Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật ký. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật ký. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Thăm cố đô Hoa Lư

hoa lư

Tôi đến thăm Đại Thắng Minh Hoàng Đế vào một chiều cuối thu. Nơi đây ngày còn bé vua từng dạo chơi cùng bọn trẻ trong xóm, có cả Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú. Năm đứa nhỏ về sau lớn lên sáng lập ra triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam.

Cố đô Hoa Lư không bị con người động chạm quá nhiều nên vẫn còn giữ phong cảnh của thiên niên kỷ trước. Phóng tầm mắt ra xa tôi thấy núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng chọn để dựng đô được.

Mộ vua nằm lặng lẽ trên đỉnh núi Mã Yên, quanh năm hương khói đầy đủ. Khi đứng thắp nhang cho hoàng thượng tôi cảm thấy rất xúc động, vì trước mặt mình là di cốt của một anh hùng vĩ đại, mà nếu một nghìn năm trước có lẽ tôi cũng không có cơ hội đứng gần ông như vậy. Dân gian nói "Các vua Hùng mở ra đất nước, Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước". Ngày trước đọc Tam Quốc tôi cũng từng có cảm giác tương tự khi muốn ghé thăm Quan Vân Trường.

Bà cụ quét lăng bảo ai thành tâm lặn lội đến thăm thì ngài sẽ cảm động lắm và sẽ ban phúc cho. Khi xuống núi tôi thấy một cơn mưa nhỏ, lắc rắc trong một phút rồi tạnh. Bạn tôi bảo đấy là dấu hiệu của may mắn. Tôi không phải người mê tín dị đoan, nhưng quả thật sau đó tôi nhận được tin nhắn của mẹ:

"2 tháng nữa có người quen của mẹ ra bắc, con giữ gìn sức khỏe để đi tiếp lên cực Tây A Pa Chải và đỉnh Phansipan."

Chi tiết

Phòng tuyến Tam Điệp

tam điệp

Phòng tuyến Tam Điệp ở Ninh Bình này là điểm đóng quân khi vua Quang Trung ra bắc đánh Mãn Thanh. Ngô Thì Nhậm với Ngô Văn Sở bị Tôn Sĩ Nghị cho ăn hành ghê quá nên rút xuống đây bảo toàn lực lượng Tây Sơn trong khi chờ Nguyễn Huệ đến gánh team. Mình thấy nơi đây núi đá tự nhiên trùng điệp rất hiểm trở giống như tường thành vậy, công thủ đều tiện. Hồi xưa Đinh Tiên Hoàng chọn Ninh Bình làm thủ đô nước Việt là vì thế. Vua Quang Trung nhận xét:

-Thăng Long lại là nơi bị đánh cả bốn mặt, không có sông núi để nương tựa. Năm trước ta ra đánh đất ấy, chúa Trịnh quả nhiên không thể chống nổi, đó là chứng cớ rõ ràng.

Chỗ này cũng là nơi nghĩa quân ăn Tết sớm, trước khi làm tiệc to trong thủ đô vào mùng 7. Đang viết chap cuối, đoạn vua đến Tam Điệp nên có cảm hứng post hình này.
Chi tiết

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Thăm Ải Chi Lăng


Chỗ tôi đang quan sát đây chính là Quỷ Môn Quan lừng danh, là Quỷ Môn Quan thực sự trong huyền thoại các chiến công oanh liệt của Việt Nam, hay còn gọi là cổng địa ngục với quân xâm lược phương bắc.

Núi trập trùng giăng đỉnh vút mây, 
Ải chia Nam - Bắc chính là đây. 
Tử sinh có tiếng nơi nguy thế,
Qua lại bao ngày chuyện xót thay.
Thấp thoáng quỷ ma nương bóng khói, 
Rập rình cọp rắn núp rừng cây. 
Bên đường gió lạnh luồng xương trắng, 
Công cán khen gì tướng Hán hay?

Đứng đối mặt với Quỷ Môn Quan vốn đã được đọc rất nhiều, tâm trí tôi như một cuốn phim tua ngược về những ngày tàn tháng 9 năm 1427, cơ hội cuối cùng để người Việt thoát khỏi họa diệt vong.

Khi An viễn hầu Liễu Thăng đến trước ải Chi Lăng, kỵ binh Đại Minh bất khả chiến bại. Chỉ trong 2 ngày, với 100 nghìn quân, 20 nghìn chiến mã (đông hơn sức chứa sân vận động Nou Camp của Barcelona), đại quân tiến thần tốc từ Lạng Sơn đến đây.

Hai mươi năm trước, viên tướng trẻ Liễu Thăng khi qua diệt vương triều của Hồ Quý Ly đã từng chinh chiến tại vùng đất này, đánh thắng trăm trận. Lần này trở lại, hắn tự đắc biết lực lượng mình còn mạnh hơn xưa.

Trận Chi Lăng bắt đầu rất thuận lợi với quân Minh. Địa hình cửa ải cực kỳ chật hẹp cũng không ngăn được kỵ binh xung phong vượt Quỷ Môn Quan. Bất chấp lời cảnh báo: 

Quỷ Môn Quan 
Quỷ Môn Quan 
Thập nhân khứ
Nhất nhân hoàn. 

Dịch: 

Ải địa ngục
Ải địa ngục
Mười người đi
Một người về.

An Viễn hầu Liễu Thăng dẫn đầu 100 kỵ sĩ vượt lên trước. Hôm nay sẽ lại là một ngày vinh quang nữa của đại tướng quân.

Trước khi đánh trận Chi Lăng, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tính toán kỹ về địa đồ. Ải Chi Lăng như một thung lũng bé hình bầu dục. Lòng ải đã hẹp lại thêm 5 ngọn núi đá nhỏ khép lại tạo thành một địa hình hết sức hiểm trở. Phía nam ải Chi Lăng là ngọn núi Mã Yên, dưới chân núi là cánh đồng lầy lội. Nguyễn Trãi đã dặn thật kỹ các tướng chỉ được đánh lấy thua, cứ tha hồ bỏ chạy, miễn là dụ được Liễu Thăng vào cánh đồng sình lầy ấy.

Quả nhiên Liễu Thăng mắc bẫy, đội hình kỵ binh phi thẳng vào bãi sình, hỗn loạn không thể tả. Quân Lam Sơn bất ngờ xuất hiện như ma quỷ ở khắp xung quanh, phóng lao bắn tên điên cuồng xuống chân núi Mã Yên. Sau đó các thanh niên Việt Nam tràn xuống như thác lũ đâm chém túi bụi, khung cảnh không khác gì một vụ thảm sát. Trần Lựu đã dụ thành công Thăng đến tử địa Skyfall này.

Let the sky fall
When it crumbles
We will stand tall
Face it all together
At skyfall
That skyfall

Bùn đất làm Thăng ngã ngựa. Thăng quen ỷ vào kĩ thuật duel trên lưng ngựa, chứ đánh nhau trong bùn sình thì lại chưa từng thực hành bao giờ, do đó bị chặt bay đầu. 100 anh trẻ trâu ra đi tìm đường cứu nước cùng hát vang bài Xuân này con không về tại Quỷ Môn Quan.

Nói chung Liễu Thăng là viên tướng có sức khỏe mạnh mẽ, từng đánh bại cướp biển Nhật Bản, quân Mông Cổ. Là tướng chuyên đánh tiên phong, khả năng duel cao. Chính vì đã từng đánh bại Mông Cổ nên khi Thăng sang Việt Nam chưa gì đã khinh địch rồi. Lý Khánh hết sức khuyên can rằng ông đừng có đi qua đây, chết hết bây giờ, nhưng Thăng mặc kệ. Nói Thăng hữu dũng vô mưu thì chắc cũng hơi oan cho Thăng, nhưng vì quá coi thường đối thủ, quá ỷ sức khỏe của mình, nên chết vì khinh địch.

Về bản chất Liễu thăng là tên tướng chỉ huy đội quân súng pháo vô địch đầu tiên của thế giới. Do đó khi hắn di chuyển nhanh vì ham lập công nên nhóm súng pháo phía sau bị bỏ rơi, dẫn đến toán kỵ sĩ chạy trước bị phục kích và tử nạn. Đạo quân tiếp viện này mạnh lắm, tập trung toàn tinh binh chủ lực. Nếu không có Nguyễn Trãi thì cũng chưa biết lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ diễn tiến thế nào nữa.

Clip mình đến Chi Lăng: https://goo.gl/yVsSAH
Chi tiết

Sông Như Nguyệt

sông như nguyệt
Trên đường đi Bắc Giang tôi có chạy ngang qua một con sông. Mới đầu tôi cũng chẳng để ý lắm cho tới khi nhìn thấy cái tên, tôi đã há hốc mồm:

"Wow, đây chính là Như Nguyệt!"

Với những bạn yêu sử Việt thì đây là một dòng sông vô cùng ý nghĩa, vì nó là địa điểm của một trận đánh lừng danh quyết định vận mệnh dân tộc.

Như Nguyệt là nơi diễn ra trận đánh sau cùng của vương triều nhà Tống tại Việt Nam. Trận đại chiến đẫm máu diễn ra trong nhiều tháng ròng rã, kết thúc bằng chiến thắng tuyệt đối của quân Việt và thiệt hại nhân mạng cực lớn của quân Tống, đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của họ, buộc họ phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia riêng.

Nói chung dân mình mỗi khi có đánh nhau thì máu lắm, họ hăng hái giúp Lý Thường Kiệt xây dựng một tuyến phòng thủ trên sông Như Nguyệt để biến đây thành nơi diễn ra trận đánh cuối cùng (như kiểu chiến trường Hogwarts). Do quân Tống đông gấp đôi mình, phang nhau trực tiếp với nó thì vỡ mồm thôi chứ không được gì cả (nó 100k, mình 60k)

Phòng tuyến được xây dựng bằng đất, có đóng cọc tre dày mấy tầng. Dưới bãi sông là các hố chông ngầm tạo thành một cửa ải rất vững chắc và đáng sợ. Gì chứ chết vì rớt vào hầm chông thì khỏi phải bàn về độ thốn. Quân Việt đóng thành từng trại trên suốt chiến tuyến dài 80 cây số, nín thở chờ giặc tới.

Tôi đứng đây như nhìn thấy ánh đuốc lung linh chạy dọc sông Như Nguyệt trong cái đêm trước khi diễn ra trận đánh định mệnh đó. Quốc phụ Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ:

Sông núi nước nam vua nam ở
Rành rành định phận tại sách trời!
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc