Bùi Thị Xuân nghe tiếng gầm lớn. Nàng dừng ngựa lại, tay nhẹ nhàng rút đôi song kiếm sau lưng ra, đôi mắt to đen láy cảnh giác rà soát bốn phía. Gió rừng thổi lá cây xào xạc mang theo một mùi tanh nồng, quả nhiên là ông ba mươi. Nàng biết vùng này có nhiều cọp dữ, nên khi có việc phải đi ngang đây đã cẩn thận võ trang đầy đủ, cưỡi trên con chiến mã can đảm nhất. Lại thêm một tiếng gầm nữa, kèm theo tiếng quát lớn của một người đàn ông. Nữ hiệp vội vàng phi ngựa đến nơi có ác đấu.
Nàng đứng trên mỏm đá nhìn xuống thì thấy một vị tráng sĩ cao lớn đang thủ thế. Manh áo vải của anh ta rách bươm, rướm máu, có lẽ là vừa tránh được một cú vả chết người. Và đằng kia mười thước là con cọp to như con trâu mộng. Đôi mắt nó đỏ ngầu vì tức giận khi vồ hụt con mồi. Bốn chiếc răng nanh sắc lẻm thò ra ngoài khi con cọp mở miệng gầm gừ. Bất thần nó khuỵu chân xuống như lấy đà, đuôi đập sang trái. Bùi Thị Xuân biết điều này.
-Nhảy sang trái!
Nàng la lớn. Vị tráng sĩ giật mình, lập tức làm theo lời nàng dặn mà không mảy may suy nghĩ, vừa kịp tránh được cú vồ thứ hai của hùm dữ. Bùi Thị Xuân tung mình nhảy xuống bên dưới, ném thanh gươm cho chàng trai. Người thanh niên nhanh chóng chụp gọn lấy, hóa ra anh chàng này cũng là một cao thủ võ lâm.
Đối với loài cọp phải vồ tới lần hai là một thất bại vì chúng luôn thành công ngay lần đầu tiên. Con cọp điên tiết khè lớn một tràng. Bùi Thị Xuân và chàng thanh niên cùng đưa kiếm lên phòng thủ môn hộ. Sáu nhãn quang gườm nhau trừng trừng. Rồi chàng thanh niên tròn mắt nhìn khi Bùi Thị Xuân quát lớn một tiếng rồi xông tới. Bàn tay nhỏ nhắn của nàng lúc lật dọc, lúc xoay ngang, uyển chuyển như hồ điệp tung cánh, kiếm khí vung lên loang loáng khiến con cọp phải chùn bước. Quả thật là nữ nhi anh hùng.
Không thể thua kém con gái, chàng thanh niên cũng hô to một tiếng để tăng thêm khí thế. Đường gươm của chàng vung lên ào ạt như sóng thần, có sức mạnh bạt cả núi. Lối ra đòn dũng mãnh này thể hiện rõ chàng là người sử dụng đao pháp cực kỳ điêu luyện. Con cọp thấy hai người hung dữ quá, tai nó cụp lại, gầm lên một tiếng như bỏ cuộc rồi quay lưng chạy vào rừng. Lát sau thì không thấy tăm hơi nữa.
Chàng thanh niên lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, ngồi phịch xuống tảng đá nghỉ mệt. Bùi Thị Xuân thì đi lên dắt chiến mã xuống. Nàng đưa bầu nước cho vị tráng sĩ uống. Chàng trai không khách sáo, cầm uống ngay, rồi trả lại, nói:
-Đa tạ cô nương đã trợ chiến, nếu không chắc ta nguy mất. Nó vồ chết ngựa của ta rồi rượt ta đến tận chỗ này, may mà gặp cô nương. Sẵn đây, tên ta là Trần Quang Diệu, còn cô nương?
-Bùi Thị Xuân.
Nàng mỉm cười đáp. Trần Quang Diệu tấm tắc trong bụng. Tên Xuân thảo nào dung mạo tươi tắn như mùa xuân. Nói không quá thì nàng vô cùng diễm lệ, môi đỏ, mắt to, da dẻ mịn màng. Nếu nhìn sơ qua thì ai mà nghĩ cô gái có vẻ ngoài xinh đẹp đài các này có thể đuổi được cọp dữ.
-Chàng đi đâu?
Quang Diệu đang ngẩn ngơ ngắm nhìn bỗng bị Bùi Thị Xuân hỏi đột ngột, chàng nhất thời lắp bắp:
-À… à… ta về Quy Nhơn.
-Ra vậy, sẵn ta cũng trên đường đến Quy Nhơn. Nếu chàng không ngại thì đi cùng ta.
Trần Quang Diệu nghe vậy lúng túng gãi đầu. Sao cô nương này bạo thế? Nhỡ không phải ta mà là kẻ xấu thì sao? Bùi Thị Xuân dường như biết ý, nàng nói tiếp.
-Tay chàng bị thương rồi, lên ngựa đi ta cho quá giang.
Nói rồi nàng bám lấy dây cương nhảy phóc lên nhẹ nhàng như chim yến chuyền cành. Lúc ấy đã muộn, Trần Quang Diệu không từ chối nữa, chàng cũng trèo lên yên ngồi phía sau. Ngày ấy còn nặng chuyện nam nữ thụ thụ bất thân, nên Quang Diệu ngồi tuốt bên dưới để không đụng chạm cơ thể ngọc nữ. Bùi Thị Xuân mỉm cười, thầm khen chàng thiên tư cốt cách đàng hoàng. Thế là nàng yên tâm khởi hành. Có những chuyện sau khi trải qua người ta không thể không mến nhau, và cùng nhau đánh thắng một con hổ khổng lồ là một trong những câu chuyện loại đó.
Và em mơ mơ cùng anh đi đến tận cùng
Tận cùng chân mây vượt núi cao hay biển sâu…
-----
Bùi Thị Xuân gặp Trần Quang Diệu là một cái duyên. Hai người về sau nên vợ nên chồng cũng là một cái duyên nữa. Nữ hiệp Bùi Thị Xuân giỏi cả văn lẫn võ, khéo tay, viết chữ đẹp, đánh song kiếm rất cừ, lại còn vô cùng diễm lệ và can đảm nên Trần Quang Diệu yêu vợ vô cùng.
Một hôm phong trào Tây Sơn tại Bình Định nổi bùng lên như đốm lửa, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu đến đầu quân dưới trướng của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Chàng là thành viên của Tây Sơn thất hổ tướng, còn nàng cũng xứng danh Tây Sơn ngũ phụng thư. Ngoài tài kiếm thuật, Bùi Thị Xuân còn bá đạo bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi nên rất được vua Quang Trung trọng dụng.
-Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!
Đô đốc Bùi Thị Xuân vung kiếm, đội tượng binh tràn lên ủi thẳng vào hàng ngũ quân Mãn Thanh. Hai vợ chồng sánh vai chinh chiến mấy chục năm. Giữa lúc nhà Tây Sơn đang từng bước ổn định tình hình trong nước thì vua Quang Trung đột ngột qua đời. Kể từ đấy vương triều Tây Sơn bắt đầu xuống dốc do vua Cảnh Thịnh còn nhỏ, chưa kể thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền.
---
Năm 1800,
-Võ Tánh, đầu hàng đi rồi ta tha chết cho!
Vũ Văn Dũng quát lớn. Sai lầm của ông ở Thị Nại đã khiến quân Tây Sơn trả giá quá đau, quá đắt. Nguyễn Ánh đã hỏa thiêu gần 2000 chiến thuyền. Đội thủy quân hùng mạnh một thời của Tây Sơn trở thành mồi cho thần hỏa, chẳng còn gì. Võ Tánh theo lệnh của Nguyễn Ánh, chiếm được Quy Nhơn và hiện tại đang tử thủ. Hai hổ tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng sai đắp lũy quanh thành, bao vây bốn mặt nhưng không sao hạ được. Thành Quy Nhơn phải nói là cực kỳ kiên cố, đến mức ngày trước vua Nguyễn Huệ đánh nhau với vua Nguyễn Nhạc tại đây mấy tháng vẫn không công phá nổi.
Võ Tánh ở trong thành viết thư gửi Nguyễn Ánh:
-Chúa công, đừng lo cho tôi, cũng đừng giải vây cho tôi. Hai tướng giỏi nhất của Tây Sơn đang bao vây Quy Nhơn, và Phú Xuân (Huế) hiện tại bỏ trống. Tôi sẽ thu hút lực lượng của họ để chúa công rảnh tay đánh Phú Xuân. Tôi quyết tử thủ ở đây!
Nguyễn Ánh nhận được thư, rưng rưng:
-Trời ơi Võ Tánh…
Rồi ra lệnh:
-Các tướng đâu, sẵn sàng thủy quân, chúng ta sẽ vượt biển để đánh chiếm Phú Xuân. Đừng để sự hy sinh của Võ Tánh trở thành vô nghĩa!
Nhân dân miền nam tràn ra bờ biển tiễn đoàn thủy quân của Nguyễn Ánh, mọi người nô nức hát vang:
-Lạy trời cho chóng gió nồm
Để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra!
Kế này quả thật hiệu nghiệm, thành Phú Xuân lực lượng yếu nên Nguyễn Ánh dễ dàng chiếm được. Trần Quang Diệu nghe tin Phú Xuân đã mất thì như sét đánh ngang tai, chân tay rụng rời, ông ngã quỵ xuống. Quang Diệu lập tức cho quân đi chiếm lại Phú Xuân nhưng thất bại, đành quay ngược trở về Quy Nhơn đánh tiếp. Thành Quy Nhơn bị vây cực kỳ khốc liệt, pháo nổ đêm ngày do quân Tây Sơn chẳng còn gì để mất nữa, mọi sức mạnh đều trút xuống đây, quyết hạ được thành càng nhanh càng tốt. Khi ấy Võ Tánh cũng đã xong nhiệm vụ, ông mỉm cười rồi hiên ngang đi lên mặt thành nói vọng xuống:
-Phận sự ta làm chủ tướng thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng sĩ không có tội gì không nên giết hại. Ta trả lại Quy Nhơn cho các ngươi đấy.
Nói rồi ông cho mở toang cửa thành rồi tự thiêu. Trần Quang Diệu tiến vào bên trong, nhìn thi thể cháy đen của Võ Tánh mà thương cảm, đây mới gọi là anh hùng. Ông cho khâm liệm Võ Tánh tử tế, không giết hại các tướng chúa Nguyễn. Rồi lặng lẽ chuẩn bị tàn quân, cố gắng cứu vãn chút gì còn sót lại của Tây Sơn…
----
Lại nói về Phú Xuân khi ấy đã mất. Nhưng vua Cảnh Thịnh vẫn mong tái chiếm, đi cùng ông có Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Thấy tình thế quân Tây Sơn ngày càng gay go, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ. Bà đánh từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp:
-Ta gần chiếm lại được Phú Xuân rồi, anh em cố lên!
Rồi bà nhảy xuống voi, lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi. Mà các bạn biết Tây Sơn nổi tiếng về trống trận, tiếng vang hùng tráng ấy đã làm khiếp sợ bao nhiêu kẻ thù. Nguyễn Ánh toát hết cả mồ hôi, không ngờ đàn bà mà máu chiến thế. Ông cùng tướng tá vội chia quân vượt sông Linh Giang để mở đường máu thoát thân. Nào ngờ vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, lại tưởng bị đánh, liền hô hoán:
-Lui binh đi, lui ngay, chúng nó phản công kìa!!!
Bùi Thị Xuân bèn nắm long bào của nhà vua:
-Đừng hoàng thượng, chúng ta gần thắng rồi! ĐỪNG MÀ!
-IM ĐI, LUI BINH HẾT CHO TRẪM!
Vừa lúc đó lại nhận được tin quân Nguyễn hủy diệt thủy quân Tây Sơn ở Quảng Bình, vua Cảnh Thịnh chẳng còn tâm trí đâu nữa. Bùi Thị Xuân nước mắt chảy hai hàng, bất lực nhìn đội quân của bà tan vỡ, hốt hoảng đến mức bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy. Trận đánh oanh liệt cuối cùng của bà, trận đánh oanh liệt cuối cùng của nhà Tây Sơn. Hết thật rồi, mọi thứ chấm dứt rồi, Tây Sơn sụp đổ rồi…
Kết thúc…
---
Năm 1802,
Gia Long đã hoàn toàn thống nhất đất nước. Ôi Phú Xuân, gần 30 năm lưu lạc, nay ta lại được trở về. Một giọt nước mắt hạnh phúc rưng rưng trên khóe mắt Gia Long. Ông đã hoàn thành tâm nguyện cả đời mình rồi, phục hưng lại gia tộc Nguyễn Phúc, bao vất vả nếm mật nằm gai thì hôm nay đã được đền đáp. Thế nhưng ông vẫn còn một việc phải làm...
-Chuẩn bị lễ Hiến phù!
Gia Long ngồi trên đài cao nhìn xuống lễ đài, bên ngoài là dân chúng chen nhau đến xem đông nghẹt, văn võ bá quan chỉnh tề xếp hàng hai bên. Vua Cảnh Thịnh bị trói tay giải ra pháp trường, bắt quỳ xuống.
-Đem xương của giặc Tây Sơn ra!
Binh lính nhanh chóng đem giỏ hài cốt của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cùng gia quyến Cảnh Thịnh ra để trước mặt ông vua sa cơ. Cảnh Thịnh khóc như mưa:
-Đừng, đừng làm vậy…
Mọi người có mặt ở đó được lệnh lần lượt đi đến tiểu vào giỏ hài cốt. Cảnh Thịnh gào lên một tiếng xé ruột, cả thế giới quanh ông như sụp đổ. Bỗng nghe có giọng nói nhẹ nhàng bên tai:
-Đau không? Buồn không? Trẫm đang cho ngươi trải qua những gì mà trẫm phải chịu. Tây Sơn các ngươi đóng cũi giải cả họ nhà trẫm ra pháp trường, đập phá hết lăng mộ tổ tiên trẫm, vứt xương cha trẫm xuống sông. Trẫm chỉ là một đứa nhỏ ngây thơ mà các ngươi cũng đâu có tha? Truy cùng giết tận. Nếu không có thần phật và nhân dân miền nam che chở thì trẫm đã không còn ở đây rồi. Cho nên…
Gia Long ngọt ngào:
-Có gan làm thì có gan chịu. Nhân quả báo ứng nên đừng trách trẫm.
Gia Long nhếch mép nhìn Cảnh Thịnh rồi phủi tay áo đứng dậy, gầm lớn với tất cả bi phẫn:
-TRẪM VÌ CHÍN ĐỜI MÀ TRẢ THÙ!
Binh sĩ huơ gươm giáo, vỗ khiên ầm ầm hưởng ứng. Gia Long đi trở lại đài cao, yên vị rồi lạnh lùng nói:
-Hiến phù!
Cảnh Thịnh được ăn một bữa cơm khá ngon rồi bị bịt mồm lại bằng giẻ rách, tất cả gia quyến của ông cũng đều bị bịt mồm để ngăn cản họ kêu la chửi rủa. Rồi người ta dẫn đến bốn con voi, căng tay chân Cảnh Thịnh ra và trói cựu vương vào bốn chân voi. Cảnh Thịnh giãy giụa trong vô vọng. Dưới sự điều khiển của tượng binh, bốn con voi đồng thời chạy về bốn hướng để xé tan xác Cảnh Thịnh. Từ bốn mảnh xác ấy người ta róc thịt, lột da lấy xương để ra một nơi. Chia thịt làm năm phần bằng nhau, rồi đem ra phơi bày ở năm khu chợ đông người nhất của kinh thành trên những cái cột cao để cho chim đến rỉa thịt.
Đến lượt Trần Quang Diệu bị giải ra trước Gia Long. Trước đây Quang Diệu từng khoan dung với binh sĩ Võ Tánh ở Quy Nhơn, thêm ông nuôi mẹ 80 tuổi rất hiếu, và cũng vì Gia Long tiếc tài, nên vua nói:
-Quang Diệu, trẫm không muốn giết anh hùng như ngươi. Quy phục trẫm rồi ngươi sẽ được sống.
Nhưng Trần Quang Diệu khảng khái:
-Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu.
Gia Long chép miệng tiếc nuối, dù không muốn nhưng ông cũng đành cho Quang Diệu được chết, có điều là chỉ chịu chém đầu chứ không dày vò đau đớn. Quang Diệu đa tạ vua rồi hùng dũng bước phăm phăm ra pháp trường chịu hình. Tên của ông hiện nay đã được đặt cho một con phố ở Hà Nội, một vườn hoa ở Hà Nội , đường mang tên ông tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, tại thành phố Hạ Long và nhiều thành phố khác ở Việt Nam.
Con gái của Quang Diệu và Thị Xuân là người tiếp theo. Cô bé chỉ mới 15 tuổi, rất xinh đẹp và đáng yêu. Khi thấy một con voi khổng lồ lừ đừ tiến đến mình, cô réo lên một tiếng vô cùng thảm thiết:
-Mẹ ơi, mẹ ơi, cứu con với!
Bùi Thị Xuân lòng đau từng khúc ruột nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn:
-Con ơi, chết cùng bố mẹ hơn là sống với lũ lang sói kia. Gia đình ta sẽ đoàn tụ.
Vừa dứt lời thì con voi đưa vòi quấn lấy cô bé rồi tung lên cao. Cô bé hét lên rồi cắm phập vào cặp vòi nhọn hoắt của nó. Hai lần như vậy, cô bé tắt thở. Tới lượt mình thì Bùi Thị Xuân bị giải ra trước mặt Gia Long. Ông cười lớn rồi hỏi:
-Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?
Bùi Thị Xuân quắc mắt:
-Nếu chúa công nhà ta là ao trời thì Nguyễn Ánh nhà ngươi chẳng qua chỉ là vũng nước!
Vua Gia Long đã từng trực tiếp bị bà đánh thua, nay lại bị bà sỉ nhục, nên căm hận lắm. Ông đứng lên ra lệnh tượng binh dẫn voi ra. Bùi Thị Xuân hiên ngang đi thẳng đến con voi sắp giết mình. Khi bà lại gần con voi thì tượng binh ra lệnh: “Quỳ xuống cho voi dễ quấn”. Bà không quỳ mà cứ ung dung tiến sát cạnh con thú. Thật kỳ lạ, voi vẫn đứng im, có lẽ do nhận ra Bùi Thị Xuân là một trong những người chủ cũ của nó. Quân lính phải đốt hỏa pháo và đâm giáo nhọn thúc vào voi làm nó hoảng loạn giơ vòi quấn bà tung lên trời.
Cái chết của Bùi Thị Xuân và triều đình Tây Sơn đã đặt dấu chấm hết cho một thời đại đầy máu và lửa. Nước Việt Nam kể từ ngày vua Lê Tương Dực xây Cửu Trùng Đài, bị chia cắt 300 năm bởi nội chiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, thì tới nay đã chính thức thu về một mối dưới một vương triều mới: nhà Nguyễn.