Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Khởi nghĩa Lam Sơn

Chia sẻ
Năm 1407.

Đại Việt bị xóa sổ trên bản đồ thế giới, sát nhập hoàn toàn vào Đại Minh. Nước ta giữ được chủ quyền 500 năm thì đến lúc này đã biến mất. Dân Việt Nam như thua cay một ván cờ, thua cay không phải vì thiếu tư cách chơi ván cờ với bắc phương, mà vì người đứng đầu thiên hạ không đủ tài giữ nước. Nhà Hồ tan vỡ, nhà Hậu Trần ngã quỵ. Cái thời đại anh hùng của Trần triều tam kiệt Quốc Tuấn, Quang Khải, Nhật Duật đã trôi đi xa lắm rồi…

Nhưng đó chưa phải là kết thúc.

Lê Lợi bước vào showbiz lịch sử Việt Nam như là nhân vật chính tiếp theo. Ông được toàn dân chọn mặt gửi vàng. Nhà Lê Lợi rất giàu, nhưng trong cái cảnh quốc phá gia vong, ông không chịu khoanh tay nhìn dân tộc chết dần chết mòn và sống cái sống nhục nhã của người dân mất nước. 

Nhiều đêm Lê Lợi miệt mài ngồi đọc binh thư để sau này có cái mà dùng. Rồi ông đem tiền để chiêu nạp anh hùng trong thiên hạ. Bọn giặc Minh cho người tới dụ làm quan nhưng ông nhất định từ chối. Thanh niên này cũng cứng lắm. Nhà Minh khi đó là đế chế ghê gớm nhất địa cầu. 49% lượng hàng hóa thế giới là của Đại Minh. Binh hùng tướng mạnh, quốc khố dồi dào, có thể xem là Mỹ của bấy giờ. Chưa kể nó còn ăn cắp được công thức súng thần cơ của mình, là loại súng chế tạo theo công nghệ tiên tiến hiện đại có sức công phá sấm sét. Súng này vô đối đến mức Minh Thành Tổ ngạo mạn là vậy mà cũng phải gọi là "thần hỏa khí", bảo khi tế súng phải tế cả Hồ Nguyên Trừng. Thế mà không những Lê Lợi từ chối lời mời của Đại Minh, lại còn muốn phang nhau với nó.

-Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược!

Danh tiếng của Lê Lợi khi ấy còn to hơn Mr Đàm bây giờ, ai ai cũng biết. Thế nên khi ông đến Lam Sơn, một nơi âm u hiểm trở thì vẫn có rất nhiều người tìm đến. Trong số đó có Nguyễn Trãi.

Bố của Nguyễn Trãi là một anh học trò nghèo, còn mẹ là một tiểu thư đài các quý tộc của nhà Trần. Hai người phải vượt biết bao khó khăn mới lấy được nhau, sinh ra Nguyễn Trãi. Tuổi thơ Nguyễn Trãi là một thời kỳ nghèo khó nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập, nổi tiếng là một người học cao, có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân. Một thời gian sau thì nhà Trần bị tiêu diệt, Nguyễn Trãi ra làm quan cho nhà Hồ. 

Vua nhà Minh lúc bấy giờ mới bày ra cái trò "đòi lại công lý cho nhà Trần" bằng cách dẫn quân vào Việt Nam đánh Hồ Quý Ly. Mà mấy bạn biết là bọn Tàu khựa có tốt đẹp gì, nó đánh giùm xong sẵn nó cướp luôn. Kể từ thời Ngô Quyền đến giờ thì gần nửa thiên niên kỷ bọn Tàu mới đạt được mục đích xâm lăng thành công nước ta.

Thằng Tàu khi nó cai trị thì coi dân Việt mình còn thua cả súc vật. Mấy câu trong bình Ngô đại cáo mà Nguyễn Trãi viết về sau không hề hư cấu:

"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?"

Nói chung thì mấy câu trên là nghĩa đen luôn, nó vừa giết, vừa tra tấn, vừa đồng hóa dân mình. Chặt đầu, đốt xác, cuốn ruột vào cây... để khủng bố tinh thần người Việt. Bắt dân ta học chữ Hán. Người tài năng, có sức khỏe, các thợ giỏi bắt mang về Trung Quốc. Đại Việt từ khi chính thức độc lập vào thế kỷ 10, trải qua hơn 500 năm đã lớn mạnh nhanh chóng, giữ vững bờ cõi, xâm lấn về phía nam, tất cả các mặt đều phát triển mạnh mẽ, nhất là văn hóa đã trở thành quốc hồn quốc túy và có nhiều nét riêng biệt so với Bắc triều. Cho nên Minh Thành Tổ khi xâm lược Việt Nam đã viết:

"Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót."

Minh Thành Tổ sau đó ra chiếu lệnh thứ hai nhằm hủy diệt văn hóa triệt để hơn:

"Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian,… các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết. Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại."

Sự hủy diệt đó khiến Ngô Sĩ Liên, nhà sử học chứng kiến những sự kiện này than rằng:

"Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cuồng bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn."

Lấy đi sách vở của người Việt, nhà Minh mang sang những sách vở Trung Quốc phát cho các thôn, huyện để tuyên truyền văn hóa Trung Quốc. Nhưng cái mà mình tức nhất là "An Nam tứ đại khí", bốn bảo vật trấn quốc của Việt Nam gồm Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điển, Vạc Phổ Minh cũng bị bọn Tàu khựa đem phá nát để chế thành súng cho bọn nó xài. Mất dạy.

Ngày cha Nguyễn Trãi bị bắt qua Tàu, ông có theo chân lên tận cửa ải. Nhưng cha bảo ông về đi, muốn qua Tàu gặp Long Cô Côi à? Lo về mà nghĩ cách cứu lấy dân tộc khốn khổ này. Ông đau lòng lắm nhưng nghe lời cha quay lại. Hai cha con vĩnh viễn ly biệt từ đây.

Nguyễn Trãi phiêu bạt giang hồ 10 năm, lang thang đi đâu không rõ. Chỉ biết một hôm đang ngủ ở quán Trấn Vũ thì ông thấy tiếng ai đó nói văng vẳng:

“Tin tuyển dụng. Nghĩa quân Lam Sơn đang cần tuyển gấp một quân sư. Không cần kinh nghiệm, sẽ được đào tạo. Bao ăn ở ngày 3 bữa. Mọi chi tiết xin liên hệ Mr Lê Lợi.”

Thế là Nguyễn Trãi lên đường. Về Lam Sơn thì tài năng của Nguyễn Trãi phát huy cực hạn. Lê Lợi luôn cùng ông bàn việc như hình với bóng. Người ta nói Lê Lợi đi đâu, Nguyễn Trãi theo đấy, thân thiết như huynh đệ. Hình ảnh vị thiên tử tương lai đứng nhìn xa xăm theo dõi chiến trường, bên cạnh là vị quân sư tài hoa là điều thường thấy tại Lam Sơn khi đó. Quả thật Nguyễn Trãi đến đây giống như:

"Cá rời khe xanh vừa gặp nước,
Rồng vươn trời Việt tạo thành mây."

Nguyễn Trãi và Nguyễn Chích bày mưu tính kế cho nghĩa quân Lam Sơn đánh trận. Đặc biệt Nguyễn Trãi có một skill rất bá đạo là “thông não đại pháp”. Nhiều thành trì ông chả cần phải đánh, cứ viết thư gửi cho tướng địch, nó đọc xong tự xoắn rồi ra đầu hàng. Hết sức lợi hại.

Sau 20 năm mất nước, cái tên Đại Việt lại một lần nữa xuất hiện sau đại thắng Chi Lăng. Nguyễn Trãi dùng kỳ mưu chém đầu được danh tướng vô địch Liễu Thăng. Nhà Minh bị đánh đuổi, nước Việt hồi sinh dưới triều đại nhà Lê. Bao nhiêu dân tộc bị đô hộ đã không bao giờ gượng dậy nổi, mãi mãi chìm vào lãng quên trong cát bụi thời gian. Nhưng chúng ta, một đội quân toàn nông dân đã làm được kỳ tích này, trước đế chế mạnh nhất thế giới.

“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thưở nền thái bình vững chắc.”
(Bình Ngô đại cáo)

Nguyễn Trãi là một trong những người cứu lấy dân tộc này thoát khỏi họa diệt chủng, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho bi kịch đời ông.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc