Ngày trước Trần Thủ Độ sợ người khác họ cướp ngôi, thế nên ông mới đặt ra cái trò kết hôn trong họ để giữ ngôi báu như các Pharaoh Ai Cập. Dù điều này có thể hiệu quả trong giai đoạn Trần Thủ Độ còn sống, thế nhưng khi ông chết rồi thì thật châm biếm, người cướp ngôi nhà Trần đúng là một người bên họ ngoại: Hồ Quý Ly.
Tính ra Hồ Quý Ly cũng thuộc dòng hoàng tộc, khi cô ruột của ông là mẹ của vua Trần Nghệ Tông. Hồ Quý Ly được vua Nghệ Tông rất cưng. Cũng hiếm khi thấy ông vua nào cưng một người bên họ ngoại như vậy. Nhiệm vụ gì to tát cũng giao cho Quý Ly cáng đáng hết, kể cả việc trong cung lẫn khi đánh trận. Mặc dù Hồ Quý Ly đánh trận rất gà, thua là chính, nhưng Nghệ Tông vẫn ok không sao.
Nhà Trần lúc này đã rất yếu, y như một con bệnh sida thời kỳ cuối đang giật đùng đùng chờ đem chôn. Nói chung hom hem đến mức Chăm Pa nó còn vào được tận Thăng Long quẩy tưng bừng BA lần, và cứ mỗi lần như vậy là Nghệ Tông với Hồ Quý Ly lại “đưa nhau đi trốn”. Khi đó là thời Chăm Pa thịnh trị nhất vì có ông vua anh hùng Chế Bồng Nga. Nhưng thật sự Chế Bồng Nga chết lãng xẹt.
Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó rằng hôm ấy Chế Bồng Nga đem 100 chiến thuyền tới sông của Đại Việt để thị sát. Vua tôi nhà Trần ôm nhau khóc mà từ biệt đủ biết là họ đã khiếp sợ đến chừng nào. Nhưng thằng đầu bếp của Chế Bồng Nga nấu ăn dở quá, bị ổng đánh, thế là uất ức chạy qua bên Đại Việt méc Trần Khát Chân:
-Cái thuyền màu xanh đó chính là thuyền lão Chế, bắn nhiệt tình luôn đi anh trai.
Trần Khát Chân sau đó cho tập trung súng đạn lại bắn tẹt ga, bắn quên ngày mai, bắn quên tương lai vào thuyền vua Chăm. Cũng có tư liệu bảo là do bị tướng làm phản chỉ điểm thuyền vua, nhưng thật sự ai chỉ không quan trọng, kiểu gì anh Chế chẳng thành liệt sĩ. Đầu Chế Bồng Nga được đem vào trình vua giữa đêm. Nghệ Tông đang ngủ hoảng hốt nhỏm dậy tưởng mình đã bị vây bắt. Đến khi nghe được tin thắng trận, Nghệ Tông vui mừng nói rằng:
-Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ, thiên hạ yên rồi! Vui quá là lá la.
Vua hân hoan nhảy múa như chú chim chiền chiện báo mùa xuân về. Sau thất bại đó thì Chăm Pa thọt banh xác luôn vì sau này gần như không còn vua giỏi nữa, thời kỳ bị Việt Nam ăn hiếp bắt đầu, nhưng đó là chuyện về sau. Giờ quay lại triều đình nhà Trần, Hồ Quý Ly ngày càng tác oai tác quái. Thanh niên nào thái độ lồi lõm là anh Ly xử không đẹp không ăn tiền, nên rất nhiều hoàng tử, thân vương đã phải bay thẳng lên nóc tủ mỉm cười sau nải chuối. Có lần một người dâng sớ tâu vua rằng coi chừng nó cướp ngôi, thì vua lại đem cho Hồ Quý Ly đọc. Nghệ Tông tin tưởng Hồ Quý Ly một cách lạ lùng. Mọi người chán quá éo ai thèm nói nữa.
Uy quyền của Quý Ly một ngày một to, vây cánh một ngày một nhiều, Nghệ Tông sau cũng dần dần thấy ớn, nhưng đã chậm lắm rồi. Ông bó tay, chỉ còn biết nhắc khéo Hồ Quý Ly sau này có gì giúp đỡ con mình. Nghệ Tông bắt chước câu của Lưu Bị nói với Khổng Minh khi băng hà, đại khái là nếu con ta có ngu quá thì ông hãy tự mình lên làm vua. Nhờ câu nói này mà Khổng Minh cảm động, thề giúp Lưu Bị, mãi mãi không cướp ngôi. Nhưng cũng tùy người mà xài, câu này Nghệ Tông nói với Hồ Quý Ly chẳng khác nào tự tay bóp… Rằng thôi con anh ngu lắm, ngai vàng này là của chú. Và sau khi Nghệ Tông băng hà thì Hồ Quý Ly bắt đầu diện áo vàng tung tăng trong cung như hoàng đế chứ không còn ngán bố con thằng nào. Mấy năm sau thì anh ấy cướp ngôi thật.
Hồ Quý Ly lên ngôi, đặt tên nước mới là Đại Ngu. Nghĩa là Rất Ngu, Cực Kỳ Ngu, Ngu Không Thể Nào Ngu Hơn Được Nữa. Trong lịch sử tôi chưa bao giờ thấy một ông vua nào đặt quốc hiệu có tâm hơn thế. Nhưng Ngu ở đây ta phải hiểu theo nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”, chứ đừng hiểu theo nghĩa khác tội ổng.
Nhà Hồ không phải là không có cái tốt, có nhiều cải cách quan trọng nhưng do Hồ Quý Ly làm lẹ quá nên người ta bị sốc thuốc, chưa tiêu hóa kịp với những cái mới. Cải cách thế nào thì bạn có thể tự tìm hiểu, liệt kê ra dài quá. Với cả fan của nhà Trần ngày ấy rất đông, thành ra Hồ Quý Ly bị lực lượng anti fan hùng hậu cả nước ném đá ngày đêm. Lúc ấy bên Tàu thì Chu Đệ cũng vừa cướp ngôi, mà thằng cờ hó này nổi tiếng hiếu chiến. Số anh Ly quá đen, vừa đông anti fan, mà lại gặp thằng vua Minh mới lên nó cho quân đánh với danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ”. Chu Đệ thì ác khỏi bàn. Hắn có vụ tru di thập tộc bên Tàu, chưa từng xuất hiện trong lịch sử với câu nói bất hủ: "Ngươi không sợ bị tru di chín họ sao? Đã thế thì gom hết môn sinh, bạn bè, hàng xóm lại cho đủ mười họ!"
Thật ra Hồ Quý Ly khi vừa lên ngôi cũng tính tới chuyện này, nên mới về Thanh Hóa bắt dân xây thành Tây Đô để nhỡ Thăng Long banh chành thì còn về đây mà thủ. Thành này xây liên tục không nghỉ, xây nhanh đến nỗi nhiều khi sáng dậy thấy ngón tay ngón chân của dân đầy mặt đất do bị cuốc trúng phải, kinh vãi đái. Nhưng cái dở của Hồ Quý Ly là ở chỗ dân Việt mình xưa nay giỏi ở khoản chui rúc, mai phục, lối đánh này đã nâng lên tầm nghệ thuật. Chứ còn nấp trong thành mà thủ thì chưa bao giờ. Hồ Quý Ly bỏ sở trường, dùng sở đoản nên thua là điều tất nhiên.
Ba cha con Quý Ly, Hán Thương, Nguyên Trừng bị bắt giải qua Tàu. Vua Minh Chu Đệ quát mắng Quý Ly rằng sao mày làm bề tôi mà dám cướp ngôi vua. Mà tôi thấy cái thằng vua này cũng hay thật, nói như tự chửi vào mặt mình, chính nó cũng vừa cướp ngôi chứ ai. Hồ Quý Ly sau đó bị đày đi làm lính tuần. Còn Nguyên Trừng thì bị bắt đúc súng phục vụ Đại Minh. Nhờ có công nghệ này mà nhà Minh một thời làm mưa làm gió.
Hồ Quý Ly tuy có tài mà cái đức bị mang tiếng dơ thì làm sao mà được lòng người, huống chi những cải cách của ông ta quá dồn dập, khiến đảo lộn cả xã hội một nước. Nói tóm lại, Hồ Quý Ly có khả năng, có tham vọng, nhưng làm chưa tới. Mặc dù những cải cách nghe thì có vẻ rất hay, nhưng thực tế thì không hợp lòng dân, vì cái tính của dân Việt mình rất ngại có thay đổi nếu họ chưa biết thay đổi đó có tốt hơn không. Thất bại của triều đại nhà Hồ khiến cho Việt Nam ta mất đi toàn bộ di sản truyền thống do Đại Minh hủy diệt, tạo nên vết đứt gãy cực kỳ khủng khiếp về văn hóa, để lại di chứng nặng nề trong lịch sử dân tộc. Sách của mình mà nó đem đốt như giấy vệ sinh thì còn gì là văn hóa nữa?
Tôi nghe nói Hồ Quý Ly bị bắt ở hang Thiên Cầm. Thiên Cầm nghĩa là đàn trời, mà cũng có thể hiểu là số trời định rằng Hồ Quý Ly phải bị bắt ở đây (thiên + cầm). Sau này có dịp đi Hà Tĩnh tôi sẽ ghé, nghe nói nó nằm cạnh bãi biển Thiên Cầm, khách sạn dịch vụ mọc lên cũng nhiều rồi chứ không đến nỗi hẻo lánh như ải Chi Lăng.