Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Cảm nghĩ về vua Quang Trung

Chia sẻ
quan trung

Quang Trung đột ngột băng hà thì con là Cảnh Thịnh lên ngôi. Thằng nhóc này mới 10 tuổi, cỡ học sinh tiểu học nên biết gì đâu. Mọi quyền lực là của thái sư Bùi Đắc Tuyên, chú nàng Bùi Thị Xuân. 

"Vua Quang Trung mãn phần quá trẻ 
Việc triều đình không kẻ đảm đương 
Tham lam một lũ gian thần 
Thái sư giám quốc lấn dần phép vua."

Lão Tuyên sống rất lỗi, giết vô cùng nhiều người theo Quang Trung, những người còn lại chán nản quá nên bỏ đi, nhà Tây Sơn suy yếu nghiêm trọng, chỉ còn chờ Nguyễn Ánh tới hốt xác. Nhưng số lão cũng đen, về sau bị Võ Văn Dũng dìm xuống sông Hương chết đuối. Mình sẽ viết chi tiết về lão này sau.

Nếu Quang Trung còn sống có thể sẽ khác, vì tuy hung dữ nhưng ông lại rất kính trọng các danh sĩ, cũng giống Gia Long là ưng người tài. Đây là một ví dụ:

Chúa Nguyễn vừa bị Tây Sơn tấn công bên trong, vừa bị quân đội của Chúa Trịnh vượt sông Gianh tấn công bên ngoài, chống đỡ không nổi, đành bỏ chạy tuốt vào phía Nam. Nguyễn Đăng Trường không kịp chạy theo, đành phải đem mẹ già đến lánh nạn ở Quy Nhơn. Xui xẻo bị quân Tây Sơn bắt, thế nhưng trái với suy nghĩ của Nguyễn Đăng Trường, Nguyễn Huệ đối đãi ông như khách quý, coi như thầy, thật lòng thuyết phục Nguyễn Đăng Trường hợp tác với mình xây dựng vương triều mới.

Nhưng Nguyễn Đăng Trường không chịu, một mực khước từ để ra đi. Không cách gì giữ lại được, Nguyễn Huệ đành lòng để Nguyễn Đăng Trường vào nam theo chúa Nguyễn dù biết đó là thả hổ về rừng. Khi chia tay Nguyễn Huệ lưu luyến nói:

- Tiên sinh muốn níu kéo lại vương triều chúa Nguyễn, có nghĩ sẽ làm được không? Tôi sợ rằng ngày sau tiên sinh hối hận không kịp nữa.

Nguyễn Đăng Trường đáp lại:

- Tôi thấy đại trượng phu ở đời thì trung thành và hiếu nghĩa là quan trọng nhất Nguyễn Huệ ạ. Tôi dắt mẹ đi tìm chúa thì trung với hiếu đều đầy đủ. Còn những chuyện về sau thành hay bại, sướng hay khổ là do số trời. Tôi không hối tiếc đâu.

Nguyễn Huệ chắp tay bái ông, cảm phục là người có chí, cấp thuyền lương cho đi. Tháng 4 năm 1777, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn tấn công Gia Định, đập tan toàn bộ dinh lũy và quân đội của nhà Nguyễn, khiến Nguyễn Ánh chỉ còn biết lẩn trốn hết chỗ này đến chỗ khác. Nguyễn Đăng Trường lại bị bắt. Gặp nhau Nguyễn Huệ hỏi:

- Tiên sinh hẳn còn nhớ lời tôi nói ngày nào khi chia tay chứ? Nay tiên sinh nghĩ sao?

Nguyễn Đăng Trường cúi đầu, cười đáp lại:

- Nguyễn Huệ ơi, nay tôi chỉ có chết mà thôi, ông cần phải hỏi làm gì?

Nguyễn Đăng Trường quay mặt về hướng bắc tức là thành Phú Xuân rồi lạy mấy lạy mới hiên ngang chịu chết. 

Mình thấy Nguyễn Huệ lúc đầu bắt được Đăng Trường chỉ có 23 tuổi nhưng đã đủ bình tĩnh để lắng nghe người ta. Ông hung hãn thô bạo nhưng cũng tùy lúc, rất mạnh tay với những tên phản bội, nhưng yêu hiền kính sĩ. Về sau có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp kèm cặp, uốn nắn từ từ, vẽ đường chỉ lối thì hẳn sẽ không thể là một hôn quân bạo chúa. Nếu Quang Trung sống thọ thì Việt Nam có lẽ rất khác.

Mình chỉ chê trách triều Tây Sơn của Nguyễn Nhạc là đưa đất nước trở lại thời phong kiến, chứ còn triều Tây Sơn tiến bộ của Nguyễn Huệ thì mình lại có cảm tình.

Sau chiến thắng vô cùng vĩ đại 
Vua Quang Trung trở lại Phú Xuân 
Khẩn hoang ban chiếu khuyến dân 
Mở trường dạy học, đưa dân về làng 

Mở khoa thi, Thiếp làm chủ khảo 
Dùng chữ Nôm từ dạo bấy giờ 
Bỏ sưu, giảm thuế hầu cho 
Nhân dân bớt khổ, bớt lo phần nào 

Thẻ bài cho Thiên Hạ Đại Tín 
Cho công dân tuổi đến trưởng thành 
Thu mua đồng tốt vào doanh 
Đúc ra vũ khí, giáp binh, chiến thuyền 

Sai đúc tiền "Quang Trung thông bảo"
Lại lập kho chứa gạo khi dư 
Lục tìm sách cổ tàng thư 
Khắc in Sử ký, Tứ thư lưu hành

Viện Sùng Chính thuộc ngành giáo dục
Cho nhân tài dịch sách Hán Nôm 
Di tích văn hoá bảo tồn 
Vua truyền Nguyễn Thiếp kiêm luôn viện này 

Ông Nguyễn Thiếp nhân tài hiếm có 
Việc dịch thuật đã bỏ nhiều năm 
Chuyển từ Hán ngữ ra Nôm 
Tứ thư, Tiểu học còn gồm Ngũ Kinh 

Triều Quang Trung tinh anh chẳng ít 
Ngô Thời Nhiệm, Huy Ích, La Sơn 
Đến nay trước tác vẫn còn 
Góp phần di sản nét son sau này

Nhưng tiếc thay nửa đường vắn số 
Vua Quang Trung đành bỏ ra đi
Lìa trần một giấc biệt ly 
Trăm năm còn lại những gì nữa đây?

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc