Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Những cuộc phiêu lưu của Nguyễn Huệ - Phần 2: Con sói cô độc

Chia sẻ
nguyễn huệ

Xem lại phần 1: Tây Sơn khởi nghĩa

Nguyễn Huệ đã tiêu diệt chúa Nguyễn và tiến hành lùng bắt cậu bé cuối cùng của gia tộc này là Nguyễn Ánh nhưng không thành công. Nguyễn Ánh được dân nam bộ hết sức che giấu nên thoát. Bấy giờ Nguyễn Huệ mới hướng tầm nhìn về phương bắc, nơi đó vẫn còn một kẻ phải lật đổ: chúa Trịnh.

Qua bài Đặng Thị Huệ chắc các bạn cũng biết Trịnh Tông. Thật sự thì không phải ai cũng phục vị chúa mới này, và Nguyễn Hữu Chỉnh là một trong số đó. Ông đẹp trai, giỏi cả văn lẫn võ nên người ta gọi là Cống Chỉnh. Sau khi người ông phò tá là chúa Trịnh Cán bị lật, Hữu Chỉnh đã lén bỏ vào nam đầu hàng Tây Sơn. Nguyễn Nhạc mừng lắm:

-Ta có được Hữu Chỉnh thì khác gì cá gặp nước!

Nguyễn Nhạc gấp rút bàn kế hoạch đánh chiếm thành Phú Xuân từ tay quân Trịnh. Hữu Chỉnh là người mưu mẹo, ông nghĩ ra kế ly gián. Ông viết một lá thư dụ hàng tướng giữ thành Phú Xuân, nhưng lại gửi sang phó tướng của hắn. Thế là sinh ra nghi ngờ, rồi mất đoàn kết. Đến khi quân Tây Sơn kéo tới đánh thì hai thím giữ thành mặc kệ nhau, éo thèm cứu, cuối cùng mất thành theo một phong cách không thể nào nhảm hơn.

Nguyễn Huệ chiếm được Phú Xuân rồi, sướng lắm, thành ra muốn chơi tới bến luôn. Hữu Chỉnh biết ý nên bảo:

-Đang đà thắng thì chúa công đánh ra bắc luôn đi.

Nguyễn Huệ nhíu mày:

-Nhưng chưa có lệnh của anh Nhạc ta.

-Kệ ổng, khô máu đi!

Nguyễn Huệ khi ấy còn trẻ, còn sung nên ok luôn. Tất cả tiếp tục hành quân ra Đàng Ngoài với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh", chỉ để lại Nguyễn Lữ giữ Phú Xuân. Đánh chúa Nguyễn thì mất 7 tháng, còn đánh chúa Trịnh mất có 1 tháng thôi. Do Huệ và Chỉnh đều giỏi nên thắng như chẻ tre, chẳng mấy chốc đã tới sát thành Thăng Long. Trịnh Tông bó tay, bèn tự sát.

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Huệ ra thủ đô Hà Nội chơi nên cũng có nhiều bỡ ngỡ, Nguyễn Hữu Chỉnh phải làm tour guide hướng dẫn anh trai quê mới lên phố. Chỉnh sắp xếp cho Huệ gặp vua Lê Hiển Tông, rồi cũng Chỉnh hỏi cưới Ngọc Hân cho Huệ luôn. Kỳ này ra bắc lấy được công chúa, nhất anh trai áo vải rồi.

Lại nói về Nguyễn Nhạc khi đó đang ở Quy Nhơn, ông rất sốc:

-Ơ cái thằng Huệ này, anh bảo mày đánh ra Huế rồi thôi, chứ có bảo mày chơi tới tận… Hà Nội đâu???

Nhạc khi ấy đang là hoàng đế Thái Đức của Tây Sơn, ông rất sợ nếu không kiểm soát được Huệ thì nguy to. Có vẻ Huệ không còn là thằng em bé bỏng mà hàng ngày ông vẫn đi buôn trầu về nuôi lúc nhỏ, nó không còn nghe lời anh hai nữa rồi. Nhạc lập tức ra tận Thăng Long gặp em, ông trách:

-Anh chỉ muốn giữ Nam Hà thôi. Chú phang cả Bắc Hà làm gì? Đi về ngay!

Nguyễn Huệ đành theo anh về miền nam. Nhạc bấm nhỏ Huệ nói:

-Anh không tin Nguyễn Hữu Chỉnh lắm. Hắn vốn là người của Đàng Ngoài, nhưng lại kêu chú dẫn quân đánh ra Đàng Ngoài. Có ngày anh em mình cũng bị hắn phản bội, tốt hơn hết là không trọng dụng nữa.

Nguyễn Huệ cũng đồng ý, thế là hai người âm thầm rút về Đàng Trong mà không báo cho Hữu Chỉnh. Hữu Chỉnh khi ấy luôn theo sát Nguyễn Huệ nên lúc Huệ đột ngột biến mất thì ông biết ngay, vội vã lên ngựa đuổi theo. Thành Thăng Long giờ đã trở thành nơi vô cùng nguy hiểm, những người ủng hộ chúa Trịnh rất căm ghét Chỉnh vì dám dẫn “giặc Tây Sơn” vào nhà. Chỉnh ra đi là cách tốt nhất.

-Ê ê, sao bỏ tôi ở lại!?? Chơi kỳ vậy?

Nguyễn Hữu Chỉnh nhanh chóng bắt kịp đoàn quân của Nguyễn Huệ. Huệ hết cách, bèn bảo ông trấn thủ Nghệ An, chỗ này nằm giữa Phú Xuân và Thăng Long. 

Lúc bấy giờ Lê Hiển Tông già rồi chết, Lê Chiêu Thống lên thay. Phe cánh họ Trịnh bàn nhau:

-Bọn Tây Sơn đã về nam hết rồi, ta khôi phục lại chúa Trịnh thôi.

Nói là làm, họ tôn Trịnh Bồng lên ngôi chúa. Trịnh Bồng đem quân vây chặt cung vua, định phế bỏ Lê Chiêu Thống. Lê Chiêu Thống trước đó đã có linh tính, bèn viết thư gửi vào Nghệ An cho Hữu Chỉnh:

-Cứu Trẫm!

Nguyễn Hữu Chỉnh đọc xong, lập tức nai nịt gọn ghẽ rồi lên đường. Một vạn quân của ông kéo thẳng đến Thăng Long cứu giá. Các tướng chúa Trịnh làm quái gì có cửa so tài với danh tướng Nguyễn Hữu Chỉnh kia chứ? Họ Trịnh bị đánh cho tan tác đến không thể khôi phục được nữa. Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, phủ chúa Trịnh được xây từ hơn 200 năm bị Lê Chiêu Thống cho người đốt cháy rụi. Cả một kỳ quan nhân tạo của Việt Nam tan thành tro bụi sau 10 ngày.

-Hoàng thượng long thể vẫn an khang chứ?

Nguyễn Hữu Chỉnh hỏi. Lê Chiêu Thống mệt mỏi:

-Ta vẫn lo lắng về bọn mọi rợ Tây Sơn. Ta không muốn chúng quay lại.

-Đừng lo hoàng thượng. Thần đầu quân cho Tây Sơn chỉ là bất đắc dĩ. Nay Nguyễn Huệ đã giao cho thần trấn giữ đất Nghệ An. Thần sẽ biến đây thành vùng bất khả xâm phạm để ngăn Tây Sơn trở lại Bắc Hà.

Chiêu Thống mừng rỡ cầm tay Hữu Chỉnh:

-Nhà Lê nhờ khanh cả đấy!

Hữu Chỉnh tuân lệnh rồi quay trở lại Nghệ An ra sức xây thành đắp lũy để tạo nên một phòng tuyến kiên cố chống Tây Sơn. Nhưng thực ra Chỉnh chỉ coi vua Lê là thằng trẻ con, ông muốn chính mình làm vua cơ. Trong khi Hữu Chỉnh đang âm mưu thì một tướng Tây Sơn tên Vũ Văn Nhậm cấp báo với Nguyễn Huệ:

-Nguyễn Hữu Chỉnh muốn làm phản thưa chúa công!

Nguyễn Nhạc nhìn Huệ rồi nói:

-Đấy, anh nói chú đâu có sai. Thế nào cũng có ngày này. Tự nhiên giao Nghệ An cho hắn chi không biết.

Huệ mặt đỏ ngầu:

-Quân phản phúc!

Rồi ra lệnh cho Vũ Văn Nhậm lập tức tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh có thể coi thường các tướng Trịnh nhưng với Vũ Văn Nhậm thì rất kiêng dè. Nhậm vô cùng mạnh khỏe, giỏi võ và binh pháp. Hữu Chỉnh đánh không lại bèn bỏ chạy. 

Nhưng ông vẫn chưa chịu thua, ông với quân Tây Sơn cách nhau một con sông. Hữu Chỉnh có 50 chiếc thuyền chứa toàn đại bác, định sẽ bật lại. Nhưng thằng chỉ huy ông giao cho lại chủ quan không phòng bị. Thế là khuya ấy quân Tây Sơn ngầm bơi qua lấy dây thừng… kéo hết sang bờ bên kia. Mất sạch đội thuyền cùng đại bác chỉ sau một đêm, Nguyễn Hữu Chỉnh kinh hoàng:

-Cái quái gì đang xảy ra vậy…

Rồi ông tiếp tục chạy về Thăng Long bắt lấy Lê Chiêu Thống cùng bỏ trốn với mình. Nhưng quân Tây Sơn di chuyển cực nhanh, bao vây mọi ngả đánh tan tành quân Hữu Chỉnh. Ông thế cùng lực kiệt, lên ngựa chạy một mình:

-Nhanh lên con khốn!

Hữu Chỉnh thúc ngựa nhưng con vật bị què nên chạy không nổi. Bốn chân quỵ xuống hất Hữu Chỉnh lăn lông lốc, quân Tây Sơn xúm lại bắt trói. Vũ Văn Nhậm cười:

-Ha ha, đại bàng gãy cánh!

Rồi ra lệnh cho xé xác vì tội bất trung. Con sói cô độc Nguyễn Hữu Chỉnh một đời mưu kế, cuối cùng phải nhận kết cục thảm khốc. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một chuỗi đại loạn tại Bắc Hà, những chuyện tiếp theo thế nào, các bạn chờ hồi sau sẽ rõ.

Xem tiếp phần 3: Huynh đệ tương tàn

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc