Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Trần. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Trần. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyện vua Trần Nhân Tông

Trần nhân tông
Kỳ trước, hỏa ngục Bạch Đằng

-Phụ hoàng, Hưng Đạo bẫy được thuyền Mông Cổ rồi!

-Đâu đâu, đi xem đi xem!

Trần Thánh Tông nhảy cẫng lên khi Trần Nhân Tông báo tin nhận được từ quân do thám. Hai ông án ngữ một đội quân ở khúc sông này, nhưng sau đó đã giao cho phó tướng chỉ huy rồi cùng một số thân tín phi ngựa đến chiến địa nơi Mông Cổ và Đại Việt ác đấu.

-Chà…

Trần Nhân Tông thốt lên khi đứng cùng cha mình từ trên cao nhìn xuống. Bạch Đằng giang hùng vĩ cuồn cuộn chảy bên dưới. Các cọc nhọn chĩa thẳng thành từng dãy kiêu hùng như thách thức dòng chảy của nước. Một chiếc bẫy khổng lồ kết hợp hoàn hảo giữa sức người, thiên nhiên và trí tuệ, một kiệt tác của nghệ thuật quân sự.

-Ngô Quyền nhập hả? Sao đánh như lên đồng vậy?

Trần Thánh Tông bàng hoàng nhìn các chiến hạm khổng lồ của Ô Mã Nhi thắng không kịp bị đâm phầm phập từ bên dưới. Một chiếc, hai chiếc, rồi năm sáu, bảy tám, mười lăm chiếc, cứ thế đều đặn như cá chui vào lưới. Trần Nhân Tông cũng nói:

-Kế này trước đây Lê Đại Hành cũng có dùng nhưng tính sai giờ triều rút nên thuyền quân Tống lướt qua được dãy cọc. Công nhận Hưng Đạo Vương nhà ta dự báo thời tiết chính xác kinh khủng.

Trần Thánh Tông nói:

-Con trai, cá không? Ô Mã Nhi sẽ bị bắt sống.

Trần Nhân Tông cười:

-Cá mười ăn một luôn. Nhìn thế này mà phụ hoàng bảo hắn sống được thì cũng hay đấy.

Quả thật trận đánh càng về cuối càng khốc liệt. Bấy giờ Hưng Đạo Vương đang vung gươm chỉ đạo quyết liệt như một nhạc trưởng. Đoàn thuyền nhỏ được ra lệnh xuất kích chạy len lỏi vào những chiến thuyền Mông Cổ đang bị thương tích trầm trọng mà phóng hỏa. Lửa bùng lên thành từng đám đỏ rực giữa sóng nước trắng xóa tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục chưa từng thấy. Tiếng thét xung trận của quân Trần cùng với tiếng la tuyệt vọng của quân xâm lược hòa chung với tiếng gầm hung dữ của con sông Bạch Đằng sẽ để lại nỗi ám ảnh cho bất cứ ai từng chứng kiến trận đánh đó, trận đánh mà dương gian và quỷ môn quan chỉ gần nhau trong khoảnh khắc, và ước gì đừng bao giờ có chiến tranh xảy ra.

-Bắt được Ô Mã Nhi rồi kìa!

Không khó để nhận ra Ô Mã Nhi vì hắn cao to và mặc trang phục chỉ huy nổi bật của Mông Cổ. Hắn rơi xuống nước trong đám hỗn loạn và bị thuyền Trần bắt kéo lên giải về cho Hưng Đạo Vương. Trần Thánh Tông huýnh tay Nhân Tông:

-Mười ăn một, nhớ nhé.

Trần Nhân Tông thua cá cược nhưng chẳng buồn. Vì cuối cùng chúng ta cũng chiến thắng, thắng đậm, thắng oanh liệt. Bao nhiêu năm tháng gian khổ cùng cha bỏ Thăng Long chạy nạn giờ đã chính thức chấm dứt. Ông không thể giấu được nụ cười hạnh phúc trên môi:

-Chúng ta chuẩn bị về nhà thôi phụ hoàng.

---

Người ta nói con hơn cha là nhà có phúc, và triều đại nào mà cả cha lẫn con đều là minh quân thì nhân dân sướng còn hơn trúng số. Như Lý Công Uẩn và Lý Phật Mã, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Triều Trần là một trong những triều đại giáo dục con cái tốt nhất, nên các vương tử đều được ăn học đến nơi đến chốn, tài kiêm văn võ, làm nên một thời đại anh hùng. Các vua nhà Trần tuy có nguồn gốc ngư dân nhưng đều học rất giỏi, thông cả tam giáo cửu lưu. Tam giáo là Phật – Lão – Nho và cửu lưu là tên chung của nhiều trường phái văn hóa thời xưa. Thông được một giáo đã cực, học thông cả tam giáo thì phải gọi là uyên bác. Ngoài ra các vua đều là nhà thơ, thế mới chất. Nhân Tông Trần Khâm nổi bật lên giữa bao người. Ngay từ khi sinh ra ông được tả là "tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng", và cha mẹ ông gọi ông là Kim Tiên đồng tử. Nói chung đẹp trai khỏe mạnh thông minh từ bé.

Nước ta ngày đó nhỏ lắm các bạn, chỉ từ Nghệ An trở ra bắc thôi, nhưng ta thắng được Nguyên Mông khổng lồ. Ok, nếu một trận thì có thể là hên xui. Nhưng tới ba lần thì còn gọi là ăn may được không? Mỗi lần Mông Cổ trả thù là nó đều chuẩn bị kỹ càng và mạnh hơn trước. Thậm chí cả thái tử Thoát Hoan cũng sang đánh luôn, thiếu điều đại hãn Hốt Tất Liệt thân chinh ra trận là đủ bộ. Thế mà vẫn thua. Người chỉ huy tối cao, nhà hoạch định chiến lược hai trong ba trận thắng đó là Trần Nhân Tông, ông là một trong số những người hiếm hoi có thể chỉ huy Trần Hưng Đạo. Hết chiến tranh nhưng ông vẫn không tự mãn hay lơ là mà rất nghiêm khắc để giáo dục thế hệ sau kế thừa.

-Thằng Trần Thuyên đâu rồi???

Thượng hoàng Nhân Tông quát, các quan sợ hãi run bần bật. Ông vừa từ Thiên Trường về lại kinh đô, ai cũng ra đón trừ thằng con quý báu của mình. Trần Anh Tông mới lên ngôi nên khá hư hỏng, ham nhậu nhẹt, ban đêm lại thường lẻn ra ngoài cung chơi, có lần còn bị trẻ trâu phang nguyên cái chai vào đầu. Hôm đấy cha về thì cậu đang xỉn quắc cần câu nằm mê man chẳng biết gì. Đến khi tỉnh rượu thì sợ teo mọi bộ phận, vội vàng chạy đi xin lỗi bố. Nghe chửi một tăng muốn ù tai, từ đó Anh Tông bỏ hẳn rượu, không những thế ông còn ghét luôn những kẻ nghiện rượu và đánh bạc, trở thành một minh quân sáng suốt.

Sau khi lo xong mọi việc ổn thỏa rồi, một hôm trong buổi chầu sáng, vua Anh Tông ngỡ ngàng khi Nhân Tông đứng giữa triều với bộ thường phục, hai bên là văn võ bá quan cũng ngạc nhiên. Anh Tông đứng dậy bước xuống ngai vàng đi đến chỗ cha. Trần Nhân Tông dang tay ôm lấy cậu con trai mà ông luôn thương yêu, vỗ nhẹ lên lưng:

-Con ở lại làm vua cho tốt nhé.

-Cha…?

-Hôm nay cha xuất gia.

Trần Nhân Tông cười hiền, tạm biệt Anh Tông lần cuối rồi ông quay lưng đi khỏi triều. Đây là vị vua duy nhất trong lịch sử nước ta sẵn sàng từ bỏ vương vị để tu hành. Ông tránh xa hoàng cung bon chen, đi rất nhiều nơi để ngắm nhìn nhân gian, tận hưởng ý nghĩa cuộc sống. Ban đầu ông tu ở Ninh Bình, sau đó về Yên Tử tu khổ hạnh. Tại đây ông thành lập thiền phái Trúc Lâm, còn gọi là Trúc Lâm Yên Tử. 

Nói thêm Trần Nhân Tông chính là một trong những tác giả sáng tác chữ Nôm đầu tiên của văn hóa Việt. Không có thời Trần với Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nguyên Đán; chúng ta sẽ không có được Nguyễn Trãi, người mà như đánh giá của nhà văn Đức I. Faber: “Vào thời Nguyễn Trãi sống và hoạt động, Châu Âu chưa có được một tác gia nào lớn” .

---

Đêm mùa đông, 16 tháng 12 năm 1308,

-Pháp Loa, những việc ta dặn con đã nhớ kỹ chưa?

-Đệ tử nhớ. Nhưng tôn đức tuổi đã cao, xin giữ gìn sức khỏe. Trên am Ngọa Vân lạnh lắm, để tử có để chăn trên đó cho tôn đức. Sáng mai đệ tử sẽ quay lên đón người.

Đệ tử Pháp Loa cung kính vái Trúc Lâm đạo sĩ một lần nữa rồi khẽ lách mình qua khe cửa để xuống núi. Không gian lại trở nên im ắng, chẳng đâu thích hợp để ngồi thiền hơn ngọn Tử Tiêu này. Trần Nhân Tông khẽ mở cửa sổ, từ đây nhìn xuống bao quát một vùng rộng lớn. Ông chậm rãi ngồi xuống xếp bằng. Gió khuya thổi ào ạt rét buốt trần ai, nhưng ông vẫn điềm nhiên tĩnh tọa. Khi một cao tăng khổ hạnh đã đạt tới cảnh giới cao thì mọi điều xung quanh họ chỉ là sắc tức thị không, vạn vật xem như hư không. Dù vậy ông vẫn cảm nhận được làn sương mỏng bay vòng vèo trong am Ngọa Vân, đom đóm lấp lánh ở rừng trúc bên dưới, và mùi hương nhè nhẹ của hoa dại lan tỏa trong không gian. Bầu trời đêm nay yên ả quá, tinh tú sáng rực giăng kín khắp một dải ngân hà, cầu mong nước Đại Việt sẽ luôn thanh bình như thế này. Rồi ông từ từ nhắm mắt nhập thiền...

Sáng hôm sau Pháp Loa đến. Cậu khẽ mở cửa để không làm kinh động đến Trúc Lâm đạo sĩ:

-Thưa Phật hoàng, đệ tử đến đón người.

Trúc Lâm đạo sĩ vẫn quay lưng lại không đáp. Bình thường ngài luôn từ tốn trả lời “Con đợi ta chút”, mà hôm nay im lặng. Pháp Loa cảm thấy kỳ lạ, cậu gọi lớn hơn:

-Phật hoàng ơi…

Vẫn không có tiếng trả lời. Pháp Loa lúc này đã thật sự lo lắng. Cậu chạy ngay đến chỗ sư phụ nắm lấy tay ông thì thấy lạnh ngắt.

-PHẬT HOÀNG!

Pháp Loa bật khóc. Trúc Lâm đạo sĩ đã viên tịch trong cái đêm mùa đông lạnh giá đó. Pháp Loa cõng xác thầy xuống núi làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình đem về kinh sư. Ngày Trần Nhân Tông băng hà đất Việt mãi mãi mất đi một hoàng đế thông minh, dũng cảm, nhân ái, và một cao tăng làm rạng danh Phật giáo Việt Nam.
Chi tiết

Chiến thần Phạm Ngũ Lão

phạm ngũ lão

Sách sử kể lại rằng, một hôm Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường, mải nghĩ ngợi không biết có quan quân đang đến. Một người lính dẹp đường quát mãi anh thanh niên vẫn cứ trầm tư bèn dùng giáo xiên vào đùi kẻ cản đường, máu chảy đầm đìa, người lính không rút được giáo ra đang dùng dằng thì Hưng Đạo Vương lấy làm lạ hỏi đầu đuôi sự việc. Qua đối đáp trôi chảy của chàng trai nông dân, ông đã phát hiện đây sẽ là một nhân tài của triều đình, và sau này đúng là như vậy.

Phạm Ngũ Lão có thể xem như một chiến thần của dân tộc Việt Nam với thành tích bách chiến bách thắng. Đã đánh là thắng, không hề thua một trận, cho dù đối thủ có là Lào, Chămpa hay Mông Cổ đi chăng nữa. Chưa hết, Phạm Ngũ Lão là vị tướng cực kỳ can đảm, luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân chứ không chỉ đứng đằng sau hô hào như các ông tướng khác.

Cuộc đời ông là cuộc đời gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội. Ông luôn yêu lính như con, đồng cam cộng khổ, trên chiến trường thì cực kỳ dũng cảm, khi rèn quân lại hết sức nghiêm minh, tự mình làm gương, biết phát huy các sở trường, địa hình, thời tiết... để giành chiến thắng. Ngoài ra ông còn là người nho nhã, rảnh rỗi thích đọc sách, ngâm thơ chứ không phải hạng cục súc võ biền. Có thể nói là:

"Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh.

Nguyên - Mông, Chiêm - Lào, một thời đều úy phục, triều Trần ghi công, sử Việt lưu danh."
Chi tiết

Tôi sẽ làm phim bom tấn lịch sử Việt Nam như thế nào? (Phần 2)


Trần Quốc Tuấn đã thất bại, nhưng đó chưa phải là kết thúc. Trong các bộ phim thì khi người anh hùng gặp phải thời khắc chết người nhất, anh ta sẽ lật được kèo, giết được trùm cuối, lạnh lùng bỏ đi, phía sau lưng là một tòa nhà phát nổ, anh ấy còn không thèm quay đầu nhìn lại. Thật lãng mạn và thật menly.

Đặc điểm chung của các thiên tài quân sự như Hưng Đạo và Quang Trung là họ rất bình tĩnh khi gặp bất lợi. Bộ não như một CPU tốc độ cao xử lý tình huống cực bén, đôi mắt như chiếc máy scan quét qua chiến trường, quyết định khi nào đánh, khi nào lui, đặt quân chỗ nào. Kỵ sĩ bắn cung trên thế giới không phải là hiếm, nhưng để đạt được tới đẳng cấp vừa chạy như trâu điên mà vừa bắn phát chết luôn như kỵ binh Mông Cổ thì chắc độc nhất vô nhị cmnr. Từ trước tới nay chỉ có mỗi chiến binh Mamluk của Ai Cập là khuất phục được bước tiến của đội kỵ sĩ thần thánh này, chứ bọn hiệp sĩ giáp trụ đầy mình của châu Âu cũng đều phải quỳ hết.

Nhận thấy để đối đầu với bọn “người ngoài hành tinh” này, bọn nó quá “dị” thì mình cũng phải “dị” để trị nó. Bọn nó có ngựa, và ngựa chỉ mạnh trên đồng bằng. Và thế là quân đội du kích đầu tiên trên thế giới ra đời. Từ các căn cứ trong rừng thẳm, quân Việt xuất hiện như những bóng ma len lỏi đi khắp nơi và biến mất vào hư không khi xong nhiệm vụ. Quân Mông Cổ thấy kho lương, doanh trại của mình bị tấn công trước khi kịp phản ứng: “what the damn hell is going on???”

Mỗi khi quân Mông Cổ sắp tiến đến một ngôi làng, Trần Quốc Tuấn ra lệnh di tản. Mọi người hãy đốt hết mọi thứ đừng để cho chúng lấy, quẩy lên đi bà con. Quân Mông Cổ thực sự ức chế vì khi chúng đến đâu cũng chỉ thấy làng mạc tiêu điều, không có nhà cũng chẳng có lương thực. Rồi ta câu kéo dẫn dụ chúng vào các đầm lầy để làm cho bầy ngựa trở thành phế vật. Chiến thuật du kích này thật sự trở thành nỗi ám ảnh của đội quân hùng bá này. Nên biết đây là thế kỷ thứ 13, khi chưa có hệ thống định vị toàn cầu GPS và nỏ vẫn được xem là thứ công nghệ hiện đại tiên tiến. 

Vừa cáu, vừa đói, vừa mắc bệnh dịch tả, quân Mông Cổ không còn cách nào khác đành chửi thề: “fuck it!”, rồi bắt đầu một cuộc rút lui toàn diện khỏi vùng đất phương nam đáng sợ này, như cái cách mà Napoleon tháo chạy khỏi nước Nga mấy trăm năm sau. Đến lúc này thì Trần Quốc Tuấn phản công. Con đường quay lại Bắc Kinh của quân Mông Cổ là một cơn ác mộng tồi tệ thật sự, mỗi bước đi là mỗi bước gần hơn tới quỷ môn quan khi quân ta xuất hiện đột ngột như ma quỷ, chém giết rồi lại biến mất.

Hốt Tất Liệt thấy đoàn quân uy dũng của mình trở về theo một phong cách không thể thảm hại hơn thì giận đến tím tái mặt mày. Hắn đạp đổ cái án, quát tháo ầm ĩ: “Dm lũ ngu! Làm nhục mặt ông tổ Thành Cát Tư Hãn của tao”. *nhạc nổi lên nghiêm trọng*

Phim bắt đầu tua nhanh đến quá trình Trần Quốc Tuấn chiếm lại được Thăng Long, cùng mọi người mở tiệc mừng chiến thắng. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, lúc này camera lại trở về bến cảng của nhà Nguyên. Flycam bay dọc theo bờ biển quay rõ 500 chiến thuyền khổng lồ hoành tráng đậu dọc một vùng. Hốt Tất Liệt nhận ra thất bại nằm ở đầm lầy và rừng rậm, thủy quân sẽ giải quyết đám khỉ rừng Đại Việt.

Trần Quốc Tuấn ở Thăng Long biết được Mông Cổ lần này sẽ chơi tất tay với mình một trận sống mái. Diễn biến lúc này được tua nhanh đến những ngày cuối của cuộc kháng chiến. Sông Bạch Đằng hiện ra, hùng vĩ và dậy sóng. Trần Quốc Tuấn đi bộ dọc theo bờ sông quan sát:

-Đã chuẩn bị xong cọc chưa? Vót cho thật nhọn nhé. Ngươi cho quân cắm xuống theo sơ đồ ta đã vẽ sẵn ở đây.

Trần Quốc Tuấn trải rộng bản đồ ra tảng đá khô ráo, Yết Kiêu trầm ngâm:

-Chúa công, đóng cọc xuống lòng sông rất nguy hiểm, nước sâu mà lại chảy xiết. Chúa công có chắc kế này sẽ thành công không?

Trần Quốc Tuấn mỉm cười bảo:

-Ngươi đi hỏi ông Ngô Quyền sẽ có câu trả lời.

Yết Kiêu hiểu ra, vâng dạ rối rít rồi ông quay đi, giơ cánh tay rắn chắc đầy sẹo lên hô lớn:

-Anh em, chúng ta bắt tay vào việc. Đội thứ nhất chuyển 100 cọc ra sông Rút, cắm thành từng cụm rải rác. Đội thứ hai rẽ vào sông Chanh, làm tương tự như trên. Đội cuối cùng di chuyển số cọc còn lại ra sông Kênh, cắm thật chặt xuống!

Gió thổi càng lúc càng mạnh, hai bên bờ sông cỏ cây kêu xào xạc, đàn quạ nháo nhác bay, dường như chúng cũng có linh cảm rằng nơi đây sẽ xảy ra trận huyết chiến cuối cùng.

-Đã đến lúc ta bố trí mai phục rồi.

Trần Quốc Tuấn nhảy lên ngựa rồi thúc chạy dọc bờ sông. Ông nhanh chóng sắp xếp đầy đủ quân phục kích vào các nhánh sông nhỏ. Rồi mọi thứ trở nên im lìm như chưa có gì xảy ra. Gió sông vẫn thổi ào ào...

Thời gian chậm chạp trôi qua, những người phục kích vẫn căng thẳng đợi chờ. Vài ánh đèn chập chờn trên những con thuyền nhỏ có trách nhiệm dụ địch. Trần Quốc Tuấn hết ngắm nghía lá cờ soái đang bay phần phật, rồi lại yên lặng dõi đôi mắt vào cõi xa xăm. 

Thỉnh thoảng mấy tay liên lạc chạy đến, mọi người vội vàng xô lại nghe ngóng, nhưng vẫn chưa có tin tức gì. Loáng thoáng nổi lên vài tiếng nóng nảy cự cãi nhau, rồi tất cả lại chìm trong thinh lặng. Đêm tối dần, ngoài chiến trường im phăng phắc. Bấy giờ gió nổi lên đùng đùng, trên mặt Bạch Đằng giang sóng tung nước vọt dữ dội. Ánh trăng chiếu rọi xuống mặt nước lấp loáng nhấp nhô, tựa hồ hàng vạn con rắn vàng bơi lội ngoằn ngoèo. Trần Quốc Tuấn cố nhướn đôi mắt nặng nề nhìn ra bóng đêm, rồi ông dặn Nguyễn Khoái:

-Hãy gọi ta dậy khi thấy quân Mông Cổ.

Nguyễn Khoái vâng lệnh. Trần Quốc Tuấn gối đầu lên tấm khiên. Khi đôi mắt khép lại, ông vẫn thấy bầu trời đầy sao thanh bình. Giấc mơ sau đó đầy hình ảnh lũ man di mọi rợ hiện ra, và ông nghe tiếng hô: “Giặc đến!”. Ông giật mình tỉnh dậy khi Nguyễn Khoái đánh thức.

Các chiến binh Đại Việt gồng mình nắm chặt vũ khí. Tất cả bất động, nín thở. 500 chiến thuyền khổng lồ của Ô Mã Nhi xuất hiện ở đường chân trời, rẽ sóng lướt băng băng. Nguyễn Khoái lập tức dẫn quân ra khiêu chiến và nhử đội thuyền Mông vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, nơi đó cổng địa ngục đang chờ chúng. Tướng Mông Cổ Phàn Tiếp nhận thấy điều bất thường, liền la lên:

-Đừng, đừng có đuổi theo! Mắc mưu bây giờ!

Khi hắn vừa dứt lời thì hiện tượng lạ xảy ra. Thủy triều đột ngột hạ xuống. Từng dãy từng dãy chông lớn hiên ngang vươn mình lên cao như hồi chuông báo tử cho quân Mông Cổ, lần này và cũng là lần cuối cùng. Ô Mã Nhi đứng chôn chân tại trận:

-Cái quái gì…

Cọc nhọn từ đáy sông xé nước vọt lên xiên thủng đáy thuyền. Hơn 400 chiếc chiến hạm bị đâm túi bụi từ bên dưới. Trần Quốc Tuấn vung kiếm gầm lớn:

-Sát Thát!

Tức thì những thuyền nhỏ nhà Trần nhất tề nổi lửa bùng lên. Lửa nhờ oai gió, gió giúp sức lửa, phút chốc hàng chục hỏa thuyền biến thành những mũi tên lửa khổng lồ bắn thẳng vào hạm đội Mông Cổ, khói bốc mù mịt, ánh sáng rực trời. Bao nhiêu mảng thuyền lớn nặng nề như cá nằm trên thớt, đành trơ ra làm mồi cho thần hỏa. Thuyền Mông Cổ bị xiên rất chặt, không nhúc nhích được, cứ lần lượt bốc cháy rần rần. Bóng ma của trận Bạch Đằng 3 thế kỷ trước đã sống lại ngay đêm nay, trong chính giờ phút này!

Thế là trên mặt Bạch Đằng giang, gió cuộn đùng đùng, tàn lửa tung ngùn ngụt, trên trời dưới nước đỏ rực liền nhau, ánh sáng chói lòa chân mây lẫn mặt đất! Ô Mã Nhi bị lửa vây khốn đốn dưới nước, quay đầu nhìn lại trên bờ thì thấy Trần Quốc Tuấn ung dung đứng trên mỏm đá, cây sáo trên môi tấu bài “Đại Việt khải hoàn ca”. Hắn phẫn uất:

-Nhà ngươi...

Rồi thuyền đột ngột chao mạnh một cái, Ô Mã Nhi rú lên một tiếng rồi ngã xuống sông, bị quân Trần bắt được. 

Trận đánh này đã biến tham vọng xâm lược bằng đường thủy lớn nhất thời trung cổ thành một hỏa ngục với những xác chết và xác thuyền bùng cháy. Chỉ trong một đêm Mông Cổ mất 400 chiến thuyền và 80000 người, và 4000 chiến sĩ Đại Việt vĩnh viễn an nghỉ cùng dòng sông. Người Mông Cổ sau trận đánh này đã ra đi, mãi mãi không còn trở lại Việt Nam.

Tiếng thét vang trời, núi non tưởng chừng sạt đỉnh,
Thây trôi đầy biển, tôm cá được dịp đầy nang!
Thế ta bừng bừng, trận Xích Bích nào sánh kịp; 
Cảnh giặc hoảng loạn, gió Hoài, Phì nọ truyền sang.

Vì chiến công vĩ đại của mình, Trần Quốc Tuấn không những trở thành anh hùng dân tộc, mà ông còn là một vị thánh sống. Ông được thờ trên khắp đất nước và những cuốn sách do ông viết vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Cảnh cuối phim là vào năm 1300, khi Trần Quốc Tuấn nằm trên giường bệnh và trăn trối với vị vua trẻ Trần Anh Tông. Một chiếc lá rơi xuống, Hưng Đạo Đại Vương trút hơi thở cuối cùng. Cảnh vật chiếu từ giường nhà ra sân vườn của ông rồi hướng lên mặt trời và mờ dần đi. Bộ phim kết thúc.
Chi tiết

Tôi sẽ làm phim bom tấn lịch sử Việt Nam như thế nào? (Phần 1)


À, lấy đề tài Đại Việt vs Mông Cổ nhé.

Đầu phim sau title sẽ là một đoạn phim tài liệu flashback. Hình ảnh thảo nguyên Mông Cổ xanh mướt bạt ngàn sẽ hiện ra, bắt đầu kể lại quá trình chinh phạt thế giới của Thành Cát Tư Hãn. Dưới vó ngựa của các chiến binh Mông Cổ, các nước Hồi giáo hiếu chiến ở Trung Á, các công tước của nước Nga cũng không thể nào bảo vệ được nền độc lập của mình. Lãnh thổ của Mông Cổ theo chiều ngang kéo dài từ Viễn Đông (gồm cả Triều Tiên) đến tận Moscow, Muhi (Hungary), Tehran, Damascus; chiều dọc từ Bắc Á xuống hết cả Ấn Độ, Myanmar. Trong cơn lốc chinh phục của họ, chỉ có Thái Lan thoát khỏi họa diệt vong nhờ sách lược cầu hòa, Nhật Bản may mắn nhờ 1 trận bão biển làm thiệt hại bớt tàu của Mông Cổ, và Đại Việt nhờ khả năng lãnh đạo của Hưng Đại Vương mà giữ được bờ cõi.

Hưng Đạo Đại Vương mệt mỏi sau một buổi sáng thao luyện quân, ông ngồi trên ghế, tay chống cằm và ngủ thiếp đi. Trong mơ ông thấy đồng cỏ Bình Lệ Nguyên nơi vua Trần Cảnh đánh Mông Cổ 27 năm trước. Trận đó ông không tham gia, chỉ nghe kể lại nhưng rất xúc động. Flycam bắt đầu bay một vòng rộng để bao quát hết chiến trường, một bên là đoàn kỵ binh Mông Cổ chính hiệu vừa chinh phạt châu Âu về, một bên là vua Trần Cảnh đang ngồi trên lưng voi.

Mở đầu trận đánh, quân Mông Cổ dùng cung nỏ nhắm vào vòi voi của quân ta mà bắn, làm cho đội tượng binh của nhà Trần hoảng sợ, chạy lồng lộn trở lại. Quân nhà Trần nao núng vì voi vốn là thứ khiến họ tự tin nhất. Nhưng lúc đó vua Trần Cảnh vẫn quyết chiến đến cùng, ông tự mình dấn thân xung trận xông pha như một chiến binh thực thụ. Một mũi tên bay xẹt qua suýt nữa trúng mặt nhà vua. Cảnh tượng đã làm xúc động toàn quân nhà Trần.

Nhưng trận đánh càng kéo dài thì lối đánh "quên ngày mai, quên tương lai" của quân Trần càng tỏ ra không thể đương nổi với lực lượng kỵ binh cơ động nổi tiếng của quân Mông Cổ từng hủy diệt một nửa địa cầu được. Trần Cảnh hăng máu quyết “đánh chết thì thôi”. Nhưng quan ngự sử Lê Tần can rằng:

-Thôi lánh đi bệ hạ, đánh kiểu này như đánh bạc ấy, không thắng nổi đâu.

Trần Cảnh nghe vậy như bừng tỉnh mộng. Ông chợt nhận ra mình là người đứng đầu nhà Trần, lỡ xui xẻo thiệt mạng ngay tại đây thì lấy ai chỉ huy? Rồi đất nước này sẽ đi về đâu? Thế là cuộc rút lui của quân Trần diễn ra trong giông bão những hòn tên mũi đạn của Mông Cổ. Quan ngự sử Lê Tần đã kịp hộ vệ nhà vua xuống thuyền chèo gấp. Đồng thời Lê Tần đã kịp bốc cả mảng sạp thuyền làm lá chắn che chở cho nhà vua không bị trúng mũi tên độc của quân Mông Cổ đang truy đuổi từ trên bờ. Tên cắm vào tấm mộc như lông nhím, nhưng may mắn cả hai đã thoát nạn.

Nhưng đó là 27 năm trước và cuối cùng ta đã chiến thắng. Một đội quân thống trị địa cầu, chưa bao giờ biết thua, lại bị 200 nghìn nông dân suốt ngày chỉ biết làm ruộng đánh bại. Đó là một sự sỉ nhục khó bỏ qua, là cái tát vào tổ tiên Đại Hãn Mông Cổ. Giờ đây tối hậu thư của giặc lại được gửi đến - đầu hàng hay là diệt vong?

Trần Hưng Đạo mở mắt, đứng bật dậy đi ra ngoài sân giảng võ đầy nắng. Ông đưa cánh tay lên, hô lớn triệu hồi những anh tài. Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu… liền dừng tập lắng nghe. Ông đọc to bài Hịch tướng sĩ:

-Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?

Da gà mọi người nổi lên theo từng câu từng chữ của bài hịch. Không ai bảo ai, tất cả đều gầm lớn:

-SÁT THÁT!

Sau đó ai về nhà nấy tự mình xăm hai chữ trên tay khẳng định quyết tâm. Nhưng vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt chẳng ấn tượng. Cảnh sau chuyển sang triều đình Trung Quốc, Hốt Tất Liệt ngồi trên ngai vàng, đưa ngón cái ngang cổ cứa một đường, lạnh lùng nói:

-San bằng tất cả.

Kỳ này là phục thù nên quân Mông Cổ thực sự rất mạnh, ngoài đoàn kỵ binh khét tiếng ngày xưa, còn có thêm máy bắn đá, cung thủ thiện xạ. Các tuyến phòng thủ của quân Trần lần lượt bị nghiền nát và chỉ trong vòng vài tháng hoàn toàn tan tành. Quân Mông Cổ cũng áp dụng luật rừng mà họ đã dùng lên Khwazerm và Ba Tư: thảm sát nếu không đầu hàng. Toàn bộ những ai có mặt trong kinh đô Thăng Long lúc ấy đều bị giết và quân giặc bắt đầu phóng hỏa đốt thành.

-Bệ hạ, bám lấy lưng thần!

Thượng hoàng Trần Thánh Tông ôm chặt lưng Trần Quốc Tuấn khi ông phi ngựa hết tốc lực mở dường máu đột phá vòng vây, bỏ lại kinh thành Thăng Long chìm trong biển lửa, tương tự số phận thành Bát Đa bên xứ nghìn lẻ một đêm khi chống lại lệnh của Đại Hãn. Hai hoàng tử Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật chạy sát bên cạnh, kèm theo vua Trần Nhân Tông. Quân Mông Cổ đuổi ngay phía sau. Cảnh tượng y như đoạn cuối phim Harry Potter, khi lửa quỷ rượt theo bọn nhóc trong phòng cần thiết.

Trong diễn biến tiếp theo về cuộc đời Trần Quốc Tuấn phiên bản Hollywood, đây là lúc nhạc buồn nổi lên, người anh hùng đau buồn nhìn xa xăm, cả thế giới dường như sụp đổ trước mắt ông. Toàn bộ quân chủ lực nhà Trần đã bị đè bẹp. Những vị tướng tài của ông, người thì bỏ trốn, người thì đầu hàng, người bị bắt với chữ Sát Thát thì bị chém chết.

Thất bại rồi, chấm hết rồi, chẳng còn chút ánh sáng cuối đường hầm nào nữa...

Vua Trần đau đớn nhìn quân đội đã tan vỡ của mình, ông nói với Trần Quốc Tuấn:

-Giặc mạnh quá, để bảo vệ tính mạng nhân dân, hay là ta đầu hàng đi…

Trần Quốc Tuấn không nói gì, lặng lẽ đi một vòng đỉnh núi, đưa mắt nhìn ra bốn phía. Ông đưa tay bốc lên một nắm đất rồi khẽ nói:

-Từng nơi từng nơi của mảnh đất này đều quá đỗi thân thương với ta, sao có thể nhường cho bọn man di mọi rợ Mông Cổ?

Rồi ông quỳ xuống, bỏ mũ ra tuyên bố:

-Bệ hạ nếu đầu hàng thì hãy chém đầu tôi trước!

Vua Trần Thánh Tông bất ngờ, nhưng sau đó liền gật đầu mỉm cười. Điều quan trọng là hãy đặt hết tin tưởng và cả giang sơn lên vai vị dũng tướng đang quỳ trước mặt. Đây không phải kết thúc, đây chỉ là sự KHỞI ĐẦU.

Nhạc hùng tráng nổi lên như khi Rambo cầm khẩu M-16 và buộc khăn lên đầu để chuẩn bị cho những pha hành động đẹp mắt. Màn hình tối dần và chạy credit. Hết phần 1.


Chi tiết

Chuyện kể về Trần Nhật Duật

trần nhật duật
Trong bộ ba Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, thì Trần Nhật Duật là người nhỏ tuổi nhất.

Giang hồ đồn rằng khi vừa mới sinh ra hoàng tử Nhật Duật đã có bốn chữ xăm trên tay là "Chiêu Văn đồng tử". Về sau vương hiệu của cậu cũng lấy theo đó, nghĩa là đón nhận lấy cái đẹp. Hoàng tử Nhật Duật cực kỳ chăm học, kiểu cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm. Cậu bộc lộ năng khiếu ngôn ngữ từ rất sớm. Thời đó mà tiếng Anh phổ biến thì TOEFL của Nhật Duật chắc thủ khoa không bàn cãi.

Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, cậu còn am hiểu sâu rộng về các nước hàng xóm. Như đối với tiếng Tống và tiếng Chiêm, Nhật Duật chẳng những rất pro mà còn cực kỳ am tường phong tục tập quán của họ. Còn đối với các dân tộc anh em trong nước, Nhật Duật không những hiểu tiếng mà còn nắm chắc tâm lý người khác.

Vì là thần đồng nên mới 20 tuổi cậu đã được vua tin tưởng cho làm "bộ trưởng bộ ngoại giao". 20 tuổi thì mình vẫn là sinh viên năm 2, ăn ngủ chơi game thôi, còn anh ấy đã là gương mặt đại diện cho cả quốc gia rồi. Vua Nhân Tông nói đùa bảo Nhật Duật mà người Việt cái gì, người dân tộc thì có. Có lần Nhật Duật đã vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt cả một ngày, khiến cho sứ giả nghĩ rằng cậu là người Hán sang làm quan bên Đại Việt. Một phần cũng đúng, bởi vì họ Trần có nguồn gốc Trung Quốc, nên rất nhiều người nói rành tiếng Trung, kể cả Trần Quốc Tuấn. Nhưng trên hết vẫn nằm ở thiên tư tuyệt vời của vị hoàng tử này.

Có lần chúa dân tộc Đà Giang là Giác Mật muốn làm phản, vua sai Nhật Duật đi dẹp. Giác Mật muốn hại hoàng tử nên gửi thư bảo nếu ông tới một mình thì sẽ đầu hàng. Mọi người ra sức khuyên can thì Nhật Duật bảo không phải xoắn. Thế là ông tới trại Giác Mật, chỉ có mấy đứa nhỏ đi theo hầu. Thản nhiên đi giữa lớp lớp gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương uy hiếp của Giác Mật, Nhật Duật nói với hắn bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang.

Giác Mật hết hồn trước sự am hiểu của ông. Rồi hắn cho bưng mâm rượu lên. Giác Mật mời ông uống. Trần Nhật Duật không khách sáo, cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo. Giác Mật kinh ngạc thốt lên: "Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi!".

Nhật Duật nói: "Chúng ta xưa nay vẫn là anh em". Rồi sau đấy, theo lệnh Nhật Duật, tiểu đồng mở tráp lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lóa trao cho từng đầu mục Đà Giang. Những người cầm đầu mừng rỡ đón lấy tặng phẩm kết nghĩa theo đúng tục lệ của họ từ tay viên tướng triều đình mà họ vừa nhận làm anh em. Đà Giang đã quy thuận. Sức mạnh của dân tộc như được nhân lên.

Cuối tháng 4 năm 1285, ông trực tiếp cầm quân chỉ huy, lập chiến công vang dội ở trận Hàm Tử. Giặc bị thiệt hại nặng, bỏ chạy tan tác. Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư: "Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả".

Dù đã có nhiều công lao, mà lại còn là hoàng tử nữa nhưng Trần Nhật Duật là người làm việc giỏi giang và ngay thẳng. Tính tình ông hiền lành, nhã nhặn, độ lượng, khoan dung, mừng giận không để lộ ra sắc mặt. Trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô. Tài năng, nhân cách, sự nghiêm minh của ông góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần. Ông mất năm 1330, thọ 75 tuổi.
Chi tiết

Chuyện kể về Trần Quang Khải

Trần Quang Khải

Nói về Trần Quốc Tuấn mà thiếu Trần Quang Khải là không được.

Trần Quang Khải xuất thân cao quý hơn Trần Quốc Tuấn, bởi vì ông là một hoàng tử, là con ruột của vua, là PRINCE đàng hoàng. Tuổi thơ của ông khá bất hạnh, vừa lọt lòng là bị động kinh, ngáp ngáp gần chết. Vua Trần Cảnh lo sốt vó, các bạn có làm cha thì mới hiểu được lòng cha. Đến khi ngự y bó tay thì ông đành cầu may. Ông cầm thanh thượng phương bảo kiếm và áo bào thượng hoàng để bên cạnh Quang Khải mà nói:

-Con cưng, mau khỏi bệnh, rồi bố cho thanh kiếm với cái áo để chơi nè.

Quả nhiên Quang Khải sau đó khỏi bệnh một cách thần kỳ mà đến ngày nay y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Trần Cảnh biết mình nói hớ, liền chữa cháy:

-Ờ ừm… khỏi bệnh rồi hả… Ơ mà kiếm truyền ngôi không thể trao bừa được. Ờ thôi con lấy cái áo đi, để lại thanh kiếm cho bố...

Nhóc Quang Khải đáng thương vừa đẻ ra là bố bị troll rồi, nhưng nói chung cậu được trời phú cho nhiều thứ, đặc biệt là vô cùng thông minh đĩnh ngộ, có thể hiểu được nhiều ngôn ngữ, bắn tiếng dân tộc thiểu số như đọc rap. Lớn lên cậu bé Quang Khải trở thành tướng quốc thái úy, chức còn cao hơn cả đại sư huynh Trần Quốc Tuấn nữa.

Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn không ưa nhau ra mặt, do hai gia đình hiềm khích sẵn từ trước rồi. Nhưng Quốc Tuấn nghĩ huynh đệ trong nhà thì phải hòa thuận, vả lại giặc ngoại xâm rình rập, tốt hơn là nên đoàn kết. Thế là Tuấn rủ Khải đi chơi thuyền một ngày, rồi lại tắm cho cậu em. Mối quan hệ giữa hai anh em nhà này từ đó càng khắng khít. Nói chung mấy chế đừng suy diễn linh tinh, tình cảm anh em trong sáng thôi. 

Một hôm, sứ giả Sài Thung theo lệnh vua Nguyên đi qua Đại Việt. Hắn rất kiêu ngạo. Khi mới đến hắn cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh bất chấp luật lệ của nhà Trần là ai cao quý đến đâu qua cửa này cũng phải xuống ngựa. Quân lính ngăn lại, Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Vua Trần đãi yến tiệc, hắn cũng không thèm tới vì không phải chỗ hắn thích. Nhà vua phải gửi thư xin lỗi, hứa sẽ đổi địa điểm, năn nỉ mãi hắn mới thèm đi. Rồi vua cho Quang Khải đến tiếp chuyện, hắn nằm khểnh không ra. Đến khi Khải vào tận phòng thì hắn cũng không thèm ngồi dậy. Quang Khải ra về mà máu nóng bốc rần rần, vừa đi vừa chửi:

-Tao muốn lương thiện, nhưng mà ai cho tao lương thiện...

Trần Quốc Tuấn tình cờ đi ngang nghe thấy liền hỏi:

-Khải hiền đệ, tiếp đón Sài Thung sao rồi?

Quang Khải tức tối:

-Hắn ta hiếp đáp đệ. Huynh vào mà giải quyết.

Quốc Tuấn lắc đầu, vỗ vai Quang Khải:

-Cứ để anh, đệ kinh nghiệm còn non lắm.

Quốc Tuấn sau đó cạo đầu, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Thung thấy thế liền đứng dậy vái chào rồi vội vàng mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc hết sức. Hóa ra cạo đầu, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương bắc. Ông ngồi xuống pha trà cùng uống với hắn. Người hầu của Thung cầm mũi tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về Thung ân cần ra cửa tiễn ông.

Nhưng dù mình có hòa nhã như vậy thì Mông Cổ vẫn cứ đánh thôi, bọn này hiếu chiến xưa giờ rồi, bình thường như đường nông thôn luôn. Lúc ấy độ phủ sóng của Mông Cổ trên địa cầu còn nhiều hơn Viettel, Mobifone, Trấn Thành với Hoài Linh cộng lại. Dĩ nhiên nhà Trần biết điều đó, nhưng chú đừng có nhây với người Việt Nam, okey?

Quân Mông Cổ sang Đại Việt lần hai khí thế cực kỳ hùng hậu. Trần Quang Khải đang ngủ trên thuyền thì vợ ông là Phụng Dương công chúa đánh thức:

-Này bà làm cái gì đấy, tôi đang ngủ!

-Ông dậy giùm tui cái, thuyền cháy kìa!

Thế là hai vợ chồng cuống cuồng chạy sang thuyền khác, suýt chết. Quân Trần sau đó thua liên tiếp. Thua thì đã sao nào, cùng lắm thì thua tiếp thôi, từ từ sẽ có lúc thắng, đường dài mới biết ngựa hay. Và Trần Quang Khải quả thật là "ngựa hay", là "bạch mã hoàng tử" của gia tộc chứ không phải kiểu con nhà giàu ăn chơi lêu lổng, khi có giặc đến thì chui vào chăn khóc.

Trong giai đoạn này của cuộc kháng chiến thì Trần Quốc Tuấn có nhiệm vụ đưa vua đi trốn, còn Trần Quang Khải ở lại chặn Nghệ An. Ông trộm nghĩ trọng trách trong tay mình quá nặng nề, nhưng nhất định không để Tuấn huynh và mọi người trong gia tộc thất vọng được. Ông gầm lên:

-SÁT THÁT!!! YOLOOOOOO!!!!

Quân Mông Cổ của Toa Đô đánh mãi không hạ được hoàng tử Quang Khải, lương thì hết dần, đói thối mồm. Bế tắc quá, bèn rủ Ô Mã Nhi rút quân. Trần Quang Khải ngay lập tức đăng tin này lên facebook của group nhà Trần. Vua Trần bấm like rồi huy động Trần Nhật Duật và Trần Quốc Toản đem 5 vạn quân đi Hàm Tử tiếp viện. Đến nơi gặp tàn binh Mông Cổ, hai ông quẩy một trận tưng bừng, giặc chết vô số.

Kế đó Trần Quang Khải tiếp tục tấn công bến Chương Dương là nơi Mông Cổ neo đậu đại đội thuyền của nó, dụ Thoát Hoan ra khỏi Thăng Long rồi phang cật lực quân nó luôn. Thế là trong vòng có hai tháng, hoàng tử Trần Quang Khải đại phá quân Nguyên tận hai lần tại Hàm Tử và Chương Dương, nên khí thế quân nhà Trần được bơm rất mạnh. Sau đó thắng nhiều trận liên tiếp và đuổi được Thoát Hoan về Trung Quốc. Chấm dứt cuộc xâm lăng thứ hai của Mông Cổ.

Sau chiến thắng này, triều đình luận công ban thưởng, Trần Quốc Tuấn có công lớn nhất, được phong tước Đại vương. Trần Quang Khải cũng được xếp công thần hạng nhất. Ông tiếp tục phụng sự triều đình cho đến khi mất. Tại đền Thái Vi ở Hoa Lư, Trần Quang Khải cùng với Trần Quốc Tuấn cũng được đúc tượng thờ chung. Bạn nào có đi qua đường Trần Quang Khải thì hãy nhớ về vị hoàng tử tài hoa văn võ song toàn này nhé.

Nói chung chém gió chơi cho vui thôi, 99% thông tin trên là có thật nhé.
Chi tiết

Chuyện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Như bài trước trong album "Lịch sử phong kiến Việt Nam" mình viết, ta có thể thấy đời cha Trần Quốc Tuấn là ông Trần Liễu quá đen, đen như đêm 30 mà còn cúp điện. Đã bị em trai cướp vợ rồi lại bị chú vu cho tội phản nghịch. Trần Liễu ức chế lắm nhưng bất lực, quyết hy sinh đời bố, củng cố đời con. Ông tìm khắp thiên hạ xem có thầy nào giỏi thì về dạy kèm, dạy thêm, dạy phụ đạo cho Quốc Tuấn, chỉ với một mục đích mà ông trăn trối:

-Bố tốn bao nhiêu tiền mời gia sư đào tạo mày. Sau này mày mà không làm hoàng đế thì bố hiện hồn về bóp cổ nghe con.


Trần Hưng Đạo
Đùa thôi, nguyên văn như sau:

-Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.

Trần Quốc Tuấn mặt mũi nam tính khôi ngô, lại thông minh sáng dạ nên những gì được dạy cậu tiếp thu rất nhanh, trở thành học sinh xuất sắc giỏi cả văn lẫn võ. Sinh ra ở Thăng Long nên có thể gọi là trai Hà Nội. Duy chỉ có một khuyết điểm là si tình. Cậu chết mê chết mệt công chúa Thiên Thành, nhưng mà người ta sắp lên xe hoa rồi. Tuấn thở dài:

Nếu biết rằng em sắp lấy chồng
Anh về sẽ luyện lại võ công
Tập cho thành thạo liên hoàn cước
Ðể đá chồng em đêm động phòng.


Không biết mưu đồ này có thực hiện được không chứ chuyện nửa đêm Tuấn trèo tường vào chỗ công chúa là có thật. Mà hiện tại công chúa đang ở nhà bố chồng, mai là đám hỏi rồi. Mẹ nuôi của Tuấn biết chuyện liền ôm đầu gào lên:

-Giời ơi là giời, Tuấn nhi ơi là Tuấn nhi, vợ người ta mà con. Người ta bắt được là đánh chết!

Bà cũng đến bó tay với cha con nhà này, sống hết mình vì tình dễ sợ. Ông cha thì dẫn quân đánh thành Thăng Long để đòi lại vợ, ông con thì nửa đêm vượt rào đi thăm người yêu. Con dại cái mang, bà chạy ù vào cung điện kêu cứu vua. Trần Cảnh nghe tin liền cho quân đến tìm thằng cháu trẻ trâu thì quả nhiên cu Tuấn ở đó thật. Sáng hôm sau mẹ nuôi Quốc Tuấn đem 10 mâm vàng đến xin vua cho con mình lấy vợ. Trần Cảnh hết cách đành phải đồng ý. Ông thanh toán tiền bạc, bồi thường chi phí hôn lễ cho chú rể hụt kia. Thế là Tuấn được lấy người trong mộng.

Thanh niên Trần Quốc Tuấn tuy trong tình trường rất manh động, nhưng trong công việc thì vô cùng nghiêm túc. Gia đình nhà ông với gia đình nhà vua vốn không ưa nhau từ vụ cha ông bị vua cướp vợ. Ông không hề ưa hoàng tử Trần Quang Khải. Nếu như Quốc Tuấn là Harry Potter thì Quang Khải là Draco Malfoy. Địa vị cao quý, gia thế hoàng tộc Kenny Sang, tiền xài không hết, con vua mà lại. Bất hòa cá nhân giữa hai người trở thành một hiểm họa sâu sắc. Nhận ra điều này, Trần Quốc Tuấn chủ động tìm cách giải hòa. Ông rủ Trần Quang Khải đi thuyền chơi cả ngày mới về. Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:

"Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: "Hôm nay được tắm cho thượng tướng". Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được quốc công tắm rửa cho".

Từ đó tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn nồng. Điều này giúp ích rất nhiều trong công cuộc đánh Mông Cổ, nhất là khi hai ta về một nhà. Cá nhân tôi thì vẫn thấy có gì đó sai sai ở đây =)).

Lần thứ nhất đánh Mông Cổ thực sự là thử thách lớn với vị tướng trẻ Trần Quốc Tuấn. Đây là một đạo quân từng cày cả lò châu Âu lẫn Hồi giáo lên. Vua tôi nhà Trần khi đó ảo tưởng sức mạnh, ỷ có voi lớn nên quyết định chơi tay bo với Mông Cổ luôn. Kết quả là bị đội kỵ binh hùng bá thế giới đập cho te tua ở Bình Lệ Nguyên, phải bỏ cả Thăng Long mà chạy. Về sau thì phe ta dùng kế vườn không nhà trống hại não quá, Mông Cổ nó chịu vì chưa gặp kiểu đánh lộn như này bao giờ. Thế là mình ăn trận đầu. Sau chiến thắng này Trần Quốc Tuấn mở các trường dạy võ toàn quốc để đào tạo ra một dân tộc chiến binh, cả nước đều là những người lính, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc khi có biến.

Quả nhiên 27 năm sau Mông Cổ phục thù, kỳ này còn mạnh hơn xưa rất nhiều. Nó không đánh từ phía bắc xuống nữa, mà đi thuyền vượt biển đông rồi... đánh từ phía nam lên. Nói chung xâm lược cũng rất có tâm, vô cùng chịu khó :)). Trần Quốc Tuấn đọc Hịch tướng sĩ để bơm tinh thần cho anh em. Đại khái là mấy ông ạ, mấy ông đang sống trong cảnh sung sướng thì ráng mà đánh giặc, để mất nước là toi hết. Rồi ông cho quân đi giữ các nơi hiểm yếu. Mọi người nghe Hịch tướng sĩ xong máu dồn lên não, xăm hai chữ Sát Thát lên tay, thề chơi khô máu với quân giặc. Nhưng lần này Mông Cổ quá bá, sức mạnh hủy diệt như sóng thần. Quân Trần vỡ vụn trước sức càn quét dữ dội của địch.

Trần Quốc Tuấn lên ngựa chạy, giặc phía sau đuổi gấp. Khi gần tuyệt vọng thì ông thấy Yết Kiêu vẫn còn kiên nhẫn đứng trên biển đợi mình. Ông kêu to:

-Yết Kiêu, cứu ta!

-Chúa công mau lên thuyền!

Trần Quốc Tuấn tung mình khỏi lưng ngựa, Yết Kiêu vươn tay ra cầm chặt lấy tay ông kéo lên. Quân Mông Cổ tức tối bắn tên nhưng hai người đã đi xa rồi.

Về sau là những màn rượt đuổi gay cấn giữa Mông Cổ và hoàng tộc nhà Trần. Vua tôi dắt nhau đi phượt gần như hết cả miền bắc. Mấy lần suýt bị tóm nhưng lại may mắn chạy thoát đầy hú vía. Nhìn lại thì tổ quốc mỗi ngày lại mất thêm một đống đất. Thăng Long cũng mất luôn. Để thử lòng, vua giả vờ hỏi Trần Quốc Tuấn có nên đầu hàng không, nó kinh thế đánh sao lại mà đánh. Quốc Tuấn chỉ nói vỏn vẹn một câu:

-Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng.

Vua Trần thảng thốt:

-Cái gì vậy ông Tuấn? Ông vẫn còn muốn chiến hả? After all this time?

Trần Quốc Tuấn khảng khái:

-Always.

Trước thế quân Mông bức bách, ông đưa hai vua Trần ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Quảng Ninh. Lúc ấy nhà vua đang phiêu dạt, lại còn mối thù cũ của Trần Liễu nên có nhiều người nghi ngại Quốc Tuấn nhân cơ hội này sẽ làm phản. Trần Quốc Tuấn đi theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn cũng trừng mắt lại “nhìn cái nồi chứ nhìn”. Ông liền rút đầu sắt nhọn vứt bỏ, chỉ chống gậy không mà đi, bởi vậy hai vua Trần và mọi người thở phào nhẹ nhõm. Lời cha trăn trối lúc lâm chung, ông để trôi theo dòng nước.

Đây thật sự là một thời khắc khó khăn của Quốc Tuấn vì hàng loạt tôn thất nhà Trần không chịu nổi nhiệt đã ra đầu hàng Mông Cổ. Nhưng Quốc Tuấn là người như thế nào mà anh muốn bắt nạt là bắt nạt? Ông có bản lĩnh phi thường, soái ca trong tất cả soái ca, và ông đã có kế phá địch trong tay. Thực sự kế này vận hành trơn tru như một cỗ máy được lập trình hoàn hảo. Team Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật phối hợp ăn ý, đã có một pha lật kèo ngoạn mục. Đánh cho Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mà chạy về nước.

Lần thứ ba Mông Cổ xâm lược thì ông có kinh nghiệm rồi nên chỉ phán “Easy”, “Năm nay đánh giặc nhàn”. Kỳ này không chơi vườn không nhà trống nữa, nhàm rồi, ngồi trong Thăng Long thủ luôn mới gọi là dân chơi! Rồi Quốc Tuấn cho quân đi đốt lương thực địch. Trên chiến trường thì lính là xe, mà lương là xăng. Hết xăng thì xe khỏi chạy, đơn giản vậy thôi. Đến khi giặc đói quá chịu không nổi phải rút thì ông phản công. Một trận địa cọc dày đặc được setup ở sông Bạch Đằng. Trận thủy chiến huyền thoại của Ngô Quyền ngày xưa lại được tái hiện một lần nữa.

Giờ G đã đến, thuyền Mông Cổ bị thuyền nhà Trần dụ vào tử địa. Bãi cọc nhô lên sắc nhọn xuyên thủng đáy thuyền như thịt nướng BBQ. Tướng Ô Mã Nhi kinh hoàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đã bị bắt. Tuy nhà Trần nói là thả hắn về nước nhưng rất căm thù chuyện Ô Mã Nhi phá hoại lăng tẩm tổ tiên mình, nên đã ngầm cho người đục thuyền và hắn chết đuối.

Chiến thắng lần thứ ba trước đội quân hùng mạnh này đã chấm dứt vĩnh viễn giấc mộng xâm lăng Đại Việt của họ và đưa tên tuổi cậu bé Tuấn si tình ngày nào lên hàng vĩ nhân của thế giới. Mông Cổ gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên. Ông là một thiên tài quân sự lỗi lạc của dân tộc mà phải đến 500 năm sau mới có vua Quang Trung sánh ngang. Nhân dân kính ngưỡng gọi ông là “Đức Thánh Trần”. Trần Quốc Tuấn đã có những năm tháng cuối đời sống an nhàn tại Kiếp Bạc, Hải Dương. Ông mất 12 năm sau chiến thắng Bạch Đằng.

Chi tiết

Chuyện hoàng đế Trần Cảnh lấy chị dâu


Hoàng đế Trần Cảnh khi ấy không có con. Đối với dân đen thì điều đó đã nghiêm trọng rồi, đằng này là nhân vật cai trị thiên hạ thì còn thế nào nữa. Nhưng người đau đầu nhất lại là thái sư Trần Thủ Độ (ảnh). Ông đã tính hết nước hết cái để cướp thiên hạ từ tay nhà Lý mà không bị dân chửi, chỉ có cái chuyện không có người nối dõi này thì ông chịu, chưa tính tới.

Ông không cam tâm để vương triều non trẻ do mình vừa mới dựng nên kết thúc lãng xẹt như vậy được nên tâu với vua:

-Bệ hạ, Chiêu Hoàng không cho bệ hạ được thái tử nối dõi, nhưng chị gái Thuận Thiên của nàng ấy có bầu 3 tháng rồi, hay là...

-Không được đâu thúc thúc! Thuận Thiên công chúa là chị dâu trẫm, là vợ của anh trẫm, sao trẫm có thể làm cái việc loạn luân như vậy được???

Trần Cảnh phản đối kịch liệt. Nửa đêm ông trốn khỏi kinh thành lên núi Yên Tử. Gặp quốc sư Phù Vân là bạn của mình, nhà vua bày tỏ ý định muốn nương nhờ cửa Phật, đi tu quách cho xong.

Chẳng được bao lâu thì Trần Thủ Độ và quân lính tìm tới. Thủ Độ cùng mọi người ra sức khuyên vua sớm trở lại cung nhưng vua không nghe. Thủ Độ cương quyết với nhà vua rằng: “Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó”, rồi chỉ cho quân lính chỗ xây các cung điện. Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, vua đành cùng mọi người quay trở lại hoàng cung.

Nói về Trần Liễu uất ức vì tự nhiên bị mất vợ, ông cầm gươm chém xuống đá và chửi:

-Fuck! Chú Cảnh, chú sống chó với anh quá. Vợ anh ruột mà chú cũng không tha!

Rồi ông thừa dịp khi Trần Thủ Độ đưa quân đi tìm Trần Cảnh mà không lo phòng bị, liền dẫn quân đánh chiếm kinh thành Thăng Long.

Nhưng Trần Liễu không hiểu rằng Trần Thủ Độ là người mưu kế quỷ quyệt và đã sắp đặt mọi chuyện ở nhà. Khi Trần Liễu đang trên đường đến đánh kinh thành thì bị quân triều đình bao vây. Vì không đủ sức chống lại quân triều đình và để thoát khỏi án tử, Trần Liễu nghĩ tới Trần Cảnh, người em hết mực yêu thương mình, vì chỉ có Trần Cảnh mới có thể cứu ông trong lúc này. Trần Liễu đã ngầm cho người hẹn với Trần Cảnh đúng giờ bơi thuyền ngự ra sông Cái cứu mình.

Khi vua xuất hiện, Trần Liễu giả làm người đánh cá đến thuyền vua xin hàng. Trần Thủ Độ thấy vậy, liền điên tiết cầm gươm xông tới định chém. Vua liền nhào ra lấy thân mình che chở cho anh:

-Thúc thúc, xin thúc thúc hãy tha cho hoàng huynh của trẫm, Liễu huynh không có lỗi!

Trần Thủ Độ không làm gì được, tức lắm nên ném gươm xuống sông và nói:

-Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?

Để tình cảm anh em có được như xưa, Trần Cảnh đã hứa với Trần Liễu rằng cho dù Trần Thủ Độ có bắt vợ của anh làm vợ mình thì ở trong cung ông vẫn giữ khoảng cách giữa chị dâu và em chồng. Có lẽ Trần Cảnh đã hứa với Trần Liễu là sẽ không phạm tới thân thể của chị dâu nên Trần Liễu mới tha thứ và bỏ qua cho vua.

Tuy nhiên sau khi hoàng hậu Thuận Thiên sinh ra đứa con mà bà mang thai trước với Trần Liễu, thì bà tiếp tục đẻ thêm những người con khác với vua Trần Cảnh. Thế nên Trần Liễu hận em mình cho tới chết. Trước khi qua đời, ông cầm tay người con mình tin yêu nhất và nói:

-Con trai, đời cha bị người ta làm nhục nhiều nhưng bất lực không làm gì được. Sau này con hãy thay cha trả thù, cướp lấy ngai vàng và tự mình lên làm vua.

-Dạ, con xin vâng lời cha.

Cậu bật khóc khi cha trút hơi thở cuối cùng. Có điều về sau cậu không làm theo lời trăn trối đó. Chàng thanh niên trẻ ấy tuy suốt đời chưa một ngày làm hoàng đế, nhưng lại trở thành đại anh hùng của dân tộc Việt Nam. Cậu phò tá nhà Trần đánh thắng quân Mông Cổ 3 lần và trở thành người duy nhất trong lịch sử nhân loại làm được điều đó.

Cậu chính là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Chi tiết

Trần Thủ Độ - anh hùng và quỷ dữ

trần thủ độ

Nhà Lý trải qua 200 năm trị vì Việt Nam đã suy yếu, khi đó dòng họ Trần âm thầm len lỏi vào triều đình và dần nắm quyền thao túng nhà Lý. Để đem cả thiên hạ về cho gia tộc mình, Trần Thủ Độ đã nghĩ ra một cách:

Bước thứ nhất: buộc vua Lý Huệ Tông thoái vị, nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng. Cô bé trở thành vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, khi lên ngôi cô chỉ vừa lên 7 tuổi.

Bước thứ hai: Trần Thủ Độ đưa cháu mình là Trần Cảnh, mới 8 tuổi vào hầu Lý Chiêu Hoàng, sắp xếp để hai đứa nhỏ lấy nhau. Dĩ nhiên vợ phải nhường ngôi cho chồng, và thế là giang sơn Đại Việt về tay nhà Trần, nhẹ nhàng và êm thắm, không đổ máu. Nhưng vậy liệu đã đủ? Không, Trần Thủ Độ không nghĩ vậy. Ông muốn tàn sát hoàng tộc họ Lý!

Nói về cựu vương Lý Huệ Tông, khi bị phế truất thì ông đi tu. Một hôm ông ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn. Ông đi đến trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”.

Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi. Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”.

Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”. Rồi thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa. Mùa đông năm ấy, hoàng tộc nhà Lý làm lễ tế các vua Lý ở huyện Đông Anh, Hà Nội, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết.

Tàn nhẫn là thế nhưng Trần Thủ Độ làm quan rất nghiêm minh. Ông người có bản lĩnh và cá tính khác thường, xử lý việc gì cũng thẳng thắn, ít khi để cho tình cảm sai khiến. Có người thấy ông trong triều quyền lực bá đạo quá, mới vào gặp vua tâu rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?". Vua lập tức đưa người ấy đến dinh Thủ Độ và kể lại hết. Thủ Độ trả lời: "Đúng như những lời hắn nói." Rồi lấy tiền lụa thưởng cho người ấy.

Ông luôn đặt lợi ích của gia tộc nhà Trần lên trên hết. Đối với ông, vương triều Trần là tất cả, là NUMBER ONE. Hành động luôn theo phong cách: "Tao không cần biết mày là ai, nhưng mày muốn làm hại nhà Trần, thì tao sẽ tìm ra mày và thịt mày". Vì gia tộc, đến cả quân Mông Cổ, một đội quân thiện chiến đã đánh tan tác hầu như mọi đội quân của châu Á, châu Âu, hủy diệt Trung Đông, khiến đức Giáo Hoàng phải run sợ, mà Trần Thủ Độ cũng không coi ra cái cục shit gì. Ông là linh hồn của cuộc kháng chiến với câu nói bất hủ "Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả".

Trần Thủ Độ là một nhân vật thú vị vào hàng bậc nhất lịch sử, vừa lạnh lùng, ác độc, nhưng cũng rất chính nghĩa, can đảm. Một anti-hero như Severus Snape và Tào Tháo. Với những việc kinh thiên động địa ông đã làm thì ông vừa xứng đáng được xem như gian thần số một và đồng thời là anh hùng dân tộc Việt Nam. Xứng đáng với câu nói này:

"Chúa tể hắc ám đã làm được những điều vĩ đại. Kinh khủng thật, nhưng vĩ đại."
Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc