Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Chuyện về anh cả Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc

Chia sẻ

Ông Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ (Nguyễn Huệ có 2 người chị gái nữa nếu bạn chưa biết). Sử không chép rõ nhưng Nhạc lớn hơn Huệ tầm 10 - 15 tuổi. Ba anh em được gửi đến thụ giáo sư phụ Trương Văn Hiến. Ông tên thật là Chu Văn Hiến, dòng dõi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương bên Trung Quốc. Vì nhà Minh bị Thanh lật đổ nên phải lưu lạc sang Việt Nam. Nói chung đã là thầy của Tây Sơn tam kiệt thì hẳn ông phải là người võ nghệ văn chương tuyệt luân rồi. Ông vuốt râu nhìn Nhạc đánh kiếm rồi khen:

-Tuyệt vời!

Mấy huynh đệ Tây Sơn mỗi người có một sở trường, Huệ chuyên đao, Lữ chuyên quyền cước, còn Nhạc chuyên kiếm. Sau khi cha qua đời thì Nguyễn Nhạc chia tay sư phụ, trở về nối nghiệp buôn trầu để nuôi gia đình. Thật sự thì nhà của ba anh em không gọi là nghèo, thậm chí khá giả vì Nhạc buôn bán đắt hàng. Giang hồ đồn rằng Nhạc có một vũ khí lợi hại tên Độc Thần Kiếm, tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn. Nguyễn Nhạc đem về tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Ông thầy khoái lắm:

-Kiếm xịn thế này thì hẳn các chỉ số sát thương, chí mạng, bạo kích to lắm đây!

Ông cất kiếm như của báu. Nhưng khi Nguyễn Nhạc đã xây dựng xong cơ sở chiến đấu, xuống An Thái thăm thầy thì Trương Văn Hiến bèn trả lại thanh gươm cổ để Nhạc dùng cho đại sự. Độc Thần Kiếm dài hơn sải tay, chém sắt như chém chuối. Lưỡi gươm tuốt ra khỏi vỏ lập tức hào quang tỏa ra lóa mắt. Người dân tộc vùng Tây Sơn tin là thanh kiếm của Hỏa thần ban cho nhà vua nên gọi là kiếm thần và gọi ông Nhạc là Vua Trời.

Vốn mưu trí, để làm mọi người bớt quan ngại sâu sắc mà thêm tin tưởng, Nhạc bèn “chế” ra cảnh tượng trời tặng kiếm. Kịch bản là như thế này:

Nguyễn Nhạc cưỡi ngựa chạy đến Hoành Sơn thì ngựa lồng lên phi hết tốc như bị ngáo đá. Đến chân núi gò Sặt thì đứt dây cương, Nhạc té nhào xuống đất trặc chân. Bọn tùy tùng đi theo phải chạy tới mát xa hồi lâu mới đỡ. Khi Nhạc khập khiễng chuẩn bị trèo lên ngựa thì chợt thấy một chuôi kiếm ló ra từ vách đá trên sườn núi. Nhạc giả vờ kinh ngạc:

-Cái gì thế kia? Lấy xuống ta xem!

Tới khi cầm thanh gươm trên tay thì Nhạc tiếp tục trầm trồ. Ba quân xúm lại xem thì ra là một thanh cổ kiếm, lưỡi sáng trong như nước. Do Nhạc diễn quá sâu nên mọi người đều tin là kiếm trời ban. Nhạc hí hửng cười thầm “hjhj đồ ngốk”, rồi bèn đặt tên núi là hòn Kiếm Sơn.

Về sau trong ngày khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất tại đèo An Khê, dưới bóng hai cây đại thọ. Khi đại quân đến gần lễ đàn thì từ trên cây một con rắn bò xuống, thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền gọi là Ô Long nằm cuộn giữa đường đi. Mọi người nhìn thấy là muốn đái mẹ nó ra quần rồi ai dám đi nữa. Nguyễn Nhạc bèn xuống ngựa tuốt gươm, vái cùng trời đất rồi chém bay đầu rắn. Ông trầm trồ:

-Quả thật gươm hàng hiệu có khác, chém phát chết luôn!

Độc Thần Kiếm từ đấy lại thêm lừng lẫy. 

Ngày đó đại thần Trương Phúc Loan tự ý phế lập chúa, không một ai tại phủ chúa Nguyễn dám ngăn cản. Chưa kể Trương Phúc Loan còn tự chế ra đủ loại thuế như thuế đinh, thuế đèn, thuế dầu, thuế giới thiệu, thuế trầu cau, thuế vận chuyển… Chưa kể đóng thuế cũng rất khốn nạn. Ví dụ vùng Quảng Nam được xem là giàu có hơn Thuận Hóa, vì vậy phải đóng thuế nhiều hơn. Do vậy ấp Tây Sơn phải đóng rất nhiều tiền thuế. 

-Đóng thuế đi mấy ba.

-Tiền đâu đóng?

Nhạc chưng hửng khi người dân đáp lại. Bên cạnh việc buôn trầu thì Nhạc cũng có một chân đi thu thuế cho Trương Phúc Loan. Dân khổ quá không có tiền nộp nên Nhạc cũng bị vạ lây vì không thu đủ. Để tránh sự trừng phạt của chính quyền, Nhạc đã rủ hai em cùng một số người ủng hộ khác trốn lên vùng cao.

-Tây khởi nghĩa, bắc thu công.

Ông Trương Văn Hiến gợi ý. Do có cơ hội đến nhiều nơi, nhận ra nhân dân đã chán tới cổ cái chế độ này rồi, cộng thêm sư phụ động viên tinh thần nên ông quyết định khởi nghĩa!

“Thượng du lắm kẻ anh hùng
Các em về đó vẫy vùng tốt hơn
Nghĩa kỳ dựng tại Tây Sơn
Tận trung báo quốc rửa hờn cho dân.”

Sử nhà Nguyễn chép rằng Nhạc đi thu thuế xong lấy tiền đánh bài hết nên mất trắng, đành bỏ trốn và tiến hành khởi nghĩa. Nhưng mà chắc cũng là thông tin hư cấu để bôi bác. Toàn bộ thời gian đầu của khởi nghĩa Tây Sơn là do tài của Nhạc quán xuyến hết, Huệ với Lữ chỉ là phụ tá thôi. Cũng vì là dân buôn bán ngược xuôi đủ mọi miền nên đầu óc Nhạc rất ranh ma. Ông bắt chước kế con ngựa thành Troy, tự mình ngồi vào cũi đầu hàng rồi cho lính đem vào thành Quy Nhơn. Nửa đêm Nhạc tự phá cũi xông ra giết lính canh, mở cổng cho bên ngoài tràn vào chiếm thành. Thế là có được thành Quy Nhơn, thủ đô đầu tiên của triều đại Tây Sơn.

Nguyễn Nhạc đã chứng tỏ tài năng kiệt xuất của người đề xướng và lãnh đạo khi biết tập hợp và thu dụng MỌI lực lượng trong xã hội để xây dựng thành một đội quân đông đảo, mạnh mẽ, đủ sức quật ngã chúa Nguyễn. Như mình kể ở trên câu chuyện ông Nguyễn Nhạc là vua trời, được trời phong quốc vương, còn cho cả ấn kiếm được loan truyền trong khắp phủ huyện. Do đó anh hùng hào kiệt trong thiên hạ quy tụ về rất đông vì tin ông có mạng đế vương.

-Người ta bảo chỉ cần có thất hổ tướng là an định được thiên hạ, nay ta lại có thêm cả lục kỳ sĩ thì chuyện làm nên nghiệp lớn ắt phải thành công!

Nguyễn Nhạc tự hào cười lớn nhìn dàn siêu nhân trong tay ông. Dưới trướng Nhạc còn có hai thủ lãnh người Hoa là Lý Tài và Tập Đình cũng kéo quân về giúp Tây Sơn. Binh sĩ của hai tướng Tàu này phần lớn là người Quảng Đông, vóc dáng to lớn, mình để trần, họ sử dụng thanh phạng đao rất lợi hại. Vị vua cuối cùng của người Chàm là Thị Hỏa, các giới tu sĩ Phật Giáo, Lão Giáo, các sắc tộc thiểu số đều nhiệt liệt ủng hộ cuộc khởi nghĩa nhà Tây Sơn. 

Thậm chí Nguyễn Nhạc có cả một cô vợ hai xinh đẹp giỏi võ tên là Ya Dố. Nàng là con một tù trưởng người Ba Na. Từ ngày yêu và lấy Nhạc thì nàng đảm trách lương thực cho Tây Sơn bằng cách khai hoang trồng lúa. Ngoài ra còn mua hạt giống về trồng thành những vườn cam và mít, bổ sung một lượng lớn dồi dào vitamin C và khoáng chất, giúp nghĩa quân luôn sảng khoái, tràn đầy tự tin và năng động trong mọi dịp. Mình đọc sử liệu thì không thấy bà Dố trồng thêm 9 loại thảo mộc cung đình để giúp quân Tây Sơn thanh lọc cơ thể. Ăn cam mít nhiều như vậy mà không giải nhiệt rất dễ bị nóng trong người. Đây có thể là một phần bí quyết tạo nên thành công của Tây Sơn chăng? Càng nóng nảy sức chiến đấu càng mãnh liệt.

Trở lại, mọi thứ đã vận hành chu đáo như thế. Binh hùng tướng mạnh, quân nhu đầy đủ, nhưng Nhạc vẫn còn đó một nỗi băn khoăn:

-Mẹ nó!

Nhạc bóp trán. Việc quân Trịnh bất ngờ đánh vào Đàng Trong và đập quân Tây Sơn trong lúc ông đang chống cự với quân Nguyễn là điều Nhạc chưa tính tới. Giờ mà đánh với cả hai thì khởi nghĩa Tây Sơn sẽ bị hốt xác trong một nốt nhạc. Vậy phải làm gì bây giờ?

-Quy phục Trịnh để rảnh tay đánh với Nguyễn.

Nhạc bàn với Huệ. Lão tướng Hoàng Ngũ Phúc của Trịnh thấy cũng chả tổn thất gì, lại có thêm một thằng tay sai nên ok luôn, nhưng ông vẫn đứng sau giám sát, nếu quân Tây Sơn thua thì diệt tại chỗ. Nhiệm vụ sống còn này Nguyễn Nhạc giao cho đứa em chưa có kinh nghiệm. Vậy mà Huệ thành công ngoài mong đợi, lập chiến công đầu đánh bại quân Nguyễn ở Quy Nhơn, sau đó là liên tiếp bốn lần hạ gục thành Gia Định.

-Thằng này nó kinh thật đấy…

Nhạc lo lắng. Ban đầu ông dựng nên khởi nghĩa Tây Sơn chỉ với mục đích thay chúa Nguyễn cai trị Nam Hà, với ông thì Đàng Ngoài của chúa Trịnh là một vương quốc khác:

-Ta không muốn kết oán với người Bắc Hà. Đấy là một nước lớn có truyền thống lâu đời, dù đời ta có chiếm được thì đời con cháu ta cũng không giữ được.

Năm 1778, ông lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, không ràng buộc với chính quyền vua Lê chúa Trịnh ở Bắc Hà nữa. Thế nhưng Nguyễn Huệ sau đó lại âm thầm phang luôn Đàng Ngoài mà không thèm hỏi ý ông. Huệ đã hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát, đây là điều Nhạc không mong muốn.

-Em đi về Quy Nhơn với anh ngay!

Nhạc giận dữ khi gặp đứa em tại Thăng Long. Thế nhưng Huệ cũng chỉ tới Phú Xuân là dừng, không theo anh về Quy Nhơn như những lần chinh phạt Gia Định nữa. Hai anh em cãi nhau to và đánh nhau kịch liệt. Cuối cùng Nhạc chịu không nổi thằng em bá đạo, bèn chấp nhận để Huệ làm vua một cõi ngoài bắc, sử gọi là Bắc Bình Vương. Ông em là vua Quang Trung, ông anh là vua Thái Đức, một nước có tận hai vua chưa bao giờ là điều tốt.

Người ta nói rằng hôm hai anh em đại chiến ở Quy Nhơn thì Nhạc may mắn thoát thân là nhờ có Bạch Long. Đây là một trong Tây Sơn ngũ thần mã. Nó vốn là ngựa rừng trên núi Hảnh Hót miền An Khê. Bạch Long lông trắng như tuyết, lông dài mượt như tơ. Chạy nhanh như gió, nhẹ nhàng như bay. Trông xa như một làn mây trắng lướt đi. Ngay cả Pikachu giàu kinh nghiệm cũng không thể bắn tốc độ kịp. Người dân tộc kính phục gọi là thiên mã. Lúc Nhạc đến An Khê để dụ người dân tộc về Tây Sơn thì họ có bảo:

-Ông bắt được thiên mã đi rồi mình đàm phán song phương ha!

Nhạc có kinh nghiệm học nuôi ngựa và thường hay buôn bán với đủ loại người nên có cả bụng mánh lới. Ông tìm mua mấy em ngựa cái tơ thật xinh xắn, tập luyện thật bài bản, hễ nghe tiếng Nhạc hú thì chạy về. Ông đem thả hết lên núi Hảnh Hót. Bạch Long Câu là ngựa đực, mà đàn ông nào không mê gái? Thành ra khi các em xinh đẹp chạy về với Nhạc thì anh chàng dại gái cũng... đi theo luôn. Nhạc rất khôn, không ra mặt sớm đâu. Cứ bỏ cỏ đó cho cả bọn ăn chung rồi đi về. Bọn ngựa rừng với ngựa nhà dùng bữa chung nên quen. Cứ đến giờ đó mỗi ngày là tụi nó mò tới.

Mỗi lần Nhạc đến thì ngựa rừng chỉ đứng từ xa nhìn ông vuốt ve bầy ngựa nhà. Dần dần thấy hết lạ thì cũng có vài con mò đến ăn chung. Tới khi không còn khách sáo nữa thì cả bọn bu lại cùng nhai cỏ, trong đó có cả cháu Bạch Long. Nguyễn Nhạc tha hồ vuốt ve. Về sau người ngựa như hình với bóng, theo nhau chinh chiến khắp nơi.

Lại nói về Tây Sơn, trái với Nguyễn Huệ thì Nguyễn Nhạc không muốn thống nhất đất nước. Sau khi chiếm được Đàng Trong rồi thì Nhạc chỉ muốn khư khư giữ đấy. Ban đầu ông có ý định ngăn cản Nguyễn Huệ phát triển tài năng và cơ nghiệp riêng. Dễ hiểu vì đó là bản năng của một ông vua khi còn đương quyền và sung sức. Nhưng khi đánh thua Huệ và nhận ra tài năng của em có thể đảm đương được đại sự, đồng thời biết thực lực của mình khi về già, Nguyễn Nhạc đã tự nguyện rút lui thành Tây Sơn Vương để nhường ngôi hoàng đế. Tuy nhiên ông vẫn là trùm ở Quy Nhơn, giữa ông với Phú Xuân của Nguyễn Huệ không động chạm tới việc của nhau. Huệ muốn dẫn quân đi ngang Quy Nhơn vẫn phải xin phép ông trước đã.

-Anh giúp em đánh Nguyễn Ánh nhé.

Huệ hỏi, Nhạc gật đầu. Năm 1792, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền ở cửa Thị Nại để nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, chỉ thuận lợi cho quân miền nam, thành ra phải đợi đến mùa đông. Nguyễn Ánh thừa dịp đánh úp cửa Thị Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn. Nguyễn Huệ chửi:

-@$!@$!@$ bitch!

Để báo thù trận đó, Nguyễn Huệ dự định phát động chiến dịch nam tiến cuối cùng cực lớn, huy động hơn 20 vạn quân chia làm ba đường:

-Nguyễn Nhạc và team Tàu Ô đi đường bộ vào đánh Gia Định.
-Nguyễn Huệ đi thẳng qua Campuchia, rồi cùng quân Campuchia đánh bên trái.
-Còn lại thủy quân Tây Sơn tỏa khắp miền nam, quyết không cho Nguyễn Ánh chạy ra đảo!

Những người bên phe Nguyễn Ánh cực kỳ lo lắng, e rằng với hùng binh Tây Sơn quyết chơi tới bến như vậy thì chắc chắn Nguyễn Ánh đại bại. Thế nhưng trước khi kế hoạch diễn ra tầm 20 ngày thì Nguyễn Huệ đột quỵ qua đời, nó đã không bao giờ trở thành sự thực. Khi Nguyễn Huệ chết, con là Quang Toản lên ngôi, sử gọi là vua Cảnh Thịnh. Nhạc rất muốn viếng như Quang Toản nghi ngờ ông bác mình nên không cho, ra sức phòng bị. Nguyễn Ánh ở miền nam bắt được tin này:

-Ha ha, bọn Tây Sơn nghi kỵ lẫn nhau, không đoàn kết. Đã tới lúc Ánh ta ra tay.

Nói là làm, Nguyễn Ánh kéo quân đánh Quy Nhơn. Lúc đó Nguyễn Nhạc đã già yếu. Các cánh quân dưới quyền ông nhanh chóng bại trận hoặc bỏ chạy, để mất Phú Yên. Quân Nguyễn Ánh tiến ra vây hãm Quy Nhơn. Nhạc mắc bệnh không thể cầm quân nên sai con là Quang Bảo ra cự địch. Thành bị vây hãm 3 tháng. Trong tình thế nguy cấp, ông phải viết thư cầu cứu Quang Toản:

-Cháu ơi! Thằng Ánh đánh lén bác. Help me!

Thế là quân Phú Xuân do thái sư Bùi Đắc Tuyên cử đến Quy Nhơn ứng cứu, đuổi được Nguyễn Ánh về lại miền nam. Nguyễn Nhạc mở tiệc khao quân, tặng vàng bạc để cám ơn. Nhưng quân Phú Xuân ỷ có công, vẫn chiếm cứ thành Quy Nhơn, tịch thu của cải Nguyễn Nhạc. Thấy cơ nghiệp của mình sắp truyền cho con bị chiếm đoạt, Nguyễn Nhạc tức giận:

-Thằng cháu chó chết!

Ông uất hận ôm ngực, té quỵ rồi thổ huyết ra mà chết. Quang Bảo thấy cha như thế thì quyết định đầu hàng Nguyễn Ánh, nhưng chưa thực hiện được thì đã bị quân Phú Xuân ám sát. Vương triều Tây Sơn tại Quy Nhơn chấm dứt.

Tương truyền vào cái đêm Nguyễn Nhạc mất, Bạch Long Câu vượt tàu ngựa chạy thẳng một mạch về núi Hảnh Hót. Từ đó rừng núi Hảnh Hót đêm đêm vang tiếng ngựa thần hí lên nhớ người chúa cũ.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc