Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Phủ chúa Trịnh "hoành tráng" như thế nào?

Chia sẻ
phủ chúa Trịnh

Khi ấy nhà Lê lầy quá rồi, Trịnh Kiểm rất muốn cướp ngôi. Nếu ổng làm thật thì rất có thể lịch sử Việt Nam đã ghi tên vương triều nhà Trịnh. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm lập tức bật dậy can ngăn, nhanh như phút 89 đội nhà bị dẫn bàn trước mà cụ được vào sân thay người: 

-Vị huynh đệ xin hãy dừng tay, lão phu có đôi điều muốn nói.

Rồi phán câu sấm:

-Thờ Phật, giữ chùa thì ăn oản. Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong.

Có nghĩa là phò tá vua Lê, giữ vững vương triều nhà Lê thì không những được mang cái tiếng trung thần, mà lại còn sống sung sướng. Trịnh Kiểm nghe xong tâm tư lắm nhưng rồi cũng làm theo. Nhờ vậy mà tránh được vết xe đổ sau khi cướp ngôi nhà Trần của Hồ Quý Ly.

Kế đó Nguyễn Hoàng thấy anh ruột bị Trịnh Kiểm giết, bèn sai người đến xin ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc này đã 77 tuổi, đang sống ẩn dật ở Am Bạch Vân. Không trả lời trực tiếp, ông dẫn sứ giả ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và nói:

-Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.
(Một dải Hoành Sơn có thể dung thân được)

Thế là Nguyễn Hoàng vào nam trở thành chúa Nguyễn. Rồi khi Nguyễn Bỉnh Khiêm gần mất, nhà Mạc cho người đến hỏi ông nên làm gì đây. Ông đáp: 

-Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế.
(Đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng dựa vào đó có thể kéo dài được vài đời).

Thế là cục diện thiên hạ chia ba hình thành, Mạc ở trên, Trịnh ở giữa, Nguyễn ở dưới. Không kém thời tam quốc bên Tàu. Mình trộm nghĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm có số làm vua, mẹ cụ cũng muốn cụ lên ngôi hoàng đế nhưng chẳng được. Có lẽ vì vậy mà cụ nghịch cho thiên hạ đại loạn để đỡ bực mình chăng? =))

Nếu quả đúng như vậy thì chiếu theo điều 281 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:

-Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

Gần 300 năm đất nước bị chia cắt cùng hàng triệu người chết thì đủ nghiêm trọng chưa nhỉ? =)) Mà đùa tí cho vui thôi, chứ chắc cụ không có ý đó. Cụ Khiêm vẫn là nhà tiên tri số 1 trong lịch sử Việt Nam.

Trở lại với nhà Trịnh, thì lúc bấy giờ đẻ ra một hệ thống chính trị quái đản chưa từng có trong lịch sử Việt Nam là vừa có vua mà lại vừa có chúa. Cái này khá giống mô hình Mạc phủ bên xứ Đôrêmon, vua Lê chỉ là hình ảnh đại diện cho thương hiệu công ty, còn quyền lực nằm trong tay ông bầu Trịnh đứng đằng sau chỉ đạo.

Trịnh Kiểm mất thì con là Trịnh Tùng MTP lên thay. Tùng không còn là Tùng của ngày hôm qua nữa, liên tục lạm dụng quyền lực lộ liễu. Thậm chí xin vua cho làm vương mà vua cũng cho (vì không cho coi chừng tao à nha). Trịnh Tùng cho xây phủ chúa để sinh sống và làm việc. Bạn coi phim Tàu sẽ thấy cảnh vua chơi bịt mắt bắt dê với phi tần trong cung, “hoàng thượng mau tới bắt ta nha, hoàng thượng”. Thì chắc vua Lê khi đó cũng chẳng khác gì, rảnh rỗi quá mà. Mọi công việc của đất nước đều được đưa vào phủ cho chúa xử lý. Đúng kiểu em chỉ việc vui chơi thôi, còn cả thế giới cứ để anh lo.

Nói về phủ chúa Trịnh hay Soái phủ, tâm điểm của bài viết này. Thì nó là một tòa thành bằng gạch với hệ thống cung điện cực kỳ đồ sộ, chắc là công trình vĩ đại nhất mà Việt Nam từng thi công, chỉ sau Cửu Trùng Đài. Xây tới 1 thế kỷ rưỡi với mấy đời chúa cơ mà. Nó nằm ở trung tâm Hà Nội bây giờ, chỉ tính riêng cái khu nội phủ chứ chưa tính khuôn viên và các cổng bên ngoài nhé, là bao gồm khu bệnh viện Việt Đức, qua phố Tràng Thi, Thư viện quốc gia, Tòa án nhân dân tối cao, phố Hỏa Lò tới giáp phố Thợ Nhuộm. Mấy chỗ này bữa mình đi bộ đã thấy to phết.

Xung quanh phủ và ven các hồ lân cận thì các chúa cho xây dựng khá nhiều thứ như đình Tả Vọng trên nền Tháp Rùa ngày nay. Xây cung điện Khánh Thụy. Đắp núi Ngọc Bội để tôn vinh các chiến công ở bờ phía Tây hồ. Đặc biệt nhất là kỳ quan Ngũ Long Lâu mang hình 5 con rồng. Lầu này rất cao được dát bằng mảnh sứ và có đá cẩm thạch quấn quanh. 

Hồi đó Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có may mắn được mời vào phủ chúa để chữa bệnh cho Trịnh Cán. Ông vốn là người sống kín đáo, không thích check in, nhưng khi vào phủ chúa nhìn ngắm một lúc cũng thấy khoái quá. Thế là một tay thì bắt mạch cho Trịnh Cán, tay kia đăng tải một dòng trạng thái lên trang cá nhân để khoe ngay lập tức:

“Doctor Trac Đi tới cổng phủ, quan truyền mệnh dẫn qua hai lần cửa nữa rồi rẽ về phía trái. Tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng có cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song. Người giữ cửa truyền báo lệnh công đi lại tíu tít như mắc cửi. Vệ sĩ canh gác cửa cung, ra vào phải có phù hiệu…

Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu đài, đình, gác, rèm châu cửa ngọc, ánh nước mây lồng, suốt lối toàn hoa cỏ kỳ lạ, gió thoảng hương trời, thú đẹp chim quý, nhảy nhót bay hót, giữa đất bằng nhô lên ngọn núi cao, cây to bóng mát, nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước quanh co, lại có lan can toàn bằng đá màu. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác gì cõi tiên vậy.
Like Comment Share
Just Now”

Danh sĩ Nguyễn Án cũng không thể hoãn cái sự sung sướng đó lại khi ông có mặt tại phủ chúa ngay trong đêm lễ hội. Đâu phải dân đen nào cũng được phép vào một nơi sang chảnh như này trong một dịp như này? Tao phải cho bọn bên ngoài ăn bánh gato đến chết. Ông up ảnh rồi tag bạn bè vào điên cuồng:

“An Nguyen Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng rập rờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng…
Like Comment Share
5 minutes ago

150 likes

Comment 1 Chà ông sướng quá, up nhiều ảnh lên nhé.

Comment 2 Anh em report chết mẹ nó đi.

Comment 3 Muốn vào phủ thì mua vé ở đâu vậy Án huynh? Đi đông có giảm giá không?"

Nói chung Việt Nam mình không phải là không có kỳ quan nhân tạo, có điều mấy ổng đốt hết rồi hihi. Như Lê Chiêu Thống suýt bị Trịnh Bồng cướp ngôi, giận quá bèn đốt luôn phủ chúa. Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành và cháy trong mười ngày liền. Thời đó đâu có xe cứu hỏa nên bó tay rồi. Làm mất đi một quần thể kiến trúc đẹp của Hà Nội và di sản văn hóa thế giới, uổng dễ sợ. Btw, fuck you Lê Chiêu Thống.

P/s: Ai sáng tạo thì lấy đây làm bối cảnh để viết một câu chuyện tình. Chàng là Trịnh Romeo, nàng là Nguyễn Juliet. Hai người yêu nhau mà gia tộc ghét nhau nên vô vàn cách trở. Một hôm chúa Trịnh cho Hoàng Ngũ Phúc đem quân đánh Phú Xuân kinh đô chúa Nguyễn. Chàng giật mình, ban đêm lẻn ra khỏi phủ phi ngựa vượt sông Gianh vào nam để cứu nàng.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc