Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Mạc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Mạc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Kể chuyện Mạc Đăng Dung - Công và tội

mạc đăng dung

Hồi mình còn tiểu học thì trong sách giáo khoa, môn Đọc truyện, có một bài nói về cậu bé Mạc Đĩnh Chi. Đại khái câu chuyện thế này. Nhà Chi nghèo lắm. Hàng ngày cậu bé gánh củi đi ngang qua trường mà ứa nước mắt vì tủi thân khi thấy chúng bạn nô nức đến lớp, còn mình không có tiền đi học.

Chi thèm học quá chịu không được nên núp núp học lóm. Thầy đồ để ý thấy có cậu bé vừa đen vừa xấu hàng ngày cứ thập thò ngoài cửa lớp. Sau ông hỏi ra thì biết hoàn cảnh, bèn cho Chi học miễn phí. Chi trở thành học sinh xuất sắc nhất lớp, đạt nhiều thành tích thu đua khen thưởng công tác đoàn đội này nọ.

Nhưng con nhà nghèo mà, sáng thì gánh củi quần quật nuôi mẹ, tối mới có thời gian học. Gia đình hoàn cảnh, đến dầu thắp đèn cũng không có. Cậu bèn bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng. Vậy mà học hành thành tài.

Đi thi trạng nguyên vua Trần thấy cậu xấu đến xúc phạm người nhìn nên không muốn cho đỗ đầu. Cậu làm ngay bài “Bông sen trong giếng ngọc” để nói hộ lòng mình. Vua đọc xong ghiền quá bèn quyết định liền, ngay lập tức cho cậu làm quan to. Một bước thành sao chính là đây. Về sau trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên của cả Việt và Tàu luôn. Bác Chi này cũng bá thật, IQ phải gọi là rất cao, bởi vì Tàu nó nhân tài đông như kiến mà bác ấy vẫn được xem là trạng nguyên.

Có lần Mạc Đĩnh Chi được đi sứ sang nhà Nguyên. Vua Mông Cổ muốn thể hiện tao là nước lớn nên ra vế đối:

“Mặt trời là lửa, mây là khói;
Ban ngày đốt cháy vầng trăng.”

Mạc Đĩnh Chi đối lại ngay:

“Trăng là cung, sao là đạn;
Chiều tối bắn rụng mặt trời.”

Vế đối chuẩn không cần chỉnh, mà chỉnh là lệch. Thể hiện rằng Đại Việt là nước nhỏ nhưng “cứng”, láo nháo mò qua gây sự là bọn tao tát vỡ mồm. Vua quan Mông Cổ cảm thấy rất hay, nhưng nhìn nhau đầy nghi ngại. Rằng với cái câu “bắn rụng mặt trời”, rất có thể con cháu Mạc Đĩnh Chi sẽ giết vua cướp ngôi.

Và điều đó là có cơ sở.

---

7 đời sau, thời vua Lê Uy Mục.

Đó là một ngày đầy nắng, Mạc Đăng Dung đang vận hết gân cốt kéo mẻ lưới đầu ngày. Cá rất to và nhiều, Đăng Dung vốn cường tráng, cơ thể vạm vỡ nhưng cũng phải gồng rất mạnh khi kéo trọn mẻ lưới lên thuyền.

-Mệt quá, ta nghỉ tay chút đã.

Mạc Đăng Dung nhà nghèo, sống bằng nghề chài lưới từ bé, nhưng may mắn được trời phú cho sức khỏe phi thường. Hôm ấy đang ngồi nghỉ ngơi uống nước thì nghe có tiếng huyên náo. Hóa ra là quan triều đình đến thông báo mở hội thi đấu vật. Đăng Dung thấy thế liền quên hết mệt mỏi, nhấc mẻ cá đem về nhà cất, rồi chạy phăm phăm ra ứng thí. Do sức khỏe quá bá đạo nên anh trúng tuyển Đô Lực Sĩ và ngay lập tức chuyển công tác từ ngư dân chuyên nghiệp sang cấm vệ quân cho vua Lê Uy Mục, hay còn gọi bằng cái tên sang hơn là security hoàng tộc. 

Cấm vệ quân có thể được xem như đặc nhiệm bây giờ. Họ có sức chiến đấu thuộc hàng khủng nhất mà một quốc gia có thể đào tạo được. Dễ hiểu hơn là vệ sĩ cho vua. Vua lựa chọn những thanh niên khỏe mạnh cao to đen hôi sáu múi, liều lĩnh, máu chiến và trung thành nhất. Sau đó huấn luyện họ thành một lực lượng “siêu nhân” dưới quyền điều khiển của mình hoặc ai đó mà vua tin cậy. Team này được thành lập với mục đích chính là bảo vệ vua, triều đại trước bất kỳ hiểm họa nào. Nói đơn giản thì đây là đội Avengers phiên bản phong kiến.

Mà thời đó là lúc nhà Lê bắt đầu lầy rồi. Lê Uy Mục cực kỳ ác độc và dâm tà, kinh khủng đến mức từ Thanh Niên cho đến Kênh 14 thời phong kiến phải gọi là vua quỷ. Cuối cùng kết cục của hắn là bị uống thuốc độc tự tử rồi bỏ xác vào súng thần công bắn tan nát. Sau Uy Mục thì Tương Dực lên thay. Toàn dân một phen nữa mừng hụt. 

Lê Tương Dực đẹp trai có tài, nhưng chỉ tốt được thời gian đầu, về sau thì càng lúc càng quá đáng. Ông vua này đã dâm dê lại còn hoang phí nên bị gọi là vua lợn. Tương Dực cho xây dựng điện 100 nóc, làm nhiều cung điện quy mô hơn xung quanh, đặc biệt là công trình vĩ đại Cửu Trùng Đài. Mấy chế đừng xem phim Tàu mà hình dung công trình Việt Nam nó cũng như thế. Lối kiến trúc và sinh hoạt của ta thiên về khuôn viên chứ không thiên về nguy nga tráng lệ như của Tàu. Thậm chí ở Huế xưa, vương hầu quận chúa đầy rẫy mà các phủ đệ cũng chỉ cỡ một quán cà phê lớn bây giờ thôi. Nên nói chung cái Cửu Trùng Đài này bị dân cực kỳ ghét vì nó bóc lột quá. Tài nguyên dần suy cạn, người lao động bị sai đi xây dựng kiệt sức, tạo mầm mống để cho bọn loạn thần nổi dậy.

Lê Tương Dực bị giết, Cửu Trùng Đài bị đốt, Lê Y (Lê Chiêu Tông) lên thay. Việt Nam ta kể từ thời loạn 12 sứ quân chưa bao giờ loạn hơn thế. Vua càng lúc càng phế, không đủ sức điều khiển triều đình nên các tướng chia phe ra đánh nhau tơi bời hoa lá hẹ. Loạn giang hồ y như mấy cái game võ lâm truyền kỳ. Lúc đó thì Mạc Đăng Dung như kiểu superman của Lê Y, gánh cả thế giới lên vai, đánh dẹp liên tục để đưa mọi thứ vào quỹ đạo cũ. 

Thế nhưng Lê Y sau đó lại thấy sợ Mạc Đăng Dung quyền lực quá nên muốn giết đi. Lê Y bỏ trốn rồi huy động mọi người hợp lực lại để tiêu diệt Mạc Đăng Dung. Thật sự tôi mà là Mạc Đăng Dung chắc phải chửi thề đậu xanh rau má luôn. Mình đã hết lòng vì hắn như thế mà hắn lại muốn hại mình. Thế là Đăng Dung đưa Lê Cung Hoàng lên ngôi, tuyên bố không coi Lê Y là vua nữa. Đại khái là tôi éo có loại chủ như vậy, chia tay!

Nhưng Mạc Đăng Dung quá giỏi, sau đó ông đã tìm cách bắt được Lê Y đem về Thăng Long và giết chết. Đừng có tưởng anh hiền mà nghĩ anh là hello kitty. Các đối thủ đều bị nghiền nát, không còn ai ngăn trở Mạc Đăng Dung nữa. Lê Cung Hoàng biết thân biết phận, một hôm triệu tập văn võ bá quan vào chầu, vua đọc bài sớ do Mạc Đăng Dung soạn thảo, vắn tắt là:

- Ta bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi…

Đăng Dung cúi đầu vâng mệnh, rồi vua khoác long bào cho. Ở dưới văn võ bá quan chưa hiểu chuyện gì xảy ra, mọi người đều bị sốc. Sau đó nhao nhao lên phản đối:

-Trời ơi, hoàng thượng nghĩ sao vậy? Cơ nghiệp của Lê Thái Tổ mà ngài đem cho người dưng dễ dàng vậy à?

-Đả đảo Mạc Đăng Dung! 

Rồi nhiều người bắt đầu tổng sỉ vả, rồi ùa lên đánh hội đồng, có người còn nhổ vào mặt hoặc lấy cả nghiên mực đập vào đầu Mạc Đăng Dung nữa. Ông điên tiết lên giết hết những người ấy. Nhưng ai mà chịu quy thuận thì Đăng Dung chẳng làm gì, họ vẫn được chức quan cũ. 

Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế, nhà Lê chính thức chấm dứt, nhà Mạc lên kế tục. Đời nhà Mạc nói chung là cuộc sống yên vui tốt đẹp, đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi. Ai có tài thì ông dùng, còn ai vì thương nhà Lê mà tự tử thì ông truy phong. Mạc Đăng Dung làm vua được 2 năm thì nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, còn mình lui về làm thượng hoàng. Điểm tốt của Mạc Đăng Dung là ông không tàn sát, không nhổ cỏ tận gốc như Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly đã làm với nhà Lý và nhà Trần. Nhưng đây lại là nguyên nhân của chiến tranh về sau.

Một tướng là Nguyễn Kim (ông tổ của Nguyễn Ánh) vẫn trung thành với nhà Lê. Ông tìm được một người nối dõi tên Lê Duy Ninh (Trang Tông), đưa lên ngôi tại Lào. Ông này là Chúa Chổm nè mấy bạn =)). Thế là từ đấy Việt Nam bị chia làm hai, phía trên là nhà Mạc và phía dưới là nhà Lê, đánh nhau tưng bừng mấy chục năm. Sử gọi là Nam - Bắc triều.

“Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ." - Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.

----

Thăng Long, 1540, Mạc Đăng Dung lúc này đã gần 60 tuổi. Hôm ấy ông đang chậm rãi tản bộ ở ngự hoa viên. Già rồi nên chỉ mong đất nước thái bình không còn chiến tranh. Bỗng ông nghe tiếng Mạc Phúc Hải cháu mình:

-Ông nội!

-Gì vậy Hải nhi?

Mạc Đăng Doanh đã mất nên Mạc Đăng Dung lập Mạc Phúc Hải lên làm vua. Ông vua trẻ này vừa lên ngôi nên chưa có nhiều kinh nghiệm, việc gì cũng phải hỏi ông mình:

-Quân do thám vừa mới cấp báo việc cơ mật, rằng hùng binh Đại Minh do vua Lê mời về đánh nhà Mạc hiện đang trên đường kéo tới ải Nam Quan.

-Cái gì? Quân Minh lại đến nữa à?

Gương mặt Mạc Thái Tổ hằn lên một nỗi lo lắng. Bản thân là một cựu cấm vệ quân, từng vào sinh ra tử nhiều lần, là một con cáo già dày dạn nhưng đây là lần đầu tiên Mạc Đăng Dung cảm thấy choáng váng. Ông không ngờ vua Lê lại dám làm như vậy. Đăng Dung hỏi:

-Hải nhi, con có biết Hồ Quý Ly không?

-Vâng con biết.

-Chúng ta đang lâm vào tình cảnh của Hồ Quý Ly ngày xưa đó.

Mạc Đăng Dung nhìn lên trời thở dài. Hơn một trăm năm trước gia nô nhà Trần đã sang cầu viện Đại Minh đánh nhà Hồ trả thù, hậu quả là nước ta bị đô hộ hơn hai mươi năm. Hai mươi năm bị hủy diệt toàn diện về văn hóa và con người. Sau được thần gửi ông Lê Lợi và ông Nguyễn Trãi xuống cứu vớt dân ta nên nước Việt mới còn như ngày hôm nay. Vậy mà Lê Duy Ninh dám làm cái việc tày trời là rước quân Minh về lại tổ quốc…

-Phía bắc nhà Minh đánh xuống, phía nam nhà Lê đánh lên. Ta mà chống lại thì không những Mạc triều bị tiêu diệt, mà nước Việt cũng chẳng còn. Ngày trước Đăng Doanh còn sống thì ta với nó còn kháng cự được Minh triều, chứ nay nó mất rồi, cháu lại còn non. Lỡ ta chết đi thì lấy ai mà gánh vác sơn hà? Cái gương Hồ Quý Ly còn rõ lắm. 

-Vậy ta phải làm sao ông nội?

Phúc Hải khẩn khoản. Đăng Dung nhắm mắt lại suy nghĩ hồi lâu, rồi ông nói:

-Ta sẽ tự đến ải Nam Quan để lo liệu. Ta sẽ nhượng một số đất cho nhà Minh, đổi lại là hòa bình cho đất nước.

-Nhưng ông nội, làm vậy người đời sau hiểu lầm sẽ phỉ nhổ ông, sẽ bảo ông là tên súc sinh bán nước, sử sách sẽ bôi nhọ ông và họ Mạc ta không còn đường nào mà ngóc đầu lên được.

Mạc Đăng Dung cười nhạt:

-Con nghĩ mấy cái tiếng tăm ấy ta cần à? Nếu ta cần sử sách lưu danh tốt đẹp thì đã chẳng thoán ngôi nhà Lê. Quan trọng là nước mình vẫn còn, nhân dân vẫn được sống yên vui con ạ.

-Nhưng…

-Ý ta đã quyết, chuẩn bị xa giá để ngày mai ta lên đường.

Mạc Đăng Dung quay bước về cung điện, ông đang đứng trước một quyết định quan trọng trong đời. Rồi đây lịch sử sẽ xem ông như tên tội đồ số một vì đã dám cắt đất đai tổ tiên cho giặc. Mạc Phúc Hải thấy khóe mắt mình cay cay nhìn theo bóng ông nội chìm dần trong ánh mặt trời đỏ ối cuối ngày.

---
Tháng 11, 1540

Kể từ ngày Lê Lợi và Nguyễn Trãi tổ chức hội thề Đông Quan tiễn quân Minh về nước thì hôm nay giặc Minh chính thức quay trở lại. Đại đội hùng binh tiến rầm rộ tới sát ải Nam Quan, chuẩn bị vào địa phận Việt Nam. Mạc Đăng Dung và các quan đã đứng chờ sẵn ở đó. Gió biên giới thổi heo hắt, cảnh vật vô cùng cô liêu. Tướng Minh Cừu Loan thúc ngựa lên phía trước:

-Ngươi đến đây có gì muốn nói?

Mạc Đăng Dung cùng đoàn tùy tùng không mặc phẩm phục, cổ buộc dây lụa tượng trưng cho sự đầu hàng, đến lạy và cúi đầu trước long đình che lọng vàng - tượng trưng cho Hoàng đế nhà Minh. Ông nộp hết sổ sách về đất đai, quan chức cả nước, và dâng đất vùng biên giới. Mạc Đăng Dung, một con người dũng lược như ông, lại có những bề tôi trung thành nổi tiếng hiền tài như các Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Ngô Miễn Thiệu… chẳng lẽ lại chịu nhục đến thế sao? Nhưng ông chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên.

Quân Minh thấy Mạc Đăng Dung ngoan ngoãn thần phục, bèn không đánh nữa, ra lệnh rút quân và nước ta thoát khỏi viễn cảnh đô hộ khủng khiếp. Mạc Đăng Dung thẫn thờ đứng nhìn hùng binh Đại Minh đi khuất rồi buồn bã trở về. Tuy không nói ra nhưng ông rất đau lòng vì điều này nên chấn thương tâm lý rồi nhuốm bệnh, đến năm sau thì mất. Người ta ca tụng danh tướng Hàn Tín khi nghèo khổ đã chui qua háng tên bán thịt như là một tấm gương nhẫn nhịn đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia sẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. 

Mình cảm thấy rất ăn năn khi ngày đó đã khinh bỉ Mạc Thái Tổ. Nên các bạn đọc sử hãy tìm đọc nhiều nguồn, để xem các nhận định khác nhau, chứ đừng xem mỗi một nguồn để rồi dễ dàng phán xét. Mình đọc một số liệu sử thấy có chi tiết Mạc Đăng Dung cởi trần rồi tự trói mình lê gối đến xin hàng, nhưng khi coi lại hình vẽ của chính nhà Minh trong "An Nam lai uy đồ sách" lại không phải thế. Mình nghĩ đây là do sử chúa Trịnh chép lại để dìm hàng nhà Mạc (vì Trịnh và Mạc là hai kẻ thù).

Thiết nghĩ tên tuổi và công lao Mạc Thái Tổ Đăng Dung không thể tách rời với những thành tựu mà nhà Mạc đã đạt được xuyên suốt 65 năm tồn tại trong lịch sử dân tộc. Mạc tộc bây giờ vẫn còn nhiều người lắm, nhà thờ tổ ở Hải Phòng thì phải, có trưng cây Định Nam Đao của vua Mạc Đăng Dung.
Chi tiết

Tóm tắt thời đại "Tam Quốc" của Việt Nam

Việt Nam có một thời nội chiến “ngọc tan vàng nát” gần 300 năm nhưng nhiều bạn không rõ. Mình sẽ cố gắng tóm lại thật vắn tắt nhưng vẫn dễ hiểu cho các bạn. Cũng không kém Tam Quốc bên Tàu đâu:

-1509, vua Lê Tương Dực lên ngôi, cho xây dựng kỳ quan Cửu Trùng Đài.

-Dân chúng oán hận, các tướng nổi dậy, thiên hạ đại loạn.

-Mạc Đăng Dung đánh dẹp tất cả, ép nhà Lê nhường ngôi, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nhà Mạc.

-Nguyễn Kim trung thành hồi sinh nhà Lê, gọi là Lê trung hưng.

-Bấy giờ Việt Nam tồn tại cùng một lúc hai triều đại là Mạc và Lê. Sử gọi là thời nội chiến Nam - Bắc triều.

-Nguyễn Kim chết, con rể Trịnh Kiểm lên thay, bắt đầu củng cố thế lực của mình. Vua Lê bây giờ chỉ còn là bù nhìn, họ Trịnh mới là chúa tể thực sự.

-Con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm nên xin vào nam. Kiểm thấy miền nam xa xôi hiểm trở nên đồng ý. Hoàng vào đó ngầm xây dựng một triều đại của riêng mình để đủ sức “chơi” lại họ Trịnh về sau.

-Trịnh và Nguyễn liên minh đánh Mạc. Trịnh Tùng tiêu diệt nhà Mạc. Đuổi hậu duệ nhà Mạc từ Thăng Long chạy lên Cao Bằng, nhưng họ vẫn còn tồn tại đến 85 năm sau mới mất.

- À sẵn nói luôn về cái cục xám xám trên bản đồ, đó là gia tộc họ Vũ ở Tuyên Quang. Họ Vũ không theo nhà Mạc mà theo nhà Lê. Nhưng khi nhà Lê trung hưng về Thăng Long, họ Vũ cũng không thần phục hoàn toàn. Các đời họ Vũ trấn giữ trên thành ở núi Bầu nên được gọi chung là Chúa Bầu. Nói chung thanh niên này chả chơi với ai lâu dài cả. Mới đầu phù Lê diệt Mạc, sau lại theo Mạc chống Lê. Phong cách chọn bạn mà chơi khá ba phải, forever alone là đúng, mà hình như hắn cũng thích vậy.

-1627, Trịnh Tráng lấy cớ Nguyễn Phúc Nguyên không nộp thuế cho nhà Lê nên gửi sắc thư đòi Nguyên đích thân ra bắc nộp thuế. Nguyễn Phúc Nguyên gửi thư lại, nội dung rất cứng: “Ta không nhận sắc”, bye bye.

-Tôi nghe văng vẳng tiếng Trịnh Tráng chửi thề =)). Ông ta khởi binh đánh Nguyễn Phúc Nguyên vì cái tội láo. Sau đó thì thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh dài trăm năm bắt đầu. Miền bắc là Đàng Ngoài, còn miền nam là Đàng Trong. Hai bên có 7 lần đại chiến dữ dội.

-Bỗng nhiên Tây Sơn tam kiệt xuất hiện như một ngôi sao mới trên bầu trời showbiz.

-Tây Sơn vốn nằm giữa Trịnh và Nguyễn, nếu như trẻ trâu gây sự với cả hai thì chắc chắn là sẽ nát. Thế nên Tây Sơn quy phục Trịnh và tiêu diệt Nguyễn. Cậu bé Nguyễn Ánh may mắn sống sót sau vụ thảm sát. Tây Sơn sau đó ra bắc để tiêu diệt Trịnh luôn. 

-Nguyễn Huệ làm gỏi Xiêm La và Mãn Thanh.

-Ba anh em Tây Sơn lục đục. Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đánh nhau ở Quy Nhơn.

-Tây Sơn chia Việt Nam ra làm ba vùng chiếm đóng, ba anh em mỗi người cai trị một vùng.

-Tây Sơn phải đương đầu với con ác quỷ do họ tạo ra. Một Nguyễn Ánh với khao khát trả thù.

-Nguyễn Ánh hỏa thiêu chiến thuyền ở Thị Nại. Nguyễn Huệ nổi giận, chia ba đường chuẩn bị nam tiến lùng bắt Ánh thì đột ngột băng hà.

-Nguyễn Ánh phản công. Hỏa thiêu tiếp 2000 chiến thuyền ở Thị Nại trong một trận thủy chiến kinh khủng chưa từng có, rồi bắt đầu đánh ngược ra bắc để tiêu diệt Tây Sơn.

-1802, Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Việt Nam thống nhất sau 300 năm nội chiến. Sài Gòn và Hà Nội lần đầu về chung một mái nhà. Lãnh thổ nước ta đạt đến cực đại, lớn chưa từng có, trải dài một mạch từ Lạng Sơn tới Cà Mau, gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa. Trong trò chơi vương quyền này, Nguyễn Ánh là người chiến thắng sau cùng
Chi tiết

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Chiến tranh Nam - Bắc triều

chiến tranh nam bắc triều

Thời thê thảm nhất của dân tộc ta không phải là thời bị ngoại xâm, vì giặc nào cũng chỉ một giai đoạn ngắn ngủi là bị nhân dân Đại Việt cho ăn hành no nê, phải cút thẳng về nước. Mình thấy người Việt rất lạ! Bình thường giành ăn, ghen ghét nhau nhưng lúc tổ quốc lâm nguy thì đoàn kết lạ lùng.

Cho nên mới nói thê thảm nhất phải là lúc người trong nước đánh nhau liên miên không dứt. Nhưng không phải thời Trịnh - Nguyễn. Thời này thì nhờ ông Đào Duy Từ dựng thành lũy chia đôi đất nước nên có đánh nhau thì chỉ quanh quẩn ở gần sông Gianh, không tràn lan toàn quốc.

Thê thảm nhất chính lại là thời Lê Mạc phân tranh kéo dài đến 60 năm, hay còn gọi là Nam Bắc triều. Nói chung triều đại nào cũng vậy, càng về sau càng yếu dần. Triều đại của Lê Lợi sáng lập cũng không ngoài quy luật đó. Tới lúc dặt dẹo quá thì bị một võ tướng tên là Mạc Đăng Dung lật đổ, chiếm lấy Thăng Long - Hà Nội. Mạc Đăng Dung ép mẹ con nhà vua phải tự tử. Thái hậu khấn trời rằng: "Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế."

Lúc bấy giờ tướng Nguyễn Kim (ông tổ của hoàng đế Gia Long Nguyễn Ánh) không phục hành động của Mạc Đăng Dung, ông mới tìm một người thuộc hoàng tộc để đưa lên ngôi vua. Vị vua mới này lên ngôi tại đất Lào, sau trở về Việt Nam để phục hưng cho gia tộc, và thế là chiến tranh Lê - Mạc bắt đầu. 

Nhà Mạc nắm giữ toàn bộ miền bắc nên gọi là Bắc triều. Nhà Lê nắm giữ từ Thanh Hóa trở vào nam nên gọi là Nam triều. Lực lượng của Bắc triều có 12 vạn người và tổ chức khá chặt chẽ. Nam triều tuy sở hữu đất đai hẹp hơn nhưng quân đội thường trực cũng thường xuyên có 6 vạn người

Cuộc chiến tranh này cực kỳ tàn khốc, đặc biệt là giai đoạn 1545-1580, hai bên lúc thắng lúc thua, tranh nhau từ Ninh Bình đến Nghệ An. Dài hơn cả chiến tranh Việt Nam và đô hộ của nhà Minh cộng lại. Đất đai bị giằng qua giật lại, dân bị cả hai bên cướp giết hiếp khổ không tả xiết. Hoàn toàn không có chính nghĩa hay niềm tin gì ở đây cả. 

Trong 60 năm chiến tranh giữa Lê và Mạc đã diễn ra 38 trận lớn nhỏ, cả hai bên đều huy động gần hết các lực lượng lao động chính trong xã hội vào cuộc chiến cùng những nhân tài, vật lực trong tay. Cuộc chiến đã tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân toàn quốc. Sức mạnh Đại Việt trên bản đồ thế giới bị suy yếu nghiêm trọng vì dân trong nước làm ra bao nhiêu của cải đều đổ hết vào việc chém giết lẫn nhau. Chỉ có thằng Tàu khựa là ngồi rung đùi quan sát và... sướng. Mình lại có bài thơ về thời này:

Hậu vương xem đó giữ non sông,
Chớ để ngai vàng phải lở long.
Gan óc sinh linh đầy đất loạn,
Lửa thiêu tàn núi, máu loang đồng.

Mãi về sau này khi vua Quang Trung đánh dẹp hết tất cả, để rồi Gia Long thống nhất thì đất nước mới vẹn toàn thành hình chữ S như ngày hôm nay
Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc