Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Chuyện kể về chúa Trịnh đầu tiên - Trịnh Kiểm

Chia sẻ
chúa trịnh trịnh kiểm

-Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ…

Góa phụ Hoàng Thị Dốc ôm cậu con trai 8 tuổi Trịnh Kiểm ngân nga. Đêm nay là rằm trung thu, hai mẹ con ngồi dưới cây đa đầu làng ngắm trăng sáng. Nàng Dốc hỏi:

-Con thương mẹ nhiều không?

-Con thương mẹ nhiều lắm.

Trịnh Kiểm ngây thơ nói. Cậu bé mồ côi cha khi chỉ mới lên 6, nàng Dốc vất vả một mình nuôi con. Hai người sống trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo ở cuối thôn Hổ. Hàng ngày nàng phải đi hái rau rừng để kiếm gạo cho Trịnh Kiểm ăn. 

-Con sẽ học hành cho thật giỏi, lớn lên đỗ đạt làm quan.

-Hứa đó nha.

-Dạ con hứa thật mà!

Kiểm nhìn mẹ, nhe hàm răng sún ra cười toe toét. Nàng cười rồi siết nhẹ cậu bé vào lòng, lắc lư hát tiếp:

-Gió không có nhà, gió bay muôn phương, biền biệt chẳng ngừng, trên trời nước ta…

---

Không phụ lòng mẹ, Trịnh Kiểm năm 16 tuổi cao lớn vạm vỡ. Cậu bé lại còn rất lanh lợi, biết ứng xử, giỏi đối đáp và đặc biệt là rất can đảm. Cậu thường tụ tập những đứa trẻ chăn trâu chia phe đánh trận trong rừng như Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa, và hễ phe nào có cậu thì luôn chiến thắng.

-Thôi tụi bay ở lại chơi nha, tao đi làm đã.

Kiểm vẫy tay chào đám bạn rồi vác rìu lên rừng chặt củi. Được bao nhiêu cậu đem bán hết mua đồ ăn cho mẹ. Chưa kể Kiểm rất chịu thương chịu khó, cậu còn đi làm thêm, gánh mướn quần quật suốt ngày. Quẹt mồ hôi trên mặt, Kiểm cúi đầu cám ơn người chủ:

-Vâng con xin ông.

Cầm số tiền còm cõi, Kiểm giắt vào lưng quần rồi đi bộ về nhà. Mẹ cậu đang ngồi trước sân thổi cơm, thấy bóng Kiểm đầu đường bà vội đứng dậy đón con trai. Buổi tối hai mẹ con ăn cơm rau với cá khô. Bà Dốc gắp cho Kiểm rồi nói:

-Ăn nhiều lên con, còn có sức làm việc.

Kiểm vâng dạ rồi lùa cơm vào mồm nhai ngấu nghiến. Kiểm làm công việc chân tay, tuy lương thiện nhưng tiền bạc không được bao nhiêu, thành thử bữa cơm của hai mẹ con luôn có phần… thanh đạm. Bà Dốc cười buồn:

-Mẹ xin lỗi vì đã không cho con được cuộc sống sung sướng như bao đứa trẻ khác.

Kiểm ngừng ăn. Ngẩng đầu lên nhìn mẹ, cậu ân cần:

-Sao mẹ lại nói vậy? Con cảm thấy cuộc sống hiện tại rất hạnh phúc. Có mẹ, có con, mình lao động chân chính kiếm miếng ăn thì có gì phải hổ thẹn?

Bà Dốc nhẹ nhàng:

-Mai là sinh nhật con rồi Kiểm, mà mẹ chẳng có tiền để làm cho con một bữa ngon lành.

Kiểm cười:

-Con đâu cần. Mà thôi, con có để dành được ít tiền mà, ngày mai con đãi mẹ nhé.

Nói là làm, hôm sau Kiểm ra chợ mua gà. Tên bán hàng thấy cậu nghèo khổ nên nói thách: 

-Không bán, gà này đắt lắm, mày không đủ tiền mua đâu.

Mặc cho Kiểm năn nỉ hết lời hắn vẫn cương quyết không bán. Biết mẹ thích ăn nên nhất định hôm nay cậu phải đem được gà về nhà. Đi ngang nhà hàng xóm thấy có bầy gà mái tơ. Kiểm đứng nhìn một lúc, thấy không có ai bèn rón rén vào sân cắp lấy một con đem về. 

-Mẹ ơi mẹ, con mua được gà rồi, đợi chút con luộc cho mẹ ăn.

Kiểm cầm hai chân con gà béo mập xách lên khoe. Bà Dốc cười, nhanh nhảu đi đun nước trong lúc Kiểm cắt tiết gà. Bỗng có tiếng huyên náo, Kiểm nhìn ra ngoài thì thấy dân làng ùn ùn kéo đến. Người hàng xóm trỏ vào Kiểm quát:

-Nó ăn trộm gà của tôi, trưởng thôn thấy rồi đó!

-Bắt nó!

Trưởng thôn gằn giọng. Ba bốn thanh niên xúm lại vật kiểm xuống, thêm mấy tên nữa xộc vào nhà túm mẹ Kiểm lôi ra sân. Lão trưởng thôn chậm rãi đi đến con gà đang bị vặt lông dở, rồi quay sang Kiểm hỏi:

-Mày có biết ở thôn này ăn cắp thì phải phạt thế nào không thằng kia?

Dân làng nhao nhao:

-Ném xuống vực!

-Phải, ném xuống vực!

Lão nạt, rồi ra lệnh hình phạt được thi hành ngay lập tức. Bà Dốc gào lên:

-Đừng giết con tôi, nó còn nhỏ có biết gì đâu? Chính tôi sai nó đi trộm gà đấy. Giết thì giết tôi này!

Trưởng thôn quắc mắt:

-Biết luật mà vẫn phạm luật. Được lắm, tha cho thằng nhỏ, ném mụ xuống vực!

Trịnh Kiểm vùng vẫy nhưng bị ba bốn người kẹp chặt, bất lực nhìn mẹ mình bị kéo đi. Nước mắt cậu ràn rụa:

-Đừng, đừng giết mẹ tôi, đừng giết mẹ tôi mà!

Lão trưởng thôn lạnh lùng:

-Phép vua còn thua lệ làng. Tha cho nhà mày rồi để cái thôn này loạn lên à?

Tim phổi Trịnh Kiểm đau như dao xé khi nghe những lời cuối cùng của bà:

-Sống tốt nhé con trai của mẹ...

-MẸ! MẸ ƠI! MẸ ĐỪNG BỎ CON MÀ!!!

Cậu tuyệt vọng vươn tay ra như muốn níu kéo bàn tay mẹ mình, bàn tay thân thương hằng đêm vẫn vuốt tóc cho cậu yên giấc. Tiếng thét của Kiểm vang lên tận trời xanh, rồi mất hút vào không gian…

---------
-----
---

Trịnh Kiểm ngồi trong sân vườn quạnh quẽ. Căn nhà vẫn còn đó nhưng mẹ cậu đã không còn. Gió thổi xào xạc vuốt ve khuôn mặt cậu như muốn an ủi chàng trai bất hạnh. 

-Mẹ ơi, con xin lỗi, con bất hiếu…

Bà Hoàng Thị Dốc nằm lặng dưới bờ sông. Bầy vẹt bay lượn dẫn đường cho Trịnh Kiểm. Cậu khóc tức tưởi khi nhìn thấy thi hài mẹ. Kiểm bế xác mẹ về nhà rồi an táng cẩn thận. Tình cờ có một thầy địa lý đi ngang, thấy ngôi mộ liền nói:

“Chẳng đế chẳng bá
Quyền nghiêng thiên hạ
Truyền được tám đời
Trong nhà dấy vạ.”

Rồi ông quay lưng bỏ đi, như mây như gió. Kiểm không hiểu, và lúc này cũng không còn tâm trí đâu mà hiểu. Trước mặt cậu giờ chỉ còn một màu đen tăm tối hòa cùng nỗi đau đớn và nước mắt. Dành chút sức lực cuối cùng, cậu bước đi vô hồn tới cây đa mà nhiều năm trước mẹ ôm cậu vào lòng xem trung thu. Kiểm nhắm mắt lại, một bầu trời đầy trăng sao hiện ra, ở nơi đó có nụ cười hiền hậu của mẹ. Cậu quỳ xuống lạy một lần cuối rồi bỏ đi khỏi làng mãi mãi…

Bấy giờ nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, vua Mạc Đăng Dung tuy không thảm sát nhưng đuổi tất cả hoàng tộc ra khỏi Thăng Long. Danh tướng Nguyễn Kim bất bình nên đã đem hết con cháu sang Lào. Bấy giờ Lào với Việt đang có giao hảo tốt nên chúa đất ấy mới tặng Sầm Châu cho Nguyễn Kim.

-Ta sẽ chọn đây làm nơi nuôi dưỡng sĩ tốt, chờ ngày khôi phục lại nhà Lê!

Nguyễn Kim nói với hai con trai Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Ông thu dụng được vài nghìn người, 30 con voi và 300 con ngựa. Theo lời thỉnh cầu của các tướng, liền trở về Việt Nam tuyên chiến với nhà Mạc. Lúc bấy giờ đối thủ của ông là con trai Mạc Đăng Dung, vua Mạc Đăng Doanh. Hai bên kịch chiến điên cuồng, ngang tài ngang sức nên bất phân thắng bại. Rồi một đêm mưa to, nước sông dâng lên, nhà Mạc dùng thuyền chiến xuất trận, Nguyễn Kim đại bại phải chạy ngược về Lào.

-Không ổn rồi, phải tìm cách khác.

Nguyễn Kim trăn trở. Cuối cùng ông cũng tìm được một người hoàng tộc, đưa lên ngôi ngay tại Lào, sử gọi là vua Lê Trang Tông. Có giai thoại rằng mẹ ông từng tình cờ được gặp vua Lê Chiêu Tông, sau đó có mang và sinh ra ông, gọi là Chổm. Chổm nhà nghèo đến mức nếu sống ở năm 2015 là phải lên chương trình “Cặp lá yêu thương” của VTV để kêu gọi các nhà hảo tâm rồi. Cậu phải đi vay mọi người để sống qua ngày và hứa sẽ trả đủ nợ. Bỗng gặp lúc Nguyễn Kim khởi binh chống nhà Mạc, tìm được Chổm là dòng dõi nhà Lê nên lập làm vua.

Công cuộc diệt Mạc thắng lợi, vua Chổm trở lại kinh thành Thăng Long. Khi đi qua làng cũ một số người bán chịu cho Chổm ngày xưa đổ lại đòi tiền. Họ không biết Chổm làm chức gì nhưng thấy được đi xe giá, quân lính hộ vệ thì chắc là Chổm đã thành đạt, làm quan to. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng cũng đổ xô lại đòi. Người người tấp nập đầy đường, chỉ vào vua mà đòi nợ. Chổm ôm đầu thốt lên:

-Đậu xanh, đâu ra lắm anti fan thế, mấy ông kia tui có quen đâu mà đòi? Ê ê xê ra coi, bu lại đông quá sao xe đi. Đúng dân Việt Nam...

Nhà vua không biết ai và cũng không biết làm sao mà trả cho hết nên truyền miễn thuế một năm cho dân cả làng để trừ. Mặt khác, triều đình ra lệnh cấm những người đòi nợ được chỉ tay xúc phạm vua. Do đó con đường nhỏ có tên là Cấm Chỉ - ngõ có tên tồn tại đến ngày nay ở Hà Nội. "Nợ như chúa Chổm" trở thành một thành ngữ chỉ những người thiếu nợ quá nhiều. Người đời có câu ca dao:

"Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm mắc nợ tì tì
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô."

Trở lại, Chổm vừa lên làm vua đã cùng Nguyễn Kim bàn bạc:

-Ta nhờ nhà Minh đánh bọn Mạc, được chăng?

-Chỉ còn cách đó.

Chổm cho người vượt biển sang nhà Minh, méc tội trạng của Mạc Đăng Dung và xin nhà Minh đánh dẹp. Vua Minh nhận tờ tấu, cất quân sang hỏi tội Mạc Đăng Dung. Thượng hoàng nhà Mạc nghe tin liền thất kinh. Không còn cách nào khác, ông buộc phải nhịn nhục lên ải Nam Quan xin thần phục và trả lại các đất cũ ngày xưa thuộc Tàu để quân Minh rút lui. Nhờ đó nước ta tránh được viễn cảnh đô hộ khủng khiếp như sự cố Hồ Quy Ly ngày xưa.

Nguyễn Kim khởi nghĩa tái lập nhà Lê rồi, thế Nam - Bắc triều giữa vua Lê và vua Mạc hình thành. Lại nói về Trịnh Kiểm bỏ quê đi lưu lạc, không ai rõ đi đâu, nhưng cậu vốn là người giỏi giang tháo vát nên được nhà giàu nhận vào ở đợ, giao cho việc chăn ngựa. Nhờ đó Kiểm rất rành về loài vật này, có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và huấn luyện ngựa, nhất là ngựa chiến. Đây có thể xem là tài lẻ mà cậu học được trong hành trình bôn tẩu giang hồ. Trịnh Kiểm là một tay kỵ mã tài giỏi nên nhà Mạc phát hiện và tin dùng, giao chăm sóc huấn luyện đàn chiến mã hay nhất của mình ở Thọ Liêu. Được ít lâu có người khuyên Trịnh Kiểm:

-Ông không nên cộng tác nữa vì nhà Mạc phi nghĩa. Tốt hơn theo ông Nguyễn Kim dưới miền nam để cùng chống Mạc.

Trịnh Kiểm nghe theo, nửa đêm trốn đi, mang theo con ngựa chiến đầu đàn. Nguyễn Kim có được ông thì mừng lắm:

-Có Trịnh Kiểm xuất chúng ở đây thì đại sự ắt thành!

Quả thật có lần khi quân Mạc tấn công vào kinh thành, Nguyễn Kim bị vây khốn đốn giữa vành đai của địch. Trước đó Kim đã giao ước với các tướng rằng:

-Ta sẽ gả con gái cho bất cứ ai giải cứu được ta và nghĩa quân.

Trịnh Kiểm đứng bật dậy hô lớn một tiếng rồi nhảy lên ngựa phi thẳng vào lòng địch chém giết, dũng mãnh như Triệu Tử Long ngày xưa xông vào biển quân Tào cứu chúa. Một đường máu được mở ra, Nguyễn Kim và nghĩa quân rút lui an toàn. Vì vậy theo lời hứa Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho Kiểm và giao nhiều trọng trách, đặc biệt là việc huấn luyện kị binh. Vua Lê thấy Kiểm đẹp trai nên phong tước cho ông. Sự nghiệp của cậu bé nghèo Trịnh Kiểm ngày xưa giờ thăng tiến vùn vụt. 

Một hôm, Nguyễn Kim được một hàng tướng nhà Mạc tên Dương Chấp Nhất dâng cho quả dưa:

-Dưa ngọt nhà trồng, mong ngài dùng thử.

Nguyễn Kim tin thật nên cười rồi cũng thử vài miếng. Ông về nhà thì bỗng thấy trong người khó chịu, đầu váng mắt hoa, rồi lục phủ ngũ tạng đau như bị cào xé. Trịnh Kiểm thấy cha vợ da nổi đầy những vết đen, hộc máu đổ gục xuống thì hốt hoảng, vội gọi quan ngự y rồi đưa ông lên giường. Nguyễn Kim thều thào:

-Ta bị phản bội… Không còn sống được nữa… Anh hãy thay ta chăm sóc Ngọc Bảo, Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng nhé. Hãy tận trung với triều đình, đừng bỏ cuộc, Trịnh Kiểm…

Nói rồi tắt thở. Kiểm rưng rưng, lo liệu an táng cho ông chu đáo. Sau đó toàn bộ quyền lực của nhà Lê rơi vào tay Trịnh Kiểm, với tước hiệu Thái sư Lạng Quốc Công. Từ khi lên nắm binh quyền, Trịnh Kiểm ra sức củng cố lực lượng, chiêu mộ nhân tài, nên quân đội Nam Triều ngày càng hùng mạnh, khiến cho nhà Mạc ở phía Bắc phải kiêng nể. Tuy danh vọng tột đỉnh nhưng hằng ngày ông vẫn đứng nhìn về cố hương mà khóc:

-Mẹ ơi mẹ, con đã thực hiện được lời hứa ngày xưa, mà giờ mẹ đâu rồi…

Phàm khi người ta đã tới đỉnh cao quyền lực thì không muốn chịu nhún mình trước ai. Kiểm lên kế hoạch phế bỏ vua Lê để tự mình lên làm trùm, thế nhưng vẫn còn chút lưỡng lự:

-Ta phò nhà Lê chống nhà Mạc, giờ chính ta lại cướp ngôi nhà Lê, e rằng thiên hạ phỉ nhổ.

Thế là ông cho người tới hỏi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình cũng khuyên:

-Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.

Trịnh Kiểm hiểu rằng muốn được cái tiếng trung, mà dòng họ lại vinh hoa phú quý thì tốt nhất là cứ làm thần tử nhà Lê. Thế là ông chưa một ngày làm vua, các con cháu ông cũng chưa một ngày nào làm vua, nhưng địa vị và quyền lực thì có thể coi như vua của Đại Việt, sử gọi chúa Trịnh. Ứng nghiệm với câu sấm ngày xưa: "chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ"

Còn một mối lo cuối cùng mà Trịnh Kiểm phải giải quyết để thực sự làm trùm cuối là các con trai Nguyễn Kim:

-Thà ta phụ người, chứ không để người phụ ta!

Trịnh Kiểm âm thầm giết chết Nguyễn Uông, và con mồi tiếp theo là Nguyễn Hoàng. Hoàng sợ hãi bèn nhờ chị ruột Ngọc Bảo xin cho vào phương nam để trấn thủ. Kiểm nghe vợ năn nỉ thì cũng xuôi xuôi, ông nghĩ:

-Đất Thuận Hóa còn được được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, nổi tiếng khô khát nắng nôi. Ta không cần phải ra tay chi cho mang tiếng. Cứ để thằng Hoàng vào đó là nó tự chết.

Ông ưng thuận và Nguyễn Hoàng lập tức thu xếp lên đường lánh nạn. Trái với tính toán của Trịnh Kiểm, ông cả đời gian hùng nhưng phút cuối lại quá ngây thơ để sổng đối thủ lớn nhất đời mình. Từ miền cát trắng cằn cỗi này, với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Hoàng đã góp phần dựng nên hình hài nước Việt gấm vóc để lại cho hậu thế hôm nay và ông cũng chính là vị chúa Nguyễn đầu tiên, ông tổ của vua Gia Long nhà Nguyễn. Bình minh của thời đại 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh đã dần lộ diện.

---
Clip ngày xưa mình làm. Do là ngày xưa nên hình tượng Trịnh Kiểm không giống lắm, hình dưới dây sát hơn :3: https://goo.gl/olRlIG

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc