-Đỗ Thích giết vua, bắt nó!
Quan nội thị Đỗ Thích giật mình, trước mặt ông là thi hài hai cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn. Quân binh bắt đầu ập tới. Ông hoảng sợ bỏ chạy, chạy rất nhanh. Đêm tối mùa đông tịch mịch, Đỗ Thích dễ dàng trèo qua tường. Ông chui vào máng nước lẩn trốn. Đỗ Thích nằm im thin thít trong đó khi quân lính sục sạo ầm ĩ khắp kinh thành Hoa Lư. Ông bật khóc, trời ơi, tôi chỉ vô tình đi ngang đó thôi mà. Thưở loạn 12 sứ quân, khi Ngô Xương Văn đuổi giết, tôi đã cõng vua Đinh Tiên Hoàng chạy trốn. Về sau tôi lại trở thành cận vệ gần gũi của vua. Tình nghĩa như thế làm sao tôi nỡ giết vua được chứ?...
Nấp trên đó ba ngày thì cơn khát cồn cào dày vò Đỗ Thích. Con người ta có thể sống ba ngày mà không cần thức ăn, nhưng không thể không uống nước. Bỗng dưng lúc đó có cơn mưa rào, Đỗ Thích khát quá chịu không nổi, cắn răng đưa tay ra hứng nước mưa. Bỗng…
-Nó trốn ở đây!
Có tiếng cung nữ la lên the thé. Ngay sau đó là tiếng quát của Định quốc công Nguyễn Bặc. Đỗ Thích rụng rời hồn vía. Quân binh mau chóng trèo lên kéo ông xuống.
-Đồ chó! Mày có biết giết vua thì kết cục ra sao không?
-Oan quá Định quốc công ơi! Tôi không giết hoàng thượng!
Đỗ Thích bị trói cứng, ấn đầu quỳ xuống, nước mắt chảy đầy hai má. Nỗi oan này làm sao giải đây? Nguyễn Bặc mặt đỏ gay, cơn thịnh nộ lên đến đỉnh điểm. Ông xử Đỗ Thích tội chém. Đỗ Thích gào khóc không ngớt trên đường giải ra pháp trường, luôn miệng kêu oan quá oan quá. Nhưng chẳng thay đổi được gì. Xác Đỗ Thích bị băm vằm, Nguyễn Bặc đem thịt đó đem phát bắt nhân dân phải ăn để răn đe.
---
Nguyễn Bặc trở về phủ. Ông ngồi trong phòng thẫn thờ nhìn ra bầu trời mùa đông xám xịt. Anh em ta đã đi được đến đây rồi, sao anh lại nỡ bỏ chúng tôi mà đi trước vậy anh Lĩnh? Ông đưa tay ôm mặt, những hình ảnh ngày xưa hiện về. Cánh đồng cỏ bao la bát ngát, ở đó năm thằng Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ ngồi trên lưng trâu. Bộ Lĩnh nói:
-Anh em mình sống chết vì nhau. Một người vì năm người, năm người vì một người. Quyết không hai lòng.
Bốn đứa kia cũng đồng thanh:
-Quyết không hai lòng!
Bộ Lĩnh đưa cây lau lên múa một đường rồi nói:
-Cây lau này về sau sẽ là cây kiếm. Con trâu này về sau sẽ là chiến mã. Cánh đồng này về sau sẽ là thiên hạ. Còn năm đứa mình…
Bộ Lĩnh nói tiếp:
-Sẽ cùng làm chủ thiên hạ.
Nguyễn Bặc lấy tay quẹt nước mắt, Bộ Lĩnh quả là người sống ân tình. Lên ngôi chúa tể vẫn không quên lời thề xưa, không bỏ rơi huynh đệ thưở hàn vi, trên đời có mấy ông vua được như vậy? Quan hệ giữa Đinh Tiên Hoàng với bốn người bạn là sự gắn bó đẹp đẽ, bền chặt như kim cương, không gì phá vỡ nổi.
Bỗng có tiếng bước chân, những hình ảnh ngày xưa tan biến, Nguyễn Bặc bừng tỉnh, thì ra là ba người kia đang đi vào. Cả Lưu Cơ, Trịnh Tú, Đinh Điền đều không giấu nổi vẻ buồn bã. Nguyễn Bặc đứng dậy lấy chén và rượu ra, mọi người hôm nay họp nhau để tưởng nhớ đại ca đã khuất của họ.
-Mời! Chén này cho đại ca Đinh Bộ Lĩnh, anh em của chúng ta, vua của chúng ta.
Bốn người cùng nâng chén, không ai nói gì, uống cạn. Im lặng hồi lâu, rồi Đinh Điền mở lời:
-Không biết các ông có nghĩ giống tôi không, nhưng tôi thấy có gì đó không đúng trong vụ Đỗ Thích.
Lưu Cơ nói:
-Lúc ấy anh Bặc giận quá, tôi chưa kịp tra hỏi thì Đỗ Thích đã bị lôi đi rồi.
-Có lẽ hắn oan thật. Tôi thấy vẻ mặt hoảng sợ của hắn, rất giống một người bị bức cung nhận tội.
Trịnh Tú góp lời. Nguyễn Bặc nín thinh không nói gì. Rồi ông hỏi:
-Vậy mấy ông cho là tôi giết lầm người?
Lưu Cơ lắc đầu:
-Cái đó thì tôi không chắc. Nhưng tôi thấy Đỗ Thích không có động cơ gì để giết anh Lĩnh cả.
Trịnh Tú rót thêm rượu, nói:
-Thông thường nếu giết vua, ấy là có âm mưu thoán đoạt. Nhưng một viên quan nhỏ như Đỗ Thích không có vây cánh, không có công to, lên làm vua ai mà phục? Huống gì vẫn còn hoàng tử Đinh Toàn, lại thêm bốn chúng ta là tứ trụ triều đình, trung thành tuyệt đối. Hắn có bị điên mới nghĩ sẽ lên làm vua dễ dàng được.
Nguyễn Bặc cứng họng, ông cảm thấy có lý, có thể vô tình Đỗ Thích chỉ đi tuần ngang qua hôm ấy thôi, hắn vốn là quan nội thị mà, ngày nào chả lượn vòng vòng trong cung. Đinh Điền lên tiếng:
-Cho nên muốn giết vua cướp ngôi thì phải là một thế lực cực lớn. Không những quyền lực, mà còn phải có tài, rất có tài, vây cánh cũng phải nhiều. Vậy theo các ông, trong triều đình hiện nay ai là người hội tụ đầy đủ những điều đó?
Bốn người đưa mắt nhìn nhau hồi lâu, rồi không hẹn mà cùng nói:
-Lê Hoàn.
---
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Điện tiền chỉ huy sứ, người nắm quyền cao nhất của quân đội Hoa Lư. Một đạo quân của nhà Đinh là một trăm nghìn người, mười đạo quân là một triệu người. Ở tuổi 27, trong khi thanh niên chúng ta còn đang chập chững vào đời với bao lo toan cơm áo gạo tiền thì anh ấy đã là thống soái quân đội cả nước, hô một tiếng là triệu người hưởng ứng.
Sau khi Đinh Tiên Hoàng chết, Nguyễn Bặc cùng mấy anh em tôn hoàng tử bé Đinh Toàn lên làm vua. Thái hậu Dương Vân Nga vợ Đinh Bộ Lĩnh, tôn Lê Hoàn lên làm phó vương. À xin nói thêm về Dương Vân Nga, bà thái hậu này có dính líu tới tận ba triều đại là Ngô, Đinh, và Lê. Cỡ Võ Tắc Thiên cũng phải gọi là chị hai.
Lê Hoàn lên làm phó vương rồi càng lúc càng chuyên quyền, ra vào cung tự do. Nghi ngờ của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ và Trịnh Tú dần dần có cơ sở. Nguyễn Bặc nói:
-Lê Hoàn lộng hành. Ta không giết đi thì triều đại của Đinh ca và chúng ta dựng nên sẽ sụp đổ mất. Chúng ta có ân tình với anh ấy thì giờ phải dốc hết sức. Một người vì năm người, năm người vì một người!
Thế là Nguyễn Bặc và Đinh Điền khởi binh từ Thanh Hóa kéo về Hoa Lư để tiêu diệt Lê Hoàn. Thế nhưng họ đâu ngờ Lê Hoàn là bậc thiên tài quân sự. Giao tranh được vài trận, ông ta dùng mưu phóng hỏa đốt hết chiến thuyền của họ.
-Đinh Điền!!!
Nguyễn Bặc gào lên khi thấy bạn thân của mình chìm xuống đáy sông trong chiếc thuyền lửa cháy ngùn ngụt. Quân binh của Lê Hoàn nhanh chóng ập đến vật Nguyễn Bặc xuống, bắt sống giải về Hoa Lư. Lê Hoàn trừng mắt:
-Hoàng thượng vừa băng hà mà mày đã muốn làm phản à?
Nguyễn Bặc chửi:
-Giết tao đi, đừng nhiều lời. Sử sách đời sau sẽ không tha cho mày đâu Hoàn tặc! Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, chờ tôi!
Lê Hoàn giận tím mặt, ra lệnh chém chết Nguyễn Bặc. Người bạn trung thành của Đinh Bộ Lĩnh từ thưở thả trâu ra đồng, giờ đoàn tụ với vua. Sinh cùng năm, chết cùng năm.
Lại nói về Lưu Cơ và Trịnh Tú, hai ông cũng chiến đấu kịch liệt với quân Lê Hoàn nhưng sau đó gặp phục kích ở Bãi Vàng. Hai ông chống cự quyết liệt, giết được bốn tướng của Lê Hoàn. Trịnh Tú khi ấy đã trọng thương, thều thào:
-Lưu Cơ… tôi đi trước… đừng bỏ cuộc…
Lưu Cơ áo đầm đìa máu, nước mắt ầng ậng nhìn Trịnh Tú đổ gục xuống. Ông gầm lên rồi vung kiếm tả xung hữu đột để trả thù cho bạn, nhưng quân Lê Hoàn quá đông. Sức tàn lực kiệt, Lưu Cơ nhìn lên trời cao mỉm cười lần cuối, rồi tự đâm vào bụng mà chết. Dân chúng vô cùng thương cảm bốn anh hùng trung liệt này nên đã có câu ca dao:
Bặc, Điền, Cơ, Tú hiên ngang
Trịnh, Lưu sau lại Bãi Vàng hy sinh.
Hai người đi trước quang vinh
Hai người sau sáng lung linh cõi bờ.
Điền quân sự tham mưu Ngoại Giáp,
Bặc đứng đầu đền đáp nghĩa ân,
Lưu Cơ Độ Hộ sức thần,
Trịnh Tú ứng đối xa gần mến danh.
Tứ trụ triều đình đã chết, chẳng còn ai ngăn cản nữa. Năm 980, Dương Vân Nga trao long bào cho Lê Hoàn, ông chính thức lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Lê Đại Hành, nhà Đinh chấm dứt.
---
Mặc dù dân gian có nhiều đồn đoán, và thậm chí ngày tôi đến Hoa Lư thăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng thì cũng thấy rõ một điều là mộ vua Đinh nhang khói đầy đủ, quét dọn sạch sẽ, còn mộ vua Lê thì lạnh lẽo đìu hiu. Nhưng không thể phủ nhận được Lê Đại Hành là một ông vua yêu nước và có tài.
Nói sơ qua thì ngày đó cả Tàu và Việt đều đại loạn. Cả hai nước đều bị cắt xẻ thành nhiều phần. Tàu thì có Ngũ Đại Thập Quốc, còn Việt thì có Loạn 12 Sứ Quân. Coi như Triệu Khuông Dẫn và Đinh Bộ Lĩnh đang tham gia gameshow thống nhất đất nước, xem ai nhanh hơn. Thì nước mình nhỏ hơn nên xong trước. Cái năm Đinh Bộ Lĩnh chết cũng chính là năm nhà Tống hoàn toàn làm chủ Trung Hoa.
Nhà Tống đã thu phục toàn bộ, nhưng còn mỗi Giao Châu mất từ thời Ngô Quyền là nó chưa đòi lại được. Đó là lý do ngay khi nhà Đinh lục đục là nó cho quân đánh nước ta ngay. Lê Hoàn đã chờ sẵn, ông trổ thần uy diệt gọn quân Tống ở cả Bạch Đằng và Chi Lăng. Trước tới nay chỉ có Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn là làm được điều này.
Lê Hoàn có tàn nhẫn hay không thì chưa biết, nhưng ông là người có lòng tự tôn dân tộc rất cao. Sứ thần nhà Tống có thái độ khinh mình thì vua cũng coi thường họ ra mặt. Khi sứ giả nhà Tống mang thư đến, Lê Đại Hành kiên quyết không lạy, ông lấy cớ là vừa đánh nhau với quân Mán, ngã ngựa đau chân.
Vua Lê Đại Hành nghiêm khắc đưa ra đối sách mới rất hổ báo là không cho sứ nhà Tống vào triều mà chỉ dừng lại ở biên giới. Vua Lê nói thẳng với sứ rằng:
-Đường sá xa xôi nên sau này có tin tức gì thì cứ đứng ở biên giới nói, không phiền đến sứ thần.
Hành động này nghiêm trọng không kém gì chuyện đuổi thẳng cổ sứ giả về nước và hạ quan hệ ngoại giao đến mức thấp nhất, cùi nhất. Vua nước bé mà hỗn láo với thiên triều như thế không khác nào vả vào mặt, nhưng có lẽ quá kiêng nể vua Lê Đại Hành nên khi sứ về tâu thì vua Tống cũng đành chịu.
Chưa hết, Lê Đại Hành còn dần cho Champa một trận te tua nữa, mở đầu cho quá trình nam tiến về sau của Việt Nam. Điểm hay của Lê Đại Hành là xuất thân võ tướng nên luôn tự mình xung phong ra trận. Nói chung vua Lê về mặt ngoại giao đã nâng cao được địa vị nước ta, bên trong thì an ninh ổn định, bên ngoài biết dùng sức mạnh để làm Trung Quốc và Champa phải kiêng nể.
Vua Lê Đại Hành cũng rất giỏi trong việc trị vì, đặt ra nhiều luật lệ mới được người dân ngưỡng mộ và thêu dệt thành huyền thoại. Đó là lý do vì sao cuộc đời ông tuy có rất nhiều mây đen nghi án phủ kín nhưng Lê Đại Hành vẫn là một hoàng đế tuyệt vời và vẫn được xem là anh hùng dân tộc.