Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Chuyện nàng Đặng Thị Huệ - người đàn bà khuynh đảo Đàng Ngoài

Chia sẻ
Đặng Thị Huệ

Nếu đã nói về Tống Thị rồi mà không nhắc đến Đặng Thị Huệ thì thật thiếu sót. Một nàng quậy banh Đàng Trong, một nàng phá nát Đàng Ngoài. Sở trường chung là biến mấy anh từ minh quân thành hôn quân vô đạo trong vài nốt nhạc. Đúng chuẩn cụm từ “nghiêng nước nghiêng thành” như mấy nàng Đắc Kỷ, Muội Hỷ, Bao Tự bên Tàu.

Đặng Thị Huệ sinh ra tại Gia Lâm (Hà Nội), cô bé nhà rất nghèo, hàng ngày phải hái chè để mưu sinh. Đó là lý do sau này người ta gọi là Bà Chúa Chè. Nàng xinh đẹp nên nhanh chóng được đưa vào phủ chúa. Ban đầu chỉ là nô tỳ vớ vẩn thôi. 

Một hôm Đặng Thị Huệ phải bưng khay hoa vào cho chúa Trịnh Sâm. Nàng nô tỳ mặt hoa mơn mởn, trang điểm nhẹ nhàng, mình liễu uyển chuyển, Trịnh Sâm trông thấy đã vội hỏi:

-Nàng tên gì?

-Dạ thưa, Đặng Thị Huệ.

Nói rồi, đôi mắt long lanh ướt át nhìn phớt vào cặp mắt chàng. Bốn mắt đưa lên, rồi bốn hàng mi lại rũ xuống, rồi lại bắt gặp nhau lần nữa, khiến cho chúa Trịnh ngẩn ngơ như chìm vào cõi mộng, y hệt bị thu hồn đoạt phách. Ôi cặp mắt ấy, đâu khác gì sóng nước hồ thu đưa thuyền tình. Trịnh Sâm đờ đẫn nắm lấy tay Đặng Thị Huệ kéo nàng vào lòng.

18+ 18+ 18+ (Đặng Thị Huệ với Tống Thị giống nhau ở chỗ rất pro 18+)

Trịnh Sâm trước đây vốn là một minh quân. Trong số 12 chúa Trịnh thì Trịnh Sâm nằm trong số những chúa “xịn”. Vừa hào hoa phong nhã, xuất khẩu thành thơ, từng đối đáp với đại văn hào Ngô Thì Sĩ. Và là vị chúa Trịnh đầu tiên dám dẫn quân vào tận xứ Đàng Trong đánh thẳng vào kinh thành Phú Xuân, khiến cả nhà chúa Nguyễn và cậu bé Nguyễn Ánh phải tháo chạy vào Sài Gòn. Nếu mà đừng chết yểu như Nguyễn Huệ thì Trịnh Sâm rất có thể sẽ là người thống nhất Việt Nam.

Nhưng mà đời đâu như mơ và tình đâu như thơ, Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ đến quên hết mọi thứ. Một vị chúa tàn nhẫn, gian hùng như Trịnh Sâm mà hoàn toàn bị Đặng Thị Huệ dắt mũi. Đến mức khi vào Đàng Trong đánh quân Nguyễn, Trịnh Sâm có bắt được một viên ngọc dạ quang đẹp tuyệt vời. Chúa quý viên ngọc lắm nên thường cài nó trên khăn. Một lần Thị Huệ đưa tay cầm viên ngọc mân mê. Chúa mới sốt sắng: 

-Nàng nhẹ tay thôi, đừng làm trầy ngọc của ta.

Thị Huệ nghe vậy cầm viên ngọc ném ngay xuống đất rồi khóc lóc bảo:

-Chàng quý hòn ngọc ấy hơn thiếp hả? Bất quá thiếp vào Quảng Nam tìm hòn ngọc khác cho chàng. Cái đồ trọng của khinh người!

Nói rồi Thị bỏ về phòng và mấy ngày liền tránh mặt chúa. Chúa Trịnh xót của thì xót thật, não hết cả ruột gan luôn chứ không đùa. Nhưng vẫn phải mất bao công sức dỗ dành năn nỉ mới làm nàng vui lòng và chịu bỏ qua cho mình.

Thậm chí chúa không ngừng dùng tiền quốc gia, vắt óc nghĩ ra những thứ hay ho để chiều lòng Tuyên phi. Cứ đến dịp trung thu là chúa cho lấy gấm lụa trong kho ra làm đèn lồng. Gấm thượng hạng nha, không phải vải nhà quê đâu, mỗi cái có giá đến vài chục lạng vàng. Và dựng đến hàng trăm cây phù dung ven hồ Long Trì để treo đèn chỉ nhằm mục đích ghi điểm với Thị Huệ.

Một lần có một người Tây đem đến phủ chúa một lọ nước hoa rao bán với giá 10 xe ngọc. Cái giá rất cắt cổ, chúa Trịnh Sâm còn phải toát mồ hôi. Thị Huệ thích lắm nhưng chúa còn tiếc tiền, 10 xe ngọc chứ có phải 10 xe đá đâu??? Nàng dỗi, bèn phụng phịu bỏ ăn ba bữa làm Trịnh Sâm phải đồng ý mua mặc dù đắng hết cả lòng mề. Tội anh Sâm vãi, vớ phải con mẹ bánh bèo này đúng là quá đen, mà cũng tại ảnh dại gái quá.

Do chị được chúa yêu như thế nên em trai nàng là thằng đại dâm tặc Đặng Mậu Lân làm đủ chuyện khốn nạn mà vẫn không sao. Mậu Lân không ngán ai cả. Cái phủ của hắn ở Thăng Long to không kém phủ chúa, ăn uống thì cực kỳ kenny sang hoàng tộc. Trong nhà chứa cả trăm osin, cho đeo gươm. Mỗi khi hắn đi chơi là kéo nguyên băng đi cùng, uống rượu đánh nhau tưng bừng hoa lá mà lính gác đành bó tay. Đặc biệt Mậu Lân còn nuôi rất nhiều kiki, và hễ ra phố là bọn nó cũng được đi theo. Các kiki đều được mặc áo thêu, đeo chuông vàng, chạy lung tung ị đái khắp phố phường. Dân Hà Nội ngày đó cực ghét thằng trẻ trâu Mậu Lân.

Đặng Mậu Lân nổi tiếng khắp thành Thăng Long là một thằng mất dạy chuyên sàm sỡ con gái nhà lành, nhưng vì chị hắn là Tuyên phi nên mọi người bó tay. Có lần hắn dê một cô gái không được, liền cắt luôn vú cô ta, đồng thời tống cổ chồng cô vào tù luôn. Thậm chí con gái cưng của chúa Trịnh Sâm mà hắn cũng không tha.

-Cưng à, cho anh hun miếng.

Hắn đè cô bé xuống. Quan Sử nội giám lao vào can thì Mậu Lân nổi điên chém chết. Sau đó cắm thanh gươm trước cửa thách thức:

-Thằng nào vào tao đồ sát!

Nghe tin dữ, chúa phải sai người đem quân vây bắt Lân giải về phủ, giao cho triều đình xử tội. Các quan đều nói tội Lân đáng bêu đầu. Tuyên phi nghe tin khóc lóc xin chết thay em. Chúa bất đắc dĩ phải tha cho Lân tội chết và giảm xuống thành tội đi đày ở châu xa. Lân xếp dọn nhà cửa, mặc áo tù thủng thỉnh bước ra khỏi kinh, có sẵn thuyền để chở đi. Lân đem theo rất nhiều gái, tiếng đàn sáo véo von không dứt. Ra đến nơi chịu đày quan địa phương phải làm nhà cửa cho gã ở. Kinh chưa?

Tuyên phi Đặng Thị Huệ chiều em như thế thì đối với con trai còn thế nào nữa? Theo lẽ thì chúa Trịnh Sâm phải nhường ngôi cho con trưởng Trịnh Tông của Thái phi. Nhưng quá yêu Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà chúa cãi lời mẹ mình để truyền ngôi cho Trịnh Cán (chúa Trịnh Sâm nổi tiếng có hiếu nhé).

Trịnh Sâm là một người cực kỳ khang kiện mà từ khi cặp với Đặng Thị Huệ thì càng lúc càng đuối, phang phập, rượu chè, mới 44 tuổi mà đã sức tàn lực kiệt rồi qua đời. Trịnh Sâm có nhiều cung tần vào loại nhất trong các chúa Trịnh, tầm 400 bà. Như thế thì đến trâu bò cũng chết chứ đừng nói người. Trịnh Cán lên thay, nhưng mà thằng cu này rất ốm yếu. Trước học sách giáo khoa có trích tác phẩm Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông, nói về việc vào phủ chúa Trịnh, chính là để chữa bệnh cho thằng nhóc Trịnh Cán này đây.

Trịnh Cán làm chúa được có 1 tháng thì đã bị phe ủng hộ Trịnh Tông đạp xuống. Tuyên phi Đặng Thị Huệ giờ mới khổ, chúa Trịnh Sâm chết rồi thì ai bảo vệ bà? Mẹ của Trịnh Tông là Thái phi vốn cay Tuyên phi từ vụ cướp ngôi con bà, giờ mới thỏa sức trả thù. 

-Thị Huệ, lạy ta nào!

Thái phi buộc Tuyên phi lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi sai hai a hoàn đứng hai bên nắm tóc Tuyên phi dập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn kiên quyết không lạy là không lạy, cắn răng chẳng nói nửa lời. Thái phi điên máu quát:

-Đánh chết nó cho ta!

Đám a hoàn xúm lại đánh đập Tuyên phi túi bụi, phun nước miếng đầy mặt mũi bà. Tuyên phi bầm tím khắp người, vừa đau đớn vừa nhục nhã. Sau đó nàng bị bắt giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở, y như cảnh hoàng hậu với Dung ma ma hành hạ Tiểu Yến Tử trong Hoàn Châu Cách Cách. Một bữa chịu không nổi, bà bỏ trốn, nhưng sắp lên được đò thì bị quân lính bắt lại.

Sau một thời gian bị biệt giam, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Bà ngày đêm gào khóc:

-Chàng ơi cho thiếp theo với, sống thế này khổ không bằng chết! 

Đến ngày giỗ của chúa, Tuyên phi ngẩng mặt lên trời, bưng chén thuốc độc uống một hơi. Chiếc chén rơi xuống đất vỡ tan, bà ngã ra sau, máu tuôn xối xả từ miệng, hơi thở lịm dần rồi tắt hẳn. Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người đàn bà khuynh đảo Đàng Ngoài một thời, người khiến chính quyền chúa Trịnh 200 năm lung lay nghiêm trọng, chỉ còn chờ vua Quang Trung đến đánh gục, đã qua đời trong hoàn cảnh cô đơn lạnh lẽo tột cùng. Bà được an táng cách mộ chồng một dặm.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc