Xem lại phần 7: Trận chiến cuối cùng
Huế, một chiều thu tháng 9, năm 1792.
Nguyễn Huệ chắp tay sau lưng nhìn ra bầu trời cao lồng lộng. Ông đã chiến đấu được mấy chục năm ròng rã, chinh nam phạt bắc, và giờ đã gần chạm tay đến chiến thắng cuối cùng. Chợt nghe tiếng bước chân, ông hỏi:
-Tới đâu rồi?
-Bệ hạ hỏi tới đâu là có ý gì?
Một giọng nữ dịu dàng cất lên, Nguyễn Huệ quay đầu lại:
-À Ngọc Hân, thì ra là nàng. Trẫm cứ nghĩ là Trần Văn Kỷ đến để báo cáo việc quân cơ.
Ngọc Hân hỏi:
-Mà sao kỳ này bệ hạ xuất quân hùng mạnh quá, còn hơn ngày giải phóng Thăng Long nữa?
Nguyễn Huệ trầm ngâm:
-Quang Trung ta cả đời tung hoành thiên hạ, chưa ngán ai bao giờ. Ta biết dân nước Nam vô cùng ái quốc, cứ có ngoại xâm là đoàn kết lạ lùng. Thế nên ngày đó ta dễ dàng thắng được Càn Long. Mãn Thanh với Xiêm La ta không coi ra gì.
Rồi ông nói tiếp:
-Nhưng Nguyễn Ánh thì lại khác. Hắn rất được lòng dân nam bộ. Nàng biết trong đó dân chúng có câu ca dao gì không?
-Thiếp không.
-Lạy trời cho cả gió nồm
Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.
Ngọc Hân thắc mắc:
-Bệ hạ hiểu câu ấy thế nào?
-Là họ muốn Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn chúng ta. Cũng phải, các chúa Nguyễn bao đời nay vốn rất có ơn với dân Đàng Trong. Đất miền nam là nhờ họ cực khổ khai phá mà có được. Còn ta chỉ là một lãnh chúa xa lạ từ nơi khác đến.
Vừa dứt lời thì mây đen kéo đến, rồi sấm sét đùng đoàng, lát sau thì mưa rào. Nguyễn Huệ nói tiếp:
-Cái ngày đánh miền nam đáng lẽ ta không nên thảm sát gia đình Nguyễn Ánh, và đáng lẽ ta cũng không nên quật hết mồ mả tổ tiên của hắn ở Phú Xuân lên, lại còn vứt hài cốt của cha hắn xuống sông nữa. Lúc ấy ta còn trẻ tuổi, còn nóng máu.
Ông thở dài:
-Giờ ngẫm lại chính ta đã tạo ra con quái vật trong tâm Nguyễn Ánh. Một ác quỷ thông minh với ý chí phục thù phi thường. Khi ấy ta quá vô tâm mà không nghĩ đến hậu quả về sau. Nguyễn Ánh dù sao cũng là người, cũng biết vui biết giận, biết yêu thương gia đình. Hắn căm hận ta đến xương tủy cũng là điều hiểu được.
Hoàng hậu Ngọc Hân im lặng, rồi nàng nắm lấy tay chồng:
-Vậy thì thu quân đi, hãy cho Nguyễn Ánh một con đường sống.
Vua Quang Trung lắc đầu:
-Mọi việc đã đi quá xa rồi Ngọc Hân, không thể đảo ngược nữa. Tình thế bây giờ đã trở thành người này không thể sống khi kẻ kia còn tồn tại. Nàng có thể tưởng tượng nếu Nguyễn Ánh chiến thắng thì gia tộc chúng ta sẽ thê thảm như thế nào.
Ngọc Hân gật đầu đồng tình, nàng chắc chắn hiểu được, rồi nàng nói:
-Sắc mặt thánh thượng không được tốt lắm. Để thần thiếp đi lấy canh gà cho người ăn.
-Ta khỏe. À mà thôi, cũng được, phiền nàng vậy. Ta lại bàn làm việc ngồi giải quyết một số văn thư. Có gì cứ để bên cạnh cho ta.
Ngọc Hân dạ một tiếng và đi xuống bếp. Nàng dặn các ngự trù chuẩn bị canh gà. Sau đó tự mình nàng đem lên cho vua.
-Hoàng thượng mời dùng…
Rồi một tiếng “xoảng”, canh gà rơi xuống đất tung tóe vương vãi đầy ngự thư phòng. Vua Quang Trung nằm gục trên bàn.
Bất động.
----
Đêm.
Vua Quang Trung từ từ mở mắt. Ánh nến lung linh trong điện Trung Hòa hắt vào mặt, xung quanh là hoàng hậu và các ngự y. Vua thều thào:
-Gọi gấp Trần Quang Diệu và Trần Văn Kỷ vào đây cho trẫm rồi các khanh lui ra.
Khi hai người vào đứng chầu bên giường bệnh thì vua nói:
-Trẫm đang làm việc thì bỗng thấy một ông bạc đầu từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: cha ông mày sinh ra ở đất chúa Nguyễn, đời đời làm dân nhà chúa, sao mày dám phạm đến lăng tẩm? Rồi lấy gậy đánh vào trán. Trẫm tối sầm mắt rồi mê man không biết gì nữa.
Rồi dặn:
-Trẫm cảm thấy rất yếu, chưa bao giờ trẫm mệt mỏi như vậy. Nếu trẫm có mệnh hệ gì thì đừng loan báo rầm rộ, không được cho ai biết, kể cả La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Cứ bí mật an táng trẫm rồi đưa thái tử về Phượng Hoàng Trung Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không binh Gia Định của Nguyễn Ánh kéo đến bọn ngươi không có chỗ chôn thân!
Hai đại thần mắt ứa lệ, luôn mồm vâng dạ. Vua Quang Trung bảo họ lui ra cho mình nghỉ ngơi.
Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió thổi ào ào qua cửa sổ. Vua nằm im lặng ngẫm lại những việc đã qua trong đời. Bỗng chốc một cơn gió lớn thổi đến, toàn bộ nến phụt tắt, chỉ còn lại cây đèn dầu dưới chân giường cháy leo lét. Cảnh vật lúc đó tối om om như cõi âm, sương mù bay bảng lảng trong điện Trung Hòa. Vua nặng nề nhướn mắt sang bên thì thấy hàng trăm bóng người mình đầy máu, đứng cạnh nhau dõi đôi mắt vô hồn vào long sàng. Rồi vua nhìn xuống chân giường thì thấy những người đàn ông trong trang phục quyền quý, nhưng họ cũng mờ ảo như sương khói. Vua biết đó là các chúa Nguyễn và những người dân vô tội ở Chợ Lớn, Cù Lao Phố mà ngày xưa quân Tây Sơn đã lỡ lạm sát khi nam chinh.
Vua Quang Trung là người đệ nhất dũng cảm, lấy đầu tướng giặc như chốn không người, ông không biết run sợ là gì. Ánh mắt nhà vua có thể soi sáng tâm can người khác thì giờ đây ông đang tự xét lại chính mình. Con chim sắp chết hót tiếng bi ai, con người sắp chết nói lời nói phải. Và một nỗi ân hận sâu sắc tràn ngập trong lòng vị hoàng đế vĩ đại này.
-Nguyễn Ánh, thứ lỗi cho ta…
Một cơn gió nữa lại thổi vào điện Trung Hòa, ánh sáng cuối cùng trên cây đèn dầu cũng tan biến theo làn khói mỏng. Người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam ho khan một tiếng, nước mắt giàn giụa, chân tay lạnh ngắt, chốc lát khí tuyệt, ông trút hơi thở cuối cùng rồi băng hà. Lúc ấy là 12 giờ đêm. Vua Quang Trung hưởng dương 39 tuổi.
Đúng 10 năm sau vua Gia Long thống nhất đất nước.