Xem lại phần 6: Ô long đại đế
Đêm 30 Tết Kỷ Dậu 1789,
Từ phòng tuyến Tam Điệp, quân Tây Sơn xuất phát. Họ như những bóng ma lặng lẽ đi trong đêm tối hướng về kinh thành Thăng Long.
-Đồn bị đán… Ặc…
Tên lính canh chưa kịp la lên đã bị lưỡi đao đâm thấu ngực. Tây Sơn đã hạ được một đồn và di chuyển tiếp. Họ hành quân cực nhanh, hạ liên tục hai đồn nữa. Do thám của Mãn Thanh bị bắt sạch nên mọi thứ vẫn nằm trong vòng bí mật. Từ đồn Hà Hồi đến kinh thành Thăng Long hoàn toàn không biết gì về cử động quân Tây Sơn. Giờ khắc đại bại của Mãn Thanh đang dần dần trở thành sự thực.
Mùng 3 Tết, khi ấy tại đồn Hà Hồi đang là nửa đêm về sáng, cảnh vật vẫn yên tĩnh thanh bình như mọi hôm. Trong doanh, Trương Triều Long vẫn đang ngủ. Đột nhiên hắn bị ai lay dậy. Đang say giấc nồng thì bị phá đám, hắn lè nhè:
-Chuyện gì? Đang đêm hôm, sáng mai nói.
Trương Triều Long nghe tiếng phó tướng:
-Tây Sơn đem xe tăng tới vây đồn ta!
Hắn bực mình chửi:
-Xe tăng cái cục cứt, bây giờ là thế kỷ 18, làm gì có xe tăng. Đêm qua ông nhậu xỉn rồi giờ vào đây nói nhảm à?
Nói đoạn hắn cuộn chăn ngủ tiếp. Viên phó tướng đã hết kiên nhẫn, hắn đạp một cái, Trương Triều Long lăn xuống giường:
-Ba mẹ tin mày, hàng xóm tin mày, Tôn Sĩ Nghị tin mày, mày là tự hào của cái đồn Hà Hồi này, sao mày chơi mất dạy như vậy? Tao báo cáo quân tình mà mày không thèm nghe. Hãy thức tỉnh đi! Thức tỉnh đi hỡi thằng ngu kia!
Trương Triều Long tức giận đứng bật dậy chỉ vào mặt viên phó tướng:
-Ra ngoài đó mà không có gì thì coi chừng mày với tao!
Hắn khoác áo ấm rồi đùng đùng bước ra cổng đồn nhìn. Đang cáu tiết thì bỗng một cảm giác kinh hoàng chạy dọc khắp thân thể hắn. Trương Triều Long lết trở vô, lắp bắp:
-Xe tăng… xe tăng thật… Đầu hàng… Nó mà bắn vào đây là đi lượm xác bỏ vào hòm không kịp...
Thế là đồn Hà Hồi bị hạ mà quân Tây Sơn chẳng tổn hại chút gì. Họ chiếm được toàn bộ lương thực khí giới của quân Thanh bằng con đường ít khô máu nhất. Quang Trung sau đó tiến nhanh về Ngọc Hồi. Nơi diễn ra trận đánh quyết định số phận của cuộc chiến.
---
Sáng mùng 4, Ngọc Hồi.
Trước mặt Hứa Thế Hanh là hùng binh Tây Sơn. Ông ta cũng sợ cứng người, tự hỏi bọn này nó dùng động cơ hãng nào mà đi êm như ru, lại còn mau như thế. Ngay lập tức gửi thư về Thăng Long báo ngay cho Tôn Sĩ Nghị. Viên chủ tướng Mãn Thanh giật mình:
-Đúng là không thể xem thường tổ lái Việt Nam được, nhanh còn hơn xe đua F1.
Thế là Tôn Sĩ Nghị gấp gáp cho quân tăng viện Ngọc Hồi, lại còn đặc phái 20 kỵ binh chạy qua chạy lại để thông báo tin tức. Nói chung chuyện liên lạc khá cực, ngày xưa mà có Skype hay Viber thì đâu tới nỗi về sau Ngọc Hồi nát nhanh như thế. Đại khái, ban đầu lão Tôn tính mùng 6 ăn Tết với nhận lì xì xong thì sẽ khởi binh nam tiến diệt Nguyễn Huệ luôn, bởi vì theo lão:
-Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng? Không cần đánh gấp! Giặc đang còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến mà làm thịt!
Nhưng lão thật sự không ngờ là Huệ chơi lầy như vậy, mới mùng 4 đã dẫn đại quân tới sát nách Thăng Long rồi. Các kế hoạch của lão hoàn toàn phá sản hết!
Đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long cực kỳ gần, có 14 cây số thôi. Cả hai nguyên soái Quang Trung lẫn Tôn Sĩ Nghị đều biết rằng nếu có giao tranh thì chính địa điểm này sẽ là quyết định, là trận đánh cuối cùng, ác liệt và đẫm máu nhất. Thế nhưng thật kỳ lạ, vua Quang Trung ngồi trên lưng voi chẳng động tĩnh gì. Ông chỉ im lặng trông vào Ngọc Hồi từ xa. Quân Thanh căng thẳng, không dám lao vào mở combat trước nhưng cũng không biết sẽ bị đánh khi nào. Tướng Hứa Thế Hanh dặn:
-Tất cả đừng manh động, chờ xem chúng nó làm gì.
Đang im phăng phắc bỗng có một tiếng rít nổi lên, rồi hai tiếng, rồi dần dần toàn quân Tây Sơn cùng rít. Nên biết để hù dọa đối phương, quân Tây Sơn huýt gió rất to khi ra trận, vì vậy họ còn được gọi là quân ó. Một rừng cờ đỏ được bung lên, mỗi lá dài 9 mét, bay phần phật trong gió đông bắc. Kế đó trống trận - “đặc sản” Tây Sơn - nổi thùng thùng. Tiếng trống lúc nhanh lúc chậm, ào ạt dữ dội trấn áp tinh thần đối phương. Ba điều này kết hợp khiến quân Thanh thực sự thấy đau tim. Hứa Thế Hanh kêu lớn:
-Dựng chông!
Tình thế Ngọc Hồi khi đó xem chừng cực kỳ nguy ngập, quân Tây Sơn có vẻ như chuẩn bị ủi thẳng vào đồn. Mọi chi viện của Mãn Thanh đều được đổ hết vào đây để đương đầu với quân chủ lực của hoàng đế Tây Sơn. Giao tranh kịch liệt có thể nổ ra bất cứ thời khắc nào. Thế nhưng Quang Trung vẫn… không đánh. Cả ngày hôm đó ông cũng không tiến quân. Tại sao vậy? Đó là vì…
---
-TRỜI ƠI!!!
Sầm Nghi Đống gào lên. Đồn Khương Thượng bị oanh tạc dữ dội. Thì ra trong lúc Quang Trung diễu võ dọa nạt ngoài đồn Ngọc Hồi thì đô đốc Long âm thầm tập kích nơi đây. Chính Tôn Sĩ Nghị cũng bị hút vào đồn Ngọc Hồi mà không nhận ra sự nguy hiểm từ cánh quân của đô đốc Long. Và đấy cũng là lúc những “cỗ xe tăng” Tây Sơn phát huy tối đa sức công phá khủng khiếp của mình.
-Bắn! Bắn tanh bành đồn Khương Thượng cho ta!
Đô đốc Long quát lớn. Bầy voi rống lên từng tràng dài, hỏa lực từ những khẩu đại bác đặt trên lưng chúng biến Khương Thượng thành một cối xay thịt đúng nghĩa. Các khẩu thần công được đặt vào một bệ đỡ trên lưng voi, dây buộc chắc chắn quanh bụng. Đội pháo thủ đứng theo hàng dọc, 3 người ở bên trái, 2 người ở bên phải, ngắm bắn liên tục. Những con voi chiến tinh khôn đã được huấn luyện thành thục, nghe thấy lệnh phát hỏa liền cong vòi giữ chặt dây đai trước ức nó, ghìm chắc không cho pháo nhảy lên quá mức khi viên đạn bay ra khỏi nòng. Voi vốn rất sợ lửa và tiếng nổ lớn, việc huấn luyện được những chiến tượng chịu đựng được môi trường chiến đấu khắc nghiệt như vậy thể hiện trình độ quân sự bá đạo của quân Tây Sơn. Và một trong những người huấn luyện tài giỏi nhất chính là nữ tướng Bùi Thị Xuân.
“ĐÙNG!”
Đồn Khương Thượng bốc cháy dữ dội, Sầm Nghi Đống ôm đầu chạy giữa đám loạn quân. Quân Thanh tại đây thua to, hoàn toàn tan vỡ. Người la hét, kẻ dập lửa, dẫm đạp lên nhau chết hại vô số, phải bỏ đồn chạy nhưng bị quân Tây Sơn vây đánh khắp ngả. Sầm Nghi Đống bất lực, thấy không thể giữ được đồn bèn khóc lớn trên đài chỉ huy:
-Ta còn mặt mũi nào về triều gặp hoàng thượng nữa?
Rồi treo cổ tự sát. Xác quân Thanh chết trong trận này ngổn ngang đầy đường, nhiều tới nỗi chất thành 12 gò cao gọi là Gò Đống Đa.
Đô đốc Long không nghỉ, tiếp tục chia hai đường tiến đánh, trong đó có một đội tinh binh kéo thẳng về phía Thăng Long. Tên trùm cuối vẫn ngồi trong thành tính kế. Hắn bóp trán suy nghĩ làm sao để giải vây cho Ngọc Hồi thì bỗng nghe có tiếng ồn ào bên ngoài, rồi giọng đô đốc Long văng vẳng từ xa:
-Bắt sống Tôn Sĩ Nghị!
Lão Tôn nghe như sét đánh ngang tai, bủn rủn cả chân tay, chỉ kịp đập kiếm lệnh lên bàn nói:
-Địch ở trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên à?
Và nhảy ngay lên con ngựa, không kịp thắng yên luôn! Toàn bộ ấn tín giấy tờ đều vứt lại hết, rồi nhắm hướng sông Hồng mà phóng. Sĩ Nghị chạy trốn qua được bờ bắc sông liền chặt đứt cầu phao để cắt đuôi quân Tây Sơn, kệ xác số phận Hứa Thế Hanh tội nghiệp ở Ngọc Hồi, sống chết mặc bay. Quân Thanh không qua kịp, đứng bên bờ nam gào khóc:
-Sao ông lại cắt cầu phao??? Chúng tôi không phải là người à? Sao lại nỡ đối xử như vậy?
Hơn 1 vạn người vừa tướng vừa quân xô nhau nhảy xuống để bơi sang bờ bắc và đều bỏ xác dưới lòng sông buốt giá. Hồng giang sâu lắm, ai ở miền bắc chắc cũng không lạ. Nghe nói Tôn Sĩ Nghị không quen đường Việt Nam, chạy ngáo ngơ nên bị lạc lối. Hắn phải chịu đói khát 7 ngày đêm mới tới được ải Nam Quan, trở về gặp Càn Long theo một phong cách không thể te tua xơ mướp hơn.
----
Rạng sáng mùng 5,
Vua Quang Trung nhận được tin đô đốc Long đại thắng và đã tái chiếm Thăng Long. Ông chậm rãi tháo chiếc khăn hoàng đế vàng rực trên đầu để thắt vào cổ rồi nói:
-Nếu thua trận cuối cùng này ta sẽ tự sát.
Ba quân thấy vua quyết tâm như vậy thì sĩ khí dâng cao điên cuồng, sẵn sàng tử chiến tới cùng. Vua ngồi trên bành voi, trỏ gươm về phía trước hô lớn:
-TIÊU DIỆT NGỌC HỒI!
Đề đốc Hứa Thế Hanh phải vội vàng trấn an tinh thần quân lính. Hắn nói:
-Đừng sợ, chúa công Tôn Sĩ Nghị đã dạy ta cách chống lại chúng rồi, yên tâm đi!
Quả thật Tôn Sĩ Nghị có nghe danh tượng binh Tây Sơn nên trước khi qua Việt Nam hắn đã nghiên cứu rất kỹ cách khắc chế:
-Voi thì cũng chỉ là con vật thôi, cũng biết đau. Nếu thấy voi xông tới, xa thì dùng súng, gần thì bắn cung. Chắc chắn nó phải sợ mà chạy ngược về đạp lên bọn Tây Sơn. Lúc ấy ta cứ tràn lên liên hoan xác thịt thế là thắng thôi. Bình thường như đường nông thôn.
Phía ngoài đồn Ngọc Hồi cũng đã cẩn thận bố trí một bãi chướng ngại dày đặc, có cả chông sắt và địa lôi nhằm ngăn cản tượng binh của Tây Sơn từ xa, không cho tiến sát vào chiến lũy. Hứa Thế Hanh lập tức tung binh chủng tinh nhuệ nhất là kỵ binh lao ra nghênh địch. Nhưng vừa trông thấy đoàn voi chiến 100 con của quân Tây Sơn sừng sững như quả núi thì ngựa quân Thanh đã sợ hãi hí lên.
-Đừng, sao lại quay về!
Hứa Thế Hanh kinh ngạc khi bầy ngựa mất kiểm soát chạy ngược trở lại. Đội Tây Sơn cảm tử trang bị đoản đao, dàn ngang thành hình chữ nhất, phía trước là 20 tấm mộc kết liền với nhau như một bức tường thành di động, xông thẳng vào trận địa của địch. Những tấm mộc bọc rơm ướt có tác dụng chống đỡ đại bác và cung tên từ trong chiến lũy bắn ra dữ dội, che chở cho đội quân xung kích tiến lên. Hứa Thế Hanh hoảng loạn, bắt đầu có gì dùng nấy:
-Đang có gió Đông Bắc kìa, mau mau lấy ống phun lửa ra thiêu bọn nó!
Trong chốc lát khói tỏa mù trời, cách gang tấc không trông thấy gì. Đội Tây Sơn cảm tử kẻ trước ngã, người sau nối, hết thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Những bãi chướng ngại, đại bác, cung tên và cả hỏa mù nữa, không thể cản được bước tiến của họ. Khi đã tới sát đồn Ngọc Hồi rồi, tất cả đồng loạt bỏ khiên xuống, móc vũ khí ra phá cửa lũy, chặt rào rồi nhanh chóng đột nhập vào bên trong khu doanh trại của địch.
"Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng"
Đồn Ngọc Hồi lúc này đã trở thành một bể máu thật sự khi quân Tây Sơn lọt thành công vào trong. Một con voi chiến lúc đó có thể chở được 14 người. Ngoài vũ khí lạnh như cung nỏ, giáo, lao, tượng binh Tây Sơn còn được trang bị thêm nhiều “hàng nóng” như súng tay, hỏa hổ, đại bác.
"Đánh cho nó ngựa xe tan tác,
Đánh cho nó manh giác không còn"
Hỡi ôi, sau đó là một màn thảm sát kinh hoàng, máu ngập đến mắt cá chân. Vua Quang Trung và Trần Quang Diệu biểu diễn một màn song kiếm hợp bích giữa Ô long đao và Huỳnh long đao. Hứa Thế Hanh chết tại trận. Quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, nhưng lại ngáo đá giẫm phải địa lôi do chính mình đặt từ trước nên banh xác rất nhiều.
"ĐÁNH CHO CHÚNG NÓ BIẾT NƯỚC NAM ANH HÙNG NÀY CÓ CHỦ!"
Quân Thanh còn khoảng vài vạn quân nhưng chỉ là một khối người rã rời, kiệt sức về thể xác và kinh hoảng đến tuyệt vọng về tinh thần. Quang Trung cho khép chặt vòng vây, dồn ép những tên còn lại vào cánh đầm Mực lầy lội rồi lùa voi giày đạp, chết đến hàng vạn người. Chưa kể quân Tây Sơn còn sở hữu một lực lượng đặc nhiệm chuyên cầm theo những mảnh vàng bạc để dí vào mặt quân địch bị ngã, kiểm tra hơi thở, và giết những người giả bộ chết. Nhà Nguyễn sau này thậm chí cũng phải nhận xét: “Không ai có thể địch nổi đoàn quân này.”
---
-Thắng rồi!
Nguyễn Huệ không giấu nổi nụ cười, vỗ vai Trần Quang Diệu khi cả hai nhìn đồn Ngọc Hồi bốc cháy rần rật như mặt trời giữa trưa. Sau đó họ tiếp tục tiêu diệt những đồn nhỏ, đường về kinh thành đã hoàn toàn quang đãng. Như vậy sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày quân Tây Sơn đã hủy diệt quân Thanh. Nguyễn Huệ đã hẹn với ba quân rằng mùng 7 sẽ vào ăn Tết ở Thăng Long nhưng chỉ đến mùng 5 quân Tây Sơn đã ca khúc khải hoàn. Trận này quả thật là đệ nhất võ công trong đời Quang Trung hoàng đế.
Đây là lần thứ ba Nguyễn Huệ đặt chân tới thủ đô. Lần đầu là khi ông ra bắc diệt họ Trịnh, còn lần hai là khi ông trở lại giết Vũ Văn Nhậm. Những lần đó trong mắt dân miền bắc, gã Tây Sơn áo vải này chỉ là một tên man rợ từ phương nam đến. Họ hoàn toàn ghẻ lạnh với ông. Vậy mà lúc này bên ngoài thành Thăng Long trăm họ chật đường chào đón ông như hoàng đế của họ, cờ hoa ngợp trời. Quang Trung rưng rưng nói:
-Họ chấp nhận ta, chấp nhận thật sự. Ta có được nhân tâm rồi La Sơn phu tử ơi!
Rồi ông nhảy xuống đất, mặt mũi và áo bào sạm đen màu thuốc súng. Nhưng dân chúng đâu có quan tâm? Họ vây quanh cố để chạm một cánh tay vào Nguyễn Huệ, người hùng của họ, bởi lẽ cuối cùng mọi chuyện đã kết thúc. Nguyễn Huệ ngày thường vốn không để ai làm vậy nhưng hôm nay là ngoại lệ. Ông cười lớn cúi xuống bế một cậu bé lên rồi công kênh nó trên vai, cùng trăm họ diễu hành vào Thăng Long.
“Mây tạnh mù tan trời lại sáng,
Đầy thành già trẻ mặt như hoa.
Chung vai khoác cánh cùng nhau nói,
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta!"
Hôm ấy Thăng Long có một đêm không ngủ. Già trẻ lớn bé đổ ra đường nhảy múa. Tiếng đàn sáo hát ca véo von khắp nơi. Âm thanh pháo nổ rền vang tưng bừng kinh thành. Những nồi bánh chưng nghi ngút khói bốc lên khắp hang cùng ngõ hẻm. Rượu chảy như suối, thịt chất như núi. Chưa bao giờ nơi đây ăn một cái Tết to hơn thế.
“Tiết Khai Hạ, vua bày trước trận
Lễ ăn mừng chiến thắng quân Thanh
Áo bào khói súng bám quanh
Trên mình bạch mã long lanh giáp vàng."
Vua Quang Trung tản bộ giữ phố phường thủ đô, ngắm nhìn cảnh nhân gian thái bình, trong lòng rộ lên một niềm vui khó tả. Tuy nhiên ông vẫn thấy trống vắng điều gì đó…
-Gửi cái này về Phú Xuân cho trẫm. Nhắn với Ngọc Hân rằng năm sau trẫm sẽ ở nhà ăn Tết với nàng. Năm nay trẫm thật sự xin lỗi.
Anh lính cúi đầu nhận lấy cành đào rất đẹp rồi lập tức nhảy lên ngựa khởi hành. Trăng thanh và gió mát, vua Quang Trung thở dà, đưa mắti nhìn về phương nam. Cách đó nghìn dặm có lẽ Ngọc Hân cũng đang ngắm trăng, dưới cùng một bầu trời này với ông và cũng nhớ về ông.
"Thăng Long thành pháo vang, hội mở
Một nụ đào mới nở đêm qua
Nhà vua ngắt một cành hoa
Gởi về công chúa nơi xa đang chờ
Trời Phú Xuân đưa thơ đại thắng
Thêm cành đào chút nắng tình yêu
Ngọc Hân có biết bao điều