Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Những cuộc phiêu lưu của Nguyễn Huệ - Phần 6: Ô Long đại đế

Chia sẻ
ô long

Xem lại phần 5: Quân sư chỉ lối

Ngày 22 tháng 12 năm 1788, 3 ngày trước giáng sinh,

Trời cuối năm mây mù xám xịt, gió lạnh rít thành từng luồng xoáy qua khe núi Ba Tầng, những giọt mưa đầu tiên đã rơi. Nguyễn Huệ oai phong lẫm liệt đứng trên đàn Nam Giao nhìn xuống. Phía dưới, mấy trăm quan liêu lớn nhỏ tụ tập đông đảo, dàn hàng thứ tự. Đội Tây Sơn thập hổ tướng đứng trước, toàn quân Phú Xuân đứng sau đến cả vạn người, đội ngũ chỉnh tề, quân uy rực rỡ, trải rộng như cả một biển áo vải bên ngoài. Công chúa Ngọc Hân nâng ấn ngọc hình rồng, trao qua Nguyễn Huệ. Huệ nhận lãnh, lập tức các quan đều đứng nghiêm trang để nghe đọc Chiếu lên ngôi:

“Nhà Thanh xâm phạm bờ cõi và chiếm lấy thủ đô Thăng Long nước ta. Trong lịch sử, Trưng Nữ Vương đánh Hán, Đinh Tiên Hoàng cự Tống, Trần Hưng Đạo phá Nguyên, và Lê Thái Tổ diệt Minh. Những đại anh hùng này không chấp nhận khoanh tay nhìn đất nước ta trở thành nô lệ. Họ hiệu triệu thiên hạ và đứng lên đuổi giặc. Nhà Thanh có lẽ đã quên mất kết cục của Hán, Tống, Nguyên, Minh. Ta sẽ làm chúng phải sống lại những ký ức hãi hùng ấy!

Ta là người áo vải đất Tây Sơn, không một tấc đất, vốn không có chí làm vua. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong có vị minh chúa để cứu đời yên dân. Cho nên tập hợp nghĩa quân, xông pha chông gai, phá núi mở rừng. Mấy nghìn dặm đất cõi trời Nam đều thuộc về ta cả. Ta tự lượng mình phận bạc, tài đức không theo kịp cổ nhân, mà đất đai rộng lớn thế, nhân dân đông đúc thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa.

Thế nhưng Lê Chiêu Thống bán nước, nhà Lê coi như đã không còn tư cách trị vì Đại Việt nữa. Theo ý trời, thuận lòng người. Ta tuyên bố nhà Lê đã chết, Tây Sơn lên thay. Kể từ hôm nay hãy gọi ta là...

QUANG TRUNG HOÀNG ĐẾ!”

Nguyễn Huệ vung Ô long đao. Bỗng trùng hợp một tia sét chói lòa rạch ngang bầu trời, tiếng sấm gầm lên như tiếng rồng thần nổi giận. Trăm quan văn võ đồng loạt quỳ xuống cùng tung hô: “Vạn tuế! Vạn tuế!”. Vua Quang Trung áo choàng bay phấp phới trong gió, ông bảo Trần Quang Diệu mang đến một cái mâm lớn, bên trên là 200 đồng tiền có phủ vải điều, rồi tuyên bố với quân sĩ: 

-Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.

Nói xong, Quang Trung chắp tay khấn vái, đặng bưng mâm tiền, cung kính dâng lên cao, rồi hất tung xuống sân. Quả nhiên quân sĩ đều thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc sẽ đánh bại quân Thanh.

Quang Trung bước xuống đài, leo lên lưng ngựa chỉ huy:

-Ba quân sẵn sàng, chúng ta chuẩn bị lên đường.

Tất cả đã được La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp lo chu đáo trước đó, sau lễ lên ngôi sẽ là lễ xuất quân. Binh sĩ hô lớn, binh khí rầm rập. Ánh mắt mọi người đều bừng lên niềm tin quyết thắng. Vua Quang Trung cầm đao chỉ về phương bắc:

-TIẾN LÊN, TÂY SƠN THẦN TỐC!

Rồi đoàn nghĩa quân khởi hành, khí thế hừng hực. Người đời sau có thơ kể rằng:

“Núi Ba Tầng thiết đàn làm lễ 
Cáo đất trời xin để lên ngôi 
Quang Trung hiệu triệu mấy lời 
Lập tức hạ lệnh đi ngay lên đường.”

---

Ngày 26 tháng 12 năm 1788,

Sau gần năm ngày hành quân ròng rã, Quang Trung đã tới được Nghệ An. Từ đây đi Tam Điệp không còn xa lắm. Đúng như mưu của quân sư Nguyễn Thiếp, do chuyển hết những thứ cồng kềnh nặng nề như voi chiến và đại bác lên thuyền nên quân Tây Sơn di chuyển cực nhanh. Bạn nào còn tin cái trò 2 người khiêng võng 1 người ngủ rồi thay ca nhau thì bỏ đi nha, hư cấu lộ liễu. Đi kiểu đó thì đến Thăng Long nhờ quân Thanh đào sẵn hố rồi chôn giùm luôn chứ sức đâu mà đánh nữa.

-Chúng ta sẽ dừng ở đây 10 ngày để tuyển thêm quân sau đó đi tiếp.

Vua Quang Trung bảo các tướng. Mọi người vâng dạ thi hành. Cứ 3 suất dân thì lấy 1 suất lính. Thanh niên nô nức đến ghi danh. Tuy nhiên có nhiều người sợ nghĩa vụ quân sự nên bỏ trốn. Tây Sơn để đủ quân số, bắt lính gay gắt đến nỗi người ta không biết trốn vào đâu để tránh quân dịch. Họ đem chó theo để tìm người trong rừng như tìm thú, lấy dao xỉa vào các đống rơm để xem có ai nấp không. Cuối cùng cũng gom thêm được 1 vạn người và một số voi.

-Được rồi, trực chỉ Tam Điệp!

Quang Trung tổng duyệt lần cuối, chỉnh lại hàng ngũ cho ngay ngắn rồi tiến quân. Bấy giờ đến được Tam Điệp thì đã qua năm mới dương lịch 1789. Quân Tây Sơn tại đây thấy bóng Quang Trung hoàng đế từ xa thì mừng hơn trúng số. Hóng dài cổ thì cuối cùng cứu tinh cũng đến rồi anh em ơi!!!

“Vua Quang Trung đường đường trước trận 
Áo hoàng bào lẫm liệt oai phong 
Gươm thiêng nạm ngọc đeo cùng 
Trên đầu voi chiến hào hùng ruổi rong.”

-Báo cáo tình hình đi.

Quang Trung hỏi. Ngô Văn Sở vội vàng tâu:

-Bẩm hoàng thượng, thần đã tổ chức chuyển toàn bộ hàng từ cửa biển vào đây. Hiện voi chiến, đại bác, quân lương đã đầy đủ, không thiếu thứ gì. Cách dùng thuyền này quả thật tuyệt hảo!

Quang Trung nghe vậy thì cười lớn. La Sơn phu tử tiên sinh tính toán chẳng sai lệch chút nào, gọi kế này Tây Sơn thần tốc thật không ngoa. Vua xách long đao đi kiểm tra một lượt phòng tuyến Tam Điệp, quả thật các kho lương dựng lên đầy ắp, voi ngựa khỏe mạnh, lính tráng đông đảo. Rồi vua truyền lệnh:

-Ba quân đi đường xa đã mệt. Hãy nghỉ ngơi ít ngày rồi chúng ta tổ chức ăn Tết sớm. Ngày mùng 7 năm Kỷ Dậu vào được Thăng Long thì ăn Tết to!

Thế là mọi người nô nức tổ chức Tết nguyên đán sớm. Không khí vui như Tết thật, cũng trang trí doanh trại bằng đào hồng, cũng nồi bánh chưng tỏa khói. Nhiệt độ miền bắc vào những ngày tháng giêng luôn buốt giá nhưng bừng lên giữa núi rừng Tam Điệp lạnh lẽo đó là hình ảnh ngày Tết ấm cúng của nghĩa quân Tây Sơn. Vua Quang Trung cũng giản dị ngồi ăn bánh chưng bánh giò cùng các tướng trong đại bản doanh, mọi người nâng cốc mừng Tết Kỷ Dậu.

-Thăng Long đã trở thành sào huyệt của giặc. Thằng trùm cuối Tôn Sĩ Nghị đang ở đấy. 

Ngô Văn Sở nói, ông cùng Ngô Thì Nhậm thay nhau kể rõ tình hình Bắc Hà.

-Tuy nhiên để bảo vệ Thăng Long thì chúng đã dựng lên rất nhiều đồn xung quanh. Ta phải diệt các đồn đó trước rồi mới múc được thằng Tôn Sĩ Nghị.

Quang Trung ân cần hỏi:

-Khanh nắm chắc tình hình, vậy đánh thế nào là tốt nhất?

Ngô Thì Nhậm mỉm cười:

-Theo ngu ý của thần ta nên bí mật tấn công. Đại Việt với Trung Hoa có cùng Tết nguyên đán. Chắc chắn Tết chúng sẽ lo ăn uống tiệc tùng, lơi lỏng phòng bị. Ta cứ phang cật lực vào ắt địch tụt quần mà chạy.

Quang Trung khen:

-Chính hợp ý trẫm. Vậy nay ta chia làm 5 mũi tấn công. Đội một theo ta đánh Hà Hồi. Đội hai đánh Ngọc Hồi. Đội ba đánh Khương Thượng. Đội bốn đánh Lê Chiêu Thống. Đội cuối chặn đường về Trung Quốc của giặc. Các khanh nắm được chưa?

Các tướng hô “Rõ”. Có thơ kể rằng:

“Đến Nghệ An lấy quân tinh nhuệ 
Mười ngàn người chưa kể dân binh 
Vài trăm voi chiến theo mình 
Chia quân tả, hữu năm doanh rõ ràng 

Sau năm ngày bụi hồng lấm áo 
Tới ngang đèo dựng giáo nghỉ chân 
Vua cho mở tiệc khao quân 
Định ngày mùng bảy đầu xuân sẽ vào.”

Muốn biết trận chiến cuối cùng sẽ ra sao, xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

Xem tiếp phần 7: Trận chiến cuối cùng


Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc