Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Cảm nghĩ về cặp kỳ phùng địch thủ Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh

Chia sẻ
nguyen hue

Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, Quang Trung và Gia Long, kiêu hùng và gian hùng. Họ là cặp kỳ phùng địch thủ xứng đáng và xuất chúng nhất lịch sử Việt Nam. Mối thù của họ có thể gọi là: "Người này không thể sống khi kẻ kia còn tồn tại".

Quang Trung xuất thân lao động. Ông là vị hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông, dù đối với dân chúng rất tàn bạo, nhưng dưới danh hiệu Long Nhương tướng quân, Bắc Bình vương hay Quang Trung hoàng đế, ông đều lập công trạng hiển hách, đánh khắp thiên hạ không địch thủ, chưa từng thất bại một trận nào. Càn Long hay Thái Lan nghe đến Quang Trung là tái mặt.

Gia Long xuất thân quyền quý. Trong lịch sử vương quyền, chưa một vị vua nào như Gia Long, trước khi ngồi trên ngai vàng cuộc đời và sự nghiệp lại nhiều gian lao và thách đố đến như vậy, cũng chưa thấy ai đầy lòng kiên nhẫn để mưu nghiệp lớn như Gia Long. Công tâm mà nói, chúa Nguyễn cũng là một hào kiệt có thừa dũng chí. Trong 24 năm, dù bị thua hết trận này đến trận khác, chạy trốn hết nơi này đến nơi khác, bao lần đối đầu với “cái chết trước mắt”; vẫn không từ bỏ quyết tâm giành lại cơ đồ. Giống như Napoleon từng nói: "Ta có thể thất bại trong một trận đánh, nhưng ta sẽ thắng cả một cuộc chiến tranh".

Mình để ý lúc bàn về Nguyễn Ánh thì các sử gia hay dùng từ "cõng rắn cắn gà nhà" khi ông cầu viện quân Pháp và Thái Lan. Việc này mình sẽ nói rõ chút. Thông thường khi hai đối thủ đánh nhau thì họ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt nhau bằng vũ khí và nhân lực. Nếu họ không đủ sức nội bộ thì sẽ nhờ cậy lực lượng ở bên ngoài. Điều này Tây Sơn cũng đã làm.

Khi Nguyễn Huệ gặp Charles Chapman, ông vội vã bàn chuyện buôn bán, mời mọc về nhà riêng. Ông hỏi Charles Chapman có thể dùng tàu của ông ta giúp Tây Sơn không. Nguyễn Huệ muốn có cố vấn Anh, tàu chiến Anh phụ giúp để lấy các tỉnh Bắc Việt, đồng thời chiếm luôn Campuchia và Thái Lan. Đổi lại Tây Sơn sẽ nhường đất cho nước Anh lập thương điếm.

Nói chung Tây Sơn thực sự âm mưu nhờ cậy nước ngoài và đã thực hiện mưu đồ đó, nhưng cuối cùng không thành, vì Nguyễn Huệ thiếu trung gian là giới thương nhân người Hoa. Mà bộ phận này vốn đóng vai trò rất quan trọng khi người Việt mình giao thương với phương Tây. Nguyên nhân là do Tây Sơn đã ngược đãi và tàn sát người Hoa khi chiếm đóng Sài Gòn. Trong việc giao tiếp với nước ngoài, Nguyễn Ánh đã khôn khéo hơn. 

Nhưng sự thành công của Nguyễn Ánh hoàn toàn không nhờ tất cả vào thế lực ngoại bang, mà do ông cực kỳ kiên trì, chiến đấu bền bỉ, giao dịch khéo léo với người ngoại quốc, và nhất là đạt được ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa ở xứ Đàng Trong (người miền nam rất thích Nguyễn Ánh), như câu ca dao phổ biến về việc tiến quân ra bắc của Nguyễn Ánh bình định toàn cõi Việt Nam:

“Lạy trời cho chóng gió nồm
Để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra.”

Có người cho rằng nếu vua Quang Trung không mất sớm thì sự nghiệp dựng nước và mở nước của ông không kém gì vua Gia Long. Điều này có thể đúng trong đời vua Quang Trung vì ông thực sự là một vị hoàng đế thông minh và tài ba. Nhưng xét đến đời con vua Quang Trung tức vua Cảnh Thịnh, thì ông nội này chả có có tài năng gì, bản lãnh cũng không. Mà nội bộ triều Tây Sơn lúc bấy giờ lục đục, các tướng ghét nhau, cho nên không hẳn Tây Sơn sẽ có những triều đại kế tiếp lâu dài về sau.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc