Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Hỏa ngục Thị Nại

Chia sẻ
thị nại

Đây là trận thủy chiến khốc liệt bậc nhất lịch sử Việt Nam, nhưng do Nguyễn Ánh thắng nên các sử gia không ưa, thành ra chẳng đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Có thể gọi nó là trận chiến bị lãng quên cũng được.

Trước khi kể về đại chiến Thị Nại thì mình sẽ nói sơ qua đại chiến Xích Bích. Bạn nào đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa sẽ không lạ về trận đánh kinh điển này. Ngày đó vua Hán bất lực không kiểm soát được thiên hạ nên các chư hầu chia đất nước ra thành từng vùng rồi xưng bá chủ, giống loạn 12 sứ quân bên mình. Tào Tháo giống Đinh Bộ Lĩnh ở chỗ cũng đi dẹp loạn. Ông lần lượt đánh thắng các sứ quân khác thu hồi lại đất cho triều đình, được tầm 80% rồi.

Tào Tháo đắc thắng nhìn về phương đông, nơi đó Tôn Quyền đang trấn giữ. Khổ một cái là để vào lãnh địa của Tôn Quyền thì phải vượt được sông Trường Giang. Thế là Tào Tháo cho đóng một số lượng thuyền chiến cực nhiều để chuẩn bị vượt sông. Nhưng quân Tào vốn quen đánh trên bộ, giờ phải lên thuyền thì bị say sóng nôn ói tùm lum. Tào Tháo đau đầu vụ này lắm.

Một hôm có danh sĩ tên là Bàng Thống vào gặp Tào Tháo hiến kế. Rằng muốn khắc phục say sóng thì lấy dây xích ràng tất cả các thuyền lại với nhau thành một mảng thật to, như vậy thì thậm chí cả ngựa đi lên cũng được. Tào Tháo khen hay, lập tức làm theo. Vào cái đêm diễn ra trận đánh, Khổng Minh lên đài cầu gió đông. Gió nổi lên ào ào. Đô đốc Chu Du ra lệnh cho thuyền nhỏ cầm theo đồ dẫn hỏa, lướt tới gần thủy trại Tào Tháo rồi nổi lửa lên. Thuyền quân Tào bị dây xích khóa chặt không nhúc nhích được, bị các thuyền nhỏ như những mũi tên lửa thọc sâu vào cháy tan tành. Một vùng Xích Bích biến thành hỏa ngục, trong đời Tào Tháo chưa bao giờ nếm một thất bại đau đớn hơn thế. Trận thua quyết định này của Tào Tháo khiến ông ta phải từ bỏ giấc mộng chinh phục phương nam, Lưu Bị lợi dụng cơ hội chạy về chiếm phía tây. Từ đó cục diện tam phân thiên hạ Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền hình thành.

1600 năm sau tại Việt Nam, cũng có một trận đại thủy chiến tương tự như thế. 

---

Để mình miêu tả về Thị Nại cho các bạn dễ hiểu. Nó là một đầm nước mặn khổng lồ nằm ngay thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bây giờ. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. 

Ngày đó thủy quân Tây Sơn là một thế lực hùng bá thiên hạ, đủ để làm gỏi Đông Nam Á. Gần như một nửa sức mạnh của vương triều này nằm ở thủy quân, và Thị Nại là đại bản doanh. Trong đầm Thị Nại có gần 2000 chiến thuyền, gấp 4 lần số thuyền Ô Mã Nhi sang Việt Nam bị Trần Hưng Đạo đóng cọc ở sông Bạch Đằng. Trong đầm có 3 chiến hạm Định Quốc, to thì chắc chưa bằng Titanic đâu, nhưng nó cũng là một con quái vật trên biển cả. Mỗi thuyền có 60 khẩu pháo hạng nặng, bắn một phát chắc thuyền cướp biển Caribe cũng chìm. Đầm Thị Nại có một cửa hẹp thông ra biển để tàu chui ra chui vào.

Nói chung vì nó là nơi cất giữ sức mạnh của Tây Sơn nên dĩ nhiên là hệ thống phòng thủ ở đây cực kỳ ghê gớm. Ngay cửa vào đầm Thị Nại có rất nhiều đại pháo đặt trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai chĩa thẳng xuống. Thằng nào không phận sự mà mon men lảng vảng tới là chỉ có hốt xác bỏ vào quan tài. 

Cho nên, nếu muốn chiến thắng Tây Sơn, phải hủy diệt Thị Nại trước đã.

---

Cuối năm 1800, tại bộ chỉ huy Gia Định.

Nguyễn Ánh đang đứng nhìn vào sa bàn Việt Nam, xung quanh là 5 tướng Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương cũng đang đăm chiêu. Nguyễn Ánh chỉ vào một điểm rồi nói:

-Đây là Quy Nhơn.

Rồi chỉ tiếp lên phía trên:

-Còn đây là Phú Xuân - Huế.

Ông suy nghĩ chút rồi nói tiếp:

-Võ Tánh vừa gửi thư cho ta biết hắn đang bị Tây Sơn vây đánh cực kỳ nguy ngập trong Quy Nhơn. Hắn muốn liều chết thu hút lực lượng này để ta rảnh tay lấy Phú Xuân.

Nguyễn Văn Thành tâu:

-Kế giương đông kích tây này cực hay, bọn chúng đang đánh Quy Nhơn thì Phú Xuân ắt bỏ trống.

Nguyễn Ánh nhíu mày:

-Ngươi quên là ở Quy Nhơn có đầm Thị Nại sao? Muốn đánh Phú Xuân thì ta phải vượt biển. Nhỡ nửa đường bị thủy quân ở Thị Nại chặn đánh thì coi như ta hiến máu nhân đạo à?

Một cơn gió mạnh thổi vào phòng họp, những mô hình thuyền chiến ở Thị Nại trên sa bàn đổ rạp xuống. Nguyễn Ánh thấy vậy, nói:

-Phải tiêu diệt Thị Nại, hủy diệt tất cả chiến thuyền của Tây Sơn.

Nguyễn Ánh đập mạnh tay xuống sa bàn thể hiện quyết tâm sắt đá. Võ Di Nguy lo lắng:

-Những lần trước chúng ta cũng thử đánh vào đấy nhưng vừa tới cửa đầm đã bị đại pháo Tây Sơn giã cho be bét còn gì chúa công.

Lê Văn Duyệt im lặng nãy giờ, bây giờ mỉm cười nói:

-Lấy nhu thắng cương. Dùng cái đầu mà đánh. Quân Tây Sơn càng mạnh thì ta càng phải linh hoạt. Cứ ủi bừa vào cửa Thị Nại như mấy lần trước để nó bắn thì phơi xác là đúng rồi. Hổ báo cũng tùy lúc.

Nguyễn Ánh nghe vậy cũng cười:

-Lời ngươi chính hợp ý ta. Thủy quân chúng ta cũng đâu có yếu nhưng để hạ Thị Nại thì phải dùng mưu. 

Lê Văn Duyệt lấy tay gom chiến thuyền của quân Gia Định trên sa bàn lại rồi đặt ngoài khơi Quy Nhơn, nói:

-Đội thuyền này chỉ có nhiệm vụ càn vào sau khi chúng ta đã đánh sập được toàn bộ hệ thống phòng thủ tại cửa Thị Nại. Các ông có ý kiến gì không?

Các tướng đưa mắt nhìn nhau rồi gật đầu. Lê Văn Duyệt bàn:

-Mỗi người hãy nói ra một ý của mình để tôi tổng kết. Chúng ta cần thống nhất. Được rồi, để hạ Thị Nại thì chúng ta cần gì?

Nguyễn Văn Thành suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

-Bí mật.

Kế đến Nguyễn Văn Trương:

-Lửa.

Rồi Tống Phước Lương:

-Gió.

Võ Di Nguy kết thúc:

-Liên hoàn.

Lê Văn Duyệt vỗ tay đánh bốp một cái:

-Xích Bích đại chiến!

Mọi người đồng loạt ồ lên nhất trí. Chúa Nguyễn khen là hay rồi gấp rút cho chuẩn bị trận chiến lớn nhất đời mình.

---

Rằm tháng giêng năm Tân Dậu 1801,

8 giờ đêm, thủy trại Thị Nại.

Ánh đuốc lung linh chạy một dải dọc bờ hồ. Trại Thị Nại được nghiêm ngặt bảo vệ 24/24, lính tuần khắp nơi. Hôm nay là ngày rằm nên trăng tròn vành vạnh, soi sáng 2000 chiến thuyền kiêu hãnh của Tây Sơn. Đêm nay yên tĩnh quá, cũng như mọi ngày, chỉ có âm thanh của sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền và tiếng dế kêu reng réc thê lương quanh đầm. Không một ai với trí tưởng tượng phong phú nhất sẽ nghĩ được rằng chỉ phút chốc nơi đây sẽ trở thành một hỏa ngục chôn thây 24 nghìn người.

Thuyền chúa Nguyễn âm thầm tiến sát đảo Hòn Đất. Lúc ấy 9 giờ, trời vẫn quang đãng. Chờ lâu quá, Nguyễn Ánh sốt ruột than:

Muốn phá Tào công
Phải dùng hỏa công
Muôn việc đã đủ
Chỉ thiếu gió đông!

Nhưng đến 9 rưỡi thì bỗng nghe gió xào xạc ngoài khe cửa, rồi cờ quạt chuyển động phe phẩy. Nguyễn Ánh bước ra khỏi thuyền quan sát, quả thấy đuôi lá cờ bay rần rật. Và chỉ một lát sau, gió nổi ầm ầm, nước triều cũng đột ngột dâng lên. Nguyễn Ánh không giấu nổi vẻ vui mừng:

-Trời giúp ta rồi!

Liền sai Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương thi hành mưu kế. Hai tướng vâng mệnh, ngồi trên thuyền nhỏ bí mật tiến vào. May mắn bắt được lính đi tuần của Tây Sơn, tra hỏi ra mật lệnh rồi đem giết. Hai người len lỏi vào Hổ Cơ tới chỗ súng đại bác, nhìn nhau hồi hộp, rồi cùng nói:

-Sẵn sàng chưa? Đại chiến Thị Nại bắt đầu.

Một tiếng ĐÙNG vang trời, Nguyễn Văn Trương bắn phát pháo hiệu đầu tiên khởi đầu chiến dịch. Đội đặc nhiệm 1200 người của Nguyễn Văn Thành tuốt lưỡi lê sáng loáng tiến vào vô hiệu hóa pháo đài Gành Ráng. Hai mươi sáu thuyền Nguyễn cải trang Tây Sơn dùng mật lệnh chui lọt vào Thị Nại. Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy kéo toàn đội chiến thuyền xông vào. Trước sự bối rối cuả quân Tây Sơn, hạm đội của chúa Nguyễn được lệnh tổng tấn công vào Thị Nại, xuyên qua hệ thống phòng thủ kiên cố của Tây Sơn.

Ba chiếm hạm quái vật Định Quốc bị hơn 60 chiến thuyền chúa Nguyễn bao vây. Lê Văn Duyệt gầm lớn:

-Đánh chìm!

Toàn bộ hạm đội Nguyễn tràn vào dùng hỏa công đánh phá dữ dội. Ba đại chiến hạm như con mãnh thú bị thương, từng mảng tàu rớt xuống theo tàn lửa. Nhờ thuận hướng gió nên sức công phá tối đa. Gió càng mạnh lửa càng dữ. Hạm đội Tây Sơn cháy phần phật từ chiếc này sang chiếc khác. Vũ Văn Dũng bảo vệ Thị Nại ôm đầu:

-Lửa thiêu Xích Bích!

Có lẽ trong cơn ác mộng tồi tệ nhất thủ lĩnh Tây Sơn thất hổ tướng cũng không ngờ đêm nay ông lại vào vai Tào Tháo của 16 thế kỷ trước. Bấy giờ lửa cuồn cuộn trên mặt đầm, tiếng hò thét vang trời chuyển nước, thủy quân Nguyễn Ánh đánh tràn vào. Thôi thì lửa giúp sức binh, binh trợ oai lửa. Trước cửa Giã, đầm Thị Nại biến thành một Hỏa Diệm Sơn khổng lồ. Quân Tây Sơn người bị đâm chém, kẻ bị trúng đạn, nào chết cháy trên thuyền, nào bỏ xác dưới đầm… không biết bao nhiêu người mà kể!

Chúa Nguyễn kịch chiến quyết thư hùng.
Thị Nại muôn thuyền phút hóa không!
Lửa cháy xuyên đêm, trời nước đỏ,
Gia Long một trận đại thành công!

Quân Tây Sơn không muốn đầu hàng dễ dàng như vậy, hỏa lực từ các khẩu pháo trên núi và những chiến thuyền còn lại bắn ầm ầm xuống các thuyền chèo tay của Nguyễn Ánh, khi đó đang vào đúng tầm súng. Võ Di Nguy bị một phát đạn bay đầu, quân Nguyễn hoảng hốt ngừng lại. Lê Văn Duyệt quát:

-Đồ hèn hạ!

Rồi ông chém chết viên tướng đã cho ngừng thuyền. Lê Văn Duyệt kiên quyết xông lên bất chấp tính mạng. Nguyễn Ánh gọi lớn:

-Lùi đi, chúng nó bắn rát quá!

-Không chúa công, gần thắng rồi!

Ánh sáng bấy giờ rực cả mặt thuyền, ngất cả tầng mây và tiếng súng nổ, tiếng quân hò reo rầm trời dậy đất. Quân Nguyễn bị chết rất nhiều, nhưng thuyền Tây Sơn bị đốt gần hết. Họ cố gắng chống giữ trong các dàn hỏa pháo nhưng tất cả nổ tung khi lửa bén vào các thùng thuốc súng. Người Việt Nam chưa bao giờ phải đánh một trận dữ dội như vậy. Đêm ấy, một bức tranh khủng khiếp bao phủ lên toàn bộ đầm Thị Nại với lửa khói ngút trời. Bình thường đốt lửa trại các bạn đã thấy sức nóng nó kinh đến cỡ nào, đằng này là 2000 chiến thuyền cùng cháy một lúc không sót một chiếc, phải nói là vô cùng dã man. Chiến trận kéo dài 3 giờ sáng đến đứng trưa hôm sau. 

Phía Tây Sơn chống giữ đến chết nên toàn bộ thuỷ quân đều bị tiêu diệt. Từ nay họ không còn chút uy danh nào trên mặt biển nữa. Tính ra quân Tây Sơn sau trận Thị Nại thiệt hại tới 20 ngàn và mất hết sạch hải đội hùng mạnh. Quân nhu, vũ khí, vàng bạc của binh tướng Tây Sơn rơi xuống đáy biển hết. Họ chẳng còn kiểm soát được đại dương, từ đó thuỷ quân Nguyễn Ánh ung dung tung hoành ra lấy Phú Xuân mà không sợ một thế lực nào nữa. Trận này được nhà Nguyễn xem là "đệ nhất võ công".

Thị Nại xưa kia vũng chiến trường,
Nổi chìm thế sự mấy triều vương.
Non mây nghi ngút nơi binh dữ,
Biển ráng chưa tan bọt máu hường.
Nhạn lãnh sóng vờn gương đế bá
Phương Mai rừng đắp vết tang thương.
Bùi ngùi ngắm cảnh quay trông lại
Lớp lớp xe ai rộn phố phường...

---

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc