Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyện vua Trần Nhân Tông

Chia sẻ
Trần nhân tông
Kỳ trước, hỏa ngục Bạch Đằng

-Phụ hoàng, Hưng Đạo bẫy được thuyền Mông Cổ rồi!

-Đâu đâu, đi xem đi xem!

Trần Thánh Tông nhảy cẫng lên khi Trần Nhân Tông báo tin nhận được từ quân do thám. Hai ông án ngữ một đội quân ở khúc sông này, nhưng sau đó đã giao cho phó tướng chỉ huy rồi cùng một số thân tín phi ngựa đến chiến địa nơi Mông Cổ và Đại Việt ác đấu.

-Chà…

Trần Nhân Tông thốt lên khi đứng cùng cha mình từ trên cao nhìn xuống. Bạch Đằng giang hùng vĩ cuồn cuộn chảy bên dưới. Các cọc nhọn chĩa thẳng thành từng dãy kiêu hùng như thách thức dòng chảy của nước. Một chiếc bẫy khổng lồ kết hợp hoàn hảo giữa sức người, thiên nhiên và trí tuệ, một kiệt tác của nghệ thuật quân sự.

-Ngô Quyền nhập hả? Sao đánh như lên đồng vậy?

Trần Thánh Tông bàng hoàng nhìn các chiến hạm khổng lồ của Ô Mã Nhi thắng không kịp bị đâm phầm phập từ bên dưới. Một chiếc, hai chiếc, rồi năm sáu, bảy tám, mười lăm chiếc, cứ thế đều đặn như cá chui vào lưới. Trần Nhân Tông cũng nói:

-Kế này trước đây Lê Đại Hành cũng có dùng nhưng tính sai giờ triều rút nên thuyền quân Tống lướt qua được dãy cọc. Công nhận Hưng Đạo Vương nhà ta dự báo thời tiết chính xác kinh khủng.

Trần Thánh Tông nói:

-Con trai, cá không? Ô Mã Nhi sẽ bị bắt sống.

Trần Nhân Tông cười:

-Cá mười ăn một luôn. Nhìn thế này mà phụ hoàng bảo hắn sống được thì cũng hay đấy.

Quả thật trận đánh càng về cuối càng khốc liệt. Bấy giờ Hưng Đạo Vương đang vung gươm chỉ đạo quyết liệt như một nhạc trưởng. Đoàn thuyền nhỏ được ra lệnh xuất kích chạy len lỏi vào những chiến thuyền Mông Cổ đang bị thương tích trầm trọng mà phóng hỏa. Lửa bùng lên thành từng đám đỏ rực giữa sóng nước trắng xóa tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục chưa từng thấy. Tiếng thét xung trận của quân Trần cùng với tiếng la tuyệt vọng của quân xâm lược hòa chung với tiếng gầm hung dữ của con sông Bạch Đằng sẽ để lại nỗi ám ảnh cho bất cứ ai từng chứng kiến trận đánh đó, trận đánh mà dương gian và quỷ môn quan chỉ gần nhau trong khoảnh khắc, và ước gì đừng bao giờ có chiến tranh xảy ra.

-Bắt được Ô Mã Nhi rồi kìa!

Không khó để nhận ra Ô Mã Nhi vì hắn cao to và mặc trang phục chỉ huy nổi bật của Mông Cổ. Hắn rơi xuống nước trong đám hỗn loạn và bị thuyền Trần bắt kéo lên giải về cho Hưng Đạo Vương. Trần Thánh Tông huýnh tay Nhân Tông:

-Mười ăn một, nhớ nhé.

Trần Nhân Tông thua cá cược nhưng chẳng buồn. Vì cuối cùng chúng ta cũng chiến thắng, thắng đậm, thắng oanh liệt. Bao nhiêu năm tháng gian khổ cùng cha bỏ Thăng Long chạy nạn giờ đã chính thức chấm dứt. Ông không thể giấu được nụ cười hạnh phúc trên môi:

-Chúng ta chuẩn bị về nhà thôi phụ hoàng.

---

Người ta nói con hơn cha là nhà có phúc, và triều đại nào mà cả cha lẫn con đều là minh quân thì nhân dân sướng còn hơn trúng số. Như Lý Công Uẩn và Lý Phật Mã, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Triều Trần là một trong những triều đại giáo dục con cái tốt nhất, nên các vương tử đều được ăn học đến nơi đến chốn, tài kiêm văn võ, làm nên một thời đại anh hùng. Các vua nhà Trần tuy có nguồn gốc ngư dân nhưng đều học rất giỏi, thông cả tam giáo cửu lưu. Tam giáo là Phật – Lão – Nho và cửu lưu là tên chung của nhiều trường phái văn hóa thời xưa. Thông được một giáo đã cực, học thông cả tam giáo thì phải gọi là uyên bác. Ngoài ra các vua đều là nhà thơ, thế mới chất. Nhân Tông Trần Khâm nổi bật lên giữa bao người. Ngay từ khi sinh ra ông được tả là "tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng", và cha mẹ ông gọi ông là Kim Tiên đồng tử. Nói chung đẹp trai khỏe mạnh thông minh từ bé.

Nước ta ngày đó nhỏ lắm các bạn, chỉ từ Nghệ An trở ra bắc thôi, nhưng ta thắng được Nguyên Mông khổng lồ. Ok, nếu một trận thì có thể là hên xui. Nhưng tới ba lần thì còn gọi là ăn may được không? Mỗi lần Mông Cổ trả thù là nó đều chuẩn bị kỹ càng và mạnh hơn trước. Thậm chí cả thái tử Thoát Hoan cũng sang đánh luôn, thiếu điều đại hãn Hốt Tất Liệt thân chinh ra trận là đủ bộ. Thế mà vẫn thua. Người chỉ huy tối cao, nhà hoạch định chiến lược hai trong ba trận thắng đó là Trần Nhân Tông, ông là một trong số những người hiếm hoi có thể chỉ huy Trần Hưng Đạo. Hết chiến tranh nhưng ông vẫn không tự mãn hay lơ là mà rất nghiêm khắc để giáo dục thế hệ sau kế thừa.

-Thằng Trần Thuyên đâu rồi???

Thượng hoàng Nhân Tông quát, các quan sợ hãi run bần bật. Ông vừa từ Thiên Trường về lại kinh đô, ai cũng ra đón trừ thằng con quý báu của mình. Trần Anh Tông mới lên ngôi nên khá hư hỏng, ham nhậu nhẹt, ban đêm lại thường lẻn ra ngoài cung chơi, có lần còn bị trẻ trâu phang nguyên cái chai vào đầu. Hôm đấy cha về thì cậu đang xỉn quắc cần câu nằm mê man chẳng biết gì. Đến khi tỉnh rượu thì sợ teo mọi bộ phận, vội vàng chạy đi xin lỗi bố. Nghe chửi một tăng muốn ù tai, từ đó Anh Tông bỏ hẳn rượu, không những thế ông còn ghét luôn những kẻ nghiện rượu và đánh bạc, trở thành một minh quân sáng suốt.

Sau khi lo xong mọi việc ổn thỏa rồi, một hôm trong buổi chầu sáng, vua Anh Tông ngỡ ngàng khi Nhân Tông đứng giữa triều với bộ thường phục, hai bên là văn võ bá quan cũng ngạc nhiên. Anh Tông đứng dậy bước xuống ngai vàng đi đến chỗ cha. Trần Nhân Tông dang tay ôm lấy cậu con trai mà ông luôn thương yêu, vỗ nhẹ lên lưng:

-Con ở lại làm vua cho tốt nhé.

-Cha…?

-Hôm nay cha xuất gia.

Trần Nhân Tông cười hiền, tạm biệt Anh Tông lần cuối rồi ông quay lưng đi khỏi triều. Đây là vị vua duy nhất trong lịch sử nước ta sẵn sàng từ bỏ vương vị để tu hành. Ông tránh xa hoàng cung bon chen, đi rất nhiều nơi để ngắm nhìn nhân gian, tận hưởng ý nghĩa cuộc sống. Ban đầu ông tu ở Ninh Bình, sau đó về Yên Tử tu khổ hạnh. Tại đây ông thành lập thiền phái Trúc Lâm, còn gọi là Trúc Lâm Yên Tử. 

Nói thêm Trần Nhân Tông chính là một trong những tác giả sáng tác chữ Nôm đầu tiên của văn hóa Việt. Không có thời Trần với Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nguyên Đán; chúng ta sẽ không có được Nguyễn Trãi, người mà như đánh giá của nhà văn Đức I. Faber: “Vào thời Nguyễn Trãi sống và hoạt động, Châu Âu chưa có được một tác gia nào lớn” .

---

Đêm mùa đông, 16 tháng 12 năm 1308,

-Pháp Loa, những việc ta dặn con đã nhớ kỹ chưa?

-Đệ tử nhớ. Nhưng tôn đức tuổi đã cao, xin giữ gìn sức khỏe. Trên am Ngọa Vân lạnh lắm, để tử có để chăn trên đó cho tôn đức. Sáng mai đệ tử sẽ quay lên đón người.

Đệ tử Pháp Loa cung kính vái Trúc Lâm đạo sĩ một lần nữa rồi khẽ lách mình qua khe cửa để xuống núi. Không gian lại trở nên im ắng, chẳng đâu thích hợp để ngồi thiền hơn ngọn Tử Tiêu này. Trần Nhân Tông khẽ mở cửa sổ, từ đây nhìn xuống bao quát một vùng rộng lớn. Ông chậm rãi ngồi xuống xếp bằng. Gió khuya thổi ào ạt rét buốt trần ai, nhưng ông vẫn điềm nhiên tĩnh tọa. Khi một cao tăng khổ hạnh đã đạt tới cảnh giới cao thì mọi điều xung quanh họ chỉ là sắc tức thị không, vạn vật xem như hư không. Dù vậy ông vẫn cảm nhận được làn sương mỏng bay vòng vèo trong am Ngọa Vân, đom đóm lấp lánh ở rừng trúc bên dưới, và mùi hương nhè nhẹ của hoa dại lan tỏa trong không gian. Bầu trời đêm nay yên ả quá, tinh tú sáng rực giăng kín khắp một dải ngân hà, cầu mong nước Đại Việt sẽ luôn thanh bình như thế này. Rồi ông từ từ nhắm mắt nhập thiền...

Sáng hôm sau Pháp Loa đến. Cậu khẽ mở cửa để không làm kinh động đến Trúc Lâm đạo sĩ:

-Thưa Phật hoàng, đệ tử đến đón người.

Trúc Lâm đạo sĩ vẫn quay lưng lại không đáp. Bình thường ngài luôn từ tốn trả lời “Con đợi ta chút”, mà hôm nay im lặng. Pháp Loa cảm thấy kỳ lạ, cậu gọi lớn hơn:

-Phật hoàng ơi…

Vẫn không có tiếng trả lời. Pháp Loa lúc này đã thật sự lo lắng. Cậu chạy ngay đến chỗ sư phụ nắm lấy tay ông thì thấy lạnh ngắt.

-PHẬT HOÀNG!

Pháp Loa bật khóc. Trúc Lâm đạo sĩ đã viên tịch trong cái đêm mùa đông lạnh giá đó. Pháp Loa cõng xác thầy xuống núi làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình đem về kinh sư. Ngày Trần Nhân Tông băng hà đất Việt mãi mãi mất đi một hoàng đế thông minh, dũng cảm, nhân ái, và một cao tăng làm rạng danh Phật giáo Việt Nam.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc