-Hoàng thượng mất rồi sao?
Võ Văn Dũng nghe tin Quang Trung băng hà liền ngã quỵ xuống, trời đất như quay cuồng. Sứ giả đưa tin này đến đột ngột quá. Ông đang đi sứ sang nhà Thanh dâng biểu hỏi cưới cách cách cho vua và xin hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Đại sự sắp thành thì chuyện dữ xảy đến.
-An Nam có việc gấp, thần phải về, xin bệ hạ thứ tội.
Võ Văn Dũng nén nước mắt lạy tạ. Càn Long không hiểu chuyện gì nhưng cũng cho về. Dũng lập tức ngày đêm phi ngựa trở lại Việt Nam. Vì quá thương tiếc vị chúa cũ nên Dũng có làm bài thơ:
"Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng..."
---
Cái chết của vua Quang Trung đem đến một cú sốc lớn cho tất cả mọi người trong vương triều Tây Sơn, ai cũng đau đớn cho người hùng vắn số. Chỉ trừ một kẻ, đó là thái sư Bùi Đắc Tuyên (ảnh). Hắn ngửa mặt lên trời cười lớn:
-Nguyễn Huệ đã chết, Quang Toản còn nhỏ, ấy là trời cho cha con ta cơ hội.
Bùi Đắc Tuyên luôn nung nấu dã tâm thôn tính Tây Sơn. Thế nhưng Quang Trung vừa chết, lòng người còn thương nhớ, tạm thời giả vờ phò tá tên nhóc 10 tuổi Quang Toản làm vua Cảnh Thịnh đã. Từ từ rồi cháo sẽ nhừ, anh không vội.
-Để anh lên list những đứa cần phải xử.
Cảnh Thịnh lúc đó còn nhỏ nên Đắc Tuyên làm việc gì cũng mượn danh vua, đổi lại Tuyên bày trò mua vui cho cậu bé. Tuyên khống chế cả triều đình, lấn át nhà vua trẻ, làm vương triều Cảnh Thịnh mất uy tín ngay từ đầu. Những quan nào theo Đắc Tuyên thì được ưu đãi, người nào có ý chống thì bị đẩy đi làm quan xa, còn những ai có thái độ ra mặt thì bị đẩy sang chiều không gian khác đoàn tụ với tổ tiên. Vì lão ăn ở thất đức quá nên ngay cả những người trước kia đi theo cũng không thể chịu được.
Thậm chí đến cả Nhạc đại gia của Tây Sơn tam kiệt Tuyên vẫn không tha. Nhạc nhờ quân Phú Xuân tới cứu Quy Nhơn đang bị Nguyễn Ánh vây hãm. Quân Phú Xuân của Tuyên đuổi được Ánh đi rồi, sẵn cướp luôn Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc uất nghẹn mà hộc máu chết.
Hai anh em vua Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc chết thì Tuyên còn ngán ai nữa. Lúc đó trong triều Tây Sơn thì 3 người quyền lực nhất là hoàng đế Cảnh Thịnh, thái sư Bùi Đắc Tuyên và đại tư mã Ngô Văn Sở. Âm mưu của hắn đã dần dần lộ diện: Đắc Tuyên sẽ lật đổ Cảnh Thịnh, đưa Bùi Đắc Trụ con mình lên làm vua, đưa Ngô Văn Sở lên làm chúa!
Một hôm Tuyên bắt Lê Văn Hưng, một trong Tây Sơn thất hổ tướng. Ông Lê Văn Hưng uất ức gào lên:
-Tôi vừa giành được Phú Yên cho triều đình từ tay quân Nguyễn Ánh, tại sao lại bắt tôi!??
Tuyên nạt:
-Mày dẫn quân đánh Phú Yên mà không báo cho triều đình trước. Muốn làm phản à? Chém đầu thị chúng!
Cả vua Cảnh Thịnh và đại tư mã Ngô Văn Sở cùng lao tới can đừng giết công thần nhưng không được. Mưu sĩ Trần Văn Kỷ tức giận đứng ra nói lớn:
-Thái sư làm vậy thì còn ai dám hết mình vì nhà Tây Sơn nữa?
-Câm mồm!
Tuyên trỏ vào mặt Kỷ rồi ra lệnh đày đi xa. Kỷ vái tạ rồi thu xếp lên đường. Kế đó Tuyên tiếp tục gọi Võ Văn Dũng về Phú Xuân để tiện trừ khử, còn Ngô Văn Sở ra bắc trấn giữ thay cho Dũng. Một đêm Dũng ghé nơi Kỷ bị đày, hai người thức nói chuyện với nhau. Kỷ nói:
-Tôi biết ông tận trung với Quang Trung hoàng đế. Vậy hãy làm gì đó để cơ nghiệp Tây Sơn của người đừng bị hủy hoại. Thái sư Bùi Đắc Tuyên là một thằng khốn. Ông nên tìm cách giết đi.
Dũng gật đầu vì ông vốn rất nể tài năng và đức độ của Kỷ. Hôm sau ông về Phú Xuân nhưng không vào triều mà lại lén gọi hai tướng của Tuyên, bàn:
-Lão Tuyên ăn ở vậy hai chú thấy có ổn không?
Hai tướng đều lắc đầu, ba người bèn nhất trí đảo chính. Khuya hôm ấy họ âm thầm kéo đến dinh thái sư nhưng không có ai. Hóa ra đêm đó Tuyên ngủ trong cung vua. Thế là họ vây luôn cả cung và gọi lớn:
-Hoàng thượng giao thái sư ra đây!
Bùi Đắc Tuyên đang ngủ thì nghe huyên náo, nhòm ra ngoài thấy quân lính vũ trang đằng đằng sát khí thì sợ tái mặt. Vua Cảnh Thịnh vội vàng ra xin nhưng Võ Văn Dũng cương quyết không cho, xông thẳng vào bên trong túm cổ Bùi Đắc Tuyên lôi xềnh xệch ra ngoài. Hắn la oai oái khi bị quân lính đem tống vào ngục tối. Nhưng Vũ Văn Dũng vẫn chưa ngừng lại:
-Hừm, đã bắt thằng cha thì phải bắt luôn thằng con để trừ hậu họa!
Thế là Dũng cho quân vào Quy Nhơn áp giải Bùi Đắc Trụ về, kế đến viết chiếu chỉ giả gửi ra bắc gọi đại tư mã Ngô Văn Sở. Sở vừa về tới Phú Xuân thì đã bị lính tráng vật xuống trói gô lại. Ba người bị Dũng khép vào tội mưu phản, đóng vào cũi chở ra sông Hương. Dũng cười:
-Thanh lọc cơ thể, không lo bị nóng nhé.
Rồi dìm chết cả ba dưới dòng sông buốt giá. Tội nghiệp Ngô Văn Sở vạ lây, bị kẻ khác lôi kéo vào âm mưu tranh giành quyền lực trong khi ông không biết gì. Thường ngày Ngô Văn Sở yêu kính quân tử mà vẫn nhân đạo với kẻ tiểu nhân. Ông làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế. Ông vào sinh ra tử, nam chinh bắc chiến cùng vua Quang Trung từ những ngày đầu Tây Sơn khởi nghĩa, vậy mà kết cục thật cay đắng. Cảnh Thịnh không thể ngăn chặn nổi, đành chỉ khóc lóc mà thôi.
"Cậy chức Thái sư Bùi Đắc Tuyên
Cậu vua tác quái, lại chuyên quyền
Tây Sơn lủng củng, nhiều chua chát
Vua trẻ ngậm ngùi, cảnh đảo điên."
Bùi Thị Xuân vốn là cháu của Bùi Đắc Tuyên và vợ Trần Quang Diệu. Hai vợ chồng khi ấy đang đi công tác xa. Bà Xuân chăm sóc vùng Quảng Nam, còn ông Diệu thì đánh nhau với quân Nguyễn ở Diên Khánh. Nghe tin tại triều có biến, Diệu thất kinh mất hết tinh thần chiến đấu, rồi bỏ thành Diên Khánh mang quân về. Còn Dũng thì sai sát thủ tìm cách giết Diệu nhưng không thành. Hai lãnh đạo của Tây Sơn thất hổ tướng đụng độ nhau ở Phú Xuân. Diệu chửi:
-Sao ông giết thái sư?
Dũng cũng chửi lại:
-Lão ăn ở khốn nạn vậy không giết thì để làm gì? Ông ở xa không rõ tình hình thì nghe tôi phân tích đây.
Diệu nạt:
-Phân tích cái củ cải. Hư cấu quen thói!
Hai bên đùng đùng nổi giận tính lao vào khô máu với nhau một trận kịch liệt. Phan Huy Ích nhào ra van xin:
-Thôi thôi mấy ông stop giùm tôi cái! Triều Tây Sơn giờ nát lắm rồi, đừng làm cho nó bấy nhầy nữa!
Vì nghĩ đến sự phó thác xưa kia của tiên đế Nguyễn Huệ và đại cuộc của nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu bằng lòng giảng hòa. Thế nhưng giờ quyền lực lại rơi vào tứ trụ đại thần Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Văn Huấn. Họ nắm hết quyền chính và tiếp tục tìm cách hãm hại lẫn nhau.
Sau đó là những màn chém giết giữa quân Phú Xuân và quân Quy Nhơn của Tây Sơn, rất nhiều người chán nản và thất vọng bỏ về đầu hàng quân Nguyễn. Trong khi triều đình Tây Sơn suy đốn như thế, thì các quan lại ở ngoài lại đua nhau bóc lột nhân dân. Họ thường đàn áp thẳng tay những người ủng hộ họ Nguyễn ở Đàng Trong và họ Lê ở Đàng Ngoài, có khi tàn phá cả làng. Quân lính của Tây Sơn bây giờ không giữ kỷ luật như ở thời Quang Trung nữa, thường hay nhũng nhiễu ức hiếp dân chúng. Nhân dân mỗi ngày một thêm chán ghét. Cuối đời vua Cảnh Thịnh, triều đại Tây Sơn thối nát chó má đến nỗi nhân dân căm thù mà có câu ca dao:
"Đô đốc tam thiên đô đốc,
Chỉ huy bát vạn chỉ huy,
Trung úy vệ úy chẳng kể làm chi,
Cai đội phó đội lấy tàu mà chở.
Mười quan thì được tước hầu,
Năm quan tước bá, ai hầu kém ai?"
Danh tướng Phan Văn Lân trí dũng hơn người, đánh giặc rất giỏi. Hễ được ban thưởng là đem hết ra để khao quân lính, không mấy khi nhắc đến việc nhà. Thường hễ có công lao ông đều quy hết cho những người dưới quyền, còn bản thân thì không hề màng đến. Ông ra vào giản dị, chẳng khác người hầu. Quân Thanh sợ hãi mà gọi ông là "Phi tướng quân", nghĩa là vị tướng ở trên trời bay xuống. Vua Quang Trung xem Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân là nanh vuốt của ông. Vậy mà giờ Phi tướng quân cũng cay đắng than rằng:
- Quang Trung hoàng đế ở trên trời cao chắc đau lòng lắm. Luân thường đã dứt, sự nghiệp này không thể nào bền vững được lâu.
Rồi ông giã từ Tây Sơn, bỏ đi như mây trôi trên ngàn thẳm. Nhiều người cũng nối gót Phan Văn Lân. Không nối gót sao được khi bao nhiêu di sản tuyệt vời mà Nguyễn Huệ vĩ đại để lại, hằng mong một đất nước Đại Việt thịnh vượng để tranh hùng với Mãn Thanh đã chẳng còn gì. Thời đại oai hùng của Tây Sơn tam kiệt đã trôi đi xa vào quá khứ lắm rồi. Vương triều Tây Sơn bây giờ chỉ còn là một thứ quái thai bệnh hoạn cần phải bị tiêu diệt, một lần này và mãi mãi…
----
Gia Định, năm 1801, thế kỷ mới, tương lai mới.
Nhân dân chen chúc đầy bờ sông Sài Gòn, họ vẫy tay, khuôn mặt ai cũng tràn đầy hy vọng. Bởi vì hôm nay chúa tể của họ - Nguyễn Phúc Ánh sẽ xuất quân. Nguyễn Ánh mặc áo bào đỏ, đứng trên con thuyền lớn nhất, ông đưa nắm tay lên thể hiện quyết tâm:
-Ta ra đi kỳ này, không thành công không trở về!
Dân chúng òa lên:
-Chúc Nguyễn vương thuận buồm xuôi gió!
-Chúng tôi yêu ngài, Nguyễn Phúc Ánh!
Nguyễn Ánh cười hạnh phúc, ông có cả nhân tâm miền nam, đây là điều không ai có thể phủ nhận được. Nguyễn Ánh tuyên bố lần cuối:
-Ta hứa sẽ thống nhất đất nước!
Nhân dân nam bộ chạy ùa đến vẫy tay khi đoàn tàu nhổ neo:
-Lạy trời cho cả gió nồm, để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra!
Nguyễn Ánh đứng ở mũi thuyền nhìn về phía mặt trời hướng ra cửa biển, mái tóc dài của ông bay bồng bềnh trong gió. Ông nói với Lê Văn Duyệt:
-Lấy được Phú Xuân, đất tổ của họ Nguyễn Phúc là mọi thứ coi như an bài.
Trước đó 1 năm Nguyễn Ánh đã tự dẫn quân đánh Quy Nhơn, chiếm được và đổi thành Bình Định. Ông cũng tìm cách thu phục dân chúng vùng Quy Nhơn vì ông biết rất rõ đây là đất phát tích của Tây Sơn. Nguyễn Ánh tiếp tục chính sách tha thuế, trọng dùng những người đầu hàng và ra tay trừng phạt nặng bất cứ ai dám hà hiếp dân chúng ở đây. Sau đó Nguyễn Ánh trở về miền nam, giao cho Võ Tánh giữ thành.
Nhưng vì Quy Nhơn là đất tổ nên sống chết thế nào Tây Sơn cũng tìm cách chiếm lại. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây Võ Tánh gần 1 năm trời, và Nguyễn Ánh không thể nào làm ngơ. Ông cho người lẻn mang thư đến bảo Võ Tánh mở đường máu mà trốn ra nhưng Võ Tánh kiên quyết tử thủ để tạo đều kiện cho Nguyễn Ánh đánh úp thủ đô Phú Xuân!
Nguyễn Ánh sau trận đánh siêu kinh điển ở Thị Nại (mình từng viết rồi), cũng nhận thấy quân Tây Sơn quá mải mê bao vây Võ Tánh mà bỏ trống Phú Xuân. Do đó ông kéo quân vượt biển đánh nhau dữ dội để đòi lại kinh thành cũ của gia tộc mình ngày xưa. Cảnh Thịnh thua to, nhả Phú Xuân chạy. Nên nhớ Nguyễn Ánh là một tay mưu trí, xưa nay đối đầu chỉ thua mỗi Nguyễn Huệ thôi, còn bất cứ tướng Tây Sơn nào, kể cả Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ cũng đều ăn hành dưới tay Ánh rồi.
Trong khi Nguyễn Ánh hạ được Phú Xuân thì sau lưng ông, Võ Tánh cùng các tướng giữ thành Quy Nhơn không chống nổi Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, đã tự sát và quân Tây Sơn tái chiếm Quy Nhơn. Nghe tin Cảnh Thịnh bại trận ở Phú Xuân, Trần Quang Diệu đang vây Quy Nhơn sai binh về cứu kinh thành nhưng bị quân Nguyễn chặn đánh nên không về được.
-Bọn trẻ con, tuổi gì đọ với Nguyễn Phúc Ánh ta?
Nguyễn Ánh cười lớn, tiếp tục đập tan cánh quân phối hợp giữa Cảnh Thịnh và Trần Quang Diệu nhằm tái chiếm Phú Xuân. Ngày xưa Nguyễn Huệ nam tiến, thì ngày nay Nguyễn Ánh bắc tiến! Ông đi đúng con đường cũ của Quang Trung ngày xưa, chỉ có điều là lộ trình đảo ngược lại thôi. Quân Tây Sơn không thể chịu nổi quân Nguyễn, bị đánh ép dần dần ra bắc. Mất Phú Xuân, rồi mất luôn Nghệ An.
-Bắt lấy chúng!
Trần Quang Diệu bị bệnh không chạy được mà phải nằm trên cáng, Bùi Thị Xuân vì bảo vệ chồng nên không đi nhanh được. Thế là hai vợ chồng và cả Võ Văn Dũng đều bị bắt giải về Phú Xuân. Nguyễn Ánh lập tức lên ngôi, lấy hiệu là Gia trong từ Gia Định, Long trong từ Thăng Long, bày tỏ quyết tâm cao độ thống nhất đất nước.
Tháng 6 âm lịch năm 1802, Gia Long thân chinh đánh trận cuối cùng chiếm được Thăng Long. Cảnh Thịnh hốt hoảng bỏ chạy và sau đó bị bắt. Nhà Tây Sơn hoàn toàn bị tiêu diệt, Nguyễn Ánh chính thức thống nhất Việt Nam thành một dải nam bắc liền mạch sau 3 thế kỷ chia cắt vì nội chiến. Một chương sử bi hùng đẫm máu và nước mắt vĩnh viễn khép lại từ đây.
"Nước ngàn năm văn hiến
Vạn dặm một sơn hà
Từ Hồng Bàng mở nước
Thịnh trị nước nam ta."
(Gia Long hoàng đế)