Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Nếu vua Quang Trung không đột ngột qua đời?

Chia sẻ
quang trung

Như ta đã biết, sau khi Nguyễn Ánh đốt rất nhiều chiến thuyền của Tây Sơn ở Thị Nại thì Nguyễn Huệ điên máu, đời ông chưa bao giờ bị ai sỉ nhục như vậy. Thế nên năm 1792 đại quân Tây Sơn chia làm 3 đường nam tiến để bắt bằng được Nguyễn Ánh. Nhưng sau đó vua mất đột ngột nên kế hoạch dở dang.

Đấy, lịch sử đại khái là vậy, nhưng Lộc tôi muốn thử nắn lại dòng lịch sử một chút. Là vua Quang Trung không chết, nhưng kế hoạch nam tiến phải dừng vì một nguyên nhân khác.

-Càn Long lại dẫn đại binh tới?

Nguyễn Huệ hỏi khi nhận được tin tình báo.

-Ước lượng bao nhiêu?

-Khoảng 40 vạn quân thưa hoàng thượng.

Ông suy nghĩ một chút rồi nói:

-Được rồi, lệnh cho toàn quân dừng hẳn mọi kế hoạch nam tiến. Chỉ giữ một cánh quân chặn ở Quy Nhơn để ngăn Nguyễn Ánh đánh lén. Còn lại rút về bắc đóng ở Tam Điệp chuẩn bị đánh Mãn Thanh.

Vua vừa tuyên bố thì lại nghe ngoài sân chầu có tiếng kêu lớn. Rồi Trần Quang Diệu chạy xồng xộc vào điện Đan Dương:

-CẤP BÁO! Trinh sát miền trung vừa phát hiện dấu hiệu đáng ngờ ở biên giới. Quân Lạng Xạn, Chân Lạp và Xiêm La đang đóng đại binh dọc theo lãnh thổ nước ta, doanh trại đang được dựng lên cấp tốc.

Nguyễn Huệ nhíu mày, phía nam thì đang đau đầu với Nguyễn Ánh, phía bắc thì Mãn Thanh xâm phạm bờ cõi, chưa kể ba nước phía tây đồng loạt khởi binh. Nếu đấu với từng đối thủ một thì ông không ngán ai, nhưng thập diện mai phục thế này thì thật sự nan giải. 

-Đem giấy bút lại đây cho ta, ta có việc cần làm.

-Vâng thưa hoàng thượng.

Nguyễn Huệ trải giấy lên bàn rồi bắt đầu viết. Lá thư thứ nhất gửi Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, căn dặn hai người triển khai quân đội ra toàn tuyến biên giới phía tây. Lá thư thứ hai, ông ngập ngừng, rồi đặt bút viết. Lá thư này gửi Nguyễn Ánh, mời Ánh ra Phú Xuân bàn việc. Viết xong ông gấp lại rồi đưa Trần Quang Diệu, dặn là gửi hỏa tốc vào miền nam. Trần Quang Diệu vâng mệnh rồi lui ra.

Thù trong giặc ngoài, nếu tạm thời gác được thù trong để chống lại giặc ngoài thì đó là việc nên làm. Ông không hy vọng Nguyễn Ánh sẽ đến Phú Xuân, nhưng ít ra lời lẽ mềm mỏng trong thư sẽ khiến hắn suy nghĩ lại tình hình hiện nay mà ngưng việc quấy phá. Thế nhưng Nguyễn Ánh lại đến thật.

Khoảng một tháng sau khi bức thư được Trần Quang Diệu đem đi thì một tối tại cung điện Đan Dương, binh lính chạy vào báo tin rằng Nguyễn Ánh đã đến, và đến một mình. Nguyễn Huệ cho ngự trù chuẩn bị bàn tiệc rồi tự mình ra đón Nguyễn Ánh. Ông nai nịt ăn vận thật oai phong để tỏ rõ cái uy của Quang Trung hoàng đế rồi đứng nghiêm trang trước điện Đan Dương chờ.

Một thanh niên trẻ tuổi cưỡi ngựa xuất hiện từ đằng xa. Đây là khoảnh khắc lịch sử khi hai kẻ thù không đội trời chung lần đầu tiên nhìn thấy nhau. Nguyễn Ánh khuôn mặt sắc lạnh, ăn vận sang trọng. Tuy nhà tan cửa nát, lăn lộn giang hồ đã lâu nên dung nhan có nét phong trần, nhưng vẫn không giấu được phong thái quyền quý của con nhà chúa. Nguyễn Huệ thấy vậy cũng phải tấm tắc mà khen trong bụng. Bên ngoài ông thô dữ nhưng bên trong lại tinh tế. Ông lấy lễ chủ khách đối đãi với Nguyễn Ánh rất đúng phép.

-Xin mời, tiệc đã dọn sẵn.

Nguyễn Ánh xuống ngựa, lạnh lùng không nói gì, bước vào điện Đan Dương. Khi hai người đã ngồi vào bàn tiệc, Nguyễn Huệ rót rượu, Ánh lúc này mới lên tiếng:

-Ngươi cứ để trẫm tự nhiên, trẫm tự rót được.

-Trẫm?

Vua Quang Trung hỏi, Nguyễn Ánh nói tiếp:

-Sau này thế nào ta chẳng tiêu diệt được ngươi để lên ngôi hoàng đế?

Nguyễn Huệ có chút bất ngờ, sau lại cười lớn, tiểu tử này khẩu khí khá thật. Đứng trước Quang Trung không ai dám hỗn láo. Thần thái của Quang Trung toát lên vẻ kiêu hùng, không ai không khiếp sợ. Tính ra năm nay vua 39 tuổi, còn Ánh thì mới 30, vậy mà hắn không chút kiêng nể. Ánh đưa rượu lên nhấp môi rồi nói:

-Liên minh của chúng ta chỉ là tạm thời thôi, Huệ. Xong việc ngươi sẽ trả giá.

Nguyễn Huệ vốn là bậc quảng đại, đâu coi những lời khiêu khích ấy ra gì, ông nói:

-Ta biết ngươi được lòng dân nam bộ, muốn lật đổ được ta hoàn toàn là điều có thể. Nhưng giờ tạm gác lại chuyện đó đi, cùng ta bàn kế phá Mãn Thanh.

-Ta tưởng ngươi có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp?

-Nguyễn Thiếp tiên sinh đã được ta gửi đến mặt trận phía tây giúp đỡ huynh đệ chống bọn Lạn Xạng, Chân Lạp và Xiêm La rồi.

-Và ngươi tin ta sẽ giúp ngươi thật lòng?

Nguyễn Ánh cười khẩy. Vua Quang Trung bối rối, nhãn quang sáng rực của ông luôn có thể nhìn thấu tâm can người khác, nhưng không hiểu sao lại chẳng hiệu nghiệm lên Nguyễn Ánh. Đôi mắt sắc lạnh của Nguyễn Ánh chẳng để lộ một chút cảm xúc nào cả, hoàn toàn không. Ông không biết hắn đang nghĩ gì, đang suy tính cái gì, nhìn vào đôi mắt Nguyễn Ánh như nhìn vào một vùng băng giá vô định.

-Ta tin ngươi, vì ngươi đã can đảm đến Phú Xuân một mình.

Nguyễn Huệ nói. Hiện tại đang là trung thu tháng 9, gió mát trăng thanh, đèn lồng đỏ rực giăng khắp cung điện Đan Dương, hai người đối ẩm với nhau không khác Tào Tháo và Lưu Bị ngày xưa, thế là Nguyễn Huệ buột miệng:

-Anh hùng trong thiên hạ chỉ có ta và ngươi mà thôi.

Nguyễn Ánh buông đũa xuống rồi nói:

-Ta hỏa thiêu hàng loạt chiến thuyền của ngươi ở Thị Nại, ngươi thấy thế nào?

Nguyễn Huệ nghe tới đó thì đang vui bỗng giận tím mặt, tay đấm mạnh xuống bàn. Nguyễn Ánh nói tiếp:

-Ngươi tự nhận là anh hùng, muốn thống trị thiên hạ thì phải kiềm chế được cảm xúc. Điểm yếu của ngươi là ở đó. Nãy giờ uống rượu ta quan sát ngươi vui buồn luôn lộ ra sắc mặt. Làm chuyện lớn hãy nhớ đừng để người khác biết ngươi đang nghĩ gì, họ sẽ bắt thóp được ngươi. 

Ánh rót thêm rượu:

-Như ngươi giết cả gia đình ta, quật cả mồ mả tổ tiên ta lên, trong bụng ta không ngày nào nguôi ý chí phục thù, nhưng bên ngoài vẫn giữ được vẻ bình thản. Ta có thể đánh trận không giỏi như ngươi, nhưng ta nguy hiểm hơn ngươi. Trong cái thời loạn này thì ai giữ được cái đầu lạnh mới là kẻ chiến thắng sau cùng.

Nguyễn Huệ nghe vậy, cho là phải, tự nhiên cơn tức trong lòng xẹp xuống. Ông thở dài rồi, gắp một miếng thịt gà, uống một ngụm rượu rồi nói:

-La Sơn phu tử luôn dặn ta điều đó. Ngày trước ta nam chinh nóng nảy có lỡ tàn sát Cù Lao Phố và Chợ Lớn...

-Thôi lan man đủ rồi, chuyện đó để sau, ngươi chuẩn bị đánh Mãn Thanh thế nào?

Nguyễn Ánh thắc mắc. Nguyễn Huệ bảo đợi ta một chút, rồi đứng lên đi vào ngự thư phòng, lát sau tay cầm một cuộn giấy lớn trở ra. Nguyễn Huệ trải rộng tấm giấy lên sàn, trên đó có ghi bốn chữ “Đại Việt địa đồ”. Nguyễn Ánh im lặng quan sát, tấm địa đồ này là tấm chi tiết nhất mà ông từng thấy, địa giới trải từ Lạng Sơn đến tận Cà Mau, có chú thích đầy đủ những chỗ xung yếu để đặt kho lương và đóng quân. Nguyễn Huệ chỉ tay vào vùng Thuận Hóa nói:

-Mãn Thanh trong một tháng qua đã tiến rất xa, đã vượt sông Bến Hải, đóng doanh trại tiên phong ngay tại Ái Tử và Đông Hà.

Nguyễn Ánh gật gù:

-Hai trại này rất gần nhau.

-Đúng thế, nếu ta đánh trại này thì trại kia lập tức ứng cứu ngay. Ngươi nghĩ ra kế gì chưa Ánh?

Ánh nói:

-Có một kế, nhưng mình ta làm thì không được.

-Ta cũng vậy, kế này nếu mình ta làm thì cũng không xong.

-Vậy hai chúng ta bắt chước Chu Du và Gia Cát Lượng, viết lên bàn tay rồi đưa cho đối phương xem.

Nói là làm, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh mỗi người cầm bút lông viết một chữ lên bàn tay, sau đó xòe ra cho nhau xem. Rồi cả hai cùng tâm đắc.

Đó là chữ “Dụ”

----

Mờ sáng hôm sau, vua Quang Trung thống suất đại binh tiến ra Quảng Trị. Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ mỗi người ngồi trên một con voi để chỉ huy. Nguyễn Huệ quay sang nói:

-Ta đi trước, cứ y kế của chúng ta mà làm, hẹn ngươi đêm nay tại Đông Hà.

Vua nói rồi dẫn một cánh quân tiến rầm rộ về phía Đông Hà, còn Nguyễn Ánh thì đi ngã khác về Ái Tử. Lại nói về quân Tây Sơn, mỗi khi xuất quân thì khí thế bạt cả núi sông. Cái làm nên sự hùng tráng của Tây Sơn là trống trận. Từng cú đập thùng thùng như sấm sét nâng cao sĩ khí của toàn quân và làm khiếp hãi kẻ địch. Quân Mãn Thanh vốn từng bị Quang Trung làm gỏi trong sáu ngày nên lần này chúng cảnh giác cao độ.

-Quang Trung tới! Quang Trung tới! Cung tiễn đâu?

Doanh trại Đông Hà đào hào rất sâu, bên dưới có nước và chông để ngăn đội tượng binh hùng vĩ của nhà vua. Quả thật lần này chúng chuẩn bị rất chu đáo. Nhưng vua Quang Trung không đánh, cứ cho khua trống giương oai bên ngoài. Tướng giặc Phúc Nhĩ Khang thấy khí thế khủng khiếp quá thì chột dạ, bèn cho quân thám báo đi kêu chi viện từ Ái Tử.

Quân Thanh ở Ái Tử nghe Đông Hà đang bị Nguyễn Huệ vây đánh, liền cử quân chủ lực đi ứng cứu. Thế là sức mạnh doanh trại Ái Tử giảm rõ rệt. Khi quân tiếp viện đã đi xa thì lúc bấy giờ Nguyễn Ánh mới gầm lớn:

-Chuẩn bị chiếm Ái Tử!

Hai hổ tướng Võ Đình Tú và Võ Văn Dũng sai quân thúc trống, đánh tràn vào trong trại. Quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn. Tiếng hò hét vang dậy, người người ngựa ngựa xô nhau chạy ùa ra ngoài. Quân Thanh chẳng biết bên địch nhiều ít bao nhiêu, cứ một mực bỏ chạy, giẫm đạp lên nhau chết hại vô số. Nguyễn Ánh ra lệnh phóng hỏa. Gió mạnh lửa lan rất chóng, sáng rực cả rừng núi, cháy khét cây cối chung quanh. Hóa ra chữ “Dụ” là “dụ địch”, giương đông kích tây.

Hạ được Ái Tử rồi, Nguyễn Ánh lập tức kéo quân đến Đông Hà tiếp ứng Nguyễn Huệ. Đại Việt và Mãn Thanh giao binh dữ dội. Nguyễn Huệ đánh phía trước, Nguyễn Ánh chặn phía sau. Lúc này quân Đông Hà hoàn toàn vỡ trận, lũ thì xô nhau chạy xuống sông Bến Hải mà trốn, lũ thì rào rào chạy lên núi lánh mình. Máu đỏ lênh láng trải dài từ trong trại ra tận bến sông. 

Sau khi hủy diệt được quân tiên phong của Càn Long, Nguyễn Huệ ra lệnh đóng trại dọc sông Bến Hải để trấn giữ. Tối hôm đó thì mở tiệc mừng ở Đông Hà. Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh thành công giòn giã, vừa say men chiến thắng, vừa say men rượu. Hai người đưa ly cụng nhau chan chát. Nguyễn Huệ khề khà:

-Tính ra nếu chúng ta gác bỏ mọi hiềm khích để cùng đứng chung một chiến tuyến thì cũng bá đạo chứ hả?

Khuôn mặt lạnh lùng của Nguyễn Ánh nở một nụ cười hiếm hoi:

-Ta cũng thấy vậy.

Nguyễn Huệ cao hứng ngâm lại câu thơ nổi tiếng của mình:

-Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!

Nguyễn Ánh cũng tiếp lời:

-Nước nghìn năm văn hiến
Vạn dặm một sơn hà
Từ Hồng Bàng mở nước
Thịnh trị nước Nam ta!

Rồi hai người cùng nhau uống tới tận khuya. Doanh trại Đông Hà lung linh ánh đuốc, gió mát thổi từ phía sông lên, lá cờ đỏ Tây Sơn kiêu hãnh tung bay phần phật. Cuộc chiến phía trước vẫn còn rất cam go, nhưng nếu chúng ta đoàn kết, thì không lo không làm được.

[Bài viết mang tính chất hư cấu. Xin nhường bạn nào văn hay viết tiếp]

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc