Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Những cuộc phiêu lưu của Nguyễn Huệ - Phần 4: Kinh thành đẫm máu

Chia sẻ

Xem lại phần 3: Huynh đệ tương tàn

Lại nói về Nguyễn Huệ đại chiến Nguyễn Nhạc tại Quy Nhơn kịch liệt. Lợi dụng lúc đó Nguyễn Hữu Chỉnh ngấm ngầm sửa lại lũy Hoành Sơn để âm mưu chia đôi bắc nam, ngăn Tây Sơn trở lại miền bắc. 

Hữu Chỉnh vốn do Nguyễn Huệ phân công trấn thủ Nghệ An để trông chừng Thăng Long. Nhưng anh em Nhạc Huệ không yên tâm lắm nên phân công tiếp Vũ Văn Nhậm và Ngô Văn Sở trấn thủ Quảng Bình, ngay gần Nghệ An để giám sát Nguyễn Hữu Chỉnh.

Những hoạt động mờ ám của Hữu Chỉnh tại Nghệ An đã làm Văn Nhậm nghi ngờ. Ông ta lập tức gửi thư cấp báo Nguyễn Huệ rồi tiến đánh Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh vô cùng tài năng, nhưng Vũ Văn Nhậm cũng đâu có kém. 

Vũ Văn Nhậm vốn là người Khánh Hòa cùng quê với mình. Một lần Trần Quang Diệu đi ngang phố Hội thấy có chàng trai cường tráng bị quan bắt vì dám chống người thi hành công vụ. Diệu đến can:

-Thả anh ta đi.

Quan nhận ra hổ tướng Trần Quang Diệu của Tây Sơn nên đành cởi trói. Diệu thấy tính cách Nhậm ngang tàng có gì đó giống mình nên cảm mến, bèn dẫn ông đến tiến cử với Tây Sơn tam kiệt. Hoàng đế Nguyễn Nhạc rất thích Nhậm nên nói:

-Ta gả con gái cho ngươi đấy.

Tính ra Nhậm cũng xứng đáng làm phò mã: Cao to, mạnh khỏe, giỏi võ nghệ, tính tình lại phóng khoáng. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản thì Nhậm lập đại công, bắt sống được Chỉnh. Nên nhớ Hữu Chỉnh là một danh tướng có đầu óc mưu lược rất ghê gớm.

Phò mã Nhậm chiến thắng, trở về tiếp quản Thăng Long. Ngô Văn Sở vốn là người đi cùng Nhậm ra đây, nay thấy Nhậm có gì đó khang khác. Nhậm tự quyết định mọi việc, cho đúc ấn chương riêng, ráo riết xây đắp tu bổ thành Thăng Long và nhất là coi thường Sở. Sở giật mình:

-Lẽ nào tên này cũng muốn làm phản?

Nhậm có muốn làm phản Tây Sơn hay không thì không biết, nhưng Ngô Văn Sở vội vàng viết thư về báo Nguyễn Huệ:

“Thăng Long thành đổi nắng thay mưa
Chiến chinh, chinh chiến bao giờ
Can qua dấy động biết cờ về ai

Cuộc chính biến đổi thay, thay đổi
Loạn cường quyền bối rối nhân tâm
Quân quyền Phò mã Hữu quân
Dương dương tự đắc xẻ phần quyền uy

Mộng đã muốn quân uy cát cứ
Một cõi bờ một sứ quân xưa
Chín rồi một cuộc thời cơ
Quân binh đã nắm, thế cờ đã xuôi.”

Nguyễn Huệ đọc xong thở dài, lẩm bẩm:

-Thiên hạ đầy những kẻ dối trá phản phúc. Ta còn biết tin ai bây giờ?

Vũ Văn Nhậm là một tướng giỏi, nếu Nguyễn Huệ dẫn quân đánh thì sẽ không hề dễ dàng. Chưa kể chiến sự giằng co sẽ có lợi cho Nguyễn Ánh. Ông suy nghĩ một lúc rồi gọi quan nội thị lại nói:

-Triệu tập Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân đến đây cho ta.

Quan nội thị vâng dạ rồi nhanh chóng thi hành. Lát sau ba người xuất hiện trước thềm điện Đan Dương. Nguyễn Huệ bảo:

-Các ngươi chuẩn bị đồ đi đường mọi thứ cho thật chu đáo. Một canh giờ nữa tập trung ngoài cổng thành Phú Xuân. Nhiệm vụ tuyệt mật.

Ba người chưa hiểu nhiệm vụ gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Nguyễn Huệ đưa một ngón tay lên môi suỵt rồi xua tay. Ý rằng từ từ sẽ biết. Ba hổ tướng dạ một tiếng rồi lui về phủ chuẩn bị. Họ đi khuất thì Nguyễn Huệ cũng trở vào. Ông mặc áo vải gọn nhẹ, khoác bên ngoài tấm áo dạ hành. Nhấc thanh Ô long đao lên, ông ngắm nghía:

-Lại có việc phải nhờ đến mày rồi.

---

Lộc cộc… Lộc cộc…

Bốn kỵ sĩ, dẫn đầu là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ phóng hết tốc lực trực chỉ phương bắc. Leo đèo, lội suối, băng rừng, tiếng vó ngựa khua vang vọng quãng đường trường. Trần Quang Diệu cưỡi Xích Kỳ, Võ Văn Dũng cưỡi Ô Du, Bùi Thị Xuân cưỡi Ngân Câu, và Nguyễn Huệ cưỡi Hồng Lư. Ngoại trừ con Bạch Long thuộc sở hữu Nguyễn Nhạc, bốn trong số Tây Sơn ngũ thần mã là của các tướng thành Phú Xuân.

-Nhanh lên Hồng Lư!

Nguyễn Huệ ra roi. Nó vốn là ngựa của tướng Lý Văn Bưu. Hình dáng của Hồng Lư không khác ngựa thường nhưng lông nó ánh lên sắc hồng. Đầu Hồng Lư hao hao đầu lừa, người gầy gò như ngựa bị bỏ đói, bốn chân mảnh khảnh như chân nai. Con này tánh kỳ, muốn đi thì đi, muốn chạy thì chạy, không ai có thể điều khiển được theo ý muốn. Bù lại Hồng Lư phi nhanh như Xích Thố và cực khôn, nó tự biết tiến lui cho hợp lý chứ không cần đợi nhắc. Thành thử Nguyễn Huệ mới mượn cho nhiệm vụ này. Ngoài ra trừ Ngân Câu vốn là ngựa nữ hiệp Bùi Thị Xuân. Hai con Xích Kỳ và Ô Du đi chuyến này cũng mượn nốt để bốn người có thể bắt kịp nhau.

Nói chung bốn kỵ sĩ lao đi vùn vụt như mũi tên. Ngày đi đêm nghỉ. Đến chạng vạng ngày thứ ba thì tới được sông Gianh. Bốn người cột ngựa lại rồi đốt lửa dựng trại. Bùi Thị Xuân trổ tài xạ tiễn hạ được một số chim thú, tối nay họ lại dùng thịt rừng. Bắc Bình Vương chắp tay sau lưng nhìn ra sông Gianh trong khi các tướng chuẩn bị mọi thứ.

-Thưa chúa công, mời dùng bữa.

-Ừ được rồi, cám ơn ngươi.

Nguyễn Huệ ngồi xuống quây quần bên đống lửa cùng các tướng. Mọi người ăn uống no say. Bùi Thị Xuân tuy là người mạnh mẽ nhưng dù sao vẫn là phụ nữ, nàng đi ngựa cả ngày trời nên đã thấm mệt, gối đầu lên đùi chồng mà ngủ. Trần Quang Diệu dịu dàng nhìn vợ, lấy tay vén những sợi tóc vương trên má nàng. 

-Hạnh phúc nhỉ?

Nguyễn Huệ cười, ánh lửa nhảy nhót trong mắt ông. Trần Quang Diệu cũng cười:

-Chúng ta là hổ tướng ngoài sa trường thôi, chứ với vợ thì cũng chỉ là mấy ông chồng.

Nguyễn Huệ nói:

-Ta nhớ Ngọc Hân.

-Nhìn cái cách chúa công đối xử với phu nhân thì tôi cũng hiểu ngài thương vợ thế nào.

Võ Văn Dũng mở lời. Nguyễn Huệ gật đầu:

-Ta chỉ mong thiên hạ sớm thái bình, để ta có thể sống một cuộc đời bình thường như bao người chồng khác. Vui vầy cùng vợ con và gia đình.

-Sắp rồi mà thưa chúa công. Vũ Văn Nhậm nằm trong tay chúng ta, chỉ còn mỗi Nguyễn Ánh nữa thôi.

Gió mạnh đột ngột thổi thốc lên cuốn theo lá cây xào xạc, ngọn lửa hoảng loạn run rẩy như muốn tắt ngúm. 

-Nguyễn Ánh…

Nguyễn Huệ trầm ngâm, rồi ông nói tiếp:

-Hắn mới chính là đối thủ lớn nhất đời ta.

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng im lặng. Không chỉ Bắc Bình Vương, mà cả hai ông cũng phải công nhận điều đó. Nguyễn Ánh khôn ngoan, kiên trì, và nguy hiểm. Nhất là hắn lại có được nhân tâm miền nam. Muốn hạ gục Nguyễn Ánh thì không chỉ cần rất nhiều công sức mà còn cần cả may mắn nữa. Nguyễn Huệ rút cây Ô long đao sau lưng ra, nói:

-Trong suốt đời chinh chiến ta đã giết quá nhiều người. Kẻ có tội cũng đông, mà người vô tội cũng lắm. Chỉ e quả báo không thọ được lâu.

Trần Quang Diệu chắp tay:

-Chúa công đừng nói gở. Một tay ngài thống nhất Đại Việt sau mấy trăm năm chia cắt, sự nghiệp vĩ đại không kém Tần Thủy Hoàng.

-Giết nhiều người như vậy, kết cục Tần Thủy Hoàng thế nào? -Nguyễn Huệ hỏi.

-Thì… - Trần Quang Diệu ấp úng.

Bấy giờ Nguyễn Huệ mới tiếp:

-Ta không đùa. Dạo gần đây ta hay bị chóng mặt về chiều. Ngự y cũng bắt mạch nhưng không hiểu bệnh gì, chỉ cho uống thuốc để giảm đau.

Võ Văn Dũng nói:

-Do chúa công trăm công ngàn việc, suy nghĩ đêm ngày nên thành ra tâm bệnh thôi.

Huệ đặt Ô long đao xuống đất:

-Ta hỏi. Nếu lỡ ta có mệnh hệ gì, hai ngươi có đối xử với triều Tây Sơn như Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm không? Ta có thể tin tưởng hai ngươi không?

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng không hẹn mà cùng cầm đao khắc lên mu bàn tay một chữ “Trung” rồi xòe cho Nguyễn Huệ xem:

-Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi!

Huệ nhìn bàn tay hai người máu chảy ròng ròng thì cảm động lắm. Ông bèn mở túi quân nhu rồi tự băng bó cho hai người:

-Cả thiên hạ này ta tin các ngươi nhất. Đó là lý do nhiệm vụ này ta chỉ dẫn ba người đi theo.

Than cũng đã cháy hết, chỉ còn lại tàn lửa lốm đốm hòa với khói bay lên cao. Nguyễn Huệ kết thúc:

-Hai ngươi ngủ trước đi, ta ngồi canh gác. Gần sáng ta sẽ ngủ.

Hai tướng nài nỉ để mình gác thay nhưng Huệ từ chối. Ông xách Ô long đao đi đến bờ nước rồi ngồi xuống. Phía bên kia sông Gianh đã là lãnh địa của Đàng Ngoài. Nguyễn Huệ nhẩm tính tầm một tuần nữa sẽ có mặt tại Thăng Long. Gió sông thổi hiu hiu mát rượi, bầu trời đã lấm tấm những ngôi sao cuối ngày mọc lên.

---

Ngày thứ 10,

Kinh thành Thăng Long tráng lệ đã hiện ra trong tầm mắt. Ngô Văn Sở nhận được tin báo bèn gọi Vũ Văn Nhậm ra đón Bắc Bình Vương.

-Chúa công lặn lội thân chinh tới Bắc Hà kỳ này không hiểu có việc gì?

-Ta ra gặp vua Lê có chuyện cần bàn.

Nguyễn Huệ cười khi Nhậm hỏi. Nhậm tuy là phò mã nhưng Nguyễn Huệ lại là em hoàng đế Thái Đức nên không dám thất lễ, ông nói:.

-Bắc Bình Vương đi đường xa có lẽ đã mệt, xin về phủ của ta nghỉ ngơi.

Huệ gật đầu đồng ý rồi cùng ba hổ tướng theo Nhậm. Nhậm mở cửa phủ rồi bảo gia nô dẫn các chiến mã ra tàu ngựa. Xong đâu đó ông mời Nguyễn Huệ vào phòng khách. Huệ không khách sáo, ngồi xuống chiếc ghế bọc nhung cuối phòng rồi hỏi:

-Tình hình Bắc Hà thế nào rồi?

Nhậm đứng bên dưới tâu:

-Tôi tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh nhưng vua Lê Chiêu Thống chạy đi đâu mất tích không rõ, nên đã lập Lê Duy Cẩn lên làm vua tạm.

Huệ cười nhạt:

-Vậy à?

Rồi ông quát lớn:

-QUANG DIỆU! VĂN DŨNG!

Hai tướng nghe lệnh ập vào nắm chặt hai tay Vũ Văn Nhậm đè xuống. Tuy Nhậm to khỏe nhưng đây là hai nhân vật đứng đầu Tây Sơn thất hổ tướng, võ công vô cùng cao cường. Quang Diệu và Văn Dũng lên gân một cái, bốn tay như hai gọng kìm đè chặt Văn Nhậm bắt quỳ gối trên sàn. Bùi Thị Xuân cũng nhanh chóng rút đôi song kiếm đứng án ngay cổng chính, mũi kiếm xòe ra như cánh phượng, nội bất xuất ngoại bất nhập, không cho ai vào cứu. Vũ Văn Nhậm gào lên:

-Tôi có tội gì?

Nguyễn Huệ chậm rãi đi một vòng xung quanh. Mũi Ô long đao lê trên sàn rít ra âm thanh ken két rùng rợn. Mặt Vũ Văn Nhậm đỏ gay, mồ hôi tuôn ra như tắm, vừa tức vừa sợ. Huệ nhẹ nhàng:

-Tự ý bàn chuyện phế lập, tự đúc ấn chương riêng, xây đắp thành Thăng Long mà không hỏi ý ta, chuyên quyền lộng hành. Ngươi muốn làm một Nguyễn Hữu Chỉnh thứ hai à?

-Ai nói!??

-Ngô Văn Sở, có Phan Văn Lân làm chứng.

-Hai tên chó má!

Vũ Văn Nhậm chửi bới. Nguyễn Huệ nhấc Ô long đao lên:

-Những kẻ phản bội ta chỉ có một số phận thôi.

Nhậm mở to mắt kinh hoàng, ú ớ. Huệ gầm lên:

-LÀ THẾ NÀY NÀY!

Lưỡi đao chặt mạnh xuống nhanh như điện trước khi Nhậm kịp phân trần. Máu bắn ra như suối, thủ cấp Nhậm lăn tròn trên nền đất. Đám gia nô đứng bên ngoài trông vào hét lên rồi chạy hết ra khỏi phủ. Nguyễn Huệ lau sạch máu trên cây đao rồi lạnh lùng nói:

-Thu dọn.

Sau đó Huệ phân công Ngô Văn Sở trấn giữ Thăng Long, còn mình và các tướng trở về lại Phú Xuân. Người cùng thời nhận xét sự việc này rằng: 

-Nguyễn Huệ là bậc anh hùng hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam, thật là thần xuất quỷ nhập không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào còn dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn sấm sét.

Sự việc tiếp theo sẽ diễn tiến thế nào? Liệu xứ Bắc Hà có tiếp tục biến loạn hay không? Xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

Xem tiếp phần 5: Quân sư chỉ lối

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc