Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyện hậu Lệ Chi Viên- giải oan Nguyễn Trãi

Chia sẻ



Trời mưa to lắm, to bất thường giữa mùa hè tháng 8. Ngô Thị Ngọc Dao nấp sau tán cây đằng xa, chứng kiến Nguyễn Trãi bị chém đầu. Ngực bà đau thắt lại như có ngàn mũi dao đâm:

-Ân nhân, ân nhân chết thảm quá...

Bà khóc không thành tiếng, nước mắt rơi hòa cùng cơn mưa lớn ngoài kia. Cậu bé Tư Thành ngây thơ ngáp lớn và rúc vào lòng mẹ ngủ ngon lành. Nắm tay nhỏ xíu của cậu nắm lấy ngực áo Ngọc Dao. Cậu không biết rằng, vị tiên sinh tóc bạc phơ ngoài kia vì cứu hai mẹ con cậu mà phải trả giá bằng mạng sống của ông và cả gia tộc.

Sau khi Nguyễn Trãi tạ thế, Ngọc Dao nuôi Tư Thành trong chùa Hoa Văn. Bà mẹ đơn thân lấy đứa con bé bỏng làm niềm vui hiếm hoi của cuộc sống. Đến năm Tư Thành lên 4 tuổi, một hôm có người đến chùa. Bà Ngọc Dao đang nấu cơm trong bếp, nghe tiếng con trai kêu mẹ mẹ. Bà nói lớn:

-Ơi mẹ ra ngay.

Rồi bà bỏ nồi cơm ra để xem con gọi gì. Và Ngọc Dao như đứng tim khi nhìn thấy hoàng hậu Nguyễn Thị Anh trong sân chùa, đang chơi đùa cùng cậu bé. Hoàng hậu thấy Ngọc Dao, bà mỉm cười rồi nói:

-Ta đến đón mẹ con muội về cung.

Ngọc Dao vẫn chưa tin:

-Về cung…?

Nguyễn Thị Anh nói tiếp:

-Ta cảm thấy ăn năn vì đã đối xử với mẹ con muội như vậy trong suốt những năm tháng qua. Ta muốn làm gì đó chuộc lỗi. Xe ngựa đang đợi ở ngoài, muội cùng theo ta về đi Ngọc Dao.

Tư Thành có vẻ rất thích hoàng hậu, cậu bé cứ quấn lấy chân bà. Ngọc Dao thấy con trai mình như vậy thì đành đồng ý. Bà thu xếp đồ đạc rồi đi ra xe ngựa. Trước khi lên xe, bà ngoái lại lần cuối chùa Hoa Văn rêu phong, nơi những năm tháng lưu lạc bà và Tư Thành sống ở đó. 

Thái độ của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh thay đổi như vậy là do Bang Cơ con bà đã lên làm vua, bà yên tâm rồi, và Tư Thành không còn là mối đe dọa nữa. Hoàng tử Tư Thành tuy sống trong chùa từ bé nhưng thích nghi với cuộc sống hoàng cung khá nhanh. Tư Thành có khuôn mặt tuyệt đẹp, vừa anh tuấn vừa nhân hậu, dáng điệu thì oai phong, đường hoàng, nhìn kỹ thì có nét nghiêm trang. Tư Thành đi học cùng các hoàng tử khác tại Kinh diên. Do tư chất thông minh quá nên hay bị mấy ông thầy ở đó “soi” và trầm trồ. Cậu bé cảm thấy ngại nên sống kín đáo, thỉnh thoảng lại giả khờ, không muốn bộc lộ vẻ tinh anh ra ngoài. Cậu chỉ có đam mê đọc sách, cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm, từ Harry Potter cho đến Thần Điêu Đại Hiệp chỉ trong 3 ngày là xong (j/k). Cậu thích người hiền lành và ưa làm việc thiện. Tư Thành là mẫu "con nhà người ta" tiêu biểu mà lại có thật. Nguyễn Thị Anh trước đây vốn ác cảm cũng dần dần thấy thương cậu. Về sau thậm chí bà còn yêu Tư Thành như con đẻ, rất cưng cậu bé. Vua Bang Cơ cũng rất quý đứa em của mình.

Vào một đêm khuya thanh vắng, khi vua Bang Cơ đang ngủ thì có thích khách. Vua hộc lên một tiếng khi lưỡi dao cắm ngập vào ngực. Máu văng tung tóe khắp long sàng. Từ trong bóng tối một người bước ra. Đó chính là Nghi Dân, hoàng tử trưởng của vua Thái Tông (người đã qua đời trong vụ Lệ Chi Viên)

-Đáng lẽ chức vị thiên tử phải là của ta. Tại sao Bang Cơ lại được nhường ngôi? Ta là anh nó cơ mà!

Đêm nay Nghi Dân làm phản. Hắn quát lớn rồi vung tay, quân binh tràn vào phong tỏa mọi hướng. Vua Bang Cơ chết tức tưởi. Đến sáng thì bà Nguyễn Thị Anh cũng bị ám sát. Ba ngày sau Nghi Dân chính thức lên ngôi hoàng đế. Nhưng ông vua mới này đã mang tội phản nghịch, lại không có tài cán gì. Nghi Dân rất thích nghe nịnh nọt, tin dùng gian thần, sử dụng luật pháp lung tung khiến mọi người đều ghét. Các quan văn võ bàn nhau lập team để tiến hành lật đổ. Do mọi người rất đồng lòng nên cuối cùng cũng thành công. Nghi Dân làm vua được có 8 tháng là đã bị đạp đít xuống. Giờ là chọn người kế vị, các “giám khảo” thảo luận:

-Chọn thí sinh nào giỏi giỏi tí làm vua chứ cứ như thể loại kia thì sida không đỡ được. Hoàng tử Tư Thành thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương tử không ai so được, lòng người đều theo. Hãy về đội của chúng tôi, sân khấu này là của em.

Và thế là Lê Tư Thành trở thành vị vua thứ năm của nhà Hậu Lê khi tròn 18 tuổi, gọi là Lê Thánh Tông. Phải nói thế nào nhỉ? Đây đích thị là ông vua hoàn hảo nhất lịch sử Việt Nam. Thời của Tư Thành mọi lĩnh vực của Việt Nam đều tỏa sáng trên trường quốc tế. Nói chung mặt nào cũng ngon cả, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự. "Hồng Đức thịnh thế" là một trong những thời kỳ hiếm hoi mà người dân Việt Nam có thể “chảnh”, có thể ngửng mặt song song với bầu trời vì chúng ta thật sự là một cường quốc. Đại Việt không còn là vương quốc mà đạt tới gần ngưỡng của đế chế. Nước ta khi đó hóa rồng vươn mình lên trở thành một thế lực hùng mạnh, có "số má", nhận được sự nể phục của tất cả các nước xung quanh. Việt Nam có lần cân cả bảy nước Bồn Man, Champa, Chân Lạp, Lan Xang, Chiang Mai, Ayutthaya, Ava (thêm ông Đại Minh ăn hôi). Ta chinh phục được một em và bắt sáu em còn lại thần phục. 

Tư Thành không những thông minh uyên bác mà còn vô cùng can đảm. Hầu như mỗi lần có đánh nhau là ông đều rời kinh thành để đi cùng mọi người và trực tiếp chỉ huy. Ông tự mình chinh phạt Champa, hủy diệt kinh đô Đồ Bàn, sát nhập một vùng từ Đà Nẵng tới Bình Thuận vào bản đồ Việt Nam. Đấy, hiển hách là thế đấy.

Những thành tựu đạt được trong đời của Tư Thành thật to lớn, nhưng không vì vậy mà vua quên ân nhân của mình. Trước đây khi còn sống Bang Cơ có nhận xét về Nguyễn Trãi: 

-Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng.

Thì bây giờ Tư Thành chính thức minh oan cho ông. Vua vi hành đến Côn Sơn, ngôi nhà xưa của Nguyễn Trãi lúc này đã hoang tàn xơ xác. Cảnh vật âm u cô tịnh không còn chút gì của sự sống. Cũng đúng, cả nhà bị tru di tam tộc thì lấy ai chăm sóc quét dọn? Bất giác xúc động ứa lệ, vua sai người hầu để lư hương phía trước, mình thì quỳ xuống thắp cho Ức Trai một nén nhang:

-Nếu không có tiên sinh thì mẹ con trẫm đã không có ngày hôm nay. Tiên sinh sống khôn thác thiêng, trên trời cao hãy nhận một khấn này của trẫm. 

Ông xóa bỏ mọi tội trạng Lệ Chi Viên, ca ngợi Nguyễn Trãi là “văn chương Ức Trai lòng soi sáng” và cho khắc mấy chữ đó lên bia, truy tặng tước Tán Trù Bá. Vua xuống chiếu cho người đi tìm dòng dõi của ông. May thay, một người vợ của Nguyễn Trãi ở miền đông bắc lúc ấy đã có mang, sau sinh ra Nguyễn Tạc Tổ, hiệu là Anh Vũ. Ông ban cho Anh Vũ chức quan, rồi làm chánh sứ để bang giao với Trung Hoa. Sau đó vua ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi để bảo tồn vĩnh viễn cho đời sau.

Mười năm cách biệt chốn gia san,
Tùng cúc về thăm đã mọc lan.
Thân ấy trót quăng theo gió bụi,
Ước xưa đã phụ với lâm toàn.
Quê hương về tưởng trong mơ mộng,
Binh lửa từng qua lắm hiểm gian.
Bao được non mây nhà một túp,
Trà chuyên nước suối ngủ bên ngàn.
(Sau thời loạn về Côn Sơn cảm tác - Nguyễn Trãi)

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc