ba thằng đói meo. Vả lại cũng trẻ con mà, chẳng giận được lâu. Thế là cả đám thả cho trâu ăn, rồi kiếm củi đánh lửa nướng ếch. Ngày qua ngày gặp nhau trên cánh đồng Thung Lau, chúng đã quen với sự hiện diện của nhau, rồi dần trở nên thân thiết lúc nào không hay, tạo thành nhóm “năm anh em siêu nhân”. Trò chơi ưa thích của chúng là đánh trận giả. Do cả đám nể Đinh Bộ Lĩnh nhất nên cho cậu làm đại ca.

-Sau này tôi sẽ làm vua!

Đinh Bộ Lĩnh đắc thắng cầm cây lau giơ lên như kiếm. Nguyễn Bặc và Đinh Điền bắt chéo tay nhau làm kiệu cho cậu ngồi. Còn Lưu Cơ với Trịnh Tú cầm hai cây lau giả làm cờ soái. Nguyễn Bặc nói:

-Ông làm vua thì bọn tôi làm tướng.

-Chứ còn gì nữa, năm anh em mình sống chết có nhau. Chúng ta sẽ làm chủ thiên hạ!

Đinh Bộ Lĩnh cười lớn. Bọn trẻ hát vang bài ca ra trận, cùng đi về ánh mặt trời.

---

Nhiều năm về sau.

-Đinh Liễn cẩn thận!

Nguyễn Bặc quát lớn, một mũi tên bay xẹt qua mặt chàng trai trẻ. Nguyễn Bặc với tay kéo Đinh Liễn sang ngựa mình rồi thúc đi:

-Cháu cứ liều lĩnh như thế lỡ có chuyện gì ta biết ăn nói với cha cháu thế nào?

-Dạ cháu biết rồi.

Hai người đang vâng lệnh Đinh Bộ Lĩnh đi đánh sứ quân Lã Đường. Đinh Bộ Lĩnh lúc này đã là tổng chỉ huy quân đội Hoa Lư. Sau khi Ngô Quyền chết đi thì đất nước rơi vào hỗn loạn chưa từng có, 12 sứ quân chia đất nước thành 12 vùng rồi tàn sát lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân gây ra biết bao tổn thất, đau khổ cho nhân dân. Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó nên người ta gọi ông bằng cái tên rất oai là VẠN THẮNG VƯƠNG.

-Chúng ta sẽ tập kích lương thực của Lã Đường.

Nguyễn Bặc hiến kế, Đinh Liễn gật đầu rồi ngay lập tức thi hành. Trong vòng 7 ngày vòng đai phòng thủ của quân Lã Đường bị tiêu diệt hoàn toàn. Hai chú cháu đánh sâu vào trung tâm bắt được Lã Đường chém chết, thu phục hoàn toàn một vùng đất. Lúc đó ở bộ chỉ huy Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh đang họp với những người còn lại. Trịnh Tú bàn:

-Chúng ta gần thành công rồi, chỉ còn mỗi Lý Khuê mà thôi.

Đinh Điền nói:

-Thanh thế quân Hoa Lư ta lúc này đã số một thiên hạ, còn ai dám cạnh tranh?

Lưu Cơ xung phong:

-Tôi xin đi dẹp Lý Khuê!

-Vậy tôi chờ tin thắng trận từ ông.

Đinh Bộ Lĩnh cười rồi nâng rượu chúc Lưu Cơ may mắn. Những người bạn thân thiết cùng lớn lên bên nhau từ thưở ấu thơ, họ đã đi được một quãng đường rất xa rồi, lời hứa cùng làm chủ thiên hạ đã gần trở thành sự thực...

---

Năm 968,

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Văn võ bá quan quỳ rạp thành hai hàng. Đinh Bộ Lĩnh mặc long bào vàng rực, oai phong đứng trên ngôi cao nhìn xuống, giang hai tay như muốn ôm trọn bầu trời. Ông trở thành Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế của triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, địa vị ngang với các vua Trung Hoa.

-Tôi xúc động quá Trịnh Tú, ai ngờ chúng ta lại thấy được ngày này.

-Mấy chục năm rồi mà tôi vẫn phải công nhận ông biết chọn bạn mà chơi đó Lưu Cơ.

Mấy đứa trẻ chăn trâu ngày xưa bây giờ đã trở thành những nhân vật thuộc hàng VIP của triều đại nhà Đinh. Có câu:

"Bốn người có nghĩa đồng niên
Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Đinh Điền, Lưu Cơ".

Đinh Tiên Hoàng trị nước cực kỳ nghiêm. Ông muốn dùng uy quyền để chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người nghe xong thiếu điều đái ra quần, còn ai dám táy máy nữa? Thủ phủ nhà Đinh đóng tại Hoa Lư (Ninh Bình). Đinh Tiên Hoàng cho đắp những đoạn tường thành nhân tạo nối liền các dãy núi thiên nhiên để tạo thành một đô thành vững chắc bảo vệ cung vua bên trong. Bữa mình ghé qua thấy cảnh trí quá đẹp, công nhận ông vua này có mắt thẩm mỹ cao.

---

Mùa đông tháng 10 năm 979,

Hai cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn ngồi nhậu trong sân. Đinh Tiên Hoàng lúc này tuổi đã xế chiều, ông tính lập Đinh Hạng Lang nối ngôi, nhưng Đinh Liễn tức giận vì mình là con trưởng mà bị đối xử bất công quá nên đã giết luôn em trai. Đinh Tiên Hoàng thấy vậy trong lòng buồn lắm nhưng đành lập Đinh Liễn làm thái tử.

-Liễn con, sau này làm vua con tính cai trị thiên hạ ra sao?

-Dùng đức để trị.

Đinh Liễn nói, đưa một ngụm rượu lên uống. Đinh Tiên Hoàng hỏi:

-Con nhẫn tâm giết em con vậy mà đòi lấy đức cai trị thiên hạ?

Liễn trầm ngâm không nói gì, tiếp tục uống. Đinh Tiên Hoàng cũng thở dài, ông cũng uống theo. Hai cha con uống nhiều quá nên ngấm say, nằm gục trên bàn ngủ quên trời trăng mây đất. Không may đêm ấy có thích khách. Hắn rón rén vào chỗ vua nằm, dùng hết sức đâm mạnh một nhát. Đinh Bộ Lĩnh anh hùng, cờ lau Vạn Thắng Vương, hộc lên một tiếng rồi giã từ trần thế vào ngày mùa đông buốt giá ấy. Đinh Liễn cũng không thoát khỏi nanh vuốt tử thần. Máu đổ đầm đìa cả một dải hoa viên.

Ai giết vua Đinh? Và kết cục của vụ án này thế nào? Xem hồi sau sẽ rõ.
Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc