Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Chuyện về cậu út Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Lữ

Chia sẻ

Người ta hay nhắc đến Bình Định như đất võ của Việt Nam. Ở đây võ thuật phổ biến đến mức về Bình Định người ta không mấy ngạc nhiên khi thấy những thiếu nữ xinh xắn tập võ. Có câu:

"Ai về Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định múa roi, đi quyền."

Hay:

"Chàng ơi đưa gói thiếp mang 
Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không."

Con người trong thiên nhiên chỉ là một loài động vật yếu ớt. Từ thời cổ đại đã không có sức khỏe, nanh vuốt như cọp beo, voi gấu. Vậy mà người Việt có thể chiếm cứ cả vùng đồng bằng to rộng, ngày cày cấy ngoài đồng, đêm nghỉ ngơi trong nhà. Tất cả đều nhờ võ thuật mới có thể đuổi rồng rắn chạy ra biển, đuổi cọp beo vào rừng sâu. Cuối cùng đến nguyên lý kẻ giỏi thắng, kẻ yếu thua. Phía bắc cự quân Hán, quân Đường, phía Nam thắng Chiêm Thành, Chân Lạp, mới có được nước Việt ta ngày nay.

Ba anh em nhà Tây Sơn thời đó có may mắn được cha gửi đến võ đường của sư phụ Trương Văn Hiến. Đây không phải người thầy đầu tiên, nhưng là người thầy tuyệt nhất. Ông ấy cả văn lẫn võ đều cao cường. Quy định của ông là anh đến học văn thì bắt buộc phải học võ. Còn đến học võ thì nhất định không được chê văn. Văn với võ phải bổ trợ cho nhau thì mới nên người được.

-Thầy ơi con thích lắm!

Nguyễn Huệ nhe răng cười. Sư phụ Trương Văn Hiến xoa đầu khi thấy cậu bé say sưa đọc hai bộ binh pháp của Tôn Tử và Trần Hưng Đạo. Nhờ vóc dáng chắc nịch, nên Nguyễn Huệ đánh đao rất bá, phát huy toàn bộ sức mạnh của Huệ. Thế nhưng người giỏi quyền cước nhất trong ba anh em lại là Nguyễn Lữ. 

Trái với Nguyễn Huệ to khỏe body sáu múi, Nguyễn Lữ người mảnh khảnh, tính nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Mặc dù ông học văn nhiều hơn võ nhưng võ gì ông cũng rành, đủ hết 18 ban võ nghệ và đặc biệt giỏi miên quyền (hay nhu quyền). Đây là một môn võ lấy yếu thắng mạnh, chuyên để tự vệ hơn tấn công. Ngoài ra Nguyễn Lữ sử kiếm cũng rất kinh khủng nhờ miên quyền, tạo ra môn miên kiếm. Thanh kiếm trấn phái của Nguyễn Lữ rất nhẹ nhưng mỏng sắc như dao lam, vì thế không binh khí nào đánh gãy được.

-Hây a!

Nguyễn Lữ vung tay lên đấm vỡ một tảng đá. Các đòn thế của võ Tây Sơn vô cùng nguy hiểm. Đòn phát ra cực nhanh, thiên biến vạn hóa, công thủ song toàn, vừa cương mãnh vừa uyển chuyển khiến kẻ địch rất khó đối phó. Nguyễn Lữ đã đưa võ Việt trở thành một môn phái độc đáo không kém võ Tàu. Nếu so sánh thì người Việt mình nhỏ yếu hơn người Tàu, mà võ Tàu thì phải luyện ít nhất là 10 năm mới đi hành hiệp được. Xem phim chưởng mà thấy nó rớt xuống núi lượm bí kíp rồi tự xưng minh chủ võ lâm thì đừng tin nha, hư cấu vãi làng. Do vậy nếu muốn quân Tây Sơn giỏi võ theo kiểu “lò luyện thi đại học cấp tốc” thì phải tìm cách khác.

-Đá đi gà, đá cho tao xem.

Trong một dịp tết, Nguyễn Lữ nhìn đôi gà chọi: một con to lớn kềnh càng dũng mãnh, mặt đỏ gay, tung các đòn nặng nề sát thủ và một con nhỏ bé linh hoạt. Ông chăm chú quan sát.. Chúng tung mình lên không, bốn chân sắc nhọn đạp vào nhau. Nguyễn Lữ gật gù ghi nhớ:

-À, mấy con gà nhỏ thường chui luồn, vồ xỉa khi đối đầu với gà lớn. Yếu có thể đánh mạnh. Thấp có thể đánh cao. Nhỏ có thể đánh lớn. Ít có thể đánh nhiều. Mình hiểu rồi.

Ông lập tức đứng bật dậy rồi thử mô phỏng lại tư thế con gà bé đó. Chân vung lên, tay quạt xuống, tập với một niềm say mê mãnh liệt. Nguyễn Huệ với Nguyễn Nhạc đi ngang, thấy vậy thì phì cười:

-Chú Tư làm gì kinh thế?

-Em tập võ.

Huệ trêu:

-Đánh với anh không?

Lữ gật đầu:

-Anh vào xem thử.

Huệ lập tức phi thân nhảy ra. Đầu tiên là một cú đá vòng cầu, Lữ nhanh như chớp lặn hụp. Huệ mất đà loạng choạng, nhưng cũng ráng bồi thêm một cú đá móc. Lữ tiếp tục né được. Ngay lập tức phản công, lấy ngón tay đâm vào ống quyển của Huệ khiến cậu té lăn ra đất. Lữ cười lớn rồi cầm tay anh kéo lên. Huệ nhăn nhó hỏi:

-Đây là võ gì lạ quá?

Lữ co một chân lên, giang hai tay như đôi cánh rồi đáp:

-Hùng kê quyền.

Người sau có thơ khen rằng:

"Hai gà đối chọi quyết tranh hùng
Đôi chân cùng bay móng hất tung
Trấn ải, thương vàng như cọp trắng
Giữ quan, kiếm bạc tựa thanh long
Tên độc lút hầu ngầm nơi mỏ
Ngoái đầu đâm ngực địch đến cùng
Chạy, nhảy, luồn, hụp xoay tứ phía
Mềm, cứng, yếu, mạnh ngầm ở trong."

Các chiêu thức của bài quyền Hùng Kê khi đánh ra lúc thì vây tứ phương tám hướng như trận đồ bát quái, như hồng thủy tràn về, lúc thì như nước lũ từ trên thác ập xuống bởi các đòn bay người lên cao rồi đột kích, sử dụng ngón tay trỏ mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà để đâm vào các tử huyệt trên cơ thể khiến đối phương khó lòng tránh né. Bài quyền này gắn liền với tên tuổi em út Tây Sơn tam kiệt.

Sở thích của Nguyễn Lữ là tôn giáo. Sau khi cha mất thì Nguyễn Nhạc về buôn trầu nối nghiệp cha nuôi mẹ và các em. Nguyễn Lữ xuất gia làm đệ tử Minh giáo, hay gọi là Hỏa giáo Ba Tư. Nói chung có thể xem Nguyễn Lữ như giáo chúng của giáo chủ Trương Vô Kỵ cũng được. Không rõ ông có học thêm được Càn Khôn Đại Na Di khi đầu quân cho Minh giáo không. :v

Tuy công lực của Nguyễn Lữ có thể xem là đại cao thủ võ lâm lúc đó, nhưng như mình đã nói, Lữ rất lành tính. Ông truyền đạo và chữa bệnh cho mọi người khắp vùng Tây Sơn.

-Thầy Tư Lữ giúp con tôi, nó yếu lắm.

Bà mẹ khẩn khoản, mắt đẫm nước. Nguyễn Lữ gối đầu đứa bé trên đùi mình, lấy trong túi ra một ít lá thuốc cho nó uống. Chẳng bao lâu cháu bé khỏi hẳn. Trên đường hành hiệp giang hồ, Nguyễn Văn Lữ nhờ đức tính dễ gần của mình cộng với sự tin tưởng vào bản thân tuyệt đối (không phải ảo tưởng sức mạnh đâu nhé), cùng môn miên quyền siêu đẳng mà ông đã vượt qua mọi hiểm nguy. 

-Thằng chó, đưa tiền ra không tao chém.

Tên côn đồ vung dao lên. Lữ chỉ cười:

-Hãy thức tỉnh đi, thức tỉnh đi hỡi người anh em!

Ông không bao giờ động thủ trước mà luôn sử dụng tuyệt kỹ “thông não đại pháp” mang thương hiệu của Naruto. Tuy nhiên nếu đối tượng tỏ ra quá trẻ trâu và không thể cảm hóa được thì lúc đấy hắn mới no đòn. Nhờ skill miên quyền mà bao thanh niên đã phải thốt lên "thật không thể tin được" trước khi bị ông thu phục, trong đó có nhiều anh hùng, lãng khách, những đại hiệp sống ngoài vòng xã hội. Sau này họ lại trở thành tướng sĩ nhà Tây Sơn.

Và rồi ngày Nguyễn Nhạc cất cờ khởi nghĩa đã đến. Dĩ nhiên ba người sống chết có nhau, Nguyễn Lữ cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi khi hai ông anh tham gia được. Lữ mới đầu được giao cho làm chân “kế toán”, phụ trách tài chính =)). Chưa kể do IELTS tiếng dân tộc được 9 phẩy nên Nguyễn Lữ có công rất lớn trong việc lôi kéo bà con thiểu số ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn. Lúc đánh Sài Gòn ông là tướng chuyên lo việc tiếp tế lương thực. Cướp được 200 thuyền gạo ông cho đem chở hết về Quy Nhơn. Nguyễn Lữ cũng là người phối hợp cùng Nguyễn Huệ vây bắt Nguyễn Ánh trong lần thứ ba chinh phạt miền nam, khiến Ánh khốn khổ phải chạy một vòng ra các đảo Cổ Long, Cổ Cốt rồi lại quay về Phú Quốc. May mà nhờ bão nên Ánh mới cắt đuôi được Tây Sơn.

Sau khi cả miền nam nằm trong sự kiểm soát của ba anh em thì Nguyễn Lữ được Nguyễn Nhạc giao cho giữ đất Gia Định. Ông đóng tại Sài Gòn, sử gọi là Đông Định Vương. Lữ chỉ là người có đức độ, không có tài trị nước. Khi cầm binh đánh dẹp, phần lớn nhờ công của các tướng tá phụ giúp và nhất là nhờ tài ba của Nguyễn Huệ. Cho nên khi giữ Gia Định, phần thì đất rộng dân thưa, các tướng tài phò tá chết già, chết bệnh gần hết. Hơn nữa ở miền nam người dân phần lớn lại trung thành với nhà Nguyễn, nên các tướng Nguyễn chiếm đóng được nhiều nơi hiểm yếu, kéo binh quấy phá thường xuyên. Và cuối cùng, “trùm cuối” Nguyễn Ánh sau 3 năm đã tự mình gây dựng được lực lượng hùng mạnh, chính thức tái xuất trên màn ảnh rộng:

-@$!@$!@ bọn Tây Sơn, cái gì của tao thì phải trả lại cho tao!

Nguyễn Lữ khi đó đang có bệnh trong người, nghe hùng binh Nguyễn Ánh kéo về “đòi nợ”, ngẫm mình không đủ sức nên ông bỏ đến Biên Hòa, rồi theo đường biển trở về cố hương. Trái với hai người anh hùng tâm tráng chí, muốn làm bá chủ thiên hạ, Nguyễn Lữ lại là người hiền lành, độ lượng, không cầu danh vọng, địa vị, chỉ muốn tự do tự tại. Đến Quy Nhơn gặp anh Nhạc, ông nói:

-Em để mất Gia Định, tội lớn khó tha thứ. 

Nguyễn Nhạc vốn thương Lữ nên không trách phạt, chỉ hỏi:

-Thôi thì ở lại Quy Nhơn với anh.

Lữ cười rồi lắc đầu:

-Nhà Tây Sơn đã dựng nên nghiệp lớn nhờ ở thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nguyễn Ánh ở miền Nam cũng có được ba yếu tố đó. Ta tuy đánh chiếm được Gia Định, song vì xa Trung ương, người dân miền Nam lòng vẫn nhớ nhà Nguyễn. Khi ta mạnh thì theo ta, khi địch mạnh thì theo địch, ta chưa đủ nhân tài để chinh phục nhân tâm, vì đất rộng người thưa. Đóng giữ Gia Định chỉ là tạm thời. Bình định miền nam mới là chính yếu. Em là người hèn mọn, chỉ giúp anh được một thời, còn tính kế bền lâu thì không đủ khả năng. Thân đã mệt mỏi vì chiến chinh, trí vẫn còn vương vấn đến nguồn đạo vĩnh cửu. Em chỉ có mấy lời tâm sự, xin anh hiểu thấu tấm lòng.

Nguyễn Nhạc hỏi:

-Em tính đi đâu?

-Phiêu bạt giang hồ.

Lữ quỳ xuống lạy Nhạc rồi đứng lên đi khỏi triều. Nguyễn Nhạc ứa nước mắt dõi theo. Nghe nói Nguyễn Lữ cưỡi ngựa đi khắp bốn phương trời, dùng tài chữa bệnh giúp người. Từ đấy mây ngàn hạc nội, không còn ai biết rõ thầy Tư Lữ ở đâu.

Về tác giả

Các bài viết trong blog của tác giả Phạm Vĩnh Lộc, một người yêu thích lịch sử Việt Nam.

Follow The Author

© Copyright 2016 by Phạm Vĩnh Lộc