Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyện kể về Trần Nhật Duật

Chia sẻ
trần nhật duật
Trong bộ ba Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, thì Trần Nhật Duật là người nhỏ tuổi nhất.

Giang hồ đồn rằng khi vừa mới sinh ra hoàng tử Nhật Duật đã có bốn chữ xăm trên tay là "Chiêu Văn đồng tử". Về sau vương hiệu của cậu cũng lấy theo đó, nghĩa là đón nhận lấy cái đẹp. Hoàng tử Nhật Duật cực kỳ chăm học, kiểu cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm. Cậu bộc lộ năng khiếu ngôn ngữ từ rất sớm. Thời đó mà tiếng Anh phổ biến thì TOEFL của Nhật Duật chắc thủ khoa không bàn cãi.

Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, cậu còn am hiểu sâu rộng về các nước hàng xóm. Như đối với tiếng Tống và tiếng Chiêm, Nhật Duật chẳng những rất pro mà còn cực kỳ am tường phong tục tập quán của họ. Còn đối với các dân tộc anh em trong nước, Nhật Duật không những hiểu tiếng mà còn nắm chắc tâm lý người khác.

Vì là thần đồng nên mới 20 tuổi cậu đã được vua tin tưởng cho làm "bộ trưởng bộ ngoại giao". 20 tuổi thì mình vẫn là sinh viên năm 2, ăn ngủ chơi game thôi, còn anh ấy đã là gương mặt đại diện cho cả quốc gia rồi. Vua Nhân Tông nói đùa bảo Nhật Duật mà người Việt cái gì, người dân tộc thì có. Có lần Nhật Duật đã vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt cả một ngày, khiến cho sứ giả nghĩ rằng cậu là người Hán sang làm quan bên Đại Việt. Một phần cũng đúng, bởi vì họ Trần có nguồn gốc Trung Quốc, nên rất nhiều người nói rành tiếng Trung, kể cả Trần Quốc Tuấn. Nhưng trên hết vẫn nằm ở thiên tư tuyệt vời của vị hoàng tử này.

Có lần chúa dân tộc Đà Giang là Giác Mật muốn làm phản, vua sai Nhật Duật đi dẹp. Giác Mật muốn hại hoàng tử nên gửi thư bảo nếu ông tới một mình thì sẽ đầu hàng. Mọi người ra sức khuyên can thì Nhật Duật bảo không phải xoắn. Thế là ông tới trại Giác Mật, chỉ có mấy đứa nhỏ đi theo hầu. Thản nhiên đi giữa lớp lớp gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương uy hiếp của Giác Mật, Nhật Duật nói với hắn bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang.

Giác Mật hết hồn trước sự am hiểu của ông. Rồi hắn cho bưng mâm rượu lên. Giác Mật mời ông uống. Trần Nhật Duật không khách sáo, cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo. Giác Mật kinh ngạc thốt lên: "Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi!".

Nhật Duật nói: "Chúng ta xưa nay vẫn là anh em". Rồi sau đấy, theo lệnh Nhật Duật, tiểu đồng mở tráp lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lóa trao cho từng đầu mục Đà Giang. Những người cầm đầu mừng rỡ đón lấy tặng phẩm kết nghĩa theo đúng tục lệ của họ từ tay viên tướng triều đình mà họ vừa nhận làm anh em. Đà Giang đã quy thuận. Sức mạnh của dân tộc như được nhân lên.

Cuối tháng 4 năm 1285, ông trực tiếp cầm quân chỉ huy, lập chiến công vang dội ở trận Hàm Tử. Giặc bị thiệt hại nặng, bỏ chạy tan tác. Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư: "Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả".

Dù đã có nhiều công lao, mà lại còn là hoàng tử nữa nhưng Trần Nhật Duật là người làm việc giỏi giang và ngay thẳng. Tính tình ông hiền lành, nhã nhặn, độ lượng, khoan dung, mừng giận không để lộ ra sắc mặt. Trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô. Tài năng, nhân cách, sự nghiêm minh của ông góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần. Ông mất năm 1330, thọ 75 tuổi.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc