Hiển thị các bài đăng có nhãn Hư cấu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hư cấu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Nếu vua Quang Trung không đột ngột qua đời?

quang trung

Như ta đã biết, sau khi Nguyễn Ánh đốt rất nhiều chiến thuyền của Tây Sơn ở Thị Nại thì Nguyễn Huệ điên máu, đời ông chưa bao giờ bị ai sỉ nhục như vậy. Thế nên năm 1792 đại quân Tây Sơn chia làm 3 đường nam tiến để bắt bằng được Nguyễn Ánh. Nhưng sau đó vua mất đột ngột nên kế hoạch dở dang.

Đấy, lịch sử đại khái là vậy, nhưng Lộc tôi muốn thử nắn lại dòng lịch sử một chút. Là vua Quang Trung không chết, nhưng kế hoạch nam tiến phải dừng vì một nguyên nhân khác.

-Càn Long lại dẫn đại binh tới?

Nguyễn Huệ hỏi khi nhận được tin tình báo.

-Ước lượng bao nhiêu?

-Khoảng 40 vạn quân thưa hoàng thượng.

Ông suy nghĩ một chút rồi nói:

-Được rồi, lệnh cho toàn quân dừng hẳn mọi kế hoạch nam tiến. Chỉ giữ một cánh quân chặn ở Quy Nhơn để ngăn Nguyễn Ánh đánh lén. Còn lại rút về bắc đóng ở Tam Điệp chuẩn bị đánh Mãn Thanh.

Vua vừa tuyên bố thì lại nghe ngoài sân chầu có tiếng kêu lớn. Rồi Trần Quang Diệu chạy xồng xộc vào điện Đan Dương:

-CẤP BÁO! Trinh sát miền trung vừa phát hiện dấu hiệu đáng ngờ ở biên giới. Quân Lạng Xạn, Chân Lạp và Xiêm La đang đóng đại binh dọc theo lãnh thổ nước ta, doanh trại đang được dựng lên cấp tốc.

Nguyễn Huệ nhíu mày, phía nam thì đang đau đầu với Nguyễn Ánh, phía bắc thì Mãn Thanh xâm phạm bờ cõi, chưa kể ba nước phía tây đồng loạt khởi binh. Nếu đấu với từng đối thủ một thì ông không ngán ai, nhưng thập diện mai phục thế này thì thật sự nan giải. 

-Đem giấy bút lại đây cho ta, ta có việc cần làm.

-Vâng thưa hoàng thượng.

Nguyễn Huệ trải giấy lên bàn rồi bắt đầu viết. Lá thư thứ nhất gửi Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, căn dặn hai người triển khai quân đội ra toàn tuyến biên giới phía tây. Lá thư thứ hai, ông ngập ngừng, rồi đặt bút viết. Lá thư này gửi Nguyễn Ánh, mời Ánh ra Phú Xuân bàn việc. Viết xong ông gấp lại rồi đưa Trần Quang Diệu, dặn là gửi hỏa tốc vào miền nam. Trần Quang Diệu vâng mệnh rồi lui ra.

Thù trong giặc ngoài, nếu tạm thời gác được thù trong để chống lại giặc ngoài thì đó là việc nên làm. Ông không hy vọng Nguyễn Ánh sẽ đến Phú Xuân, nhưng ít ra lời lẽ mềm mỏng trong thư sẽ khiến hắn suy nghĩ lại tình hình hiện nay mà ngưng việc quấy phá. Thế nhưng Nguyễn Ánh lại đến thật.

Khoảng một tháng sau khi bức thư được Trần Quang Diệu đem đi thì một tối tại cung điện Đan Dương, binh lính chạy vào báo tin rằng Nguyễn Ánh đã đến, và đến một mình. Nguyễn Huệ cho ngự trù chuẩn bị bàn tiệc rồi tự mình ra đón Nguyễn Ánh. Ông nai nịt ăn vận thật oai phong để tỏ rõ cái uy của Quang Trung hoàng đế rồi đứng nghiêm trang trước điện Đan Dương chờ.

Một thanh niên trẻ tuổi cưỡi ngựa xuất hiện từ đằng xa. Đây là khoảnh khắc lịch sử khi hai kẻ thù không đội trời chung lần đầu tiên nhìn thấy nhau. Nguyễn Ánh khuôn mặt sắc lạnh, ăn vận sang trọng. Tuy nhà tan cửa nát, lăn lộn giang hồ đã lâu nên dung nhan có nét phong trần, nhưng vẫn không giấu được phong thái quyền quý của con nhà chúa. Nguyễn Huệ thấy vậy cũng phải tấm tắc mà khen trong bụng. Bên ngoài ông thô dữ nhưng bên trong lại tinh tế. Ông lấy lễ chủ khách đối đãi với Nguyễn Ánh rất đúng phép.

-Xin mời, tiệc đã dọn sẵn.

Nguyễn Ánh xuống ngựa, lạnh lùng không nói gì, bước vào điện Đan Dương. Khi hai người đã ngồi vào bàn tiệc, Nguyễn Huệ rót rượu, Ánh lúc này mới lên tiếng:

-Ngươi cứ để trẫm tự nhiên, trẫm tự rót được.

-Trẫm?

Vua Quang Trung hỏi, Nguyễn Ánh nói tiếp:

-Sau này thế nào ta chẳng tiêu diệt được ngươi để lên ngôi hoàng đế?

Nguyễn Huệ có chút bất ngờ, sau lại cười lớn, tiểu tử này khẩu khí khá thật. Đứng trước Quang Trung không ai dám hỗn láo. Thần thái của Quang Trung toát lên vẻ kiêu hùng, không ai không khiếp sợ. Tính ra năm nay vua 39 tuổi, còn Ánh thì mới 30, vậy mà hắn không chút kiêng nể. Ánh đưa rượu lên nhấp môi rồi nói:

-Liên minh của chúng ta chỉ là tạm thời thôi, Huệ. Xong việc ngươi sẽ trả giá.

Nguyễn Huệ vốn là bậc quảng đại, đâu coi những lời khiêu khích ấy ra gì, ông nói:

-Ta biết ngươi được lòng dân nam bộ, muốn lật đổ được ta hoàn toàn là điều có thể. Nhưng giờ tạm gác lại chuyện đó đi, cùng ta bàn kế phá Mãn Thanh.

-Ta tưởng ngươi có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp?

-Nguyễn Thiếp tiên sinh đã được ta gửi đến mặt trận phía tây giúp đỡ huynh đệ chống bọn Lạn Xạng, Chân Lạp và Xiêm La rồi.

-Và ngươi tin ta sẽ giúp ngươi thật lòng?

Nguyễn Ánh cười khẩy. Vua Quang Trung bối rối, nhãn quang sáng rực của ông luôn có thể nhìn thấu tâm can người khác, nhưng không hiểu sao lại chẳng hiệu nghiệm lên Nguyễn Ánh. Đôi mắt sắc lạnh của Nguyễn Ánh chẳng để lộ một chút cảm xúc nào cả, hoàn toàn không. Ông không biết hắn đang nghĩ gì, đang suy tính cái gì, nhìn vào đôi mắt Nguyễn Ánh như nhìn vào một vùng băng giá vô định.

-Ta tin ngươi, vì ngươi đã can đảm đến Phú Xuân một mình.

Nguyễn Huệ nói. Hiện tại đang là trung thu tháng 9, gió mát trăng thanh, đèn lồng đỏ rực giăng khắp cung điện Đan Dương, hai người đối ẩm với nhau không khác Tào Tháo và Lưu Bị ngày xưa, thế là Nguyễn Huệ buột miệng:

-Anh hùng trong thiên hạ chỉ có ta và ngươi mà thôi.

Nguyễn Ánh buông đũa xuống rồi nói:

-Ta hỏa thiêu hàng loạt chiến thuyền của ngươi ở Thị Nại, ngươi thấy thế nào?

Nguyễn Huệ nghe tới đó thì đang vui bỗng giận tím mặt, tay đấm mạnh xuống bàn. Nguyễn Ánh nói tiếp:

-Ngươi tự nhận là anh hùng, muốn thống trị thiên hạ thì phải kiềm chế được cảm xúc. Điểm yếu của ngươi là ở đó. Nãy giờ uống rượu ta quan sát ngươi vui buồn luôn lộ ra sắc mặt. Làm chuyện lớn hãy nhớ đừng để người khác biết ngươi đang nghĩ gì, họ sẽ bắt thóp được ngươi. 

Ánh rót thêm rượu:

-Như ngươi giết cả gia đình ta, quật cả mồ mả tổ tiên ta lên, trong bụng ta không ngày nào nguôi ý chí phục thù, nhưng bên ngoài vẫn giữ được vẻ bình thản. Ta có thể đánh trận không giỏi như ngươi, nhưng ta nguy hiểm hơn ngươi. Trong cái thời loạn này thì ai giữ được cái đầu lạnh mới là kẻ chiến thắng sau cùng.

Nguyễn Huệ nghe vậy, cho là phải, tự nhiên cơn tức trong lòng xẹp xuống. Ông thở dài rồi, gắp một miếng thịt gà, uống một ngụm rượu rồi nói:

-La Sơn phu tử luôn dặn ta điều đó. Ngày trước ta nam chinh nóng nảy có lỡ tàn sát Cù Lao Phố và Chợ Lớn...

-Thôi lan man đủ rồi, chuyện đó để sau, ngươi chuẩn bị đánh Mãn Thanh thế nào?

Nguyễn Ánh thắc mắc. Nguyễn Huệ bảo đợi ta một chút, rồi đứng lên đi vào ngự thư phòng, lát sau tay cầm một cuộn giấy lớn trở ra. Nguyễn Huệ trải rộng tấm giấy lên sàn, trên đó có ghi bốn chữ “Đại Việt địa đồ”. Nguyễn Ánh im lặng quan sát, tấm địa đồ này là tấm chi tiết nhất mà ông từng thấy, địa giới trải từ Lạng Sơn đến tận Cà Mau, có chú thích đầy đủ những chỗ xung yếu để đặt kho lương và đóng quân. Nguyễn Huệ chỉ tay vào vùng Thuận Hóa nói:

-Mãn Thanh trong một tháng qua đã tiến rất xa, đã vượt sông Bến Hải, đóng doanh trại tiên phong ngay tại Ái Tử và Đông Hà.

Nguyễn Ánh gật gù:

-Hai trại này rất gần nhau.

-Đúng thế, nếu ta đánh trại này thì trại kia lập tức ứng cứu ngay. Ngươi nghĩ ra kế gì chưa Ánh?

Ánh nói:

-Có một kế, nhưng mình ta làm thì không được.

-Ta cũng vậy, kế này nếu mình ta làm thì cũng không xong.

-Vậy hai chúng ta bắt chước Chu Du và Gia Cát Lượng, viết lên bàn tay rồi đưa cho đối phương xem.

Nói là làm, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh mỗi người cầm bút lông viết một chữ lên bàn tay, sau đó xòe ra cho nhau xem. Rồi cả hai cùng tâm đắc.

Đó là chữ “Dụ”

----

Mờ sáng hôm sau, vua Quang Trung thống suất đại binh tiến ra Quảng Trị. Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ mỗi người ngồi trên một con voi để chỉ huy. Nguyễn Huệ quay sang nói:

-Ta đi trước, cứ y kế của chúng ta mà làm, hẹn ngươi đêm nay tại Đông Hà.

Vua nói rồi dẫn một cánh quân tiến rầm rộ về phía Đông Hà, còn Nguyễn Ánh thì đi ngã khác về Ái Tử. Lại nói về quân Tây Sơn, mỗi khi xuất quân thì khí thế bạt cả núi sông. Cái làm nên sự hùng tráng của Tây Sơn là trống trận. Từng cú đập thùng thùng như sấm sét nâng cao sĩ khí của toàn quân và làm khiếp hãi kẻ địch. Quân Mãn Thanh vốn từng bị Quang Trung làm gỏi trong sáu ngày nên lần này chúng cảnh giác cao độ.

-Quang Trung tới! Quang Trung tới! Cung tiễn đâu?

Doanh trại Đông Hà đào hào rất sâu, bên dưới có nước và chông để ngăn đội tượng binh hùng vĩ của nhà vua. Quả thật lần này chúng chuẩn bị rất chu đáo. Nhưng vua Quang Trung không đánh, cứ cho khua trống giương oai bên ngoài. Tướng giặc Phúc Nhĩ Khang thấy khí thế khủng khiếp quá thì chột dạ, bèn cho quân thám báo đi kêu chi viện từ Ái Tử.

Quân Thanh ở Ái Tử nghe Đông Hà đang bị Nguyễn Huệ vây đánh, liền cử quân chủ lực đi ứng cứu. Thế là sức mạnh doanh trại Ái Tử giảm rõ rệt. Khi quân tiếp viện đã đi xa thì lúc bấy giờ Nguyễn Ánh mới gầm lớn:

-Chuẩn bị chiếm Ái Tử!

Hai hổ tướng Võ Đình Tú và Võ Văn Dũng sai quân thúc trống, đánh tràn vào trong trại. Quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn. Tiếng hò hét vang dậy, người người ngựa ngựa xô nhau chạy ùa ra ngoài. Quân Thanh chẳng biết bên địch nhiều ít bao nhiêu, cứ một mực bỏ chạy, giẫm đạp lên nhau chết hại vô số. Nguyễn Ánh ra lệnh phóng hỏa. Gió mạnh lửa lan rất chóng, sáng rực cả rừng núi, cháy khét cây cối chung quanh. Hóa ra chữ “Dụ” là “dụ địch”, giương đông kích tây.

Hạ được Ái Tử rồi, Nguyễn Ánh lập tức kéo quân đến Đông Hà tiếp ứng Nguyễn Huệ. Đại Việt và Mãn Thanh giao binh dữ dội. Nguyễn Huệ đánh phía trước, Nguyễn Ánh chặn phía sau. Lúc này quân Đông Hà hoàn toàn vỡ trận, lũ thì xô nhau chạy xuống sông Bến Hải mà trốn, lũ thì rào rào chạy lên núi lánh mình. Máu đỏ lênh láng trải dài từ trong trại ra tận bến sông. 

Sau khi hủy diệt được quân tiên phong của Càn Long, Nguyễn Huệ ra lệnh đóng trại dọc sông Bến Hải để trấn giữ. Tối hôm đó thì mở tiệc mừng ở Đông Hà. Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh thành công giòn giã, vừa say men chiến thắng, vừa say men rượu. Hai người đưa ly cụng nhau chan chát. Nguyễn Huệ khề khà:

-Tính ra nếu chúng ta gác bỏ mọi hiềm khích để cùng đứng chung một chiến tuyến thì cũng bá đạo chứ hả?

Khuôn mặt lạnh lùng của Nguyễn Ánh nở một nụ cười hiếm hoi:

-Ta cũng thấy vậy.

Nguyễn Huệ cao hứng ngâm lại câu thơ nổi tiếng của mình:

-Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!

Nguyễn Ánh cũng tiếp lời:

-Nước nghìn năm văn hiến
Vạn dặm một sơn hà
Từ Hồng Bàng mở nước
Thịnh trị nước Nam ta!

Rồi hai người cùng nhau uống tới tận khuya. Doanh trại Đông Hà lung linh ánh đuốc, gió mát thổi từ phía sông lên, lá cờ đỏ Tây Sơn kiêu hãnh tung bay phần phật. Cuộc chiến phía trước vẫn còn rất cam go, nhưng nếu chúng ta đoàn kết, thì không lo không làm được.

[Bài viết mang tính chất hư cấu. Xin nhường bạn nào văn hay viết tiếp]
Chi tiết

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Tôi sẽ làm phim bom tấn lịch sử Việt Nam như thế nào? (Phần 2)


Trần Quốc Tuấn đã thất bại, nhưng đó chưa phải là kết thúc. Trong các bộ phim thì khi người anh hùng gặp phải thời khắc chết người nhất, anh ta sẽ lật được kèo, giết được trùm cuối, lạnh lùng bỏ đi, phía sau lưng là một tòa nhà phát nổ, anh ấy còn không thèm quay đầu nhìn lại. Thật lãng mạn và thật menly.

Đặc điểm chung của các thiên tài quân sự như Hưng Đạo và Quang Trung là họ rất bình tĩnh khi gặp bất lợi. Bộ não như một CPU tốc độ cao xử lý tình huống cực bén, đôi mắt như chiếc máy scan quét qua chiến trường, quyết định khi nào đánh, khi nào lui, đặt quân chỗ nào. Kỵ sĩ bắn cung trên thế giới không phải là hiếm, nhưng để đạt được tới đẳng cấp vừa chạy như trâu điên mà vừa bắn phát chết luôn như kỵ binh Mông Cổ thì chắc độc nhất vô nhị cmnr. Từ trước tới nay chỉ có mỗi chiến binh Mamluk của Ai Cập là khuất phục được bước tiến của đội kỵ sĩ thần thánh này, chứ bọn hiệp sĩ giáp trụ đầy mình của châu Âu cũng đều phải quỳ hết.

Nhận thấy để đối đầu với bọn “người ngoài hành tinh” này, bọn nó quá “dị” thì mình cũng phải “dị” để trị nó. Bọn nó có ngựa, và ngựa chỉ mạnh trên đồng bằng. Và thế là quân đội du kích đầu tiên trên thế giới ra đời. Từ các căn cứ trong rừng thẳm, quân Việt xuất hiện như những bóng ma len lỏi đi khắp nơi và biến mất vào hư không khi xong nhiệm vụ. Quân Mông Cổ thấy kho lương, doanh trại của mình bị tấn công trước khi kịp phản ứng: “what the damn hell is going on???”

Mỗi khi quân Mông Cổ sắp tiến đến một ngôi làng, Trần Quốc Tuấn ra lệnh di tản. Mọi người hãy đốt hết mọi thứ đừng để cho chúng lấy, quẩy lên đi bà con. Quân Mông Cổ thực sự ức chế vì khi chúng đến đâu cũng chỉ thấy làng mạc tiêu điều, không có nhà cũng chẳng có lương thực. Rồi ta câu kéo dẫn dụ chúng vào các đầm lầy để làm cho bầy ngựa trở thành phế vật. Chiến thuật du kích này thật sự trở thành nỗi ám ảnh của đội quân hùng bá này. Nên biết đây là thế kỷ thứ 13, khi chưa có hệ thống định vị toàn cầu GPS và nỏ vẫn được xem là thứ công nghệ hiện đại tiên tiến. 

Vừa cáu, vừa đói, vừa mắc bệnh dịch tả, quân Mông Cổ không còn cách nào khác đành chửi thề: “fuck it!”, rồi bắt đầu một cuộc rút lui toàn diện khỏi vùng đất phương nam đáng sợ này, như cái cách mà Napoleon tháo chạy khỏi nước Nga mấy trăm năm sau. Đến lúc này thì Trần Quốc Tuấn phản công. Con đường quay lại Bắc Kinh của quân Mông Cổ là một cơn ác mộng tồi tệ thật sự, mỗi bước đi là mỗi bước gần hơn tới quỷ môn quan khi quân ta xuất hiện đột ngột như ma quỷ, chém giết rồi lại biến mất.

Hốt Tất Liệt thấy đoàn quân uy dũng của mình trở về theo một phong cách không thể thảm hại hơn thì giận đến tím tái mặt mày. Hắn đạp đổ cái án, quát tháo ầm ĩ: “Dm lũ ngu! Làm nhục mặt ông tổ Thành Cát Tư Hãn của tao”. *nhạc nổi lên nghiêm trọng*

Phim bắt đầu tua nhanh đến quá trình Trần Quốc Tuấn chiếm lại được Thăng Long, cùng mọi người mở tiệc mừng chiến thắng. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, lúc này camera lại trở về bến cảng của nhà Nguyên. Flycam bay dọc theo bờ biển quay rõ 500 chiến thuyền khổng lồ hoành tráng đậu dọc một vùng. Hốt Tất Liệt nhận ra thất bại nằm ở đầm lầy và rừng rậm, thủy quân sẽ giải quyết đám khỉ rừng Đại Việt.

Trần Quốc Tuấn ở Thăng Long biết được Mông Cổ lần này sẽ chơi tất tay với mình một trận sống mái. Diễn biến lúc này được tua nhanh đến những ngày cuối của cuộc kháng chiến. Sông Bạch Đằng hiện ra, hùng vĩ và dậy sóng. Trần Quốc Tuấn đi bộ dọc theo bờ sông quan sát:

-Đã chuẩn bị xong cọc chưa? Vót cho thật nhọn nhé. Ngươi cho quân cắm xuống theo sơ đồ ta đã vẽ sẵn ở đây.

Trần Quốc Tuấn trải rộng bản đồ ra tảng đá khô ráo, Yết Kiêu trầm ngâm:

-Chúa công, đóng cọc xuống lòng sông rất nguy hiểm, nước sâu mà lại chảy xiết. Chúa công có chắc kế này sẽ thành công không?

Trần Quốc Tuấn mỉm cười bảo:

-Ngươi đi hỏi ông Ngô Quyền sẽ có câu trả lời.

Yết Kiêu hiểu ra, vâng dạ rối rít rồi ông quay đi, giơ cánh tay rắn chắc đầy sẹo lên hô lớn:

-Anh em, chúng ta bắt tay vào việc. Đội thứ nhất chuyển 100 cọc ra sông Rút, cắm thành từng cụm rải rác. Đội thứ hai rẽ vào sông Chanh, làm tương tự như trên. Đội cuối cùng di chuyển số cọc còn lại ra sông Kênh, cắm thật chặt xuống!

Gió thổi càng lúc càng mạnh, hai bên bờ sông cỏ cây kêu xào xạc, đàn quạ nháo nhác bay, dường như chúng cũng có linh cảm rằng nơi đây sẽ xảy ra trận huyết chiến cuối cùng.

-Đã đến lúc ta bố trí mai phục rồi.

Trần Quốc Tuấn nhảy lên ngựa rồi thúc chạy dọc bờ sông. Ông nhanh chóng sắp xếp đầy đủ quân phục kích vào các nhánh sông nhỏ. Rồi mọi thứ trở nên im lìm như chưa có gì xảy ra. Gió sông vẫn thổi ào ào...

Thời gian chậm chạp trôi qua, những người phục kích vẫn căng thẳng đợi chờ. Vài ánh đèn chập chờn trên những con thuyền nhỏ có trách nhiệm dụ địch. Trần Quốc Tuấn hết ngắm nghía lá cờ soái đang bay phần phật, rồi lại yên lặng dõi đôi mắt vào cõi xa xăm. 

Thỉnh thoảng mấy tay liên lạc chạy đến, mọi người vội vàng xô lại nghe ngóng, nhưng vẫn chưa có tin tức gì. Loáng thoáng nổi lên vài tiếng nóng nảy cự cãi nhau, rồi tất cả lại chìm trong thinh lặng. Đêm tối dần, ngoài chiến trường im phăng phắc. Bấy giờ gió nổi lên đùng đùng, trên mặt Bạch Đằng giang sóng tung nước vọt dữ dội. Ánh trăng chiếu rọi xuống mặt nước lấp loáng nhấp nhô, tựa hồ hàng vạn con rắn vàng bơi lội ngoằn ngoèo. Trần Quốc Tuấn cố nhướn đôi mắt nặng nề nhìn ra bóng đêm, rồi ông dặn Nguyễn Khoái:

-Hãy gọi ta dậy khi thấy quân Mông Cổ.

Nguyễn Khoái vâng lệnh. Trần Quốc Tuấn gối đầu lên tấm khiên. Khi đôi mắt khép lại, ông vẫn thấy bầu trời đầy sao thanh bình. Giấc mơ sau đó đầy hình ảnh lũ man di mọi rợ hiện ra, và ông nghe tiếng hô: “Giặc đến!”. Ông giật mình tỉnh dậy khi Nguyễn Khoái đánh thức.

Các chiến binh Đại Việt gồng mình nắm chặt vũ khí. Tất cả bất động, nín thở. 500 chiến thuyền khổng lồ của Ô Mã Nhi xuất hiện ở đường chân trời, rẽ sóng lướt băng băng. Nguyễn Khoái lập tức dẫn quân ra khiêu chiến và nhử đội thuyền Mông vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, nơi đó cổng địa ngục đang chờ chúng. Tướng Mông Cổ Phàn Tiếp nhận thấy điều bất thường, liền la lên:

-Đừng, đừng có đuổi theo! Mắc mưu bây giờ!

Khi hắn vừa dứt lời thì hiện tượng lạ xảy ra. Thủy triều đột ngột hạ xuống. Từng dãy từng dãy chông lớn hiên ngang vươn mình lên cao như hồi chuông báo tử cho quân Mông Cổ, lần này và cũng là lần cuối cùng. Ô Mã Nhi đứng chôn chân tại trận:

-Cái quái gì…

Cọc nhọn từ đáy sông xé nước vọt lên xiên thủng đáy thuyền. Hơn 400 chiếc chiến hạm bị đâm túi bụi từ bên dưới. Trần Quốc Tuấn vung kiếm gầm lớn:

-Sát Thát!

Tức thì những thuyền nhỏ nhà Trần nhất tề nổi lửa bùng lên. Lửa nhờ oai gió, gió giúp sức lửa, phút chốc hàng chục hỏa thuyền biến thành những mũi tên lửa khổng lồ bắn thẳng vào hạm đội Mông Cổ, khói bốc mù mịt, ánh sáng rực trời. Bao nhiêu mảng thuyền lớn nặng nề như cá nằm trên thớt, đành trơ ra làm mồi cho thần hỏa. Thuyền Mông Cổ bị xiên rất chặt, không nhúc nhích được, cứ lần lượt bốc cháy rần rần. Bóng ma của trận Bạch Đằng 3 thế kỷ trước đã sống lại ngay đêm nay, trong chính giờ phút này!

Thế là trên mặt Bạch Đằng giang, gió cuộn đùng đùng, tàn lửa tung ngùn ngụt, trên trời dưới nước đỏ rực liền nhau, ánh sáng chói lòa chân mây lẫn mặt đất! Ô Mã Nhi bị lửa vây khốn đốn dưới nước, quay đầu nhìn lại trên bờ thì thấy Trần Quốc Tuấn ung dung đứng trên mỏm đá, cây sáo trên môi tấu bài “Đại Việt khải hoàn ca”. Hắn phẫn uất:

-Nhà ngươi...

Rồi thuyền đột ngột chao mạnh một cái, Ô Mã Nhi rú lên một tiếng rồi ngã xuống sông, bị quân Trần bắt được. 

Trận đánh này đã biến tham vọng xâm lược bằng đường thủy lớn nhất thời trung cổ thành một hỏa ngục với những xác chết và xác thuyền bùng cháy. Chỉ trong một đêm Mông Cổ mất 400 chiến thuyền và 80000 người, và 4000 chiến sĩ Đại Việt vĩnh viễn an nghỉ cùng dòng sông. Người Mông Cổ sau trận đánh này đã ra đi, mãi mãi không còn trở lại Việt Nam.

Tiếng thét vang trời, núi non tưởng chừng sạt đỉnh,
Thây trôi đầy biển, tôm cá được dịp đầy nang!
Thế ta bừng bừng, trận Xích Bích nào sánh kịp; 
Cảnh giặc hoảng loạn, gió Hoài, Phì nọ truyền sang.

Vì chiến công vĩ đại của mình, Trần Quốc Tuấn không những trở thành anh hùng dân tộc, mà ông còn là một vị thánh sống. Ông được thờ trên khắp đất nước và những cuốn sách do ông viết vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Cảnh cuối phim là vào năm 1300, khi Trần Quốc Tuấn nằm trên giường bệnh và trăn trối với vị vua trẻ Trần Anh Tông. Một chiếc lá rơi xuống, Hưng Đạo Đại Vương trút hơi thở cuối cùng. Cảnh vật chiếu từ giường nhà ra sân vườn của ông rồi hướng lên mặt trời và mờ dần đi. Bộ phim kết thúc.
Chi tiết

Tôi sẽ làm phim bom tấn lịch sử Việt Nam như thế nào? (Phần 1)


À, lấy đề tài Đại Việt vs Mông Cổ nhé.

Đầu phim sau title sẽ là một đoạn phim tài liệu flashback. Hình ảnh thảo nguyên Mông Cổ xanh mướt bạt ngàn sẽ hiện ra, bắt đầu kể lại quá trình chinh phạt thế giới của Thành Cát Tư Hãn. Dưới vó ngựa của các chiến binh Mông Cổ, các nước Hồi giáo hiếu chiến ở Trung Á, các công tước của nước Nga cũng không thể nào bảo vệ được nền độc lập của mình. Lãnh thổ của Mông Cổ theo chiều ngang kéo dài từ Viễn Đông (gồm cả Triều Tiên) đến tận Moscow, Muhi (Hungary), Tehran, Damascus; chiều dọc từ Bắc Á xuống hết cả Ấn Độ, Myanmar. Trong cơn lốc chinh phục của họ, chỉ có Thái Lan thoát khỏi họa diệt vong nhờ sách lược cầu hòa, Nhật Bản may mắn nhờ 1 trận bão biển làm thiệt hại bớt tàu của Mông Cổ, và Đại Việt nhờ khả năng lãnh đạo của Hưng Đại Vương mà giữ được bờ cõi.

Hưng Đạo Đại Vương mệt mỏi sau một buổi sáng thao luyện quân, ông ngồi trên ghế, tay chống cằm và ngủ thiếp đi. Trong mơ ông thấy đồng cỏ Bình Lệ Nguyên nơi vua Trần Cảnh đánh Mông Cổ 27 năm trước. Trận đó ông không tham gia, chỉ nghe kể lại nhưng rất xúc động. Flycam bắt đầu bay một vòng rộng để bao quát hết chiến trường, một bên là đoàn kỵ binh Mông Cổ chính hiệu vừa chinh phạt châu Âu về, một bên là vua Trần Cảnh đang ngồi trên lưng voi.

Mở đầu trận đánh, quân Mông Cổ dùng cung nỏ nhắm vào vòi voi của quân ta mà bắn, làm cho đội tượng binh của nhà Trần hoảng sợ, chạy lồng lộn trở lại. Quân nhà Trần nao núng vì voi vốn là thứ khiến họ tự tin nhất. Nhưng lúc đó vua Trần Cảnh vẫn quyết chiến đến cùng, ông tự mình dấn thân xung trận xông pha như một chiến binh thực thụ. Một mũi tên bay xẹt qua suýt nữa trúng mặt nhà vua. Cảnh tượng đã làm xúc động toàn quân nhà Trần.

Nhưng trận đánh càng kéo dài thì lối đánh "quên ngày mai, quên tương lai" của quân Trần càng tỏ ra không thể đương nổi với lực lượng kỵ binh cơ động nổi tiếng của quân Mông Cổ từng hủy diệt một nửa địa cầu được. Trần Cảnh hăng máu quyết “đánh chết thì thôi”. Nhưng quan ngự sử Lê Tần can rằng:

-Thôi lánh đi bệ hạ, đánh kiểu này như đánh bạc ấy, không thắng nổi đâu.

Trần Cảnh nghe vậy như bừng tỉnh mộng. Ông chợt nhận ra mình là người đứng đầu nhà Trần, lỡ xui xẻo thiệt mạng ngay tại đây thì lấy ai chỉ huy? Rồi đất nước này sẽ đi về đâu? Thế là cuộc rút lui của quân Trần diễn ra trong giông bão những hòn tên mũi đạn của Mông Cổ. Quan ngự sử Lê Tần đã kịp hộ vệ nhà vua xuống thuyền chèo gấp. Đồng thời Lê Tần đã kịp bốc cả mảng sạp thuyền làm lá chắn che chở cho nhà vua không bị trúng mũi tên độc của quân Mông Cổ đang truy đuổi từ trên bờ. Tên cắm vào tấm mộc như lông nhím, nhưng may mắn cả hai đã thoát nạn.

Nhưng đó là 27 năm trước và cuối cùng ta đã chiến thắng. Một đội quân thống trị địa cầu, chưa bao giờ biết thua, lại bị 200 nghìn nông dân suốt ngày chỉ biết làm ruộng đánh bại. Đó là một sự sỉ nhục khó bỏ qua, là cái tát vào tổ tiên Đại Hãn Mông Cổ. Giờ đây tối hậu thư của giặc lại được gửi đến - đầu hàng hay là diệt vong?

Trần Hưng Đạo mở mắt, đứng bật dậy đi ra ngoài sân giảng võ đầy nắng. Ông đưa cánh tay lên, hô lớn triệu hồi những anh tài. Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu… liền dừng tập lắng nghe. Ông đọc to bài Hịch tướng sĩ:

-Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?

Da gà mọi người nổi lên theo từng câu từng chữ của bài hịch. Không ai bảo ai, tất cả đều gầm lớn:

-SÁT THÁT!

Sau đó ai về nhà nấy tự mình xăm hai chữ trên tay khẳng định quyết tâm. Nhưng vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt chẳng ấn tượng. Cảnh sau chuyển sang triều đình Trung Quốc, Hốt Tất Liệt ngồi trên ngai vàng, đưa ngón cái ngang cổ cứa một đường, lạnh lùng nói:

-San bằng tất cả.

Kỳ này là phục thù nên quân Mông Cổ thực sự rất mạnh, ngoài đoàn kỵ binh khét tiếng ngày xưa, còn có thêm máy bắn đá, cung thủ thiện xạ. Các tuyến phòng thủ của quân Trần lần lượt bị nghiền nát và chỉ trong vòng vài tháng hoàn toàn tan tành. Quân Mông Cổ cũng áp dụng luật rừng mà họ đã dùng lên Khwazerm và Ba Tư: thảm sát nếu không đầu hàng. Toàn bộ những ai có mặt trong kinh đô Thăng Long lúc ấy đều bị giết và quân giặc bắt đầu phóng hỏa đốt thành.

-Bệ hạ, bám lấy lưng thần!

Thượng hoàng Trần Thánh Tông ôm chặt lưng Trần Quốc Tuấn khi ông phi ngựa hết tốc lực mở dường máu đột phá vòng vây, bỏ lại kinh thành Thăng Long chìm trong biển lửa, tương tự số phận thành Bát Đa bên xứ nghìn lẻ một đêm khi chống lại lệnh của Đại Hãn. Hai hoàng tử Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật chạy sát bên cạnh, kèm theo vua Trần Nhân Tông. Quân Mông Cổ đuổi ngay phía sau. Cảnh tượng y như đoạn cuối phim Harry Potter, khi lửa quỷ rượt theo bọn nhóc trong phòng cần thiết.

Trong diễn biến tiếp theo về cuộc đời Trần Quốc Tuấn phiên bản Hollywood, đây là lúc nhạc buồn nổi lên, người anh hùng đau buồn nhìn xa xăm, cả thế giới dường như sụp đổ trước mắt ông. Toàn bộ quân chủ lực nhà Trần đã bị đè bẹp. Những vị tướng tài của ông, người thì bỏ trốn, người thì đầu hàng, người bị bắt với chữ Sát Thát thì bị chém chết.

Thất bại rồi, chấm hết rồi, chẳng còn chút ánh sáng cuối đường hầm nào nữa...

Vua Trần đau đớn nhìn quân đội đã tan vỡ của mình, ông nói với Trần Quốc Tuấn:

-Giặc mạnh quá, để bảo vệ tính mạng nhân dân, hay là ta đầu hàng đi…

Trần Quốc Tuấn không nói gì, lặng lẽ đi một vòng đỉnh núi, đưa mắt nhìn ra bốn phía. Ông đưa tay bốc lên một nắm đất rồi khẽ nói:

-Từng nơi từng nơi của mảnh đất này đều quá đỗi thân thương với ta, sao có thể nhường cho bọn man di mọi rợ Mông Cổ?

Rồi ông quỳ xuống, bỏ mũ ra tuyên bố:

-Bệ hạ nếu đầu hàng thì hãy chém đầu tôi trước!

Vua Trần Thánh Tông bất ngờ, nhưng sau đó liền gật đầu mỉm cười. Điều quan trọng là hãy đặt hết tin tưởng và cả giang sơn lên vai vị dũng tướng đang quỳ trước mặt. Đây không phải kết thúc, đây chỉ là sự KHỞI ĐẦU.

Nhạc hùng tráng nổi lên như khi Rambo cầm khẩu M-16 và buộc khăn lên đầu để chuẩn bị cho những pha hành động đẹp mắt. Màn hình tối dần và chạy credit. Hết phần 1.


Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc