Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy ngẫm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy ngẫm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Nhận xét về con gái hai miền

con gái

Mình đi từ nam tới bắc nên cũng có chút nhận xét chung chung về con gái hai miền.

Con gái từ vĩ tuyến 17 trở ra bắc da trắng hơn, nét mặt có phần sắc sảo và thanh thoát nên đẹp kiểu quyến rũ, vóc dáng mảnh dẻ, giọng nói cao, tính cách khuôn thước theo công dung ngôn hạnh vì chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc và văn hóa truyền thống Việt ngày trước.

Con gái từ vĩ tuyến 17 trở vào nam, thì ngày xưa lúc chúa Nguyễn Hoàng đến Ái Tử (Quảng Trị) lập nghiệp, dân Việt mình được tiếp xúc gần gũi với dân Champa và Khmer, một phần sinh con đẻ cái mang gen của họ, cộng thêm các đặc điểm của môi trường, khí hậu, và thức ăn; do đó con gái miền nam da ngăm hơn, nét mặt mặn mà nên đẹp kiểu rạng rỡ, vóc dáng cũng nở nang và đậm người hơn, giọng nói ngọt và mềm mại, tính cách thoải mái như những người đi khai hoang mở đất ngày trước.

Ảnh: nữ sinh Sài Gòn trước 75.
Chi tiết

Thế mạnh quân sự lớn nhất của Việt Nam


Người Việt mình vóc người nhỏ bé, so về sức mạnh thì không bằng các dân tộc xứ lạnh phương bắc, bù lại đầu óc rất nhạy bén và nhanh trí, nói thẳng ra là ranh ma, nên nghệ thuật quân sự làm nên tên tuổi của Việt Nam chỉ tóm gọn ở 2 chữ: phục kích.

Địa hình nước ta như trong ảnh này rất phổ biến. Núi thì không cao nhưng cheo leo hiểm trở, cây cối và đầm lầy rậm rạp, thêm nhiều sông ngòi chạy cắt ngang. Quân mình cứ việc tính toán thời gian giặc hành quân sang rồi đặt bẫy, khi nó đạp bẫy thì mình từ bốn phương tám hướng xuất hiện để liên hoan xác thịt. Ví dụ: Bạch Đằng, Chi Lăng, Rạch Gầm - Xoài Mút, Dạ Trạch... Hoặc khi chúng nó không cảnh giác thì tung quân ra đánh. Ví dụ: Ngọc Hồi - Đống Đa, vv

Thực tế có những trận mình thử phang nhau trực tiếp với giặc rồi nhưng thường là từ chết tới bị thương. Như trận Bình Lệ Nguyên là trận đánh duy nhất với quân Mông Cổ tinh nhuệ thuần chủng. Đây là đội quân làm cỏ cả châu Âu, chinh chiến trăm trận, kinh nghiệm đầy mình. Vua tôi nhà Trần hổ báo trẻ trâu ỷ có voi lớn quân đông mà đánh càn. Kết quả là nhà Trần bị đập cho tan tác, bỏ cả Thăng Long mà chạy.

Hoặc như khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh. Thay vì chọn cách đánh du kích, bỏ hết tất cả để lên rừng, thì lại cho xây thành Tây Đô ở Thanh Hóa để cố thủ. Mà phòng thủ trong thành chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam. Bỏ sở trường để dùng sở đoản, thế là bị hốt xác nhanh chóng.
Chi tiết

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

So sánh thời kỳ Tam Quốc và Tây Sơn

tam quốc

Mình là fan cuồng nhiệt của Tam Quốc nhưng đồng thời là người rất tâm huyết với sử Việt Nam. Do đó mình luôn muốn tìm được một thời kỳ của nước ta có thể sánh được với Tam Quốc. Mình chọn ra 3 cái là Trần - Mông Nguyên, Lam Sơn và Tây Sơn. Thì Tây Sơn là cái gần giống nhất. Để mình liệt kê sơ:

-Tam Quốc có 3 anh em Lưu Quan Trương, mình có 3 anh em Nhạc Huệ Lữ.
-Tam Quốc có Lữ Bố, mình có Nguyễn Hữu Chỉnh.
-Tam Quốc có Ngụy Diên, mình có Vũ Văn Nhậm.
-Tam Quốc có Khổng Minh, mình có Nguyễn Thiếp.
-Tam Quốc có Tư Mã Ý, mình có Nguyễn Ánh.
-Tam Quốc có Chu Du, mình có Lê Văn Duyệt.
-Tam Quốc có Đại Kiều, Tiểu Kiều, mình có Ngọc Hân, Ngọc Bình.
-Tam Quốc có Tôn Thượng Hương, mình có Bùi Thị Xuân.
-Tam Quốc có Đổng Trác, mình có Trương Phúc Loan.
-Tam Quốc có Quách Gia, mình có Bá Đa Lộc.
-Tam Quốc có Bàng Thống, mình có Ngô Thì Nhậm.
-Tam Quốc có Giả Hủ, mình có Ngô Văn Sở.
-Tam Quốc có Hoàng Hạo, mình có Bùi Đắc Tuyên.
-Tam Quốc có Hoa Đà, mình có Hải Thượng Lãn Ông.
-Tam Quốc có Tào Tháo, mình có Trịnh Sâm.
-Tam Quốc có Nghiêm Nhan, mình có Hoàng Ngũ Phúc.
-Tam Quốc có Tuân Úc, mình có Phan Huy Ích.
-Tam Quốc có Từ Thứ, mình có Nguyễn Đăng Trường.
-Tam Quốc có Bàng Đức, mình có Võ Tánh.
-Tam Quốc có Đặng Ngải, mình có Nguyễn Văn Thành.
-Tam Quốc có Tôn Quyền, mình có Nguyễn Phúc Cảnh.
-Tam Quốc có Lưu Thiện, mình có Nguyễn Quang Toản.
-Tam Quốc có Hán Linh Đế, mình có Lê Hiển Tông.
-Tam Quốc có Hán Hiến Đế, mình có Lê Chiêu Thống.
-Tam Quốc có Chúc Dung, mình có Ya Dố.
-Tam Quốc có Thủy Kính, mình có Trương Văn Hiến.
-Tam Quốc có Thục Hán ngũ hổ tướng, mình có Tây Sơn thập hổ tướng, Phạm Ngạn, Nguyễn Quang Huy, Phan Văn Lân...
-Tam Quốc có nhiều mưu sĩ , mình có Tây Sơn lục kỳ sĩ, Phạm Thái, Trần Văn Kỷ...
-Tam Quốc có nhiều anh thư, mình có Tây Sơn ngũ phụng thư.
-Tam Quốc có ngựa Xích Thố, Đích Lư, mình có Bạch Long, Ngân Câu, Ô Du, Xích Kỳ, Hồng Lư.
-Tam Quốc có song cổ kiếm, thanh cang đao, phương thiên hoạch kích, thanh long uyển nguyệt đao, bát xà mâu, mình có Tây Sơn thập thần vũ khí.
-Tam Quốc có Ngụy - Thục - Ngô, mình có Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn.
-Tam Quốc có rợ Nhung, rợ Nam Man, mình có Xiêm, Thanh, lính đánh thuê Pháp, hải tặc Tàu Ô...
-Tam Quốc có Thành Đô - Lạc Dương - Vũ Xương - Trường An, mình có Thăng Long - Phú Xuân - Gia Định - Quy Nhơn.
-Tam Quốc có 3 trận đánh lớn là Quan Độ - Xích Bích - Di Lăng, mình có 3 trận đánh lớn là Rạch Gầm - Ngọc Hồi - Thị Nại.
-Vân vân...

Dĩ nhiên so sánh trên chỉ là tương đối vì hai câu chuyện khác nhau. Nhưng cần gì phải giống người y hệt khi ta cần một "Tam Quốc" của riêng ta? Nếu ai bút lực tốt như La Quán Trung thì hoàn toàn có thể làm nên một bộ tiểu thuyết kinh điển, vì âm mưu quỷ kế tầng tầng lớp lớp và giai thoại dã sử trong giai đoạn Tây Sơn này rất nhiều. Chưa kể còn nhiều tình tiết có thật nhưng đầy tính hư cấu như: Nguyễn Nhạc ngồi vào cũi như con ngựa thành Troy để chiếm Quy Nhơn, hay Nguyễn Ánh là người duy nhất của gia tộc bị thảm sát, về sau trải qua bao phen suýt chết mà được làm bá chủ thiên hạ, vân vân...

Nếu viết thì nên chọn mở đầu là Tuyên Phi Đặng Thị Huệ phá nát nhà Trịnh, và kết thúc là khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế 1802 là đẹp.




So sánh 1 cách tương đối cốt truyện thời Tam Quốc và thời Tây Sơn:

Nguyễn Huệ khá giống với Tào Tháo, đều là những người có hùng tâm thống nhất đất nước và đều dở dang hoàn thành điều đó khi đã gần xong. Nguyễn Huệ ban đầu phò Lê Hiển Tông, nhân danh vua Lê đánh họ Trịnh, Tào Tháo ban đầu phò Hán Hiến Đế, nhân danh vua Hán đánh chư hầu. Là những người vui tính thích đùa, nhưng cũng vô cùng tàn bạo nếu cần, thà ta phụ người chứ không để người phụ ta. Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Xa, Nguyễn Huệ giết cả nhà Nguyễn Phúc Ánh. Tào Tháo bức tử Tuân Úc, Nguyễn Huệ thủ tiêu Vũ Văn Nhậm. Tào Tháo thảm sát Từ Châu, Nguyễn Huệ thảm sát Nam Bộ. Là những nhà cầm quân tài giỏi trong thời chiến, và nhà cải cách xã hội trong thời bình. Có trong tay rất nhiều nhân tài và trung thần nhờ dùng người khéo léo.

Nguyễn Ánh khá giống với Lưu Bị, đều là những người có ước mơ phục hưng lại gia tộc, Lưu Bị là dòng dõi nhà Hán, Nguyễn Ánh là dòng dõi nhà Nguyễn. Cả hai đều thua cực kỳ nhiều trước đối thủ truyền kiếp của mình là Tào Tháo và Nguyễn Huệ, chạy nạn rất nhiều nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc. Đều thoát chết rất thần kỳ, Lưu Bị ngồi trên ngựa Đích Lư nhảy vọt qua bờ sông bên kia khi bị truy sát, còn Nguyễn Ánh thì nhờ bão đuổi đối phương đi để chạy qua đảo Cổ Cốt. Họ biết cách thu phục nhân tâm, khiến người ta sẵn sàng chết vì mình, Lưu Bị được lòng dân Kinh Châu, Nguyễn Ánh được lòng dân Nam Bộ. Lưu Bị có ngũ hổ tướng Thục Hán thì Nguyễn Ánh cũng có ngũ hổ tướng Gia Định. Đời cả hai đều sang trang khi tìm được quân sư của mình, Lưu Bị tìm thấy Gia Cát Lượng, Nguyễn Ánh tìm thấy Bá Đa Lộc. Nhưng Nguyễn Ánh may hơn Lưu Bị ở chỗ đã trở thành người chiến thắng, thống nhất đất nước và khôi phục lại gia tộc của mình.
Chi tiết

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Cảm nghĩ về vua Quang Trung

quan trung

Quang Trung đột ngột băng hà thì con là Cảnh Thịnh lên ngôi. Thằng nhóc này mới 10 tuổi, cỡ học sinh tiểu học nên biết gì đâu. Mọi quyền lực là của thái sư Bùi Đắc Tuyên, chú nàng Bùi Thị Xuân. 

"Vua Quang Trung mãn phần quá trẻ 
Việc triều đình không kẻ đảm đương 
Tham lam một lũ gian thần 
Thái sư giám quốc lấn dần phép vua."

Lão Tuyên sống rất lỗi, giết vô cùng nhiều người theo Quang Trung, những người còn lại chán nản quá nên bỏ đi, nhà Tây Sơn suy yếu nghiêm trọng, chỉ còn chờ Nguyễn Ánh tới hốt xác. Nhưng số lão cũng đen, về sau bị Võ Văn Dũng dìm xuống sông Hương chết đuối. Mình sẽ viết chi tiết về lão này sau.

Nếu Quang Trung còn sống có thể sẽ khác, vì tuy hung dữ nhưng ông lại rất kính trọng các danh sĩ, cũng giống Gia Long là ưng người tài. Đây là một ví dụ:

Chúa Nguyễn vừa bị Tây Sơn tấn công bên trong, vừa bị quân đội của Chúa Trịnh vượt sông Gianh tấn công bên ngoài, chống đỡ không nổi, đành bỏ chạy tuốt vào phía Nam. Nguyễn Đăng Trường không kịp chạy theo, đành phải đem mẹ già đến lánh nạn ở Quy Nhơn. Xui xẻo bị quân Tây Sơn bắt, thế nhưng trái với suy nghĩ của Nguyễn Đăng Trường, Nguyễn Huệ đối đãi ông như khách quý, coi như thầy, thật lòng thuyết phục Nguyễn Đăng Trường hợp tác với mình xây dựng vương triều mới.

Nhưng Nguyễn Đăng Trường không chịu, một mực khước từ để ra đi. Không cách gì giữ lại được, Nguyễn Huệ đành lòng để Nguyễn Đăng Trường vào nam theo chúa Nguyễn dù biết đó là thả hổ về rừng. Khi chia tay Nguyễn Huệ lưu luyến nói:

- Tiên sinh muốn níu kéo lại vương triều chúa Nguyễn, có nghĩ sẽ làm được không? Tôi sợ rằng ngày sau tiên sinh hối hận không kịp nữa.

Nguyễn Đăng Trường đáp lại:

- Tôi thấy đại trượng phu ở đời thì trung thành và hiếu nghĩa là quan trọng nhất Nguyễn Huệ ạ. Tôi dắt mẹ đi tìm chúa thì trung với hiếu đều đầy đủ. Còn những chuyện về sau thành hay bại, sướng hay khổ là do số trời. Tôi không hối tiếc đâu.

Nguyễn Huệ chắp tay bái ông, cảm phục là người có chí, cấp thuyền lương cho đi. Tháng 4 năm 1777, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn tấn công Gia Định, đập tan toàn bộ dinh lũy và quân đội của nhà Nguyễn, khiến Nguyễn Ánh chỉ còn biết lẩn trốn hết chỗ này đến chỗ khác. Nguyễn Đăng Trường lại bị bắt. Gặp nhau Nguyễn Huệ hỏi:

- Tiên sinh hẳn còn nhớ lời tôi nói ngày nào khi chia tay chứ? Nay tiên sinh nghĩ sao?

Nguyễn Đăng Trường cúi đầu, cười đáp lại:

- Nguyễn Huệ ơi, nay tôi chỉ có chết mà thôi, ông cần phải hỏi làm gì?

Nguyễn Đăng Trường quay mặt về hướng bắc tức là thành Phú Xuân rồi lạy mấy lạy mới hiên ngang chịu chết. 

Mình thấy Nguyễn Huệ lúc đầu bắt được Đăng Trường chỉ có 23 tuổi nhưng đã đủ bình tĩnh để lắng nghe người ta. Ông hung hãn thô bạo nhưng cũng tùy lúc, rất mạnh tay với những tên phản bội, nhưng yêu hiền kính sĩ. Về sau có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp kèm cặp, uốn nắn từ từ, vẽ đường chỉ lối thì hẳn sẽ không thể là một hôn quân bạo chúa. Nếu Quang Trung sống thọ thì Việt Nam có lẽ rất khác.

Mình chỉ chê trách triều Tây Sơn của Nguyễn Nhạc là đưa đất nước trở lại thời phong kiến, chứ còn triều Tây Sơn tiến bộ của Nguyễn Huệ thì mình lại có cảm tình.

Sau chiến thắng vô cùng vĩ đại 
Vua Quang Trung trở lại Phú Xuân 
Khẩn hoang ban chiếu khuyến dân 
Mở trường dạy học, đưa dân về làng 

Mở khoa thi, Thiếp làm chủ khảo 
Dùng chữ Nôm từ dạo bấy giờ 
Bỏ sưu, giảm thuế hầu cho 
Nhân dân bớt khổ, bớt lo phần nào 

Thẻ bài cho Thiên Hạ Đại Tín 
Cho công dân tuổi đến trưởng thành 
Thu mua đồng tốt vào doanh 
Đúc ra vũ khí, giáp binh, chiến thuyền 

Sai đúc tiền "Quang Trung thông bảo"
Lại lập kho chứa gạo khi dư 
Lục tìm sách cổ tàng thư 
Khắc in Sử ký, Tứ thư lưu hành

Viện Sùng Chính thuộc ngành giáo dục
Cho nhân tài dịch sách Hán Nôm 
Di tích văn hoá bảo tồn 
Vua truyền Nguyễn Thiếp kiêm luôn viện này 

Ông Nguyễn Thiếp nhân tài hiếm có 
Việc dịch thuật đã bỏ nhiều năm 
Chuyển từ Hán ngữ ra Nôm 
Tứ thư, Tiểu học còn gồm Ngũ Kinh 

Triều Quang Trung tinh anh chẳng ít 
Ngô Thời Nhiệm, Huy Ích, La Sơn 
Đến nay trước tác vẫn còn 
Góp phần di sản nét son sau này

Nhưng tiếc thay nửa đường vắn số 
Vua Quang Trung đành bỏ ra đi
Lìa trần một giấc biệt ly 
Trăm năm còn lại những gì nữa đây?
Chi tiết

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Tôi sẽ viết truyện về thời kỳ Tây Sơn như thế nào?


Mình tính viết truyện về thời kỳ này, các bạn cho ý kiến thử.

Đặt trong bối cảnh những năm 70 của thế kỷ 18, ở Đàng Trong, chính quyền chúa Nguyễn bị loạn thần Trương Phúc Loan thao túng quyền lực, tệ tham nhũng diễn ra tràn lan, nhân dân rên xiết lầm than. Phong trào Tây Sơn xuất hiện thời điểm ấy là thời cơ chín muồi để chống lại một triều đình thối nát. Nhà chúa Nguyễn nhanh chóng bị đánh bại, phải chạy vào Gia Định (Sài Gòn), sau đó dòng họ này bị truy đuổi sát hại. 

Khi đó Nguyễn Huệ 18 tuổi đã là tướng quân bách chiến bách thắng của đội quân Tây Sơn, có tài thao lược hơn người, phong thái oai phong, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Còn Nguyễn Ánh là hậu duệ còn sót lại cuối cùng của dòng chúa Nguyễn. Cậu bé mất nước, mất cả gia đình, phải trốn chạy từ Gia Định ra Phú Quốc, rồi lưu lạc sang tận Thái Lan cầu cứu vua Xiêm giúp đỡ để lấy lại cơ nghiệp của tổ tông và để trả mối thù sâu đậm với nhà Tây Sơn.

Vua Xiêm nhân cơ hội đó sai 5 vạn quân sang nước ta không ngừng cướp bóc ở Nam Bộ, nhân dân rất oán giận. Nguyễn Ánh thấy vậy nhưng bất lực trước thời cuộc. Ông căm phẫn nhưng vì lợi ích lớn lao hơn đành nhắm mắt làm ngơ. Quân Xiêm hiếu chiến nhưng chủ quan nên bị quân Tây Sơn đánh cho tơi tả ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Chúng sợ quân Tây Sơn như sợ cọp. Nguyễn Ánh lúc đó may mắn chạy được. Cái tội rước quân Xiêm vào không thể không truy cứu trách nhiệm cho ông. Tuy nhiên, với một cậu bé mang một trách nhiệm nặng nề với tổ tông và một mối thù không đội trời chung với nhà Tây Sơn, trong tay không có binh quyền sang cầu cứu quân Xiêm như vậy chúng ta phần nào có thể rộng lượng tha thứ được. 

Sau khi thất bại trong việc cầu cứu Xiêm, Nguyễn Ánh gửi con trai là hoàng tử Cảnh lúc đó mới 6 tuổi theo giáo sĩ Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, nếu thành công sẽ cắt Côn đảo và cửa Hàn cho Pháp thông qua hiệp ước Versaille. Nhưng lúc bấy giờ chế độ phong kiến ở Pháp đã bị thối rữa không thể nào giúp đỡ Việt Nam, Bá Đa Lộc về nước với một đám lính đánh thuê từ Ấn Độ và một vài chiếc tàu chiến cũ kỹ. Về sau, khi đại nghiệp thống nhất thành công, Pháp viện cớ buộc Gia Long thi hành hiệp ước Versaille, tuy nhiên Gia Long đã từ chối vì phía Pháp không thi hành điều gì trong hiệp định. 

Ông hạn chế giao lưu với người Pháp vì biết rõ ý định xâm lăng từ Pháp quốc. Dù rất nể tướng quân Lê Văn Duyệt nhưng ông đã không chọn người cháu đích tôn kế thừa ngai vị mà chọn đứa con thứ của mình là Minh Mạng. Bởi dòng của hoàng tử Cảnh đã cải theo đạo thiên chúa và có tư tưởng thân Pháp. Ông lo ngại Pháp sẽ nhân cơ hội đó mà chiếm lấy nước ta, nên ông chọn người con có tư tưởng chống Pháp lên nối ngôi như đã nói là Minh Mạng.

Sau thất bại của quân Xiêm, nhà Tây Sơn có được Nam Bộ. Quân Tây Sơn cũng không ngừng cướp bóc và thảm sát khiến nhân dân miền nam đau lòng nhớ đến thời chúa Nguyễn còn trị vì. Anh em nhà Tây Sơn cũng xung đột lẫn nhau, nên 3 người chia Việt Nam làm 3 vùng chiếm đóng. Nam Bộ do Nguyễn Lữ cai trị, nhưng ông không có khả năng lãnh đạo và nắm chính quyền như 2 ông anh. Nguyễn Ánh nhanh chóng lợi dụng tình hình trên, quay lại Nam Bộ. Được nhân dân giúp đỡ và hậu thuẫn tối đa, Nguyễn Ánh nhanh chóng đánh bại Nguyễn Lữ, giành lại Nam Bộ từ Tây Sơn. Trong khi đó Nguyễn Huệ đã vượt sông Gianh tiêu diệt chúa Trịnh ở miền Bắc, rồi lần lượt đánh bại loạn thần cũng như đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược vào tết kỷ Dậu năm 1789. 

Nguyễn Huệ nhận thức được mối nguy của Nguyễn Ánh ở phía Nam, có ý định mượn đường qua vùng đất của Nguyễn Nhạc để diệt trừ hậu họa. Tuy nhiên không nhận được sự đồng ý của anh trai mình, ông buộc phải đi bằng được biển. Sau một vài trận đánh thua trước Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ đi xem phong thủy và bói toán thì được nói rằng long mạch của chúa Nguyễn ở Phú Xuân (Huế) còn rất mạnh, đang phù hộ cho Nguyễn Ánh ở Nam Bộ, cần cắt đứt chúng. Vì vậy lăng các chúa Nguyễn bị quật lên. Trong đó cha của Nguyễn Ánh dù không làm chúa là Nguyễn Phúc Côn cũng bị đào xới lên và vất xuống sông. Mộ chúa Nguyễn Hoàng ở vùng đồi núi Thanh Hóa không biết ở đâu không thì…

Chính vì việc này, sau khi chiếm được Phú Xuân năm 1801, đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh có những hành động trả thù hết sức dã man. Như khai quật mộ của Nguyễn Huệ lên, giã xương ra sau đó cho quân lính tiểu vào đó. Sọ thì giam vào ngục tối, yểm bùa và xích lại. Con cháu nhà Tây Sơn thì bị giết hết sức rùng rợn. Người đời dèm pha cho rằng ông là một con người hiếu sát, tàn bạo với kẻ thù. Nhưng lịch sử đã ghi lại những việc làm khoan dung và độ lượng với những kẻ thù trước đây như vua Lê và con cháu chúa Trịnh, cũng như những người từng làm quan thời Tây Sơn. 

Ông mang trong mình mối hận xương tủy với nhà Tây Sơn, đặc biệt là với Nguyễn Huệ. Việc Nguyễn Ánh trả thù như vậy âu cũng là quy luật nhân quả, có vay ắt phải trả. Bài viết không có ý định hạ thấp uy tín danh phẩm của Nguyễn Huệ - Quang Trung, người mà bản thân tôi rất mến mộ. Ông có 3 công cực lớn:

Thứ nhất, xóa mối hận thù chia cắt gần 3 thế kỷ trong lịch sử dân tộc. Ranh giới sông Gianh bị xóa bỏ.

Thứ hai, ông đã đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm ở Nam Bộ thông qua chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, là một trong những trận thủy chiến lớn trong lịch sử dân tộc.

Thứ ba, bằng chiến dịch hành quân thần tốc, ông đã nghiền nát 29 vạn quân Thanh đang xâm lược nước ta.

3 kỳ công ấy, lịch sử không thể phủ nhận được.

Nhưng bài viết trong suy nghĩ còn thiếu sót của bản thân, mong muốn tìm lại những gì khách quan đúng đắn về một thời kỳ lịch sử đã trải qua. Đánh giá công bằng và công tâm hơn về những nhân vật trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Như vậy, một cậu bé 11 tuổi trong bối cảnh nước mất, nhà tan, bị truy sát đến đường cùng, mang trong mình một gánh nặng phải khôi phục giang sơn của tổ tông để lại, phải trả thù cho những người thân bị giết hại.

Trong 24 năm ròng rã, Gia Long phải đối phó với một lực lượng quân sự hùng mạnh của Tây Sơn, đã trải qua hàng trăm trận chiến lớn nhỏ. Ông đã làm được những việc phi thường tưởng chừng không thể làm được. Ông có công bước đầu thống nhất địa giới hành chính quốc gia từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Làm chủ một quốc gia lớn nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng vương triều Nguyễn - một vương triều có nhiều đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Vua Gia Long không đáng bị bôi nhọ về nhân phẩm như một số bài viết tôi từng được đọc. 

Nếu có một tác phẩm công bằng viết về cuộc tranh đấu của hai con người vĩ đại này thì thật là tuyệt vời. Chuyện sẽ mở đầu bằng năm câu thơ của vua Quang Trung khi ra trận:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!

Và kết thúc bằng bốn câu thơ của vua Gia Long khắc trên điện Kiến Hòa:

Nước nghìn năm văn hiến,
Vạn dặm một sơn hà.
Từ Hồng Bàng mở nước,
Thịnh trị nước Nam ta.

Cám ơn các nguồn tư liệu quý giá từ lichsuvietnam, nghiencuulichsu, cũng như vozforums. :')
Chi tiết

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Cảm nghĩ về cặp kỳ phùng địch thủ Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh

nguyen hue

Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, Quang Trung và Gia Long, kiêu hùng và gian hùng. Họ là cặp kỳ phùng địch thủ xứng đáng và xuất chúng nhất lịch sử Việt Nam. Mối thù của họ có thể gọi là: "Người này không thể sống khi kẻ kia còn tồn tại".

Quang Trung xuất thân lao động. Ông là vị hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông, dù đối với dân chúng rất tàn bạo, nhưng dưới danh hiệu Long Nhương tướng quân, Bắc Bình vương hay Quang Trung hoàng đế, ông đều lập công trạng hiển hách, đánh khắp thiên hạ không địch thủ, chưa từng thất bại một trận nào. Càn Long hay Thái Lan nghe đến Quang Trung là tái mặt.

Gia Long xuất thân quyền quý. Trong lịch sử vương quyền, chưa một vị vua nào như Gia Long, trước khi ngồi trên ngai vàng cuộc đời và sự nghiệp lại nhiều gian lao và thách đố đến như vậy, cũng chưa thấy ai đầy lòng kiên nhẫn để mưu nghiệp lớn như Gia Long. Công tâm mà nói, chúa Nguyễn cũng là một hào kiệt có thừa dũng chí. Trong 24 năm, dù bị thua hết trận này đến trận khác, chạy trốn hết nơi này đến nơi khác, bao lần đối đầu với “cái chết trước mắt”; vẫn không từ bỏ quyết tâm giành lại cơ đồ. Giống như Napoleon từng nói: "Ta có thể thất bại trong một trận đánh, nhưng ta sẽ thắng cả một cuộc chiến tranh".

Mình để ý lúc bàn về Nguyễn Ánh thì các sử gia hay dùng từ "cõng rắn cắn gà nhà" khi ông cầu viện quân Pháp và Thái Lan. Việc này mình sẽ nói rõ chút. Thông thường khi hai đối thủ đánh nhau thì họ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt nhau bằng vũ khí và nhân lực. Nếu họ không đủ sức nội bộ thì sẽ nhờ cậy lực lượng ở bên ngoài. Điều này Tây Sơn cũng đã làm.

Khi Nguyễn Huệ gặp Charles Chapman, ông vội vã bàn chuyện buôn bán, mời mọc về nhà riêng. Ông hỏi Charles Chapman có thể dùng tàu của ông ta giúp Tây Sơn không. Nguyễn Huệ muốn có cố vấn Anh, tàu chiến Anh phụ giúp để lấy các tỉnh Bắc Việt, đồng thời chiếm luôn Campuchia và Thái Lan. Đổi lại Tây Sơn sẽ nhường đất cho nước Anh lập thương điếm.

Nói chung Tây Sơn thực sự âm mưu nhờ cậy nước ngoài và đã thực hiện mưu đồ đó, nhưng cuối cùng không thành, vì Nguyễn Huệ thiếu trung gian là giới thương nhân người Hoa. Mà bộ phận này vốn đóng vai trò rất quan trọng khi người Việt mình giao thương với phương Tây. Nguyên nhân là do Tây Sơn đã ngược đãi và tàn sát người Hoa khi chiếm đóng Sài Gòn. Trong việc giao tiếp với nước ngoài, Nguyễn Ánh đã khôn khéo hơn. 

Nhưng sự thành công của Nguyễn Ánh hoàn toàn không nhờ tất cả vào thế lực ngoại bang, mà do ông cực kỳ kiên trì, chiến đấu bền bỉ, giao dịch khéo léo với người ngoại quốc, và nhất là đạt được ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa ở xứ Đàng Trong (người miền nam rất thích Nguyễn Ánh), như câu ca dao phổ biến về việc tiến quân ra bắc của Nguyễn Ánh bình định toàn cõi Việt Nam:

“Lạy trời cho chóng gió nồm
Để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra.”

Có người cho rằng nếu vua Quang Trung không mất sớm thì sự nghiệp dựng nước và mở nước của ông không kém gì vua Gia Long. Điều này có thể đúng trong đời vua Quang Trung vì ông thực sự là một vị hoàng đế thông minh và tài ba. Nhưng xét đến đời con vua Quang Trung tức vua Cảnh Thịnh, thì ông nội này chả có có tài năng gì, bản lãnh cũng không. Mà nội bộ triều Tây Sơn lúc bấy giờ lục đục, các tướng ghét nhau, cho nên không hẳn Tây Sơn sẽ có những triều đại kế tiếp lâu dài về sau.
Chi tiết

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy...


Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy
Khóc tiễn cha đi mấy dặm đường...

Năm 1407, quân Minh sang xâm lược nước ta. Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đưa về Kim Lăng. Nguyễn Trãi định cùng theo sang Trung Quốc để phụng dưỡng cha cho trọn chữ hiếu. Nhưng đến ải Nam Quan thì Nguyễn Phi Khanh khuyên con hãy trở về tìm cách rửa thẹn cho nước, phục thù cho cha, như thế mới chính là đại hiếu. Về sau Nguyễn Trãi đã thực hiện xuất sắc lời hứa ấy, nhưng hai cha con vĩnh viễn không bao giờ còn gặp nhau. 

Sử Việt mình không thiếu những khoảnh khắc hay và cảm động như trong tiểu thuyết. Có lẽ sau khi hoàn thành về Tây Sơn mình sẽ quay ngược lại thời đại của Lam Sơn, nơi một cuộc chiến anh hùng khác cũng phải được kể: đại chiến Tốt Động, mai phục Chúc Động, vây hãm Nghệ An, rửa hận Chi Lăng...

"Đây là chốn ải địa đầu nước Việt 
Khắc trong lòng ghi nhớ hận Nam Quan 
Bao năm trời nằm sương và gối tuyết 
Cha hằng mong thiên hạ được bình an."
Chi tiết

Cảm nghĩ về Nguyễn Trãi


Trong lịch sử Việt Nam thì mình thấy đáng được tôn trọng nhất là Nguyễn Trãi.

-Mưu trí: ngày đó nhà Minh là đế chế hùng mạnh nhất thế giới và đã thôn tính hoàn toàn Việt Nam. Nhưng nhờ Nguyễn Trãi làm mưu sĩ vạch đường, chỉ kế mà một nhóm quân kháng chiến nhỏ bé trong vùng núi Lam Sơn có thể chiến thắng đế quốc hùng mạnh nay. Nhà Lê sở dĩ lấy được thiên hạ phần lớn do sức ông cả.

-Khí phách: bài Bình Ngô đại cáo, nếu nắm được bối cảnh kinh khủng mà dân tộc phải chịu đựng trong 10 năm đồng hóa và tàn sát của nhà Minh thì mới thấy nó rất hào hùng.

"Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ"

-Nhân hậu: có lần 7 tên ăn trộm đều còn ít tuổi can tội tái phạm, hình quan chiếu luật xử chém. Vua đem việc ấy hỏi Nguyễn Trãi, khi ấy Nguyễn Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải hành vi của bậc đại đức...". Tâm hồn Ức Trai tiên sinh trong sáng như sao Khuê buổi sớm.

-Trung thành: luôn hết lòng phụng sự thiên tử. Nước Việt ta, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, đời nào sáng lập cơ nghiệp đế vương, tất cũng đều phải có các tướng tá giúp sức, nhưng tìm được người toàn tài toàn đức như Ức Trai tiên sinh, thật là ít lắm.

-Can đảm: tuy hay dâng lời khuyên răn cho vua nên thường bị ghét, nhưng không khuất phục. 

-Một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn chính luận kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới. Văn chương của ông đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường, có khí lực dồi dào, đọc không chán miệng. Nguyễn Mộng Tuân xem ông là bậc văn bá.

----

Đáng tiếc vì vụ án oan Lệ Chi Viên mà Nguyễn Trãi cùng gia quyến đều bị tru di tam tộc. Vị khai quốc công thần có một cuộc đời anh hùng hiển hách đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 63 trong một hoàn cảnh bi phẫn và oan khuất. Mình có bài thơ tặng ông :(

Miếu thờ học sĩ ở đâu đây?
Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tại đất này.
Cỏ biếc vươn thềm tươi với đá,
Oanh vàng khuất lá hót cùng ai?
Lê vương bao bận cầu mưu lớn,
Lão tướng hai triều nặng gánh vai.
Cơ nghiệp chưa thành thân đã thác,
Anh hùng xem sử lệ chưa phai.
Chi tiết

Chiến thắng Lam Sơn vĩ đại thế nào?


Muốn biết chiến thắng Lam Sơn vĩ đại thế nào thì bạn có thể nhìn vào bản đồ này. Từ khi Hồ Quý Ly bị bắt ở núi Thiên Cầm, nước mình mất toàn bộ sạch sành sanh vào tay Trung Quốc. Rút kinh nghiệm trong quá khứ, Đại Minh lần này ra sức tận diệt văn hóa và con người Việt Nam. 

"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả,
Chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen,
Nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi."

Quân Lam Sơn kiểu như cứu tinh của dân tộc ấy, xuất hiện kịp thời vãi luôn. Thời điểm đó không có team này chắc giờ dân mình nỉ hảo ngộ tả lị xỉ rồi. Mới đầu có 19 người do Lê Lợi đứng đầu, sau này anh hùng thiên hạ nước Việt nghe tiếng tăm liền ồ ạt kéo về Lam Sơn, từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Chích, từ Trần Nguyên Hãn đến Lưu Nhân Chú. grin emoticon

"Núi Lam sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống!"

Chiến thắng Lam Sơn theo mình là một chuỗi những hoạt động quân sự và ngoại giao khéo léo của Việt Nam. Chỉ cần sai một bước thôi là bị dập te tua, vì quả thật thời đó nhà Minh mạnh nhất địa cầu, còn team mình toàn nông dân. Hú hồn nhất là lúc carry Lê Lợi xém bị bắt, Lê Lai phải cải trang ra support chết thay. Thế nên sau này Lê Lợi cảm động lắm, bảo rằng mỗi năm giỗ Lê Lai trước rồi mới làm cho mình.

Nguyễn Trãi đi phượt 10 năm, lang thang buồn bã khắp đất nước đã mất, tới hồi về theo Lê Lợi thì tha hồ trổ tài. Vua Minh lúc ấy kiểu như Voldemort, đâu ai dám xúc phạm, nhưng cụ Trãi tự tin đến mức chửi thẳng luôn: "Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng."

Việt Nam được cái ngày thường dân chúng chửi nhau chí chóe, nhưng khi đánh ngoại xâm thì đoàn kết lạ lùng:

"Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều."

Không biết bây giờ tinh thần ấy có còn không? Bạn nào muốn đọc thêm về trận Chi Lăng thì có thể đọc bài mình vừa đăng hôm qua nhé. Khởi nghĩa Lam Sơn luôn là đề tài ưa thích của mình vì nó quá anh hùng. Mình đã đi khảo sát thực địa tại Chi Lăng, Xương Giang, Lạng Giang, Bình Than... những nơi được nhắc đến trong Bình Ngô đại cáo. Năm sau khi ghé đúng Lam Sơn mình sẽ chụp hình cho các bạn xem.
Chi tiết

Suy nghĩ về chiến thắng Bạch Đằng - Ngô Quyền

Ngô Quyền

Chiến thắng quan trọng nhất của người Việt có lẽ là chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền. Vì sao? Vì trong lịch sử bang giao giữa hai nước, Trung Quốc luôn xem ta là lãnh thổ của họ (Giao Châu). Họ đồng hóa được thành công rất nhiều dân tộc, nhưng đáng ngạc nhiên là không thể đồng hóa được người Việt dù trải qua tới 1000 năm ăn nằm chung với nhau.

Ta dính với Trung Quốc tới 1 thiên niên kỷ, một niên đại quá dài đủ để Trung Quốc mặc nhiên xem đó là lãnh thổ hợp pháp của họ, xem người Việt Nam là người Trung Quốc. Nhưng bất ngờ Ngô Quyền lại làm được kỳ tích vô tiền khoáng hậu là tách được mối liên hệ truyền kiếp của hai nước qua trận Bạch Đằng mà bao thế hệ đi trước từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng, Lý Nam Đế, Dương Đình Nghệ... không thể làm nổi. 

Trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, Trung Hoa bị cắt xẻ thành mười mấy nước. Cuối cùng nhà Tống đi gom lại hết, thống nhất lại thành một quốc gia to lớn, trừ người Việt cứng đầu ở phía nam. Vua Tống xua quân qua để đòi lại Giao Châu bị mất từ thời Ngô Quyền thì bị Lý Thường Kiệt chặn đánh cho tan tành ở sông Như Nguyệt. Lý Thường Kiệt một lần nữa khẳng định Việt Nam là Việt Nam, Trung Quốc là Trung Quốc, chứ không phải là một nước:

"Sông núi nước nam vua nam ở
Rành rành định phận ở sách trời!"

Coi sử Việt Nam xong thấy tự hào về dân tộc, và mình khẳng định luôn là rất rất rất ít có dân tộc nào bị đô hộ tính bằng đơn vị ngàn năm mà đất nước vẫn còn tồn tại đến hôm nay, trừ Việt Nam và Do Thái. Trên wikipedia cũng có ghi: "The history of Vietnam is one of the longest continuous histories in the world, with a cultural history of around 25,000 years".

P/s: Cảm xúc của một đứa chuyên đọc sách đêm.
Chi tiết

Ba trận thủy chiến vĩ đại nhất lịch sử của 3 nước Đại Việt, Triều Tiên và Trung Hoa.

Mình vốn là fan của thể loại phim chiến tranh. Cũng lâu rồi mới có 1 phim thủy chiến hay như vậy kể từ Xích Bích 2008. Chất anh hùng trong Đại Thủy Chiến rất tuyệt vời, có những trường đoạn khiến mình xúc động thật sự, da gà da ốc nổi khắp người. Thử điểm qua ba trận thủy chiến vĩ đại nhất lịch sử của 3 nước Đại Việt, Triều Tiên và Trung Hoa.

-Cả ba trận đều là chiến thắng của bên yếu thế hơn, với số lượng quân lực ít hơn hẳn đối phương. Đô đốc Yi Sun Shin dùng 12 thuyền đánh bại 300 thuyền Nhật, Đô đốc Chu Du dùng 5 vạn quân đánh 24 vạn quân Tào Tháo, Hưng Đạo Đại vương dùng 5 vạn quân đại phá 8 vạn quân Nguyên.

-Cả ba trận đều sử dụng yếu tố thiên nhiên để chiến thắng. Yi Sun Shin lợi dụng dòng xoáy ở eo Myeongnyang để dụ thuyền Nhật vào tử địa, Chu Du dùng mưu xích thuyền Tào Tháo rồi lợi dụng gió đông để phóng hỏa đốt thuyền giặc (đám cháy to đến nỗi ban đêm sáng rực như có mặt trời sa xuống), Hưng Đạo Đại vương thì lợi dụng chu kỳ lên xuống của thủy triều để bẫy tàu Mông Cổ vào cọc nhọn.

-Cả ba trận đánh đều là những trận quyết định đến số phận của các nước tham gia. Sau trận Myeongnyang là tiền đề dẫn đến 3 trận đánh cuối Ulsan, Sacheon và Noryang kết thúc chiến tranh Nhật-Triều, sau trận Xích Bích thì tam quốc chia ba thiên hạ, sau trận Bạch Đằng thì Mông Cổ vĩnh viễn không xâm lược Đại Việt nữa.

-Tuy nhiên số phận 3 vị tư lệnh này lại không giống nhau. Yi Sun Shin hy sinh trong trận cuối cùng Noryang, Chu Du mắc bệnh mất sớm, chỉ có Trần Hưng Đạo là qua đời trong thanh thản.

P/s: Mình đã coi cả 2 phim Đại Thủy Chiến Myeongnyang và Xích Bích, thực sự rất GATO vì không biết đến bao giờ Việt Nam mới làm được như người ta ngoài ba cái phim vớ vẩn như Thăng Long cầm giả ca. Trận Bạch Đằng không to như Xích Bích nhưng cũng ăn đứt Myeongnyang về quy mô, tiếc thay là Việt Nam không làm được điều đó.

Cảnh đô đốc Yi đứng ngắm dòng xoáy ở Đảo Máu làm trong một thoáng mình tưởng tượng rằng cách đó 300 năm, Hưng Đạo Đại vương cũng đứng bên sông Bạch Đằng tính kế đánh giặc.
Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc