Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê sơ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê sơ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Cuộc chiến Đại Việt - Chămpa


Một buổi chiều tháng 8 năm 1470, vua Lê Thánh Tông đang tản bộ trong ngự hoa viên thì thái giám chạy vào cấp báo. Nghe xong vua nhíu mày:

-Trà Toàn lại xâm phạm Đại Việt?

-Dạ bẩm hoàng thượng, hắn dẫn hơn 10 vạn quân Chăm đã kéo đến sát miền nam nước ta rồi ạ!

-Trẫm biết rồi, khanh cho người đi triệu tập các quan, chúng ta sẽ có một buổi thiết triều gấp.

Thái giám vâng lệnh lui ra, hớt hơ hớt hải thông báo văn võ bá quan. Lê Thánh Tông đứng lặng người trong khu vườn. Khuôn mặt tuấn tú của nhà vua hằn lên một nỗi lo lắng. Trà Toàn là kẻ hoang dâm, hung hãn, tàn bạo, nếu kỳ này không đối phó được thì không chỉ cơ nghiệp tổ tiên ta vất vả dựng nên sụp đổ, mà con dân Đại Việt sẽ chìm sâu vào một thời kỳ tăm tối chưa từng có. Trong cuộc đời ngài chưa bao giờ phải đứng giữa ngã ba đường. Chủ chiến hay làm hòa? Chịu nhục năn nỉ hắn rút quân hay đương đầu để đánh một trận phân thắng bại?

-Chúng ta sẽ đánh!

Lê Thánh Tông đập mạnh tay xuống chiếc án, chén lưu ly rơi xuống vỡ tan.

-Ta không muốn một tấc đất của ai, nhưng không một ai có thể lấy của chúng ta một tấc đất. Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng cho lấy một phân núi, một tấc đất của cha ông để lại!

Rồi ông tuyên bố nốt trước sự kinh ngạc tột cùng của toàn bộ văn võ bá quan:

-Trẫm sẽ không ngồi ở Thăng Long để chờ tin, mà sẽ đích thân chinh phạt với các khanh. Chúng ta sẽ cùng nhau ra trận!

Khi vua bãi triều và trở về cung, Trường Lạc hoàng hậu rất lo lắng. Bà nắm tay chồng khuyên can:

-Hoàng thượng là cành vàng lá ngọc, đừng để long thể tổn hại, xin đừng ra trận, đó là chuyện của võ tướng chứ không phải thiên tử.

Thánh Tông cười rất hiền, ông ôm vợ vào lòng rồi nói:

-Nàng đừng lo, trẫm là dòng dõi của Bình Định Vương Lê Lợi. Ngài ở trên cao sẽ phù hộ cho trẫm. Kỳ này ra trận lành ít dữ nhiều, nhưng trẫm tin Đại Việt sẽ chiến thắng.

--
Mờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1470, Đại Việt đã chuẩn bị xong mọi thứ. Vua đứng ở trên đài cao dõng dạc nói trước 26 vạn quân:

-Trẫm vốn là người đứng đầu một nước, nhưng thay vì ngồi trong cung hưởng lạc để nhân dân lầm than. Nay trẫm vâng mệnh trời, cùng các khanh xuất quân chinh phạt phương nam. Chúng ta đồng cam cộng khổ, không chiến thắng không trở về!

Thánh Tông có tư chất thông minh, học vấn uyên bác, giỏi về xử lí chính trị và cả về văn học nghệ thuật. Dưới thời đại của ông Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt và trở thành một cường quốc, cũng như đã khiến Việt Nam đạt đến đỉnh cao vàng son. Chưa kể ông còn rất… đẹp trai. Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước.

Ba quân nghe vậy thì hò reo vang trời. Ai cũng ngất ngây vì có vị hoàng đế mỹ nam và thông minh kề vai sát cánh. Trước giờ chỉ thấy vua ngồi nhà chỉ tay năm ngón, còn lặn lội ra chiến trường chịu khổ cùng đồng bào thế này thì rất hiếm. Hôm đó 10 vạn quân đi trước mở đường. 10 ngày sau vua đi cùng với thủy quân. Gió bấc và mưa nhẹ thổi xua tan cái gay gắt khắc nghiệt của miền trung. Dọc đường đi hễ qua đền thờ thần nào đều sai quan tới dâng lễ để cầu cho quân thắng trận. 

Giữa tháng 12, vua đến địa phận Chăm Pa. Ông sai quan vẽ bản đồ, còn tự mình thức đêm hôm ngồi cặm cụi viết cuốn “Bình Chiêm sách” để phân phát cho mọi người, trong đó nêu ra những bí quyết để hạ gục Chăm Pa. Cái ngày định mệnh đó cuối cùng cũng đến.

Lê Thánh Tông chỉ huy quân mai phục đầy đủ và dựng trại để chặn đường về của giặc. Sau đó vua thân hành đem hơn 1000 chiếc thuyền và hàng chục vạn quân ra hai cửa biển dựng cao ngọn cờ thiên tử, vừa đánh trống vừa gầm thét, tiến thẳng về phía trước. Quân Chăm thấy khí thế quân Việt quá kinh khủng chỉ biết thốt lên:” WTF! Đông zậy???”

Nhìn lại thì thấy đội hình team mình tan vỡ, giày xéo lẫn nhau bỏ chạy về phía nam. Vua Lê đắc thắng: “Trúng kế rồi! Ta đã tính toán đúng.”

Quân Chăm đang bỏ chạy thì gặp quân Việt mai phục chờ sẵn tại núi Mạc Nô. Quân Chăm cuống cuồng sợ hãi, trèo qua chân núi cao, xác người ngựa bỏ lại đầy núi đầy đường. Đại Việt tung quân ra đánh, chém được một đại tướng và thu được rất nhiều chiến lợi phẩm.

Vua Lê Thánh Tông đang có đà thắng nên chơi tới cùng, hạ luôn thành Thi Nại. Khí thế đại quân hừng hực như sóng thần tiến về sào huyệt cuối cùng: kinh thành Đồ Bàn. Vua Chăm Trà Toàn trong tình thế cùng quẫn, hằng ngày nộp tờ cam kết đầu hàng: "Đại ca tha em, em xin lỗi rất nhiều". Vua Lê Thánh Tông lạnh lùng phẩy tay: “Giặc đã tan rã chí chiến đấu, thời khắc đánh thành đã tới!”

Ông cho một nhóm thích khách trèo vào thành, sau đó bắn luôn ba phát pháo hiệu nổ tung trời, quân Đại Việt tràn vào phá tan tành cửa đông thành Đồ Bàn. Thủ đô vĩ đại của đế chế Chăm Pa hùng cường sụp đổ. Quân Đại Việt bắt được hơn ba vạn tù binh và chém được hơn bốn vạn thủ cấp. Trà Toàn bị dẫn đến trước vua Lê Thánh Tông nhưng nhà vua cho hắn được sống. Cờ Việt Nam dựng nườm nượp tung bay phấp phới trên kinh thành một thời từng là niềm tự hào của dân tộc Chăm Pa. Từ nay thiên hạ thái bình.

-Khanh mệt mỏi chưa? Phấn chấn lên đi, đại tiệc đang chờ chúng ta tại Thăng Long.

Vua cười lớn vỗ vai Đinh Liệt, rồi chắp tay sau lưng, dạo bước thưởng ngoạn vùng đất mới mẻ này. Ông thái sư lẩm bẩm:

-Hoàng thượng không những tinh thông kim cổ, mà võ công cũng xuất chúng. So với Lê Thái Tổ thì đâu thua kém.

Cuộc tấn công của Đại Việt đã gây ra cái chết cho 60 ngàn quân dân Chăm Pa và khoảng 30 ngàn người bị bắt làm nô lệ. Kinh đô Vijaya bị phá hủy. Do mất nước, rất nhiều người Chăm đã phải di cư sang Khmer và bán đảo Malacca. Miền bắc của Chăm Pa từ đèo Hải Vân - Đà Nẵng đến đèo Cù Mông - Phú Yên được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt.
Chi tiết

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyện hậu Lệ Chi Viên- giải oan Nguyễn Trãi




Trời mưa to lắm, to bất thường giữa mùa hè tháng 8. Ngô Thị Ngọc Dao nấp sau tán cây đằng xa, chứng kiến Nguyễn Trãi bị chém đầu. Ngực bà đau thắt lại như có ngàn mũi dao đâm:

-Ân nhân, ân nhân chết thảm quá...

Bà khóc không thành tiếng, nước mắt rơi hòa cùng cơn mưa lớn ngoài kia. Cậu bé Tư Thành ngây thơ ngáp lớn và rúc vào lòng mẹ ngủ ngon lành. Nắm tay nhỏ xíu của cậu nắm lấy ngực áo Ngọc Dao. Cậu không biết rằng, vị tiên sinh tóc bạc phơ ngoài kia vì cứu hai mẹ con cậu mà phải trả giá bằng mạng sống của ông và cả gia tộc.

Sau khi Nguyễn Trãi tạ thế, Ngọc Dao nuôi Tư Thành trong chùa Hoa Văn. Bà mẹ đơn thân lấy đứa con bé bỏng làm niềm vui hiếm hoi của cuộc sống. Đến năm Tư Thành lên 4 tuổi, một hôm có người đến chùa. Bà Ngọc Dao đang nấu cơm trong bếp, nghe tiếng con trai kêu mẹ mẹ. Bà nói lớn:

-Ơi mẹ ra ngay.

Rồi bà bỏ nồi cơm ra để xem con gọi gì. Và Ngọc Dao như đứng tim khi nhìn thấy hoàng hậu Nguyễn Thị Anh trong sân chùa, đang chơi đùa cùng cậu bé. Hoàng hậu thấy Ngọc Dao, bà mỉm cười rồi nói:

-Ta đến đón mẹ con muội về cung.

Ngọc Dao vẫn chưa tin:

-Về cung…?

Nguyễn Thị Anh nói tiếp:

-Ta cảm thấy ăn năn vì đã đối xử với mẹ con muội như vậy trong suốt những năm tháng qua. Ta muốn làm gì đó chuộc lỗi. Xe ngựa đang đợi ở ngoài, muội cùng theo ta về đi Ngọc Dao.

Tư Thành có vẻ rất thích hoàng hậu, cậu bé cứ quấn lấy chân bà. Ngọc Dao thấy con trai mình như vậy thì đành đồng ý. Bà thu xếp đồ đạc rồi đi ra xe ngựa. Trước khi lên xe, bà ngoái lại lần cuối chùa Hoa Văn rêu phong, nơi những năm tháng lưu lạc bà và Tư Thành sống ở đó. 

Thái độ của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh thay đổi như vậy là do Bang Cơ con bà đã lên làm vua, bà yên tâm rồi, và Tư Thành không còn là mối đe dọa nữa. Hoàng tử Tư Thành tuy sống trong chùa từ bé nhưng thích nghi với cuộc sống hoàng cung khá nhanh. Tư Thành có khuôn mặt tuyệt đẹp, vừa anh tuấn vừa nhân hậu, dáng điệu thì oai phong, đường hoàng, nhìn kỹ thì có nét nghiêm trang. Tư Thành đi học cùng các hoàng tử khác tại Kinh diên. Do tư chất thông minh quá nên hay bị mấy ông thầy ở đó “soi” và trầm trồ. Cậu bé cảm thấy ngại nên sống kín đáo, thỉnh thoảng lại giả khờ, không muốn bộc lộ vẻ tinh anh ra ngoài. Cậu chỉ có đam mê đọc sách, cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm, từ Harry Potter cho đến Thần Điêu Đại Hiệp chỉ trong 3 ngày là xong (j/k). Cậu thích người hiền lành và ưa làm việc thiện. Tư Thành là mẫu "con nhà người ta" tiêu biểu mà lại có thật. Nguyễn Thị Anh trước đây vốn ác cảm cũng dần dần thấy thương cậu. Về sau thậm chí bà còn yêu Tư Thành như con đẻ, rất cưng cậu bé. Vua Bang Cơ cũng rất quý đứa em của mình.

Vào một đêm khuya thanh vắng, khi vua Bang Cơ đang ngủ thì có thích khách. Vua hộc lên một tiếng khi lưỡi dao cắm ngập vào ngực. Máu văng tung tóe khắp long sàng. Từ trong bóng tối một người bước ra. Đó chính là Nghi Dân, hoàng tử trưởng của vua Thái Tông (người đã qua đời trong vụ Lệ Chi Viên)

-Đáng lẽ chức vị thiên tử phải là của ta. Tại sao Bang Cơ lại được nhường ngôi? Ta là anh nó cơ mà!

Đêm nay Nghi Dân làm phản. Hắn quát lớn rồi vung tay, quân binh tràn vào phong tỏa mọi hướng. Vua Bang Cơ chết tức tưởi. Đến sáng thì bà Nguyễn Thị Anh cũng bị ám sát. Ba ngày sau Nghi Dân chính thức lên ngôi hoàng đế. Nhưng ông vua mới này đã mang tội phản nghịch, lại không có tài cán gì. Nghi Dân rất thích nghe nịnh nọt, tin dùng gian thần, sử dụng luật pháp lung tung khiến mọi người đều ghét. Các quan văn võ bàn nhau lập team để tiến hành lật đổ. Do mọi người rất đồng lòng nên cuối cùng cũng thành công. Nghi Dân làm vua được có 8 tháng là đã bị đạp đít xuống. Giờ là chọn người kế vị, các “giám khảo” thảo luận:

-Chọn thí sinh nào giỏi giỏi tí làm vua chứ cứ như thể loại kia thì sida không đỡ được. Hoàng tử Tư Thành thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương tử không ai so được, lòng người đều theo. Hãy về đội của chúng tôi, sân khấu này là của em.

Và thế là Lê Tư Thành trở thành vị vua thứ năm của nhà Hậu Lê khi tròn 18 tuổi, gọi là Lê Thánh Tông. Phải nói thế nào nhỉ? Đây đích thị là ông vua hoàn hảo nhất lịch sử Việt Nam. Thời của Tư Thành mọi lĩnh vực của Việt Nam đều tỏa sáng trên trường quốc tế. Nói chung mặt nào cũng ngon cả, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự. "Hồng Đức thịnh thế" là một trong những thời kỳ hiếm hoi mà người dân Việt Nam có thể “chảnh”, có thể ngửng mặt song song với bầu trời vì chúng ta thật sự là một cường quốc. Đại Việt không còn là vương quốc mà đạt tới gần ngưỡng của đế chế. Nước ta khi đó hóa rồng vươn mình lên trở thành một thế lực hùng mạnh, có "số má", nhận được sự nể phục của tất cả các nước xung quanh. Việt Nam có lần cân cả bảy nước Bồn Man, Champa, Chân Lạp, Lan Xang, Chiang Mai, Ayutthaya, Ava (thêm ông Đại Minh ăn hôi). Ta chinh phục được một em và bắt sáu em còn lại thần phục. 

Tư Thành không những thông minh uyên bác mà còn vô cùng can đảm. Hầu như mỗi lần có đánh nhau là ông đều rời kinh thành để đi cùng mọi người và trực tiếp chỉ huy. Ông tự mình chinh phạt Champa, hủy diệt kinh đô Đồ Bàn, sát nhập một vùng từ Đà Nẵng tới Bình Thuận vào bản đồ Việt Nam. Đấy, hiển hách là thế đấy.

Những thành tựu đạt được trong đời của Tư Thành thật to lớn, nhưng không vì vậy mà vua quên ân nhân của mình. Trước đây khi còn sống Bang Cơ có nhận xét về Nguyễn Trãi: 

-Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng.

Thì bây giờ Tư Thành chính thức minh oan cho ông. Vua vi hành đến Côn Sơn, ngôi nhà xưa của Nguyễn Trãi lúc này đã hoang tàn xơ xác. Cảnh vật âm u cô tịnh không còn chút gì của sự sống. Cũng đúng, cả nhà bị tru di tam tộc thì lấy ai chăm sóc quét dọn? Bất giác xúc động ứa lệ, vua sai người hầu để lư hương phía trước, mình thì quỳ xuống thắp cho Ức Trai một nén nhang:

-Nếu không có tiên sinh thì mẹ con trẫm đã không có ngày hôm nay. Tiên sinh sống khôn thác thiêng, trên trời cao hãy nhận một khấn này của trẫm. 

Ông xóa bỏ mọi tội trạng Lệ Chi Viên, ca ngợi Nguyễn Trãi là “văn chương Ức Trai lòng soi sáng” và cho khắc mấy chữ đó lên bia, truy tặng tước Tán Trù Bá. Vua xuống chiếu cho người đi tìm dòng dõi của ông. May thay, một người vợ của Nguyễn Trãi ở miền đông bắc lúc ấy đã có mang, sau sinh ra Nguyễn Tạc Tổ, hiệu là Anh Vũ. Ông ban cho Anh Vũ chức quan, rồi làm chánh sứ để bang giao với Trung Hoa. Sau đó vua ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi để bảo tồn vĩnh viễn cho đời sau.

Mười năm cách biệt chốn gia san,
Tùng cúc về thăm đã mọc lan.
Thân ấy trót quăng theo gió bụi,
Ước xưa đã phụ với lâm toàn.
Quê hương về tưởng trong mơ mộng,
Binh lửa từng qua lắm hiểm gian.
Bao được non mây nhà một túp,
Trà chuyên nước suối ngủ bên ngàn.
(Sau thời loạn về Côn Sơn cảm tác - Nguyễn Trãi)
Chi tiết

Án oan Lệ Chi Viên

Nguyễn Trãi cũng như mọi người, đều hăng hái tái thiết lại đất nước từ đống đổ nát hoang tàn nhưng ông lại bị chính cái triều đại mình dựng nên phụ bạc.

Lê Thái Tổ Lê Lợi rất anh hùng chính nghĩa, nhưng khi lên ngôi tính tình ông lại thay đổi. Ông luôn nghi ngờ những người đã kề vai sát cánh cùng mình trước kia. Lo rằng họ quá giỏi, nếu làm phản thì rất khó chống đỡ. Thế là ông ra tay sát hại. 

Các bạn nên biết triều đình nhà Hậu Lê khi đó rất đáng sợ, kể cả hậu cung. Ông nào mà bản lĩnh không đủ cứng là rất dễ lên thớt. Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn là chết oan nhất. À mà bạn nào ở Sài Gòn thì chắc biết cái tượng vị tướng cưỡi ngựa đưa tay với lấy bồ câu trước chợ Bến Thành, chính là Trần Nguyên Hãn đó. Mà giờ cái tượng bị đem đi đâu không rõ, nghe nói dưới quận 6.

Nguyễn Trãi là người hiền lành, ông chả theo phe phái nào cả. Tính ông nhân hậu vô cùng, nhân hậu thậm chí với cả kẻ thù. Nguyễn Trãi thấy ai khổ cực hay sắp chết là đều ra tay cứu giúp. Ông nhìn triều đình vậy nản quá. Trong triều thì thiếu người ngay thẳng, bè đảng của quyền thần Lê Sát khắp nơi, Lê Lợi thì không trọng dụng nữa. Thù nhà nhục nước ông trả xong hết rồi, trong lòng cũng hả dạ, thôi thì về Côn Sơn sống những năm cuối đời an nhàn.

Lê Thái Tổ chết, Lê Thái Tông lên thay, năn nỉ ông về triều. Lúc này Nguyễn Trãi đã nguôi ngoai, ông lại về triều, hy vọng sẽ được phụng sự dân tộc. 

Nói sơ về hậu cung, lúc đó có hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, sinh được hoàng tử Bang Cơ. Và bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, sinh được hoàng tử Tư Thành. Cậu bé Tư Thành này về sau chính là vua Lê Thánh Tông, vị vua đẹp trai có tài, nằm trong top vua xịn nhất của nước ta. Mình đã viết về ông rồi, bạn có thể tìm đọc. Idol của mình mà colonthree emoticon.

Bà Nguyễn Thị Anh sợ Ngọc Dao sinh con làm ảnh hưởng tới địa vị của Bang Cơ con mình nên bày mưu hãm hại. Nhưng Nguyễn Trãi đã tìm cách cứu nàng đem vào chùa, rồi đều đặn cho gạo tiền để cấp dưỡng. Sau đó nàng sinh ra bé Tư Thành thì hai vợ chồng Nguyễn Trãi lại bảo nàng trốn đi. Khổ quá, Ức Trai tiên sinh ạ, sao ông lại tốt bụng như vậy. frown emoticon

Vì việc này mà vợ chồng Nguyễn Trãi đắc tội với hoàng hậu. Mà Nguyễn Trãi tài hoa, lại không a dua xu nịnh, nên cũng có rất nhiều kẻ ghét. Bi kịch bắt đầu từ đây.

Vua Thái Tông một hôm ghé nhà Nguyễn Trãi thì thấy Thị Lộ. Mặc dù đã biết Thị Lộ nhiều năm trước nhưng đương lúc rảnh rỗi, và cũng do bà đẹp quá nên vua muốn rủ đi chơi vài hôm. Thị Lộ kiều diễm nên dù muốn hay không cũng không thể khước từ sự sủng ái của vị vua trẻ tuổi đa tình này. Dưới thời phong kiến thì đó là một chuyện rất thường nên Nguyễn Trãi cũng đành chấp nhận.

Vua với Thị Lộ đi chơi. Một hôm trời tối ghé vào vườn vải Lệ Chi Viên nghỉ lại. Đêm hôm ấy, nhành hoa thược dược đã được thấm nhuần cơn thụy vũ. Tự nhiên rạng sáng hôm sau Thị Lộ nhảy ra khỏi màn kêu thất thanh. Vua Thái Tông cứng đờ chân tay, người lạnh dần. Ngự y ra sức chạy chữa mà vẫn không được. Cái chết bất thường của một ông vua thanh niên khỏe mạnh mới 20 tuổi quả là đáng nghi. Thị Lộ ngay lập tức bị bắt. Sau đó Nguyễn Trãi và toàn gia cũng bị tống vào ngục tối chờ hành hình.

Tội danh: phản quốc.
Kết án: tru di tam tộc.

---

Nguyễn Trãi ngồi lặng trong ngục tử tù. Trăng tháng 8 chiếu rọi qua song sắt đẹp quá, nhưng có lẽ đây là những ngày cuối cùng ông còn được thấy trăng. Trời đêm buốt giá, phòng ngục xây bằng đá nên hàn khí càng mạnh. Ông tuổi đã cao, không chịu được cái lạnh lẽo này. Nguyễn Trãi khẽ cựa mình, gông xích nặng nề kêu rổn rảng. Đôi tay gầy guộc run rẩy vòng lại, yếu ớt ngăn cái rét thổi qua manh áo rách.

"Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình
Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ
Ông cao xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở
Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào
Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa
Chừng như ta đã đi con đường này từ ải Bắc
Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta?"

Một giọt nước mắt lăn dài trên má người tử tù già. Có ông trời thấu lòng, có nhân dân làm chứng, đời này ông không còn gì phải nuối tiếc. Có chăng là nỗi canh cánh trong lòng với hậu thế. Tru di tam tộc là họa diệt môn, không biết Nguyễn tộc còn ai nối dõi?

Một tiếng “Kẹt” vang lên giữa đêm khuya thanh vắng. Ông giật mình ngẩng đầu lên thì thấy viên cai ngục. Hắn đến, nhưng không phải roi gậy tra tấn, mà là chăn. Một chiếc chăn dày ấm áp. Viên cai ngục tiến đến chỗ ngồi của Nguyễn Trãi, hắn không nói gì, lặng lẽ choàng chiếc chăn lên vai Nguyễn Trãi. Sau đó hắn quỳ xuống, rạp đầu cúi lạy:

-Ức Trai tiên sinh, con ngưỡng mộ ngài đã lâu. Giờ mới được gặp mặt.

Nguyễn Trãi thều thào:

-Anh là ai? Sao lại ngưỡng mộ ta?

-Con họ Phạm, tên Vĩnh Lộc. Đại ân đại đức của tiên sinh với dân tộc này cả thiên hạ đều rõ. Con biết ngài bị tiểu nhân hãm hại nhưng bất lực không làm gì được. Chỉ mong giúp đỡ tiên sinh trong những ngày cuối đời.

Nguyễn Trãi cảm động lắm, ông nói:

-Ngày kia ta và các con ra pháp trường. Cháu ta vừa mới chào đời. Hy vọng anh có thể giúp ta một tấm tã lót để cháu ta bị chém khỏi trần truồng.

-Vâng thưa tiên sinh. Con biết rồi.

Rồi Lộc nói tiếp:

-Quy định của ngục tử tù không cho phép tháo xích phạm nhân. Nhưng nếu tiên sinh cần con thì hãy khua gông cùm, con nghe tiếng sẽ có mặt để hầu hạ ngài.

-Cám ơn anh.

Anh cai ngục vái một lần nữa rồi đi ra. Buồng giam Nguyễn Trãi lại trở nên im ắng. Ông cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp, chờ đến ngày cuối cùng.

---

Ngày xử tử.

Mưa rất to, to xối xả, có lẽ ông trời cũng khóc thương cho đại anh hùng Nguyễn Trãi. Nhân tài là của báu của quốc gia và nhân tài đâu thể mọc nhanh như cây cỏ? Vậy mà chỉ do quyền lợi của một mụ đàn bà và đám gian thần, người ta có thể thí nhân tài như cỏ rác. Đầu tóc Nguyễn Trãi ướt đầm nước mưa. Ông quỳ xuống. Bên kia gia đình ông đang bị chém, từng người một, máu lênh láng cả một bãi đất. Đám con nít vô tội gào khóc khi thấy cha mẹ chúng lần lượt đổ gục. Những ánh mắt trong veo ngây thơ tràn ngập nỗi hoảng sợ. Chúng không hiểu lý do mình phải chết. Và có lẽ là không bao giờ hiểu được.

"Sao phép nước dùng dao chém đại thần
Để chém trẻ sơ sinh?
Mai sau lấy gì chém sông núi?"

Tay đao phủ hành hình ông nói:

-Ức Trai tiên sinh, trong đời con từng hành quyết nhiều người không chút động lòng. Nhưng thật sự con không nỡ xuống tay với ngài…

Nguyễn Trãi buồn bã:

-Anh chỉ thi hành phận sự của mình thôi. Ta không trách anh đâu.

Người đao phủ bật khóc:

-Con sẽ làm thật nhanh để tiên sinh không đau đớn, chỉ như một giấc ngủ thôi.

-Ừ, ta nhờ anh.

Nguyễn Trãi từ từ nhắm mắt lại, bình thản đón nhận cái chết. Chết thực ra không có gì đáng sợ, chỉ là kết thúc sự sống ở nơi này để bắt đầu một kiếp sống khác. Nếu có kiếp sau, Nguyễn Trãi chỉ ước được làm một kẻ tầm thường như biết bao con dân khác, ung dung tự tại với thú vui đồng ruộng, không phải nhiễm bụi chốn quan trường, kẹt giữa âm mưu giết chóc và tranh giành quyền lực. Nếu có thể có kiếp sau…

"Đầu người đang rụng quanh ta
Máu là nước lũ Hồng Hà dời non
Hồn ta là đứa trẻ con
Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ
Nỗi oan không chết bao giờ
Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân..."
Chi tiết

Khởi nghĩa Lam Sơn

Năm 1407.

Đại Việt bị xóa sổ trên bản đồ thế giới, sát nhập hoàn toàn vào Đại Minh. Nước ta giữ được chủ quyền 500 năm thì đến lúc này đã biến mất. Dân Việt Nam như thua cay một ván cờ, thua cay không phải vì thiếu tư cách chơi ván cờ với bắc phương, mà vì người đứng đầu thiên hạ không đủ tài giữ nước. Nhà Hồ tan vỡ, nhà Hậu Trần ngã quỵ. Cái thời đại anh hùng của Trần triều tam kiệt Quốc Tuấn, Quang Khải, Nhật Duật đã trôi đi xa lắm rồi…

Nhưng đó chưa phải là kết thúc.

Lê Lợi bước vào showbiz lịch sử Việt Nam như là nhân vật chính tiếp theo. Ông được toàn dân chọn mặt gửi vàng. Nhà Lê Lợi rất giàu, nhưng trong cái cảnh quốc phá gia vong, ông không chịu khoanh tay nhìn dân tộc chết dần chết mòn và sống cái sống nhục nhã của người dân mất nước. 

Nhiều đêm Lê Lợi miệt mài ngồi đọc binh thư để sau này có cái mà dùng. Rồi ông đem tiền để chiêu nạp anh hùng trong thiên hạ. Bọn giặc Minh cho người tới dụ làm quan nhưng ông nhất định từ chối. Thanh niên này cũng cứng lắm. Nhà Minh khi đó là đế chế ghê gớm nhất địa cầu. 49% lượng hàng hóa thế giới là của Đại Minh. Binh hùng tướng mạnh, quốc khố dồi dào, có thể xem là Mỹ của bấy giờ. Chưa kể nó còn ăn cắp được công thức súng thần cơ của mình, là loại súng chế tạo theo công nghệ tiên tiến hiện đại có sức công phá sấm sét. Súng này vô đối đến mức Minh Thành Tổ ngạo mạn là vậy mà cũng phải gọi là "thần hỏa khí", bảo khi tế súng phải tế cả Hồ Nguyên Trừng. Thế mà không những Lê Lợi từ chối lời mời của Đại Minh, lại còn muốn phang nhau với nó.

-Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược!

Danh tiếng của Lê Lợi khi ấy còn to hơn Mr Đàm bây giờ, ai ai cũng biết. Thế nên khi ông đến Lam Sơn, một nơi âm u hiểm trở thì vẫn có rất nhiều người tìm đến. Trong số đó có Nguyễn Trãi.

Bố của Nguyễn Trãi là một anh học trò nghèo, còn mẹ là một tiểu thư đài các quý tộc của nhà Trần. Hai người phải vượt biết bao khó khăn mới lấy được nhau, sinh ra Nguyễn Trãi. Tuổi thơ Nguyễn Trãi là một thời kỳ nghèo khó nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập, nổi tiếng là một người học cao, có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân. Một thời gian sau thì nhà Trần bị tiêu diệt, Nguyễn Trãi ra làm quan cho nhà Hồ. 

Vua nhà Minh lúc bấy giờ mới bày ra cái trò "đòi lại công lý cho nhà Trần" bằng cách dẫn quân vào Việt Nam đánh Hồ Quý Ly. Mà mấy bạn biết là bọn Tàu khựa có tốt đẹp gì, nó đánh giùm xong sẵn nó cướp luôn. Kể từ thời Ngô Quyền đến giờ thì gần nửa thiên niên kỷ bọn Tàu mới đạt được mục đích xâm lăng thành công nước ta.

Thằng Tàu khi nó cai trị thì coi dân Việt mình còn thua cả súc vật. Mấy câu trong bình Ngô đại cáo mà Nguyễn Trãi viết về sau không hề hư cấu:

"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?"

Nói chung thì mấy câu trên là nghĩa đen luôn, nó vừa giết, vừa tra tấn, vừa đồng hóa dân mình. Chặt đầu, đốt xác, cuốn ruột vào cây... để khủng bố tinh thần người Việt. Bắt dân ta học chữ Hán. Người tài năng, có sức khỏe, các thợ giỏi bắt mang về Trung Quốc. Đại Việt từ khi chính thức độc lập vào thế kỷ 10, trải qua hơn 500 năm đã lớn mạnh nhanh chóng, giữ vững bờ cõi, xâm lấn về phía nam, tất cả các mặt đều phát triển mạnh mẽ, nhất là văn hóa đã trở thành quốc hồn quốc túy và có nhiều nét riêng biệt so với Bắc triều. Cho nên Minh Thành Tổ khi xâm lược Việt Nam đã viết:

"Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót."

Minh Thành Tổ sau đó ra chiếu lệnh thứ hai nhằm hủy diệt văn hóa triệt để hơn:

"Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian,… các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết. Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại."

Sự hủy diệt đó khiến Ngô Sĩ Liên, nhà sử học chứng kiến những sự kiện này than rằng:

"Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cuồng bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn."

Lấy đi sách vở của người Việt, nhà Minh mang sang những sách vở Trung Quốc phát cho các thôn, huyện để tuyên truyền văn hóa Trung Quốc. Nhưng cái mà mình tức nhất là "An Nam tứ đại khí", bốn bảo vật trấn quốc của Việt Nam gồm Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điển, Vạc Phổ Minh cũng bị bọn Tàu khựa đem phá nát để chế thành súng cho bọn nó xài. Mất dạy.

Ngày cha Nguyễn Trãi bị bắt qua Tàu, ông có theo chân lên tận cửa ải. Nhưng cha bảo ông về đi, muốn qua Tàu gặp Long Cô Côi à? Lo về mà nghĩ cách cứu lấy dân tộc khốn khổ này. Ông đau lòng lắm nhưng nghe lời cha quay lại. Hai cha con vĩnh viễn ly biệt từ đây.

Nguyễn Trãi phiêu bạt giang hồ 10 năm, lang thang đi đâu không rõ. Chỉ biết một hôm đang ngủ ở quán Trấn Vũ thì ông thấy tiếng ai đó nói văng vẳng:

“Tin tuyển dụng. Nghĩa quân Lam Sơn đang cần tuyển gấp một quân sư. Không cần kinh nghiệm, sẽ được đào tạo. Bao ăn ở ngày 3 bữa. Mọi chi tiết xin liên hệ Mr Lê Lợi.”

Thế là Nguyễn Trãi lên đường. Về Lam Sơn thì tài năng của Nguyễn Trãi phát huy cực hạn. Lê Lợi luôn cùng ông bàn việc như hình với bóng. Người ta nói Lê Lợi đi đâu, Nguyễn Trãi theo đấy, thân thiết như huynh đệ. Hình ảnh vị thiên tử tương lai đứng nhìn xa xăm theo dõi chiến trường, bên cạnh là vị quân sư tài hoa là điều thường thấy tại Lam Sơn khi đó. Quả thật Nguyễn Trãi đến đây giống như:

"Cá rời khe xanh vừa gặp nước,
Rồng vươn trời Việt tạo thành mây."

Nguyễn Trãi và Nguyễn Chích bày mưu tính kế cho nghĩa quân Lam Sơn đánh trận. Đặc biệt Nguyễn Trãi có một skill rất bá đạo là “thông não đại pháp”. Nhiều thành trì ông chả cần phải đánh, cứ viết thư gửi cho tướng địch, nó đọc xong tự xoắn rồi ra đầu hàng. Hết sức lợi hại.

Sau 20 năm mất nước, cái tên Đại Việt lại một lần nữa xuất hiện sau đại thắng Chi Lăng. Nguyễn Trãi dùng kỳ mưu chém đầu được danh tướng vô địch Liễu Thăng. Nhà Minh bị đánh đuổi, nước Việt hồi sinh dưới triều đại nhà Lê. Bao nhiêu dân tộc bị đô hộ đã không bao giờ gượng dậy nổi, mãi mãi chìm vào lãng quên trong cát bụi thời gian. Nhưng chúng ta, một đội quân toàn nông dân đã làm được kỳ tích này, trước đế chế mạnh nhất thế giới.

“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thưở nền thái bình vững chắc.”
(Bình Ngô đại cáo)

Nguyễn Trãi là một trong những người cứu lấy dân tộc này thoát khỏi họa diệt chủng, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho bi kịch đời ông.

Chi tiết

Thăm Ải Chi Lăng


Chỗ tôi đang quan sát đây chính là Quỷ Môn Quan lừng danh, là Quỷ Môn Quan thực sự trong huyền thoại các chiến công oanh liệt của Việt Nam, hay còn gọi là cổng địa ngục với quân xâm lược phương bắc.

Núi trập trùng giăng đỉnh vút mây, 
Ải chia Nam - Bắc chính là đây. 
Tử sinh có tiếng nơi nguy thế,
Qua lại bao ngày chuyện xót thay.
Thấp thoáng quỷ ma nương bóng khói, 
Rập rình cọp rắn núp rừng cây. 
Bên đường gió lạnh luồng xương trắng, 
Công cán khen gì tướng Hán hay?

Đứng đối mặt với Quỷ Môn Quan vốn đã được đọc rất nhiều, tâm trí tôi như một cuốn phim tua ngược về những ngày tàn tháng 9 năm 1427, cơ hội cuối cùng để người Việt thoát khỏi họa diệt vong.

Khi An viễn hầu Liễu Thăng đến trước ải Chi Lăng, kỵ binh Đại Minh bất khả chiến bại. Chỉ trong 2 ngày, với 100 nghìn quân, 20 nghìn chiến mã (đông hơn sức chứa sân vận động Nou Camp của Barcelona), đại quân tiến thần tốc từ Lạng Sơn đến đây.

Hai mươi năm trước, viên tướng trẻ Liễu Thăng khi qua diệt vương triều của Hồ Quý Ly đã từng chinh chiến tại vùng đất này, đánh thắng trăm trận. Lần này trở lại, hắn tự đắc biết lực lượng mình còn mạnh hơn xưa.

Trận Chi Lăng bắt đầu rất thuận lợi với quân Minh. Địa hình cửa ải cực kỳ chật hẹp cũng không ngăn được kỵ binh xung phong vượt Quỷ Môn Quan. Bất chấp lời cảnh báo: 

Quỷ Môn Quan 
Quỷ Môn Quan 
Thập nhân khứ
Nhất nhân hoàn. 

Dịch: 

Ải địa ngục
Ải địa ngục
Mười người đi
Một người về.

An Viễn hầu Liễu Thăng dẫn đầu 100 kỵ sĩ vượt lên trước. Hôm nay sẽ lại là một ngày vinh quang nữa của đại tướng quân.

Trước khi đánh trận Chi Lăng, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tính toán kỹ về địa đồ. Ải Chi Lăng như một thung lũng bé hình bầu dục. Lòng ải đã hẹp lại thêm 5 ngọn núi đá nhỏ khép lại tạo thành một địa hình hết sức hiểm trở. Phía nam ải Chi Lăng là ngọn núi Mã Yên, dưới chân núi là cánh đồng lầy lội. Nguyễn Trãi đã dặn thật kỹ các tướng chỉ được đánh lấy thua, cứ tha hồ bỏ chạy, miễn là dụ được Liễu Thăng vào cánh đồng sình lầy ấy.

Quả nhiên Liễu Thăng mắc bẫy, đội hình kỵ binh phi thẳng vào bãi sình, hỗn loạn không thể tả. Quân Lam Sơn bất ngờ xuất hiện như ma quỷ ở khắp xung quanh, phóng lao bắn tên điên cuồng xuống chân núi Mã Yên. Sau đó các thanh niên Việt Nam tràn xuống như thác lũ đâm chém túi bụi, khung cảnh không khác gì một vụ thảm sát. Trần Lựu đã dụ thành công Thăng đến tử địa Skyfall này.

Let the sky fall
When it crumbles
We will stand tall
Face it all together
At skyfall
That skyfall

Bùn đất làm Thăng ngã ngựa. Thăng quen ỷ vào kĩ thuật duel trên lưng ngựa, chứ đánh nhau trong bùn sình thì lại chưa từng thực hành bao giờ, do đó bị chặt bay đầu. 100 anh trẻ trâu ra đi tìm đường cứu nước cùng hát vang bài Xuân này con không về tại Quỷ Môn Quan.

Nói chung Liễu Thăng là viên tướng có sức khỏe mạnh mẽ, từng đánh bại cướp biển Nhật Bản, quân Mông Cổ. Là tướng chuyên đánh tiên phong, khả năng duel cao. Chính vì đã từng đánh bại Mông Cổ nên khi Thăng sang Việt Nam chưa gì đã khinh địch rồi. Lý Khánh hết sức khuyên can rằng ông đừng có đi qua đây, chết hết bây giờ, nhưng Thăng mặc kệ. Nói Thăng hữu dũng vô mưu thì chắc cũng hơi oan cho Thăng, nhưng vì quá coi thường đối thủ, quá ỷ sức khỏe của mình, nên chết vì khinh địch.

Về bản chất Liễu thăng là tên tướng chỉ huy đội quân súng pháo vô địch đầu tiên của thế giới. Do đó khi hắn di chuyển nhanh vì ham lập công nên nhóm súng pháo phía sau bị bỏ rơi, dẫn đến toán kỵ sĩ chạy trước bị phục kích và tử nạn. Đạo quân tiếp viện này mạnh lắm, tập trung toàn tinh binh chủ lực. Nếu không có Nguyễn Trãi thì cũng chưa biết lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ diễn tiến thế nào nữa.

Clip mình đến Chi Lăng: https://goo.gl/yVsSAH
Chi tiết

Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy...


Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy
Khóc tiễn cha đi mấy dặm đường...

Năm 1407, quân Minh sang xâm lược nước ta. Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đưa về Kim Lăng. Nguyễn Trãi định cùng theo sang Trung Quốc để phụng dưỡng cha cho trọn chữ hiếu. Nhưng đến ải Nam Quan thì Nguyễn Phi Khanh khuyên con hãy trở về tìm cách rửa thẹn cho nước, phục thù cho cha, như thế mới chính là đại hiếu. Về sau Nguyễn Trãi đã thực hiện xuất sắc lời hứa ấy, nhưng hai cha con vĩnh viễn không bao giờ còn gặp nhau. 

Sử Việt mình không thiếu những khoảnh khắc hay và cảm động như trong tiểu thuyết. Có lẽ sau khi hoàn thành về Tây Sơn mình sẽ quay ngược lại thời đại của Lam Sơn, nơi một cuộc chiến anh hùng khác cũng phải được kể: đại chiến Tốt Động, mai phục Chúc Động, vây hãm Nghệ An, rửa hận Chi Lăng...

"Đây là chốn ải địa đầu nước Việt 
Khắc trong lòng ghi nhớ hận Nam Quan 
Bao năm trời nằm sương và gối tuyết 
Cha hằng mong thiên hạ được bình an."
Chi tiết

Cảm nghĩ về Nguyễn Trãi


Trong lịch sử Việt Nam thì mình thấy đáng được tôn trọng nhất là Nguyễn Trãi.

-Mưu trí: ngày đó nhà Minh là đế chế hùng mạnh nhất thế giới và đã thôn tính hoàn toàn Việt Nam. Nhưng nhờ Nguyễn Trãi làm mưu sĩ vạch đường, chỉ kế mà một nhóm quân kháng chiến nhỏ bé trong vùng núi Lam Sơn có thể chiến thắng đế quốc hùng mạnh nay. Nhà Lê sở dĩ lấy được thiên hạ phần lớn do sức ông cả.

-Khí phách: bài Bình Ngô đại cáo, nếu nắm được bối cảnh kinh khủng mà dân tộc phải chịu đựng trong 10 năm đồng hóa và tàn sát của nhà Minh thì mới thấy nó rất hào hùng.

"Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ"

-Nhân hậu: có lần 7 tên ăn trộm đều còn ít tuổi can tội tái phạm, hình quan chiếu luật xử chém. Vua đem việc ấy hỏi Nguyễn Trãi, khi ấy Nguyễn Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải hành vi của bậc đại đức...". Tâm hồn Ức Trai tiên sinh trong sáng như sao Khuê buổi sớm.

-Trung thành: luôn hết lòng phụng sự thiên tử. Nước Việt ta, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, đời nào sáng lập cơ nghiệp đế vương, tất cũng đều phải có các tướng tá giúp sức, nhưng tìm được người toàn tài toàn đức như Ức Trai tiên sinh, thật là ít lắm.

-Can đảm: tuy hay dâng lời khuyên răn cho vua nên thường bị ghét, nhưng không khuất phục. 

-Một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn chính luận kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới. Văn chương của ông đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường, có khí lực dồi dào, đọc không chán miệng. Nguyễn Mộng Tuân xem ông là bậc văn bá.

----

Đáng tiếc vì vụ án oan Lệ Chi Viên mà Nguyễn Trãi cùng gia quyến đều bị tru di tam tộc. Vị khai quốc công thần có một cuộc đời anh hùng hiển hách đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 63 trong một hoàn cảnh bi phẫn và oan khuất. Mình có bài thơ tặng ông :(

Miếu thờ học sĩ ở đâu đây?
Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tại đất này.
Cỏ biếc vươn thềm tươi với đá,
Oanh vàng khuất lá hót cùng ai?
Lê vương bao bận cầu mưu lớn,
Lão tướng hai triều nặng gánh vai.
Cơ nghiệp chưa thành thân đã thác,
Anh hùng xem sử lệ chưa phai.
Chi tiết

Chiến thắng Lam Sơn vĩ đại thế nào?


Muốn biết chiến thắng Lam Sơn vĩ đại thế nào thì bạn có thể nhìn vào bản đồ này. Từ khi Hồ Quý Ly bị bắt ở núi Thiên Cầm, nước mình mất toàn bộ sạch sành sanh vào tay Trung Quốc. Rút kinh nghiệm trong quá khứ, Đại Minh lần này ra sức tận diệt văn hóa và con người Việt Nam. 

"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả,
Chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen,
Nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi."

Quân Lam Sơn kiểu như cứu tinh của dân tộc ấy, xuất hiện kịp thời vãi luôn. Thời điểm đó không có team này chắc giờ dân mình nỉ hảo ngộ tả lị xỉ rồi. Mới đầu có 19 người do Lê Lợi đứng đầu, sau này anh hùng thiên hạ nước Việt nghe tiếng tăm liền ồ ạt kéo về Lam Sơn, từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Chích, từ Trần Nguyên Hãn đến Lưu Nhân Chú. grin emoticon

"Núi Lam sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống!"

Chiến thắng Lam Sơn theo mình là một chuỗi những hoạt động quân sự và ngoại giao khéo léo của Việt Nam. Chỉ cần sai một bước thôi là bị dập te tua, vì quả thật thời đó nhà Minh mạnh nhất địa cầu, còn team mình toàn nông dân. Hú hồn nhất là lúc carry Lê Lợi xém bị bắt, Lê Lai phải cải trang ra support chết thay. Thế nên sau này Lê Lợi cảm động lắm, bảo rằng mỗi năm giỗ Lê Lai trước rồi mới làm cho mình.

Nguyễn Trãi đi phượt 10 năm, lang thang buồn bã khắp đất nước đã mất, tới hồi về theo Lê Lợi thì tha hồ trổ tài. Vua Minh lúc ấy kiểu như Voldemort, đâu ai dám xúc phạm, nhưng cụ Trãi tự tin đến mức chửi thẳng luôn: "Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng."

Việt Nam được cái ngày thường dân chúng chửi nhau chí chóe, nhưng khi đánh ngoại xâm thì đoàn kết lạ lùng:

"Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều."

Không biết bây giờ tinh thần ấy có còn không? Bạn nào muốn đọc thêm về trận Chi Lăng thì có thể đọc bài mình vừa đăng hôm qua nhé. Khởi nghĩa Lam Sơn luôn là đề tài ưa thích của mình vì nó quá anh hùng. Mình đã đi khảo sát thực địa tại Chi Lăng, Xương Giang, Lạng Giang, Bình Than... những nơi được nhắc đến trong Bình Ngô đại cáo. Năm sau khi ghé đúng Lam Sơn mình sẽ chụp hình cho các bạn xem.
Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc