Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Những cuộc phiêu lưu của Nguyễn Huệ - Phần 3: Huynh đệ tương tàn

Chia sẻ
tây sơn

Xem lại phần 2: Con sói cô độc

Lại nói về Nguyễn Huệ ra bắc diệt họ Trịnh cùng Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Nhạc như ngồi trên đống lửa. Ông là Thái Đức hoàng đế, là người đứng đầu Tây Sơn, tại sao Nguyễn Huệ lại tự tiện muốn làm gì thì làm như thế? Ông tức tốc chạy ra Thăng Long kêu em về. Nguyễn Huệ nghe lời, nhưng thay vì cùng anh về Quy Nhơn thì ông tới Phú Xuân rồi dừng ở đó. Danh tiếng Nguyễn Huệ lên cao, được nhân dân tôn là Đức Chúa. Nếu như Nhạc là hổ thì Huệ là rồng, mà rồng thì luôn muốn bay cao trên bầu trời riêng của nó chứ chẳng chịu khuất phục ai mãi. Nguyễn Nhạc càng lúc càng lo sợ, mới viết thư giục:

-Em về ngay Quy Nhơn cho anh!

Nguyễn Huệ hồi đáp:

-Tình hình Bắc Hà chưa yên, em chưa về được. Mong anh thông cảm.

Nguyễn Nhạc đọc thư xong tức giận vò nát, rồi cho người tới Phú Xuân hỏi tội. Huệ khi này cũng nổi khùng:

-Tội gì mà hỏi? Ðánh nam dẹp bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy từ tay chúa Trịnh. Ta chịu nhịn chẳng qua vì tình anh em. Anh Nhạc có cho ta miếng đất nào đâu mà bắt ta cứ phải nghe lệnh? Ta có công thì anh quên, còn không có tội thì anh vu cáo! Sao lại bất công thế. Ta không chịu nổi!

Huệ nói xong đập mạnh tay xuống án đứng phắt dậy, quát thất hổ tướng chuẩn bị xuất quân đánh Quy Nhơn, đó là đầu năm 1787. Nhạc biết Huệ sẽ “làm phản” nên cũng sắp sẵn quân binh dàn trước thành, cờ quạt hùng vĩ đỏ rực một khoảng trời để nghênh địch. Khi thấy đoàn chinh phạt xuất hiện, Nguyễn Nhạc tế ngựa lên phía trước:

-Mời chú Ba ra đây nói chuyện.

Nguyễn Huệ mặc áo vải, lạnh lùng đi đến. Nhạc trỏ roi ngựa vào mặt Huệ mắng:

-Làm em mà không nghe lời anh là bất nghĩa, làm tôi mà không nghe lời vua là bất trung. Tôi chạy ngược xuôi buôn bán nuôi cậu từ nhỏ. Tôi chăm sóc mẹ, cậu và mấy đứa em nheo nhóc, để bây giờ cậu phản tôi à?

-Em không phản, nhưng anh đừng bức bách em như thế anh Nhạc!

Huệ cũng lớn tiếng. Nguyễn Nhạc tay cầm cây thương, nhảy xuống ngựa thách thức:

-Ra đây, tôi phải dạy cậu một trận. Làm anh mà không trị được em là bất tài!

Huệ chẳng nói chẳng rằng, cũng nhảy xuống ngựa, tuốt thanh Ô long đao ra khỏi vỏ. Thanh đao này cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao cũng bằng một loại kim khí màu đen, không có hào quang mà chỉ có khí lạnh. Trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm Giáp Thìn, Nguyễn Huệ đã sử dụng thanh Ô long đao chém tướng quân Xiêm lên đến hằng trăm người. Năm Kỷ Dậu, Ô long đao lại đẫm máu quân Thanh xâm lược.

Binh sĩ hai bên im phăng phắc, mọi người đều nín thở khi hai anh em tiến tới giáp mặt nhau. Nguyễn Huệ ngoảnh lại phía sau vẫy một cái, ra hiệu cho quân sĩ không được bắn tên. Nhạc cũng làm tương tự. Huynh đệ họ đứng cách nhau tầm mười thước, sát khí đằng đằng bốc lên như muốn mờ cả sao Đẩu Ngưu. Một trường ác đấu sắp sửa diễn ra tại thành Quy Nhơn. Nhạc khuyên:

-Chú quy phục đi rồi anh em lại như xưa.

Huệ cầm ngang thanh đao, sang sảng nói:

-Cáo lỗi, em đành bất tuân mệnh lệnh!

Nhạc đùng đùng nổi giận sấn tới đánh ngay. Thế là thương đâm qua, đao chém lại vùn vụt. Hai cặp mắt nảy lửa, hai binh khí đập nhau choang choảng. Ô long đao và Độc lư thương ai sẽ thắng? Đây là câu mà rất nhiều danh gia kiếm hiệp từng tự hỏi, ta đây cũng rất muốn biết. Do Nhạc và Huệ đều thụ giáo sư phụ Trương Văn Hiến nên các ngón đòn của nhau họ biết khá rõ. Nhạc có lối đánh uyển chuyển, Huệ thì mạnh mẽ, còn Lữ thì cẩn trọng. Thêm nữa, dù là những đại cao thủ võ lâm đủ sức một kích tất sát đoạt mạng đối phương, nhưng vì nghĩ tình huynh đệ nên cả hai đều nương tay. Thành ra đánh hơn trăm hiệp chưa phân thắng bại.

Đao đỡ thương rồi thương đỡ đao,
Thương qua đao lại chẳng ai nhường.
Quy Nhơn chiến địa nơi binh dữ,
Huynh đệ tương tàn cảnh đáng thương.

Nhạc thét vang một tiếng rồi chọc thẳng mũi thương, Huệ đưa đao gạt phăng đi. Không ngờ lực quá mạnh, đao với thương cuốn lấy nhau văng lên trời. Huệ nhanh tay chộp lấy Độc lư thương, còn Nhạc bắt được Ô long đao. Hai người hoán đổi vũ khí cho nhau đánh thêm trăm hiệp. Nhạc sử long đao cũng rất kinh khủng, đao khí ào ạt như vũ bão. Huệ thì đã quá quen với Độc lư thương do đây là tuyệt kỹ ba anh em cùng sáng tạo ra. Vẫn bất phân thắng bại.

Trận đấu kéo dài đến giữa trưa, cả hai đều thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa tóc tai. Nhạc dù sao cũng có tuổi hơn Huệ nên thấm mệt trước, tay cầm đao cũng đã lỏng. Huệ nhận ra sơ hở, liền đâm dứ xuống một miếng. Nhạc giật mình đưa đao xuống đỡ. Huệ lập tức xoay cán sắt của cây thương đánh mạnh vào mu bàn tay Nhạc khiến thanh đao bật ra. Tay còn lại của Huệ vung lên thành một chiêu thức. Nhạc nhận ra liền biến sắc: “Chết rồi! Yến phi quyền!”. 

Đột nhiên thấy nhói bên mạng sườn, Thái Đức hoàng đế văng ra sau vài thước. Cũng như Hùng kê quyền là võ công trấn phái của Nguyễn Lữ, Yến phi quyền là một bộ chiêu thức do Nguyễn Huệ nghĩ ra. Chiêu vừa rồi nhẹ nhàng như cánh én nhưng uy lực vô song, do Huệ chỉ dùng ba phần công lực nên Nhạc không bị nội thương đến vong mạng.

Chửi lớn một tiếng, Nguyễn Nhạc loạng choạng ngồi dậy, nắm lấy dây cương nhảy lên yên ngựa rồi chạy về trận. Vừa bẽ mặt trước ba quân, vừa căm tức vì thua em trai, Nhạc sai nổi trống lên rồi thúc quân tràn sang đánh. Nguyễn Huệ cũng nhảy lên ngựa rồi ra hiệu toàn quân rút lui. Nhạc tưởng Huệ sợ nên càng hăng máu, nổi trống càng dữ, đuổi theo càng gấp.

Nhưng Nguyễn Huệ là người như thế nào? Là thiên tài quân sự. Ông đã tính trước Nhạc ba, không, thậm chí năm bước. Kế rút quân này ông học từ trận Chi Lăng của nghĩa quân Lam Sơn, làm cho địch khinh thường đuổi theo rồi tung quân mai phục ra đánh. Quả nhiên là như thế. Nguyễn Huệ ra hiệu cho quân Phú Xuân quay đầu đánh trả kịch liệt. Nhạc bị bất ngờ đứng khựng lại. Rồi bỗng nghe tiếng hò reo vang trời chuyển đất, phục binh đổ ra đánh kẹp hai bên. Quân Quy Nhơn chống đỡ không nổi, vứt gươm giáo bỏ chạy, người chết la liệt đầy đường. Nhạc ra sức thúc ngựa chạy thẳng về thành. May mắn thoát thân do Bạch Long Câu chạy rất nhanh nhưng đóng cửa cố thủ không ra nữa.

-Đầu hàng đi anh Nhạc!

Nguyễn Huệ đứng ngoài thành gọi lớn. Nguyễn Nhạc quát:

-Đừng hòng!

Quân Phú Xuân vây chặt bốn mặt thành Quy Nhơn, tình thế vô cùng nguy cấp. Nhưng hiện tại Nguyễn Nhạc cũng có thể tạm yên tâm vì Quy Nhơn là một pháo đài vô cùng kiên cố, không phải muốn hạ là hạ được. Dù vậy vẫn phải giải vây gấp vì lương thực đang cạn dần. Nhạc gửi thư vào miền nam cho Lữ:

-Chú Tư cứu anh, chú Ba tạo phản!

Nguyễn Lữ ở Gia Định không rõ tình hình tại sao, nhưng vẫn gửi Đặng Văn Trấn cùng quân sĩ ra ứng cứu vua anh. Xui xẻo là gần đến Quy Nhơn thì Đặng Văn Trấn lại bị Nguyễn Huệ bắt sống. Nguyễn Nhạc chờ mãi không thấy viện binh thì càng lo lắng, nhưng vẫn ngoan cố tử thủ. Nguyễn Huệ quyết định phải mạnh tay:

-Đặt hết đại bác lên núi Long Cốt bắn thẳng vào thành Quy Nhơn!

Ôi thôi, một cơn bão đạn dội ầm ầm vào thành. Nguyễn Nhạc đứng bên trong mà có cảm giác cả tòa thành đồ sộ rung lên như gặp địa chấn. Tiếng trống trận Tây Sơn oai hùng một thời là niềm tự hào của ông nay lại trở thành cơn ác mộng. Cứ dứt một hồi trống là thêm một loạt thần công oanh tạc dữ dội. Nguyễn Nhạc ôm đầu khi một viên đạn lao thẳng như sấm sét vào nóc chính điện, sạt lở một mảng tường to.

-Trời ơi thằng này nó quyết chơi khô máu với mình đây mà.

Ông hết cách, bèn đi lên mặt thành khóc mà nói vọng xuống:

-Anh em trong nhà mà chú nỡ nồi da xáo thịt vậy à?

Nguyễn Huệ đáp lại:

-Anh mở cổng thành, thả hết gia quyến các tướng của em ra rồi anh em mình nói chuyện tiếp!

Nguyễn Nhạc quay lưng đi xuống, rồi vào thẳng trong phủ Thái hậu. Nguyễn Nhạc không muốn mẹ biết nên trước đó chỉ nói là bị quân địch bao vây thành, giờ mới tâu thật. Thái hậu nghe xong tát Nguyễn Nhạc một cái muốn nổ đom đóm mắt, bà mắng:

-Già rồi mà còn dại, có cháu ngoại rồi mà còn ngu! Để mẹ đi nói chuyện với thằng Ba.

Nhạc vốn có hiếu nên chỉ vâng dạ rồi tháp tùng mẹ đi ra bên ngoài thành Quy Nhơn. Nguyễn Huệ thấy mẹ thì vội vã chạy đến. Ông trình bày lý do động binh, lạy mẹ và anh, rồi ra lệnh giải vây. Nguyễn Nhạc cũng trả lại gia quyến cho các tướng Nguyễn Huệ. Hai anh em bắt tay làm hòa với nhau.

Và thế là Việt Nam chia thành ba vùng, từ đèo Hải Vân trở ra bắc do Nguyễn Huệ làm chủ, Nguyễn Nhạc là hoàng đế trung ương ở Quy Nhơn, còn Nguyễn Lữ trấn thủ Gia Định. Cục diện tam phân thiên hạ này sẽ diễn tiến thế nào? Các bạn xem hồi sau sẽ rõ.

Xem tiếp phần 4: Kinh thành đẫm máu

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc