Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Tôi sẽ viết truyện về thời kỳ Tây Sơn như thế nào?

Chia sẻ

Mình tính viết truyện về thời kỳ này, các bạn cho ý kiến thử.

Đặt trong bối cảnh những năm 70 của thế kỷ 18, ở Đàng Trong, chính quyền chúa Nguyễn bị loạn thần Trương Phúc Loan thao túng quyền lực, tệ tham nhũng diễn ra tràn lan, nhân dân rên xiết lầm than. Phong trào Tây Sơn xuất hiện thời điểm ấy là thời cơ chín muồi để chống lại một triều đình thối nát. Nhà chúa Nguyễn nhanh chóng bị đánh bại, phải chạy vào Gia Định (Sài Gòn), sau đó dòng họ này bị truy đuổi sát hại. 

Khi đó Nguyễn Huệ 18 tuổi đã là tướng quân bách chiến bách thắng của đội quân Tây Sơn, có tài thao lược hơn người, phong thái oai phong, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Còn Nguyễn Ánh là hậu duệ còn sót lại cuối cùng của dòng chúa Nguyễn. Cậu bé mất nước, mất cả gia đình, phải trốn chạy từ Gia Định ra Phú Quốc, rồi lưu lạc sang tận Thái Lan cầu cứu vua Xiêm giúp đỡ để lấy lại cơ nghiệp của tổ tông và để trả mối thù sâu đậm với nhà Tây Sơn.

Vua Xiêm nhân cơ hội đó sai 5 vạn quân sang nước ta không ngừng cướp bóc ở Nam Bộ, nhân dân rất oán giận. Nguyễn Ánh thấy vậy nhưng bất lực trước thời cuộc. Ông căm phẫn nhưng vì lợi ích lớn lao hơn đành nhắm mắt làm ngơ. Quân Xiêm hiếu chiến nhưng chủ quan nên bị quân Tây Sơn đánh cho tơi tả ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Chúng sợ quân Tây Sơn như sợ cọp. Nguyễn Ánh lúc đó may mắn chạy được. Cái tội rước quân Xiêm vào không thể không truy cứu trách nhiệm cho ông. Tuy nhiên, với một cậu bé mang một trách nhiệm nặng nề với tổ tông và một mối thù không đội trời chung với nhà Tây Sơn, trong tay không có binh quyền sang cầu cứu quân Xiêm như vậy chúng ta phần nào có thể rộng lượng tha thứ được. 

Sau khi thất bại trong việc cầu cứu Xiêm, Nguyễn Ánh gửi con trai là hoàng tử Cảnh lúc đó mới 6 tuổi theo giáo sĩ Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, nếu thành công sẽ cắt Côn đảo và cửa Hàn cho Pháp thông qua hiệp ước Versaille. Nhưng lúc bấy giờ chế độ phong kiến ở Pháp đã bị thối rữa không thể nào giúp đỡ Việt Nam, Bá Đa Lộc về nước với một đám lính đánh thuê từ Ấn Độ và một vài chiếc tàu chiến cũ kỹ. Về sau, khi đại nghiệp thống nhất thành công, Pháp viện cớ buộc Gia Long thi hành hiệp ước Versaille, tuy nhiên Gia Long đã từ chối vì phía Pháp không thi hành điều gì trong hiệp định. 

Ông hạn chế giao lưu với người Pháp vì biết rõ ý định xâm lăng từ Pháp quốc. Dù rất nể tướng quân Lê Văn Duyệt nhưng ông đã không chọn người cháu đích tôn kế thừa ngai vị mà chọn đứa con thứ của mình là Minh Mạng. Bởi dòng của hoàng tử Cảnh đã cải theo đạo thiên chúa và có tư tưởng thân Pháp. Ông lo ngại Pháp sẽ nhân cơ hội đó mà chiếm lấy nước ta, nên ông chọn người con có tư tưởng chống Pháp lên nối ngôi như đã nói là Minh Mạng.

Sau thất bại của quân Xiêm, nhà Tây Sơn có được Nam Bộ. Quân Tây Sơn cũng không ngừng cướp bóc và thảm sát khiến nhân dân miền nam đau lòng nhớ đến thời chúa Nguyễn còn trị vì. Anh em nhà Tây Sơn cũng xung đột lẫn nhau, nên 3 người chia Việt Nam làm 3 vùng chiếm đóng. Nam Bộ do Nguyễn Lữ cai trị, nhưng ông không có khả năng lãnh đạo và nắm chính quyền như 2 ông anh. Nguyễn Ánh nhanh chóng lợi dụng tình hình trên, quay lại Nam Bộ. Được nhân dân giúp đỡ và hậu thuẫn tối đa, Nguyễn Ánh nhanh chóng đánh bại Nguyễn Lữ, giành lại Nam Bộ từ Tây Sơn. Trong khi đó Nguyễn Huệ đã vượt sông Gianh tiêu diệt chúa Trịnh ở miền Bắc, rồi lần lượt đánh bại loạn thần cũng như đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược vào tết kỷ Dậu năm 1789. 

Nguyễn Huệ nhận thức được mối nguy của Nguyễn Ánh ở phía Nam, có ý định mượn đường qua vùng đất của Nguyễn Nhạc để diệt trừ hậu họa. Tuy nhiên không nhận được sự đồng ý của anh trai mình, ông buộc phải đi bằng được biển. Sau một vài trận đánh thua trước Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ đi xem phong thủy và bói toán thì được nói rằng long mạch của chúa Nguyễn ở Phú Xuân (Huế) còn rất mạnh, đang phù hộ cho Nguyễn Ánh ở Nam Bộ, cần cắt đứt chúng. Vì vậy lăng các chúa Nguyễn bị quật lên. Trong đó cha của Nguyễn Ánh dù không làm chúa là Nguyễn Phúc Côn cũng bị đào xới lên và vất xuống sông. Mộ chúa Nguyễn Hoàng ở vùng đồi núi Thanh Hóa không biết ở đâu không thì…

Chính vì việc này, sau khi chiếm được Phú Xuân năm 1801, đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh có những hành động trả thù hết sức dã man. Như khai quật mộ của Nguyễn Huệ lên, giã xương ra sau đó cho quân lính tiểu vào đó. Sọ thì giam vào ngục tối, yểm bùa và xích lại. Con cháu nhà Tây Sơn thì bị giết hết sức rùng rợn. Người đời dèm pha cho rằng ông là một con người hiếu sát, tàn bạo với kẻ thù. Nhưng lịch sử đã ghi lại những việc làm khoan dung và độ lượng với những kẻ thù trước đây như vua Lê và con cháu chúa Trịnh, cũng như những người từng làm quan thời Tây Sơn. 

Ông mang trong mình mối hận xương tủy với nhà Tây Sơn, đặc biệt là với Nguyễn Huệ. Việc Nguyễn Ánh trả thù như vậy âu cũng là quy luật nhân quả, có vay ắt phải trả. Bài viết không có ý định hạ thấp uy tín danh phẩm của Nguyễn Huệ - Quang Trung, người mà bản thân tôi rất mến mộ. Ông có 3 công cực lớn:

Thứ nhất, xóa mối hận thù chia cắt gần 3 thế kỷ trong lịch sử dân tộc. Ranh giới sông Gianh bị xóa bỏ.

Thứ hai, ông đã đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm ở Nam Bộ thông qua chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, là một trong những trận thủy chiến lớn trong lịch sử dân tộc.

Thứ ba, bằng chiến dịch hành quân thần tốc, ông đã nghiền nát 29 vạn quân Thanh đang xâm lược nước ta.

3 kỳ công ấy, lịch sử không thể phủ nhận được.

Nhưng bài viết trong suy nghĩ còn thiếu sót của bản thân, mong muốn tìm lại những gì khách quan đúng đắn về một thời kỳ lịch sử đã trải qua. Đánh giá công bằng và công tâm hơn về những nhân vật trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Như vậy, một cậu bé 11 tuổi trong bối cảnh nước mất, nhà tan, bị truy sát đến đường cùng, mang trong mình một gánh nặng phải khôi phục giang sơn của tổ tông để lại, phải trả thù cho những người thân bị giết hại.

Trong 24 năm ròng rã, Gia Long phải đối phó với một lực lượng quân sự hùng mạnh của Tây Sơn, đã trải qua hàng trăm trận chiến lớn nhỏ. Ông đã làm được những việc phi thường tưởng chừng không thể làm được. Ông có công bước đầu thống nhất địa giới hành chính quốc gia từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Làm chủ một quốc gia lớn nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng vương triều Nguyễn - một vương triều có nhiều đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Vua Gia Long không đáng bị bôi nhọ về nhân phẩm như một số bài viết tôi từng được đọc. 

Nếu có một tác phẩm công bằng viết về cuộc tranh đấu của hai con người vĩ đại này thì thật là tuyệt vời. Chuyện sẽ mở đầu bằng năm câu thơ của vua Quang Trung khi ra trận:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!

Và kết thúc bằng bốn câu thơ của vua Gia Long khắc trên điện Kiến Hòa:

Nước nghìn năm văn hiến,
Vạn dặm một sơn hà.
Từ Hồng Bàng mở nước,
Thịnh trị nước Nam ta.

Cám ơn các nguồn tư liệu quý giá từ lichsuvietnam, nghiencuulichsu, cũng như vozforums. :')

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc