Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Thăm cố đô Hoa Lư

hoa lư

Tôi đến thăm Đại Thắng Minh Hoàng Đế vào một chiều cuối thu. Nơi đây ngày còn bé vua từng dạo chơi cùng bọn trẻ trong xóm, có cả Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú. Năm đứa nhỏ về sau lớn lên sáng lập ra triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam.

Cố đô Hoa Lư không bị con người động chạm quá nhiều nên vẫn còn giữ phong cảnh của thiên niên kỷ trước. Phóng tầm mắt ra xa tôi thấy núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng chọn để dựng đô được.

Mộ vua nằm lặng lẽ trên đỉnh núi Mã Yên, quanh năm hương khói đầy đủ. Khi đứng thắp nhang cho hoàng thượng tôi cảm thấy rất xúc động, vì trước mặt mình là di cốt của một anh hùng vĩ đại, mà nếu một nghìn năm trước có lẽ tôi cũng không có cơ hội đứng gần ông như vậy. Dân gian nói "Các vua Hùng mở ra đất nước, Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước". Ngày trước đọc Tam Quốc tôi cũng từng có cảm giác tương tự khi muốn ghé thăm Quan Vân Trường.

Bà cụ quét lăng bảo ai thành tâm lặn lội đến thăm thì ngài sẽ cảm động lắm và sẽ ban phúc cho. Khi xuống núi tôi thấy một cơn mưa nhỏ, lắc rắc trong một phút rồi tạnh. Bạn tôi bảo đấy là dấu hiệu của may mắn. Tôi không phải người mê tín dị đoan, nhưng quả thật sau đó tôi nhận được tin nhắn của mẹ:

"2 tháng nữa có người quen của mẹ ra bắc, con giữ gìn sức khỏe để đi tiếp lên cực Tây A Pa Chải và đỉnh Phansipan."

Chi tiết

Phòng tuyến Tam Điệp

tam điệp

Phòng tuyến Tam Điệp ở Ninh Bình này là điểm đóng quân khi vua Quang Trung ra bắc đánh Mãn Thanh. Ngô Thì Nhậm với Ngô Văn Sở bị Tôn Sĩ Nghị cho ăn hành ghê quá nên rút xuống đây bảo toàn lực lượng Tây Sơn trong khi chờ Nguyễn Huệ đến gánh team. Mình thấy nơi đây núi đá tự nhiên trùng điệp rất hiểm trở giống như tường thành vậy, công thủ đều tiện. Hồi xưa Đinh Tiên Hoàng chọn Ninh Bình làm thủ đô nước Việt là vì thế. Vua Quang Trung nhận xét:

-Thăng Long lại là nơi bị đánh cả bốn mặt, không có sông núi để nương tựa. Năm trước ta ra đánh đất ấy, chúa Trịnh quả nhiên không thể chống nổi, đó là chứng cớ rõ ràng.

Chỗ này cũng là nơi nghĩa quân ăn Tết sớm, trước khi làm tiệc to trong thủ đô vào mùng 7. Đang viết chap cuối, đoạn vua đến Tam Điệp nên có cảm hứng post hình này.
Chi tiết

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Nhận xét về con gái hai miền

con gái

Mình đi từ nam tới bắc nên cũng có chút nhận xét chung chung về con gái hai miền.

Con gái từ vĩ tuyến 17 trở ra bắc da trắng hơn, nét mặt có phần sắc sảo và thanh thoát nên đẹp kiểu quyến rũ, vóc dáng mảnh dẻ, giọng nói cao, tính cách khuôn thước theo công dung ngôn hạnh vì chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc và văn hóa truyền thống Việt ngày trước.

Con gái từ vĩ tuyến 17 trở vào nam, thì ngày xưa lúc chúa Nguyễn Hoàng đến Ái Tử (Quảng Trị) lập nghiệp, dân Việt mình được tiếp xúc gần gũi với dân Champa và Khmer, một phần sinh con đẻ cái mang gen của họ, cộng thêm các đặc điểm của môi trường, khí hậu, và thức ăn; do đó con gái miền nam da ngăm hơn, nét mặt mặn mà nên đẹp kiểu rạng rỡ, vóc dáng cũng nở nang và đậm người hơn, giọng nói ngọt và mềm mại, tính cách thoải mái như những người đi khai hoang mở đất ngày trước.

Ảnh: nữ sinh Sài Gòn trước 75.
Chi tiết

Thế mạnh quân sự lớn nhất của Việt Nam


Người Việt mình vóc người nhỏ bé, so về sức mạnh thì không bằng các dân tộc xứ lạnh phương bắc, bù lại đầu óc rất nhạy bén và nhanh trí, nói thẳng ra là ranh ma, nên nghệ thuật quân sự làm nên tên tuổi của Việt Nam chỉ tóm gọn ở 2 chữ: phục kích.

Địa hình nước ta như trong ảnh này rất phổ biến. Núi thì không cao nhưng cheo leo hiểm trở, cây cối và đầm lầy rậm rạp, thêm nhiều sông ngòi chạy cắt ngang. Quân mình cứ việc tính toán thời gian giặc hành quân sang rồi đặt bẫy, khi nó đạp bẫy thì mình từ bốn phương tám hướng xuất hiện để liên hoan xác thịt. Ví dụ: Bạch Đằng, Chi Lăng, Rạch Gầm - Xoài Mút, Dạ Trạch... Hoặc khi chúng nó không cảnh giác thì tung quân ra đánh. Ví dụ: Ngọc Hồi - Đống Đa, vv

Thực tế có những trận mình thử phang nhau trực tiếp với giặc rồi nhưng thường là từ chết tới bị thương. Như trận Bình Lệ Nguyên là trận đánh duy nhất với quân Mông Cổ tinh nhuệ thuần chủng. Đây là đội quân làm cỏ cả châu Âu, chinh chiến trăm trận, kinh nghiệm đầy mình. Vua tôi nhà Trần hổ báo trẻ trâu ỷ có voi lớn quân đông mà đánh càn. Kết quả là nhà Trần bị đập cho tan tác, bỏ cả Thăng Long mà chạy.

Hoặc như khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh. Thay vì chọn cách đánh du kích, bỏ hết tất cả để lên rừng, thì lại cho xây thành Tây Đô ở Thanh Hóa để cố thủ. Mà phòng thủ trong thành chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam. Bỏ sở trường để dùng sở đoản, thế là bị hốt xác nhanh chóng.
Chi tiết

Áo dài Việt Nam xuất phát từ Trung Quốc?

áo dài

Thấy nhiều bạn ngộ nhận áo dài của Việt Nam xuất phát từ sườn xám của Trung Quốc nhỉ? Tào lao. Áo dài có từ thời chúa Nguyễn, cụ thể là Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã sáng tạo và định hình nên chiếc áo dài như ngày nay để dân ta có trang phục bản sắc riêng mà mặc, chống lại ảnh hưởng của văn hóa phương bắc. Việt Nam mình có thể trông hao hao Trung Quốc ở nhiều thứ vì ảnh hưởng từ nghìn năm bắc thuộc, nhưng nghiên cứu kỹ hơn thì rõ ràng văn hóa Việt Nam rất khác Trung Quốc, từ kiến trúc. ẩm thực, âm nhạc, tín ngưỡng tới trang phục. Áo dài hoàn toàn là trang phục thuần Việt.

Nói chung mình thấy con gái Việt Nam mặc áo dài tuyệt đẹp, rất có thần, như kiểu sinh ra để dành cho nhau. Tôn dáng mà lại kín đáo, sang trọng. Đẹp nhất là hình ảnh một cô gái Việt mặc áo dài và cầm bông sen.
Chi tiết

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Việt Nam đã xâm lược và đồng hóa Chămpa như thế nào?


Ngày đó Việt và Chăm là hai kẻ ngang tài ngang sức. Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng thắng bại thời nào cũng có. Mình chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu, Chăm chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn. Do khác nhau hoàn toàn nên hai nước cũng có một sự thích thú nhau nhất định. Như hoàng đế Việt mình rất mê các vũ nữ Apsara của Chăm với thân hình nảy nở, làn da bánh mật và đôi mắt to. Người Chăm xây dựng rất đẹp nên Việt mình cũng dùng thợ giỏi của họ, nhìn thánh địa Mỹ Sơn với tháp bà Ponagar là đủ đảm bảo chất lượng tay nghề rồi. Ẩm thực và âm nhạc Việt sau này cũng tiếp thu của Chăm (nước mắm, vv). Thậm chí vua Trần Nhân Tông được Chế Mân mời qua Chăm chơi, ghiền tới mức ở 9 tháng mới về, chắc được tắm biển Nha Trang :)).

Vậy mà nay cái dân tộc đó mất hết chẳng còn gì. Chính sách diệt chủng tàn bạo của người Việt sau khi chiến thắng đã lấy đi tất cả nền văn minh Champa. Trong khi lịch sử Việt Nam mình bước tiếp thì lịch sử Champa đã vĩnh viễn dừng lại ở cái năm 1832 oan nghiệt đó. Bây giờ dân số họ chẳng bao nhiêu, lại nghèo khổ. Như các phụ nữ Chăm phải gùi thuốc lên Sài Gòn, Đà Nẵng bán qua ngày.

----

Minh Thành Tổ Chu Đệ khi xâm lược Việt Nam đã viết:

"Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót."

Sau đó khi đã thôn tính xong Việt Nam thì hắn ra chiếu lệnh thứ hai nhằm hủy diệt văn hóa triệt để hơn:

"Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian,… các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết. Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại."

Sự hủy diệt đó khiến Ngô Sĩ Liên, nhà sử học chứng kiến những sự kiện này than rằng:

"Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cuồng bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn."

Rồi 400 năm sau mình cũng đối xử với Champa như vậy chả khác gì. Vua Minh Mạng sau khi thôn tính Champa đã ra lệnh đồng hóa người Chăm thành người Kinh bằng cách buộc người Chăm phải mặc đồ người Kinh. Ngăn cấm tuyệt đối người Chăm không có quyền cúng kiếng hay thực thi nghi lễ tín ngưỡng của họ. Bắt buộc dân chúng Chăm phải làm nô dịch vô cùng nặng nề như việc nộp cống các loại gỗ quý, voi rừng, ngà voi, vv. Chưa kể còn buộc các vị tu sĩ Hồi Giáo phải ăn thịt heo và tu sĩ Ấn Độ Giáo phải ăn thịt bò.

Minh Mạng còn cho phép quan lại người Kinh đứng ra chỉ đạo, dùng roi gậy đánh đập người Chăm nếu họ làm nô dịch quá chậm chạp. Buộc người Chăm phải nộp thịt rừng như hươu, nai, thỏ, v.v.. Một khi người Chăm không tìm ra món thịt thú rừng, các quan lại người Kinh san bằng nghĩa trang Chăm, chưa nói đến việc đưa người Chăm ra xử trảm.

Chính sách trừng phạt của triều đình Huế đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ thống tổ chức xã hội Chăm để rồi trong gia đình người em không còn biết người anh là ai; cháu không còn tôn trọng bậc chú bác; các thành viên trong gia đình đối xử với nhau như người Chăm-Kinh, không ngần ngại kéo nhau ra thưa kiện trước pháp lý Việt Nam.

Hết nộp thuế nặng nề, dân chúng Champa phải nộp một số lượng gỗ cho chính quyền Việt Nam dùng để đóng tàu chiến, xe bò hay đốt lò gạch. Phải xây dựng đập nước và hệ thống thủy lợi cho ruộng lúa của người Kinh. Ra lệnh tịch thu tất cả ruộng muối của người Chăm, được xem như là mạch máu kinh tế của dân tộc này.

Sau năm 1832, dân tộc Chăm tiếp thu thêm một khái niệm mới về tham nhũng mà họ chưa từng nghe đến trong đời. Những quan lại người Kinh không ngừng đòi tiền hối lộ của người Chăm để được miễn nô dịch. Không ngần ngại chia đất đai người Chăm thành mảnh vụn để đóng thuế và hình thành chính sách cho vay nặng lãi để rồi chủ nợ người Kinh tha hồ chiếm đoạt tài sản và ruộng rẫy của người Chăm thiếu nợ, hay bắt họ làm vật thế chấp.

Nhằm dập tan các cuộc khởi nghĩa chống đối, vua Minh Mang ra lệnh cho mỗi binh lính người Kinh phải chặt ba cái đầu của người Chăm vào mỗi buổi sáng mới nhận được tiền lương. Lợi dụng điều này, người Kinh tha hồ chém đầu người dân Chăm vô tội, càng nhiều càng tốt, để đem nộp cho chính quyền Việt Nam hầu nhận tiền thưởng. Đây là cuộc diệt chủng người Chăm vô cùng kinh hoàng chưa từng xảy ra trong lịch sử Đông Nam Á.

Người Việt mình ưa hòa bình nhưng khi cần mở rộng lãnh thổ thì cũng cực kỳ tàn nhẫn. Nói chung nước nào cũng vậy, chả riêng Việt Nam. Thời chưa có luật pháp quốc tế và Liên Hiệp Quốc thì phang nhau cướp đất là chuyện bình thường. Ngay cả Mỹ còn tàn sát người da đỏ khi khai phá miền tây mà. 2/3 lãnh thổ Việt Nam bây giờ là nhờ đánh chiếm mà có được. Nước mình may mắn ở chỗ, nếu ngày đó Lê Lợi sống an phận hoặc Nguyễn Trãi theo cha qua ải Nam Quan sang Tàu thì chắc giờ mình cũng mất nước vĩnh viễn như Champa rồi.

Trước mình đi phượt có ghé qua Ninh Thuận và Bình Thuận, nơi từng là tiểu quốc Panduranga của Champa thì không thấy mấy người Chăm. Tự nhiên rùng mình, cả một dân tộc đông đúc ngang người Việt mình mà giờ bị tàn sát đến mức trở thành dân tộc thiểu số, chỉ còn lại các phế tích đền đài rải rác dọc miền trung. Dân Việt trên toàn thế giới tới 2015 là 90 triệu, còn dân Chăm thì cỡ... 400 nghìn. Nhỏ em kết nghĩa mình là potterhead và cũng là hậu duệ người Chăm, không biết nhỏ có thấu được nỗi đau mất nước của tổ tiên không? 

Mình vẫn còn nhớ chút bài thơ Trên Đường Về, và đã đọc khi nhìn thấy cái tháp Chàm đầu tiên ở Bình Thuận:

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi 
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian 
Những sông vắng lê mình trong bóng tối 
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.

Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn, 
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi 
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn 
Lừng hương đưa rộn rã tiếng từ qui.

Đây chiến địa nơi đôi bên giao trận 
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang 
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận, 
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.

Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc 
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi 
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp 
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui.

Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng, 
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh 
Đây chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng,
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành.

Đây trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo 
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà, 
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo, 
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa.

Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi 
Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập 
Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời.
Chi tiết

So sánh thời kỳ Tam Quốc và Tây Sơn

tam quốc

Mình là fan cuồng nhiệt của Tam Quốc nhưng đồng thời là người rất tâm huyết với sử Việt Nam. Do đó mình luôn muốn tìm được một thời kỳ của nước ta có thể sánh được với Tam Quốc. Mình chọn ra 3 cái là Trần - Mông Nguyên, Lam Sơn và Tây Sơn. Thì Tây Sơn là cái gần giống nhất. Để mình liệt kê sơ:

-Tam Quốc có 3 anh em Lưu Quan Trương, mình có 3 anh em Nhạc Huệ Lữ.
-Tam Quốc có Lữ Bố, mình có Nguyễn Hữu Chỉnh.
-Tam Quốc có Ngụy Diên, mình có Vũ Văn Nhậm.
-Tam Quốc có Khổng Minh, mình có Nguyễn Thiếp.
-Tam Quốc có Tư Mã Ý, mình có Nguyễn Ánh.
-Tam Quốc có Chu Du, mình có Lê Văn Duyệt.
-Tam Quốc có Đại Kiều, Tiểu Kiều, mình có Ngọc Hân, Ngọc Bình.
-Tam Quốc có Tôn Thượng Hương, mình có Bùi Thị Xuân.
-Tam Quốc có Đổng Trác, mình có Trương Phúc Loan.
-Tam Quốc có Quách Gia, mình có Bá Đa Lộc.
-Tam Quốc có Bàng Thống, mình có Ngô Thì Nhậm.
-Tam Quốc có Giả Hủ, mình có Ngô Văn Sở.
-Tam Quốc có Hoàng Hạo, mình có Bùi Đắc Tuyên.
-Tam Quốc có Hoa Đà, mình có Hải Thượng Lãn Ông.
-Tam Quốc có Tào Tháo, mình có Trịnh Sâm.
-Tam Quốc có Nghiêm Nhan, mình có Hoàng Ngũ Phúc.
-Tam Quốc có Tuân Úc, mình có Phan Huy Ích.
-Tam Quốc có Từ Thứ, mình có Nguyễn Đăng Trường.
-Tam Quốc có Bàng Đức, mình có Võ Tánh.
-Tam Quốc có Đặng Ngải, mình có Nguyễn Văn Thành.
-Tam Quốc có Tôn Quyền, mình có Nguyễn Phúc Cảnh.
-Tam Quốc có Lưu Thiện, mình có Nguyễn Quang Toản.
-Tam Quốc có Hán Linh Đế, mình có Lê Hiển Tông.
-Tam Quốc có Hán Hiến Đế, mình có Lê Chiêu Thống.
-Tam Quốc có Chúc Dung, mình có Ya Dố.
-Tam Quốc có Thủy Kính, mình có Trương Văn Hiến.
-Tam Quốc có Thục Hán ngũ hổ tướng, mình có Tây Sơn thập hổ tướng, Phạm Ngạn, Nguyễn Quang Huy, Phan Văn Lân...
-Tam Quốc có nhiều mưu sĩ , mình có Tây Sơn lục kỳ sĩ, Phạm Thái, Trần Văn Kỷ...
-Tam Quốc có nhiều anh thư, mình có Tây Sơn ngũ phụng thư.
-Tam Quốc có ngựa Xích Thố, Đích Lư, mình có Bạch Long, Ngân Câu, Ô Du, Xích Kỳ, Hồng Lư.
-Tam Quốc có song cổ kiếm, thanh cang đao, phương thiên hoạch kích, thanh long uyển nguyệt đao, bát xà mâu, mình có Tây Sơn thập thần vũ khí.
-Tam Quốc có Ngụy - Thục - Ngô, mình có Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn.
-Tam Quốc có rợ Nhung, rợ Nam Man, mình có Xiêm, Thanh, lính đánh thuê Pháp, hải tặc Tàu Ô...
-Tam Quốc có Thành Đô - Lạc Dương - Vũ Xương - Trường An, mình có Thăng Long - Phú Xuân - Gia Định - Quy Nhơn.
-Tam Quốc có 3 trận đánh lớn là Quan Độ - Xích Bích - Di Lăng, mình có 3 trận đánh lớn là Rạch Gầm - Ngọc Hồi - Thị Nại.
-Vân vân...

Dĩ nhiên so sánh trên chỉ là tương đối vì hai câu chuyện khác nhau. Nhưng cần gì phải giống người y hệt khi ta cần một "Tam Quốc" của riêng ta? Nếu ai bút lực tốt như La Quán Trung thì hoàn toàn có thể làm nên một bộ tiểu thuyết kinh điển, vì âm mưu quỷ kế tầng tầng lớp lớp và giai thoại dã sử trong giai đoạn Tây Sơn này rất nhiều. Chưa kể còn nhiều tình tiết có thật nhưng đầy tính hư cấu như: Nguyễn Nhạc ngồi vào cũi như con ngựa thành Troy để chiếm Quy Nhơn, hay Nguyễn Ánh là người duy nhất của gia tộc bị thảm sát, về sau trải qua bao phen suýt chết mà được làm bá chủ thiên hạ, vân vân...

Nếu viết thì nên chọn mở đầu là Tuyên Phi Đặng Thị Huệ phá nát nhà Trịnh, và kết thúc là khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế 1802 là đẹp.




So sánh 1 cách tương đối cốt truyện thời Tam Quốc và thời Tây Sơn:

Nguyễn Huệ khá giống với Tào Tháo, đều là những người có hùng tâm thống nhất đất nước và đều dở dang hoàn thành điều đó khi đã gần xong. Nguyễn Huệ ban đầu phò Lê Hiển Tông, nhân danh vua Lê đánh họ Trịnh, Tào Tháo ban đầu phò Hán Hiến Đế, nhân danh vua Hán đánh chư hầu. Là những người vui tính thích đùa, nhưng cũng vô cùng tàn bạo nếu cần, thà ta phụ người chứ không để người phụ ta. Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Xa, Nguyễn Huệ giết cả nhà Nguyễn Phúc Ánh. Tào Tháo bức tử Tuân Úc, Nguyễn Huệ thủ tiêu Vũ Văn Nhậm. Tào Tháo thảm sát Từ Châu, Nguyễn Huệ thảm sát Nam Bộ. Là những nhà cầm quân tài giỏi trong thời chiến, và nhà cải cách xã hội trong thời bình. Có trong tay rất nhiều nhân tài và trung thần nhờ dùng người khéo léo.

Nguyễn Ánh khá giống với Lưu Bị, đều là những người có ước mơ phục hưng lại gia tộc, Lưu Bị là dòng dõi nhà Hán, Nguyễn Ánh là dòng dõi nhà Nguyễn. Cả hai đều thua cực kỳ nhiều trước đối thủ truyền kiếp của mình là Tào Tháo và Nguyễn Huệ, chạy nạn rất nhiều nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc. Đều thoát chết rất thần kỳ, Lưu Bị ngồi trên ngựa Đích Lư nhảy vọt qua bờ sông bên kia khi bị truy sát, còn Nguyễn Ánh thì nhờ bão đuổi đối phương đi để chạy qua đảo Cổ Cốt. Họ biết cách thu phục nhân tâm, khiến người ta sẵn sàng chết vì mình, Lưu Bị được lòng dân Kinh Châu, Nguyễn Ánh được lòng dân Nam Bộ. Lưu Bị có ngũ hổ tướng Thục Hán thì Nguyễn Ánh cũng có ngũ hổ tướng Gia Định. Đời cả hai đều sang trang khi tìm được quân sư của mình, Lưu Bị tìm thấy Gia Cát Lượng, Nguyễn Ánh tìm thấy Bá Đa Lộc. Nhưng Nguyễn Ánh may hơn Lưu Bị ở chỗ đã trở thành người chiến thắng, thống nhất đất nước và khôi phục lại gia tộc của mình.
Chi tiết

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc